Mỹ nỗ lực tái đối thoại nhưng Trung Quốc lại phớt lờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (29/5), Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã từ chối lời mời mời về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) vào cuối tuần này.

Động thái này gần như chấm dứt mọi cuộc đàm phán giữa hai quan chức quốc phòng Mỹ - Trung.

"Đêm qua, quân đội Trung Quốc đã thông báo với phía Mỹ rằng họ từ chối lời đề nghị hồi đầu tháng 5 của chúng tôi về tổ chức cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Lý Thượng Phúc tại Singapore vào cuối tuần này", thông cáo của Lầu Năm Góc gửi đến tờ Wall Street Journal cho biết.

Theo Lầu Năm Góc, việc Bắc Kinh "không sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận ý nghĩa giữa quân đội hai bên sẽ không làm giảm cam kết của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc tìm kiếm đường dây liên lạc cởi mở hơn với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc".

"Bộ Quốc phòng tin tưởng mạnh mẽ rằng việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa quân đội của Washington và Bắc Kinh là điều cần thiết để đảm bảo rằng sự cạnh tranh không dẫn đến xung đột”.

Trong nhiều tuần, giới chức Hoa Kỳ đã nỗ lực để thúc đẩy một cuộc gặp với Trung Quốc, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gửi một lá thư cho người đồng cấp Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hôm 25/5 cho biết những nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm tiếp cận quân đội Trung Quốc trong những tháng gần đây đều bị từ chối hoặc phớt lờ

"Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tin vào tầm quan trọng của các đường dây liên lạc mở với Trung Quốc và chúng tôi đã tìm cách xây dựng những kênh liên lạc như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi đề nghị điện đàm, hội đàm hay đối thoại", ông Ratner cho biết tại một sự kiện của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

Đầu tháng 5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Vienna, trong khi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cũng gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) tại Washington.

Mỹ - Trung leo thang cạnh tranh về chip, doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Trung Quốc
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (trái) lắng nghe khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu trong cuộc họp trực tuyến liên quan đến Đạo luật Chips với Tổng thống Mỹ Joe Biden, với các Giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo giới lao động vào ngày 25/07/2022 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Mỹ nỗ lực tái đối thoại với Bắc Kinh

Những nỗ lực tái thiết đường dây liên lạc trực tiếp đã dẫn đến bế tắc giữa các đồng minh dân chủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Đáp lại lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị về việc nối lại mối quan hệ với Trung Quốc, các quan chức Úc cũng đang tìm cách sắp xếp một cuộc gặp giữa Thủ tướng Anthony Albanese của nước này và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Động thái này diễn ra sau nhiều năm Bắc Kinh áp đặt đòn trừng phạt kinh tế lên Úc, bao gồm việc áp mức thuế cao "ngất ngưởng" đối với rượu vang và lúc mạch của nước này để đáp trả lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 của Úc.

Trong khi giới chức Mỹ đang tìm cách tái thiết một cuộc đối thoại thường xuyên với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Úc vẫn đang chuẩn bị cho kịch bản về một cuộc đối đầu có thể xảy ra trong khu vực, đồng thời ứng phó với những xung đột và nguy cơ can thiệp của nước ngoài.

Căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng leo thang

Hồi tháng 2, Hoa Kỳ đã bắn hạ một khinh khí cầu do thám nghi là của Trung Quốc, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố hai công dân Trung Quốc bị tình nghi có ý định hối lộ chính quyền nhằm phá hoại môn tu luyện Pháp Luân Công.

Ông John Chen, công dân Hoa Kỳ 70 tuổi sinh ra ở Trung Quốc, và ông Lin Feng, công dân Trung Quốc 43 tuổi, đã cố gắng “can thiệp vào Chương trình Tố giác của IRS, thông qua hối lộ và lừa dối”, nhằm tước quyền miễn thuế của một thực thể do học viên Pháp Luân Công điều hành, theo hồ sơ tòa án chưa niêm phong ngày 26/05.

Theo đơn khiếu nại, thông tin trong đơn tố giác mà hai người trên gửi đến Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) “thiếu cơ sở pháp lý và chứa đựng những luận điệu tương tự như những tuyên truyền mà chính quyền CHND Trung Hoa sử dụng để biện minh cho việc chính quyền này đàn áp và quấy rối các học viên Pháp Luân Công”.

Ông Chen và ông Feng, lần lượt cư trú tại thành phố Chino và Los Angeles của bang California, đã bị bắt tại nơi cư trú vào sáng sớm hôm thứ 6 (26/05), một phát ngôn viên của văn phòng FBI Los Angeles nói với The Epoch Times.

Cả hai phải đối mặt với cáo buộc lập âm mưu, hối lộ và rửa tiền. Ông Chen bị giam giữ mà không thể trả tiền để được tại ngoại. Cơ quan cảnh sát liên bang trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ (U.S. Marshals Service) sẽ đưa ông đến New York.

Dân biểu Mike Gallagher phát biểu tại một cuộc họp báo trước Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ, nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh tại Thành phố New York vào ngày 25/2/2023. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Dân biểu Mike Gallagher phát biểu tại một cuộc họp báo trước Hiệp hội Trường Lạc Hoa Kỳ, nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh tại Thành phố New York vào ngày 25/2/2023. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Vụ việc này đánh dấu vụ truy tố đầu tiên mà chính phủ Hoa Kỳ thực hiện nhằm ngăn chặn chính quyền Trung Quốc phá hoại môn tu luyện Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ. Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn.

Trong những năm 1990, môn tu luyện tâm linh này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, với ước tính có khoảng 100 triệu học viên ở nước này. Chính quyền ĐCSTQ sau đó coi sự lớn mạnh của nhóm này là mối đe dọa đối với quyền lực của họ và đã tiến hành một chiến dịch đàn áp khốc liệt đối với nhóm này trong 23 năm qua.

Hồi tháng 4, Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt giữ hai cá nhân được cho là thay Bắc Kinh điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở New York. Theo Bộ Tư pháp, một trong hai người đàn ông này đã tổ chức các cuộc phản đối ở Washington trước các cuộc thỉnh nguyện của học viên Pháp Luân Công khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ vào năm 2015.

ĐCSTQ được cho là đã điều hành khoảng 100 đồn cảnh sát ở hải ngoại tại ít nhất 53 quốc gia, trong đó có ít nhất 7 đồn cảnh sát bất hợp phát trên lãnh thổ Hoa Kỳ, theo Safeguard Defenders, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tây Ban Nha.

Tại Sydney, hai đồn cảnh sát được cho là đã bị phát hiện tại các khu dân cư có đông người Hoa sinh sống.

Trong khi đó, trên mặt trận địa chính trị, Mỹ tiếp tục hợp tác với các đồng minh thân cận ở khu vực Tây Thái Bình Dương để chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm ẩn về vấn đề Đài Loan.

Ở khu vực phía bắc nước Úc, nhân lực và khí tài của Hoa Kỳ tiếp tục đổ vào thành phố Darwin, đồng thời hoạt động luân chuyển hàng hải cũng diễn ra liên tục.

Song song với đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang hợp tác với Bộ Quốc phòng Úc thông qua thỏa thuận AUKUS để trang bị cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Thỏa thuận này cũng sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc trong các lĩnh vực tiên tiến như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, năng lực dưới biển và vũ khí siêu thanh.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ nỗ lực tái đối thoại nhưng Trung Quốc lại phớt lờ