Làn sóng biểu tình ở Trung Quốc cho thấy người dân đã 'chán ngấy' sự kiểm soát của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tờ giấy trắng đã trở thành biểu tượng mới nhất của sự phản kháng trong các cuộc biểu tình ở Trung Quốc. Từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, đám đông người biểu tình vào cuối tuần qua đã giương cao những tờ giấy trắng để bày tỏ sự thất vọng của họ về các chính sách phòng chống dịch hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Giới quan sát cho rằng, người dân Trung Quốc đã 'chán ngấy' sự kiểm soát của chính quyền nước này.

Ở một đất nước được cai trị bởi một chế độ độc tài khét tiếng vì không dung thứ cho những người bất đồng chính kiến, những mảnh giấy trắng - biểu tượng cho những gì vẫn chưa được nói ra - đã trở thành một công cụ đắc lực cho những người Trung Quốc bất mãn, đổ thêm dầu vào một phong trào đã phát triển đến quy mô từng thấy trong những thập kỷ gần đây.

Cuối tuần qua, cư dân Trung Quốc ở ít nhất một chục thành phố đã xuống đường để yêu cầu chấm dứt chính sách không khoan nhượng Zero Covid của ĐCSTQ. Chính sách này vẫn tiếp tục gần ba năm sau đại dịch, đã giam giữ hàng triệu người trong chính ngôi nhà của họ, đồng thời hạn chế các sinh hoạt cơ bản hàng ngày nhằm giảm thiểu các ca lây nhiễm Covid-19.

Các cuộc biểu tình bùng phát sau vụ hỏa hoạn thảm khốc tại một tòa nhà cao tầng ở Urumqi, khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc, nơi một số cư dân đã bị phong tỏa trong hơn 100 ngày. Các quan chức báo cáo rằng vụ hỏa hoạn ngày 24/11 đã khiến 10 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cho rằng số người chết thực tế cao hơn khoảng 4 lần.

Các video từ vụ việc cho thấy một người phụ nữ tuyệt vọng la hét cầu cứu và lực lượng cứu hỏa không thể tiếp cận căn hộ, khiến người dân tức giận và đặt câu hỏi rằng, phải chăng các hạn chế Covid đã cản trở nỗ lực thoát hiểm và cứu hộ của cư dân? Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã bác bỏ cáo buộc này.

“Với các biện pháp phong tỏa như hiện nay, một khi mọi người bị mắc kẹt ở đó và nếu như hỏa hoạn bùng phát - điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai - vậy ai mà chẳng sợ chứ?”, một cư dân Bắc Kinh họ Vương nói với The Epoch Times vào ngày 27/11.

Cơn thịnh nộ sau đó nhanh chóng lan tỏa từ thủ đô đến phần còn lại của đất nước. Hàng nghìn người đã tập trung để tổ chức lễ tưởng niệm và đặt hoa cho các nạn nhân. Sinh viên trong khuôn viên trường đại học giương cao các tấm bảng mô tả một phương trình toán học được gọi là phương trình Friedmann, từ đồng âm của "freedman" (tự do).

'Nhân chứng lịch sử'

Một số người biểu tình thậm chí còn kêu gọi thay đổi chế độ và tăng cường tự do chính trị.

Những khẩu hiệu như "Tập Cận Bình, hãy từ chức!", "Đảng Cộng sản Trung Quốc, hãy hạ đài!", được hô vang ở Thượng Hải, nơi những ký ức sống động về đợt phong tỏa kéo dài hàng tháng hồi đầu năm nay chợt ùa về trong tâm trí nhiều người dân. Việc phong tỏa đã khiến cho cả những người giàu có cũng phải vật lộn để sinh tồn, cũng như dẫn đến cái chết của những người bệnh và người già vì không được chăm sóc y tế.

Ông Li (bút danh) nói với The Epoch Times vào ngày 27/11: “Sự giả dối của chính phủ không còn đánh lừa chúng tôi thêm nữa”. Ông Li ám chỉ những tuyên bố chính thức của ĐCSTQ rằng “năng lực tự cứu mình của một số người dân địa phương quá kém” khi đổ lỗi cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn ở Tân Cương.

