Lãnh đạo Hong Kong gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh vì luật an ninh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 3/6, trong bối cảnh gia tăng những chỉ trích về việc Bắc Kinh đang thắt chặt kiểm soát đối với Hong Kong, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã có cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bà Lâm nhắc lại rằng bà ủng hộ luật an ninh quốc gia của chính quyền Trung Quốc.

Ngày 28/5, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc đã thông qua dự luật an ninh quốc gia Hong Kong. Kể từ đó, Bắc Kinh đã nhận được chỉ trích trên toàn cầu vì không giữ cam kết bảo vệ quyền tự trị và tự do của Hong Kong theo thỏa thuận năm 1997 khi được Vương Quốc Anh trao trả lại đặc khu này.

Trong những tháng tới, ủy ban thường trực của NPC sẽ soạn thảo chi tiết về luật an ninh, sau đó sẽ được bổ sung vào Luật cơ bản - bản tiểu hiến pháp của Hong Kong, mà không thông qua cơ quan lập pháp địa phương.

Bà Lâm đã được hai quan chức hàng đầu của Hong Kong là Bộ trưởng Tư pháp Teresa Cheng và Bộ trưởng An ninh John Lee tháp tùng tới thủ đô Bắc Kinh. Theo truyền thông Hong Kong, họ đã gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, người chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề Hong Kong; Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí; và ông Hạ Bảo Long, giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao, cơ quan quản lý cao nhất của Bắc Kinh về các vấn đề Hong Kong.

Gặp gỡ tại Bắc Kinh

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đeo khẩu trang trong khi tham gia một cuộc họp báo về virus Corona vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Ảnh: ANTHONY WALLACE / AFP qua Getty Images)
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam đeo khẩu trang trong khi tham gia một cuộc họp báo về virus Corona vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Ảnh: ANTHONY WALLACE / AFP qua Getty Images)

Cuộc họp diễn ra tại Trung Nam Hải, trụ sở của ĐCSTQ tại Bắc Kinh.

Chiều ngày 3/6, sau khi hai bên thảo luận về luật an ninh quốc gia trong khoảng ba giờ đồng hồ, bà Lâm đã tổ chức họp báo. Tuy nhiên, bà từ chối đề cập đến những vấn đề chi tiết của cuộc họp với báo giới.

Bà Lâm cho biết: “Phó Thủ tướng Hàn Chính nói rằng, chính phủ cương quyết thực hiện luật này. Sự ủng hộ độc lập và bạo lực mang tính khủng bố tại Hong Kong là lý do để Trung Quốc quyết định ban hành luật an ninh quốc gia”.

Bà Lâm nói, ông Hàn Chính nhấn mạnh rằng luật pháp sẽ chỉ nhắm vào “một số người” có hành vi “đe dọa nền an ninh quốc gia”. Bà không nói rõ những hành vi này cụ thể là gì.

Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bày tỏ quan ngại rằng luật an ninh sẽ cho phép Bắc Kinh đàn áp bất đồng chính kiến. Vào tháng 6/2019 đã bùng nổ các cuộc biểu tình rầm rộ để phản đối dự luật dẫn độ, khiến dự luật này hoàn toàn bị loại bỏ. Kể từ đó, biểu tình đã phát triển thành phong trào đòi quyền dân chủ lớn hơn cho đặc khu, bao gồm cả quyền bầu cử phổ quát. Có nhiều người lo lắng luật an ninh sẽ nhắm vào người biểu tình.

Ngày 29/5, sau khi Trung Quốc thông qua Luật an ninh Quốc gia Hong Kong, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ đánh giá lại quan hệ với Hong Kong và sẽ thu hồi chính sách thương mại ưu đãi dành cho đặc khu này theo luật pháp của Hoa Kỳ.

Theo truyền thông Hong Kong, bà Lâm nói tại cuộc họp báo rằng Bắc Kinh sẽ mời đại diện từ nhiều lĩnh vực khác nhau của Hong Kong để lấy ý kiến về luật an ninh quốc gia.

Ông Andrew Leung, chủ tịch cơ quan lập pháp Hong Kong, được gọi là Hội đồng Lập pháp (LegCo), cũng sẽ được tham khảo ý kiến, bà Lâm nói.

