Lãnh đạo Nga – Trung điện đàm, cam kết sẵn sàng phối hợp, thắt chặt hợp tác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định mong muốn làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước. Giới quan sát cho rằng thông điệp này báo hiệu rằng cuộc xung đột ở Ukraine không làm giảm cam kết của Bắc Kinh trong quan hệ với Moscow.

Đây là lần điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc gặp trực tiếp hồi tháng 2, trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Từ đó, Bắc Kinh tiếp tục giữ gìn quan hệ với Mátxcơva và cố gắng trở thành một bên trung gian để tìm kiếm hoà bình cho Ukraine.

Trong thông cáo về cuộc điện đàm do phía Trung Quốc đưa ra, ông Tập cam kết duy trì quan hệ gần gũi với Nga, trong bối cảnh sự đối kháng từ Mỹ và các đồng minh gia tăng.

“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục duy trì ủng hộ lẫn nhau về lợi ích cốt lõi liên quan đến chủ quyền và an ninh, cũng như những vấn đề cả hai bên cùng quan tâm, làm sâu sắc hơn sự phối hợp chiến lược lẫn nhau, và tăng cường phối hợp trong các tổ chức quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế như Liên Hợp Quốc, cơ chế BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải".

Ông Tập cũng cho biết ĐCS Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với Nga để thúc đẩy sự tham gia với các quốc gia đang phát triển, nhằm hình thành trật tự quốc tế mang lại lợi ích tốt hơn cho hai nước.

Ông Tập nói: “Phía Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Nga để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài của quan hệ hợp tác song phương thiết thực".

Trong thông cáo về cuộc điện đàm, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết ông Tập thừa nhận “tính hợp pháp trong các hành động của Nga trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia cơ bản của mình trước những thách thức an ninh do các thế lực bên ngoài tạo ra”. Tuyên bố này có khả năng ám chỉ tuyên truyền của Nga rằng, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ukraine không được xem xét tư cách để trở thành thành viên NATO vào thời điểm Nga tiến hành 'chiến dịch quân sự đặc biệt' tại nước này hồi tháng Hai, và sẽ bị từ chối tư cách thành viên đó trên cơ sở các bên nộp đơn xin gia nhập NATO phải duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ ở tất cả các vùng đất mà Ukraine yêu sách.

Liên minh đang phát triển giữa ĐCS Trung Quốc và Điện Kremlin ngày càng khiến các quan chức phương Tây lo ngại kể từ khi ông Tập và ông Putin lần đầu tiên tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn” vào ngày 4/2.

Kể từ đó, ông Tập không tham gia vào các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine. Bên cạnh đó, ĐCS Trung Quốc đã nhất quán lập trường rằng các đòn trừng phạt về mặt tài chính quốc tế chống lại Nga là không hợp lệ, do đó đã cung cấp cho Nga một huyết mạch kinh tế quan trọng ở thị trường Trung Quốc đại lục.

ĐCS Trung Quốc cũng vấp phải vô số chỉ trích vì sự ủng hộ công khai của họ đối với Nga trong suốt cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Hoa Kỳ cáo buộc ĐCS Trung Quốc đang xem xét hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến. Tương tự, một báo cáo từ Ukraine cho rằng các tin tặc liên kết với ĐCS Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công mạng lớn vào Ukraine chỉ một ngày trước khi ông Putin phát động cuộc xâm lược.

Hiện tại, ĐCS Trung Quốc vẫn tiếp tục kiểm duyệt nghiêm ngặt các cuộc nói chuyện về cuộc chiến Nga-Ukraine trên mạng xã hội ở Trung Quốc đại lục và từ chối coi đó là một cuộc chiến tranh. Bắc Kinh coi đây là một “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga.

Điện Kremlin đã công khai ủng hộ các tuyên bố của ĐCS Trung Quốc về Đài Loan và cho biết thêm rằng, họ phản đối các nỗ lực của quốc tế nhằm gây ảnh hưởng đến các sự kiện đang diễn ra ở Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông.

Các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ đã nói rằng, quan hệ đối tác giữa ĐCS Trung Quốc-Điện Kremlin có khả năng sẽ trở nên sâu sắc hơn trong thập kỷ tới. Thêm vào đó, tình hình chiến lược mới này sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện địa chiến lược, vì Hoa Kỳ chưa từng đối mặt với hai đối thủ hạt nhân gần như ngang hàng cùng một lúc.

“Chúng ta đang ở thời điểm cần phải chia sẻ nhiều hơn nữa về kế hoạch hạt nhân và các hoạt động hạt nhân của mình, cũng như cách chúng ta sử dụng vũ khí hạt nhân, không chỉ là răn đe thông thường, mà cả trong một cuộc khủng hoảng", ông David Santoro, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, một nhà tư vấn chính sách đối ngoại, cho biết vào tháng Tư.

“Thật không may, đôi khi chúng ta nói về ổn định chiến lược như là nguyên tắc tổ chức giữa quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Trung. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được sự ổn định ngay bây giờ. Chúng tôi đang ở cùng một chỗ rất, rất tồi tệ với cả hai quốc gia này".

Cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đe dọa 'sẵn sàng gây chiến với Đài Loan', chỉ vài ngày sau khi ông Tập công bố một loạt 59 quy định mới nhằm chuẩn bị cho quân đội của ĐCS Trung Quốc thực hiện các hoạt động quân sự “phi chiến tranh”.

Không có giải thích chi tiết về điều kiện của một hoạt động quân sự “phi chiến tranh” trong lập trường của ĐCS Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến đang diễn ra của Nga ở Ukraine cho thấy một cách giải thích có thể xảy ra, đó là cả Nga và Trung Quốc đều không thừa nhận xung đột là một cuộc chiến.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Xem thêm:

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo Nga – Trung điện đàm, cam kết sẵn sàng phối hợp, thắt chặt hợp tác