Lệnh sơ tán giữa đêm khuya tại Tiên Đào - Hồ Bắc, hồ Thiên Đảo mở 9 cửa xả lũ, ảnh hưởng tới 300.000 dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mưa lớn đã gây ra thảm họa thiên tai tại Hồ Bắc nằm ở trung lưu sông Dương Tử, thân đập của hồ chứa Bạch Dương ở thành phố Hoàng Cương bất ngờ bị hư hại vào đêm 6/7, Tiên Đào ban hành lệnh sơ tán khẩn cấp vào đêm khuya. Mực nước hồ Thiên Đảo, nằm ở thượng nguồn sông Tiền Đường, đã tăng nhanh lên 107 m vào ngày 7/7 và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Chính quyền đã dồn lực xả lũ, khiến 300.000 người hoảng sợ.

Đến ngày 5/7, có 1.094 hồ chứa ở tỉnh Hồ Bắc đã vượt quá giới hạn lũ. Khoảng 6h30 sáng cùng ngày, hơn 11 quận và thành phố ở Vũ Hán, Kinh Châu, Ân Thi, Tiền Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc đã phát tín hiệu cảnh báo màu đỏ. Đài quan sát Khí tượng trung tâm Vũ Hán đã phát tín hiệu cảnh báo màu đỏ cho mưa bão. Dự kiến ​​ ở Hoàng Cương, Đoàn Phong, Hy Thủy và Tiên Đào, sẽ có lượng mưa hơn 100 mm, kèm theo sét và gió giật cấp 7-9.

Vào ngày 7/7, một tài liệu từ Bộ chỉ huy phòng chống lũ lụt của thành phố Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc đã được lưu hành với tiêu đề "Lệnh khẩn cấp. Nội dung về tình hình kiểm soát lũ nghiêm trọng hiện nay. Thị trấn Sa Hồ, Sở nông nghiệp và nông thôn thành phố, ngư trường Ngũ Hồ, trong tối nay, chuyển người già, người ốm yếu và tàn tật đến nơi an toàn. Tất cả những người sống trong khu vực hồ cá cần di chuyển sang khu vực dải đất cao gần tuyến quốc lộ".

Lệnh khẩn cấp nhấn mạnh rằng do tình hình cấp bách, cần thận trọng khi di chuyển vào ban đêm.

(Ảnh chụp màn hình mạng)

Cư dân mạng tố cáo chính quyền hết lần này đến lần khác cứ đến "nửa đêm canh ba" lén lút xả lũ? Đây liệu có phải là sợ rằng mọi người sẽ biết chuyện, hay là cố ý hành hạ người dân?

Một số cư dân mạng trên Twitter cho biết, kể từ ngày 7/7, đập Tam Hiệp đã xả lũ trong một tuần, từ 25.000 m3/s trước đó đến giờ là 55.000 m3/s. Thêm với việc ngày ngày ở hạ lưu mưa xối xả, mỗi giây xả 55.000 tấn nước, trong 1 giờ là 180 triệu tấn, một ngày 4,32 tỷ tấn nước. Trong khi dung lượng nước của toàn bộ Tây Hồ ( (hồ nước ngọt nổi tiếng nằm về phía tây thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang) là 14,29 triệu tấn nước, tương đương với việc Tam Hiệp xả lũ một ngày đổ xuống hạ lưu 3.023 Tây Hồ. Hạ lưu không thể chịu nổi!

Dữ liệu giám sát của Cục Khí tượng Hồ Bắc cho thấy kể từ ngày 8/7, vẫn còn những trận mưa lớn liên tục, tập trung ở phía tây nam Hồ Bắc, đồng bằng Giang Hán và đông bắc Hồ Bắc. Có những trận mưa lớn và mưa bão cục bộ tại Hoàng Cương, Hiếu Cảm, Ân Thi, Nghi Xương...