“Thượng Hải của chúng tôi bị phong tỏa trong hai tháng và [tôi thấy hai vụ việc] có rất nhiều điểm tương đồng”, ông nói thêm.

Dong Zhengyi (bút danh), một sinh viên mới tốt nghiệp đại học nói với The Epoch Times rằng, cô đã nổi da gà tại hiện trường biểu tình ở Thượng Hải.

“Tôi cảm giác như tôi đã trở thành chứng nhân ​​lịch sử", cô nói.

Biểu tình ở Bắc Kinh chống lại các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc
Người biểu tình thắp nến tại một đài tưởng niệm trong cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 27/11/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Vào ngày 27/11, Dong và bạn trai của cô đã tham gia các cuộc biểu tình trên Đường Trung lộ Wulumuqi, một con đường được đặt tên cùng với nơi xảy ra vụ hỏa hoạn ở thủ phủ Tân Cương. Cô Dong, người từng tin tưởng ĐCSTQ sẽ giúp Trung trở nên Quốc phồn thịnh hơn, đã không khỏi kinh hoàng khi chứng kiến hàng chục cảnh sát đánh đập và bắt giữ những người biểu tình.

"Đây không phải là cách để giải quyết các vấn đề", cô nói, đồng thời khẳng định rằng điều này cũng không làm giảm ý chí muốn được lắng nghe của những người biểu tình.

Cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ một phóng viên của đài BBC trong nhiều giờ vào đêm hôm đó sau khi tấn công và còng tay anh ta. Động thái này đã buộc chính phủ Anh phải triệu tập đặc phái viên Trung Quốc vào ngày 29/11.

'Một cuộc nổi loạn'

Theo ông Miles Yu, Cố vấn chính sách cấp cao về Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump, các cuộc biểu tình lan rộng không phải là phản ứng đơn thuần trước thảm kịch ở Tân Cương, mà là sự tính toán "thâm sâu" hơn đối với sự cai trị của ĐCSTQ.

Ông nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng: “Khi đối đầu với ĐCSTQ toàn trị, người dân Trung Quốc thường cho rằng nếu họ không thể chọc giận ĐCSTQ, thì ít nhất họ cũng sẽ tránh xa. Tuy nhiên, các chính sách Zero Covid đã biến cả đất nước thành một nhà tù khổng lồ".

Đối với những người không theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Trung Quốc, việc bùng nổ các cuộc biểu tình có thể khiến họ bất ngờ, nhưng ông Yu thì không.

Ông chỉ ra các cuộc biểu tình lẻ tẻ từ những người lao động nhập cư trong quá khứ. Nhưng không giống như những trường hợp bất ổn đó, các chính sách Zero Covid của ĐCSTQ lần này đã ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp xã hội, bao gồm cả tầng lớp trung lưu rộng lớn của đất nước, những chủ nhà đã bị nhốt trong chính ngôi nhà của họ trong một khoảng thời gian quá dài.

“ĐCSTQ về cơ bản là mâu thuẫn với người dân Trung Quốc”, ông Yu nói.

Đồng tình với Yu, nhà vận động nhân quyền người Anh Benedict Rogers cho biết, các cuộc biểu tình là một hành động thách thức chế độ đàn áp của chính quyền Trung Quốc.

“Tôi tin rằng họ không chỉ sôi sục vì thất vọng trước các biện pháp phong tỏa hà khắc, mà còn nổi dậy để chống lại sự đàn áp rất nghiêm trọng, một kiểu nhà nước giám sát đã phát triển dưới thời ông Tập Cận Bình trong thập kỷ qua", ông Rogers nói trong chương trình "American Thought Leaders" của EpochTV vào ngày 28/11.

Theo ông Rogers, ĐCSTQ có một thỏa thuận bất thành văn với người dân Trung Quốc: để đổi lấy việc tuân thủ các quyền tự do chính trị và tôn giáo bị hạn chế nghiêm trọng, Đảng sẽ chủ trì một kỷ nguyên thịnh vượng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhưng với việc chính quyền Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách Zero Covid, vốn đã tàn phá nền kinh tế đất nước, thỏa thuận này đã bị đóng băng.

