Làn sóng tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh: 20 nước từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn Olympic

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, v.v. đã từ chối ký vào “Thỏa thuận Ngừng bắn Olympic”, nhằm phản đối Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội. Có phân tích cho rằng, những hành vi phản nhân loại của ĐCSTQ đã khiến các nước phương Tây thức tỉnh.

Vào ngày 2/12, "Nghị quyết Ngừng bắn Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh" do Bắc Kinh và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cùng soạn thảo đã được đệ trình lên Liên Hợp Quốc (LHQ). Trong cùng ngày, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết này.

Nghị quyết ngừng bắn kêu gọi tất cả các quốc gia gác lại xung đột trước 7 ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh và sau 7 ngày (ngày 13/3) bế mạc Thế vận hội Người khuyết tật Bắc Kinh. Mục đích là để hai sự kiện thể thao này trở thành một phương thức thúc đẩy đối thoại hòa bình và hoà giải.

Tuy nhiên, kênh truyền thông Úc Sydney Morning Herald đưa tin rằng, 20 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, v.v. đã từ chối ký vào nghị quyết này, nhằm mục đích truyền tải sự bất mãn của họ đối với việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, vấn đề Hong Kong và vụ ngôi sao quần vợt Bành Soái, v.v.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối ký thoả thuận vì bất mãn việc ĐCSTQ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Phân tích: Tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ đã khiến phương Tây thức tỉnh

Nhà bình luận chính trị Lam Thuật (Lan Shu) phân tích với The Epoch Times rằng, ĐCSTQ đệ trình Thỏa thuận Ngừng bắn Thế vận hội Mùa đông chủ yếu vì sợ các nước phương Tây chỉ trích những hành vi xấu xa của họ như vi phạm nhân quyền, phản dân chủ, phản nhân đạo, v.v. trước và sau khi diễn ra Olympic.

"20 quốc gia đã từ chối ký vào thỏa thuận này bởi vì các nước phương Tây ngày càng nhận thấy rằng, ĐCSTQ có thể đe dọa hòa bình của các nước phương Tây và cộng đồng quốc tế trong tương lai. Do đó, họ lo ngại về vấn đề nhân đạo, thảm họa nhân quyền ở Trung Quốc Đại lục", ông Thuật nói.

"Các nước phương Tây hiện nay đã nhận thấy rõ ràng rằng, ĐCSTQ tổ chức Thế vận hội là muốn thiết lập hình ảnh một cường quốc trên thế giới. Họ đối xử với người dân Trung Quốc như thế nào thì họ sẽ đối xử với các nước phương Tây như vậy. Đó là lý do các nước phương Tây không muốn ký vào thỏa thuận này".

Quốc tế tẩy chay Thế vận hội Mùa đông

Thế vận hội Mùa đông dự kiến ​​khai mạc vào ngày 4/2/2022 tại Bắc Kinh. Từ năm 2020 đến nay, rất nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà dân chủ đã liên tiếp kêu gọi tẩy chay. Vào thời điểm Olympic ngày càng đến gần, làn sóng tẩy chay càng trở nên dữ dội hơn.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Trương Kiện nói với The Epoch Times rằng, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm 2008, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay. Nhưng những người ủng hộ khi đó cho rằng, sự kiện thể thao lớn này sẽ khiến ĐCSTQ phải xem xét lại, đồng thời hy vọng khi họ thể hiện được năng lực và sức mạnh trên trường quốc tế, họ sẽ cải thiện tình trạng nhân quyền.

"Nhưng 13 năm sau, người ta phát hiện rằng những người ủng hộ ban đầu đã ‘vỡ mộng’ về một ĐCSTQ tốt đẹp. Sự tàn bạo của ĐCSTQ đã đến mức diệt chủng và đến nay vẫn đang tiếp diễn. Người dân Trung Quốc vẫn đang sống trong một thời đại sợ hãi”. "Vì vậy, tẩy chay Thế vận hội Mùa đông đã trở thành một nỗ lực cơ bản về nhân quyền của những người khao khát tự do, công lý và hòa bình”, ông Trương nói.

Chính trị gia Mỹ chỉ trích ĐCSTQ làm ô uế Thế vận hội

Hôm 2/12, Chủ tịch Quốc hội và Hành chính Ủy ban Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Jeff Merkley và đồng Chủ tịch của Ủy ban, Đại diện Đảng Dân chủ James McGovern, đã tuyên bố khởi động dự án "Tù nhân Olympic" (Olympic Prisoner) và chỉ trích ĐCSTQ đã làm ô uế tinh thần Thế vận hội.

Hai người còn tuyên bố rằng, họ sẽ tập trung vào những người đã bị bỏ tù bất công bởi ĐCSTQ, đồng thời khuyến khích mọi người họ kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế và các đối tác của họ gây áp lực buộc ĐCSTQ trả tự do cho các tù nhân lương tâm, để tránh bôi nhọ tinh thần của Thế vận hội.

Minh Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Làn sóng tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh: 20 nước từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn Olympic