Vào lúc 9h ngày 4/7, Cục Khí tượng Hồ Bắc đã đưa ra phản ứng khẩn cấp tới cấp IV đối với các thảm họa thiên tai (bão). Vào lúc 9h30 sáng ngày 5/7, văn phòng đã nâng cấp lên cảnh báo lên cấp III.

Trận hồng thủy số 1 ​​của sông Dương Tử năm nay đã tràn vào hồ chứa Tam Hiệp vào lúc 12h ngày 4/7. Ủy ban Bảo tồn Nước sông Dương Tử của Bộ Thủy lợi đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ sông Dương Tử và phòng chống thiên tai hạn hán lên cấp III.

Hồ chứa Bạch Dương biến dạng và sập

Theo tin từ Hoàng Cương Nhật báo (hgdaily) vào ngày 7/7, huyện Hy Thủy, thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc đã trải qua mưa lớn từ ngày 5 - 6/7. Mực nước hồ Bạch Dương, hồ chứa lớn thứ hai trong huyện, đạt 85,6 m, vượt quá giới hạn tràn 1,12 m. Đây là mực nước cao nhất kể từ khi hồ chứa được xây.

Hồ chứa nước Bạch Dương nằm ở nhánh sông Bạch Dương, được xây dựng và sử dụng năm 1962. Thân đập của hồ chứa này đột nhiên bị thấm, biến dạng, và sụp đổ gần 1,5 m, diện tích biến dạng tới 2.400 m2. Một khi đập này bị sập sẽ gây nguy hiểm cho 3 thị trấn Đoàn Pha, Quan Khẩu, Uông Cương, và 22 thôn làng. Gần 30.000 cư dân địa phương đã được sơ tán.

Vào đêm ngày 5/7, một sĩ quan tuần tra đã phát hiện ra sự bất thường của con đập. Vào lúc 9h sáng ngày 6/7, mố trái của đập sụt lở khiến tình hình rất nguy cấp. Vào 12h trưa, phát hiện một khu vực tổn hại lớn hơn ở mặt sau của mố bên phải. Điều này đe dọa lớn tới sự an toàn của đập.

Khu vực biến dạng của hồ chứa Bạch Dương được đào móng và rãnh để dẫn nước. (Ảnh chụp từ Weibo)

Mặc dù chính quyền cho biết, tính đến 5 giờ ngày 7/7, đập tràn phân lũ thứ hai đã được đào thành công, lưu lượng xả là 15 m3/s, diện tích thiệt hại của đập không bị mở rộng. Tuy nhiên, Cục Khí tượng thành phố Hoàng Cương đã công bố thông tin cho thấy từ ngày 7 - 10/7, hồ chứa Bạch Dương sẽ có mưa lớn và lượng mưa tích lũy dự kiến ​​sẽ là 200 đến 350 mm. Vẫn còn mối lo về việc vỡ đập.

Cục Thủy văn của Ủy ban Bảo tồn Nước sông Dương Tử tiếp tục đưa ra cảnh báo màu vàng cho lũ lụt từ sông Giam Lợi đến sông Giang Âm . Mực nước hồ Bà Dương đạt 19,18 m vào ngày 5/7 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Đây là lần đầu tiên trong năm nay mực nước hồ Bà Dương vượt quá mức báo động.

Theo tình hình lũ lụt, dự báo thời tiết và thủy văn hiện nay, Trụ sở phòng chống lụt bão tỉnh Hồ Nam đã tăng cường ứng phó khẩn cấp cho việc kiểm soát lũ từ cấp IV lên cấp III. Mực nước của các trạm dọc theo trung và hạ lưu sông Dương Tử vẫn đang tăng. Mực nước tại trạm Liên Hoa Đường vượt quá mức cảnh báo. Đoạn từ sông Giam Lợi đến sông Giang Âm sẽ vượt quá mức cảnh báo. Mực nước ở trạm thủy văn mang tính biểu tượng của hồ Bà Dương cũng vượt quá mức cảnh báo.