"Có vẻ như người dân Trung Quốc đang nhanh chóng nhận ra rằng, ông Tập Cận Bình đã vi phạm thỏa thuận đó bằng cách từ bỏ các biện pháp kinh tế thúc đẩy khu vực tư nhân. Ông ấy đang quay trở lại với một quy tắc ý thức hệ hơn nhiều", ông Rogers giải thích.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Cảnh sát xuất hiện để kiềm chế người biểu tình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 28/11/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Chính quyền siết chặt an ninh sau các cuộc biểu tình

Kể từ khi công chúng phẫn nộ, một số thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng một phần các biện pháp phòng chống dịch, nhưng các quan chức không có dấu hiệu thay đổi chính sách quốc gia.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 28/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã ngập ngừng hồi lâu khi một phóng viên hỏi liệu Trung Quốc có xem xét hủy bỏ chính sách Zero Covid để xoa dịu các cuộc biểu tình hay không.

Trong gần một phút, ông nhìn lướt qua các ghi chú và yêu cầu phóng viên lặp lại câu hỏi. Khi trả lời, ông Triệu nói với vẻ kém tự tin hơn bình thường, dừng lại nhiều lần khi khẳng định rằng những gì phóng viên hỏi “không phản ánh những điều thực sự đã xảy ra”.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của người dân Trung Quốc, cuộc chiến chống Covid-19 của chúng tôi sẽ thành công", ông Triệu Lập Kiên nói.

Cuộc phỏng vấn không được đưa vào bản ghi cuộc họp được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngày càng có lo ngại rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng chiến thuật quen thuộc là sử dụng bạo lực và đe dọa để dập tắt mọi biểu hiện bất đồng chính kiến ​​nào đang diễn ra. Đã có những dấu hiệu cho thấy bộ máy giám sát rộng khắp của Đảng đang bắt tay vào hành động để theo dõi và xác định những người tham gia biểu tình.

Vào ngày 28/11 và 29/11, một số lượng lớn cảnh sát đã ra quân tại các thành phố lớn để ngăn chặn những người biểu tình tụ tập. Rào chắn màu xanh lam được đặt tại các khu vực biểu tình ở Thượng Hải, trong khi cảnh sát chặn người dân ở lối vào tàu điện ngầm và đường cao tốc để kiểm tra điện thoại của họ.

TOPSHOT-TRUNG QUỐC-SỨC KHOẺ-VIRUS-PROTEST
Khung hình này được cắt từ đoạn video của AFPTV cho thấy cảnh sát đang giam giữ một người trên Phố Wulumuqi, nơi những người biểu tình tụ tập vào cuối tuần qua để phản đối các hạn chế về Covid-19, ở Thượng Hải hôm 28/11/2022. (Ảnh: Matthew Walsh/AFP/Getty Images)

Theo các nguồn tin ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác, những người biểu tình đã nhận được cuộc gọi từ cảnh sát hỏi về nơi ở của họ vào cuối tuần.

Một luật sư Trung Quốc nói với tờ The Wall Street Journal rằng, cô ấy nghi ngờ cảnh sát đã sử dụng dữ liệu trên điện thoại di động của người biểu tình, bao gồm cả những dữ liệu được thu thập bởi ứng dụng phòng chống Covid-19 bắt buộc của chính quyền, để xác định danh tính của họ.

Theo ông Yu, chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt của ĐCSTQ đã được đặt lên hàng đầu, bề ngoài là thể hiện ưu thế của chủ nghĩa xã hội so với phương Tây, vì vậy ĐCSTQ không còn đường lui.

Ông kết luận, ĐCSTQ “Không thể thừa nhận sai lầm. Mặc dù họ đã đi vào ngõ cụt và không có con đường phía trước, song họ vẫn tiếp tục đi cho đến khi bị dồn vào chân tường".

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Làn sóng biểu tình ở Trung Quốc cho thấy người dân đã 'chán ngấy' sự kiểm soát của ĐCSTQ