Khi phóng viên hỏi bà Lâm về việc bà có thông tin cho các quan chức Trung Quốc về sự phản kháng của người dân Hong Kong và trên trường quốc tế đối với luật an ninh này hay không, bà Lâm không trả lời câu hỏi trực tiếp, mà nói rằng, trong thời đại thông tin này, Bắc Kinh đã biết về quan điểm ở Hong Kong và các nơi khác.

Bầu cử Hội đồng Lập pháp [LegCo]

Trong khi đó, Tam Yiu-chung, đại diện duy nhất của Hồng Kông ở ủy ban thường vụ NPC [bao gồm 175 ghế] đã đề xuất trong một bài viết ​​gần đây trên tạp chí ủng hộ Bắc Kinh Bauhinia rằng, những người phản đối luật an ninh quốc gia sẽ không được tranh cử vào LegCo.

Hui Chi-fung, một nhà lập pháp của Đảng Dân chủ, bị các nhân viên an ninh tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong (LegCo) chế ngự ngay trước khi bỏ phiếu về dự luật quốc ca gây tranh cãi vào ngày 4/6/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)
Hui Chi-fung, một nhà lập pháp của Đảng Dân chủ, bị các nhân viên an ninh tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong (LegCo) chế ngự ngay trước khi bỏ phiếu về dự luật quốc ca gây tranh cãi vào ngày 4/6/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử LegCo sẽ diễn ra ngày 6/9 và sẽ bỏ phiếu bầu tất cả 70 ghế, trong đó 35 ghế được bầu chọn trực tiếp bởi các khu vực địa lý, và 35 ghế còn lại được bầu bởi các nhóm lợi ích đặc biệt.

Ông Tam viết rằng: “Những người muốn tham gia vào cơ quan công quyền của thành phố với tư cách là nhà lập pháp hoặc ứng cử viên, thì không được phản đối luật an ninh quốc gia. Những người phản đối sẽ vi phạm Hiến pháp của Hong Kong, và sẽ bị loại”.

Các nhà lập pháp dân chủ Hong Kong đã phẫn nộ vì những tuyên bố của ông Tam.

Bên lề cuộc họp LegCo vào ngày 3/6, Lam Cheuk-ting, một nhà lập pháp của Đảng Dân chủ, nói rằng những ý kiến của ông Tam Yiu-chung đã vi phạm trắng trợn Hiến pháp Hong Kong - đó là tìm cách ép buộc một thành viên LegCo tuyên bố ủng hộ một vấn đề nào đó.

Ông Lam Cheuk-ting cũng đặt câu hỏi liệu có phải là ông Tam Yiu-chung đang tìm cách loại các ứng cử viên Đảng dân chủ khỏi cuộc bầu cử LegCo vào tháng 9 hay không.

Cuộc bầu cử LegCo được coi là một cuộc trưng cầu dân ý khác về chính phủ Hong Kong thân Bắc Kinh do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đứng đầu, sau khi các ứng cử viên Đảng dân chủ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hội đồng Quận Hong Kong vào tháng 11/2019.

Các chuyên gia cho rằng bà Lâm có thể hủy bỏ hoặc hoãn các cuộc bầu cử, vì sợ phe thân Bắc Kinh thất thế. Điều này có thể khiến Bắc Kinh phải bẽ mặt vì như vậy có nghĩa là đây là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm cho các chính sách của Bắc Kinh đối với Hong Kong.

Ngày 29/5, tại cuộc nói chuyện với Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng nếu bà Lâm quyết định không tổ chức cuộc bầu cử LegCo thì LegCo có nghĩa là “chiếc đinh cuối cùng trong chiếc quan tài” của nền tự do Hong Kong.

Phe dân chủ đang hy vọng có thể đảm bảo giữ ít nhất một nửa số ghế [70] của LegCo.

Ngày 3/6, ba nhà lập pháp của Đảng Công dân Hong Kong ủng hộ dân chủ cũng chỉ trích những nhận xét của ông Tam Yiu-chung. Ông Alvin Yeung nói rằng ông Tam đang dọa dẫm các nhà lập pháp hiện hành và người dân Hong Kong, đồng thời cố gắng “bịt miệng” bất kỳ ý kiến phản đối nào đối với luật an ninh quốc gia.

Ông Kwok Ka-ki yêu cầu chính phủ Hong Kong đưa ra phản hồi về tuyên bố của ông Tam, nếu không thì điều đó có nghĩa là ủy ban thường vụ NPC có quyền quản lý các vấn đề Hồng Kông.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo Hong Kong gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh vì luật an ninh