Mực nước hồ Thiên Đảo tăng đến 107 m và vẫn tăng nhanh

Không chỉ là thảm họa ở lưu vực sông Dương Tử, mà "hồ chứa Tân An Giang", nằm ở thượng nguồn của sông Tiền Đường cũng đang đối mặt với các thử thách nghiêm trọng. Theo truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hồ chứa Tân An Giang thường được gọi là ‘Thiên Đảo hồ’ ở Kiến Đức, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, là hồ chứa lớn nhất khu vực miền Đông Trung Quốc. Do ảnh hưởng của mưa bão liên tục, 3 cửa của hồ chứa này đã được mở để xả lũ vào sáng ngày 7/7.

Sau khi mở 3 cửa, mực nước tiếp tục tăng. Đến 11 giờ sáng, mực nước của hồ chứa Tân An Giang đạt 107,43 m, vượt quá giới hạn kiểm soát lũ 0,93 m. Đến 12 giờ trưa, chính quyền đã mở 5 cửa để xả lũ. Mở 5 cửa sẽ xả nước lũ với tốc độ 2750 m3/s, vẫn không kịp tốc độ nước dâng.

Tính đến 3 giờ chiều ngày 7/7, mực nước hồ chứa Tân An Giang đã tăng lên 107,83 m, và tiếp tục tăng nhanh. Chính quyền cũng đã ra lệnh mở thêm 2 cửa vào lúc 4 giờ chiều, đổi thành "7 cửa" để xả lũ cùng một lúc, và nói rằng việc xả lũ có thể được tăng lên vào ngày hôm đó.

Ngay cả khi mở đến "7 cửa", mực nước vẫn tiếp tục tăng hơn 1 m. Chiết Giang bắt đầu ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ cấp I tại lưu vực sông Tiền Đường vào lúc 7 giờ tối ngày 7/7. Vào lúc 9h sáng ngày 8/7, có 9 cửa đã được mở khẩn trương để xả lũ. Các cửa xả lũ đã được mở lần đầu tiên sau 61 năm kể từ khi hồ chứa được xây dựng.

Theo báo cáo, việc xả lũ của "Hồ Thiên Đảo" đã ảnh hưởng đến 8 thị trấn dọc theo lưu vực sông Tân An, phố Dương Khê, thị trấn Hạ Nhai, phố Dương Thôn, thị trấn Đại Dương, thành phố Kiến Đức, với dân số khoảng 300.000 người.

Theo Dự báo Khí tượng Trung ương Trung Quốc, đã có mưa lớn ở lưu vực sông Tân An trong 3 ngày qua. Chính quyền thành phố Hàng Châu đã tăng phản ứng khẩn cấp kiểm soát lũ lên cấp I vào lúc 1h chiều ngày 7/7. Đây là mức cảnh báo cao nhất.

Kể từ khi mưa lớn kéo dài vào đầu tháng 6, có 26 tỉnh Trung Quốc đã bị ngập lụt. ĐCSTQ thừa nhận rằng các thiên tai khác nhau trong nửa đầu năm nay đã khiến tổng cộng 49.609 triệu dân bị ảnh hưởng, 19.000 ngôi nhà bị sập và 785.000 ngôi nhà bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, diện tích bị ảnh hưởng bởi 61.702 ha. Nhưng số người chết thực sự vẫn là một bí ẩn.

Thiên tai ở Trung Quốc trong nửa đầu năm chủ yếu là lũ lụt, mưa đá và thảm họa địa chất. Hiện tại, thảm họa nghiêm trọng vẫn đang mở rộng ở nhiều nơi.

Minh Thanh

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Lệnh sơ tán giữa đêm khuya tại Tiên Đào - Hồ Bắc, hồ Thiên Đảo mở 9 cửa xả lũ, ảnh hưởng tới 300.000 dân