Liệu có phải chính quyền Trung Quốc đang cản trở những nỗ lực tìm kiếm vắc-xin cho virus COVID-19?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi mối đe dọa về sự lây nhiễm của đại dịch mới đang gia tăng, các chuyên gia y tế đã dự đoán rằng Coronavirus mới (Covid-19) có khả năng sẽ lây lan đến mọi quốc gia trên thế giới. Họ cũng cảnh báo rằng nếu dịch bệnh càng kéo dài, nó càng có nguy cơ sẽ trở thành một đại dịch toàn cầu và đe dọa lây nhiễm cho hàng triệu người.

Mối đe dọa về việc lây nhiễm đang gia tăng do Covid-19 có khả năng đột biến

Có thể nói, nếu quá trình kiểm soát virus càng chậm, thì việc tìm ra vắc-xin chống virus càng trở nên khó khăn hơn. Và việc này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Giống như virus cúm, Covid-19 có khả năng thay đổi hình thức của nó một cách nhanh chóng, đây được gọi là tỷ lệ đột biến. Khi đột biến xảy ra, các chủng virus Covid-19 mới có thể tăng lên theo thời gian.

Những chủng mới này sẽ vừa quen thuộc cũng vừa xa lạ với hệ thống miễn dịch của con người. Quá trình này là một logic “chết chóc”. Khi virus lây sang các nạn nhân khác, nó sẽ “thu thập” thêm thông tin về hệ thống miễn dịch của họ. Sau đó, virus biến đổi và trở nên thích nghi hơn với hệ thống miễn dịch của nạn nhân.

Quá trình thích ứng đó làm cho virus thậm chí còn nguy hiểm hơn. Trên thực tế, hơn 20 chủng virus đã được tìm thấy ở những người nhiễm bệnh.

Đó là lý do tại sao và làm thế nào mà Covid-19 lại trở nên dễ lây lan hơn và gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn. Ngoài ra, nếu đúng là thời gian ủ bệnh lên tới 24 ngày (trong giai đoạn này không có triệu chứng bệnh được biểu hiện), thì việc xảy ra đại dịch càng trở nên dễ dàng hơn.

Do đó, thời gian không đứng về phía chúng ta.

Lợi ích chính trị là trên hết?

Thế giới có thể phải đối mặt với một mối đe dọa toàn cầu. Điều này không nên bị bỏ qua cũng như bị chính trị hóa. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì đang xảy ra tại Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đang khiến cho việc tìm kiếm phương pháp chữa trị virus Covid-19 trở nên khó khăn hơn so với thực tế.

Mặc dù dịch bệnh này đã thật sự trở thành “ổ dịch”, trong vài tuần trước đó Bắc Kinh vẫn giữ kín thông tin quan trọng đối với chính người dân nước này cũng như với phần còn lại của thế giới.

Gần đây, bà Jennifer Nuzzo, đại diện Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins đã chỉ ra: “Khi các quốc gia đang cố gắng phát triển các chiến lược kiểm soát dịch bệnh của riêng mình, họ vẫn phải tìm kiếm bằng chứng chính xác về việc liệu tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn hay tốt hơn lên”.

Tuy nhiên, khi mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thao túng số liệu về cả số ca mắc bệnh lẫn số ca tử vong, không ai có thể kết luận chắc chắn rằng liệu căn bệnh này có đang “chậm lại” hay không. Những gì chính quyền Trung Quốc đang làm chỉ đơn giản là một nỗ lực sai lầm để... giữ thể diện.

Điều hiển nhiên là, tất cả các thông tin về virus cũng như tình trạng bùng phát cần phải được cung cấp cho các cơ quan y tế thích hợp và có năng lực mạnh nhất trên thế giới. Mặc dù đây là điều cực kỳ quan trọng, chính quyền Trung Quốc vẫn để “lỗ hổng” thông tin này tồn tại. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ về mức độ lây nhiễm hay còn gọi là tỷ lệ R0 của Covid-19 do thông tin không đầy đủ.

Sự thiếu hụt dữ liệu thông tin từ chính quyền Trung Quốc cũng gây khó khăn cho việc thiết lập một mô hình chính xác về ổ dịch, vốn là điều kiện để dự đoán được sự lây lan của dịch bệnh này trong tương lai.

Liệu Trung Quốc có chấp nhận sự giúp đỡ tốt nhất?

Một điều tích cực đã xảy ra, Bắc Kinh cuối cùng đã mời các nhà khoa học và bác sĩ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Trung Quốc để giúp giải quyết tình trạng rất cấp bách này. Nhưng trong hơn một tháng qua, Trung Quốc vẫn từ chối lời đề nghị giúp đỡ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Tại sao họ lại từ chối một trong những cơ sở am hiểu nhất về dịch bệnh trên thế giới? Liệu có phải chính quyền Trung Quốc lo sợ rằng cả thế giới sẽ phát hiện ra sự bất tài của họ? Nếu là vậy thì họ đã muộn rồi, thực tế đó lan truyền còn nhanh hơn cả virus.

Niềm tự hào chính trị của Bắc Kinh không chỉ là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh trở nên mất kiểm soát, mà nó còn là một thứ “xa xỉ” mà ĐCSTQ không thể “mua” được, cũng như phần còn lại của thế giới không thể chấp nhận được.

Thiếu minh bạch thông tin

Hiện tại, phần lớn thông tin từ lãnh đạo và các cơ quan y tế của chính quyền Trung Quốc là không đầy đủ, khó hiểu hoặc mâu thuẫn.

Ví dụ, chính quyền Trung Quốc gần đây đã đề nghị các nước tiếp tục du lịch bằng đường hàng không đến Trung Quốc và tuyên bố rằng họ đã có sự chuẩn bị trước cho dịch bệnh.

Nhưng với tình hình dịch bệnh đang xấu đi trước mắt và sự “bất nhất” trong thông tin của Bắc Kinh, làm cách nào để chúng ta có thể biết hoặc tin vào bất cứ điều gì mà chính quyền Trung Quốc nói?

Chẳng hạn, vẫn chưa có cơ sở xác định liệu Covid-19 có phải là virus theo mùa, hoạt động mạnh hơn vào mùa đông so với những tháng ấm áp hay không. Nếu đúng là vậy, điều đó sẽ cung cấp cho cộng đồng khoa học nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên vẫn chưa ai biết điều này là đúng hay sai.

Một giả thuyết khác cho rằng đàn ông dễ bị nhiễm virus hơn phụ nữ. Liệu có phải điều này là do đàn ông Trung Quốc hút thuốc nhiều? Đó cũng là một khả năng, nhưng nó vẫn chưa được xác minh.

Hay quan trọng hơn, liệu virus này có phải là sản phẩm của phòng thí nghiệm sinh học, hay là nó bắt nguồn từ các loài động vật hoang dã được giữ trong chợ hải sản ở Vũ Hán? Trong cả hai trường hợp, thông tin chính xác đều sẽ hữu ích.

Tuy vậy, dường như không có câu trả lời dứt khoát nào cho những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác. Gần đây, cựu giám đốc CDC Tom Frieden đã lưu ý rằng: “Chúng tôi vẫn không có được những thông tin cơ bản”.

Nếu chúng ta muốn vượt qua dịch bệnh này, hoặc muốn giảm thiểu sự đau khổ và bi kịch tiềm ẩn do sự bùng phát của Covid-19, thì một điều không thể thiếu đó là thông tin, và đương nhiên là thông tin chính xác. Tất cả mọi thứ về virus này, từ nguồn gốc đến khả năng đột biến của nó, thậm chí các kết quả nghiên cứu về hệ thống miễn dịch của những người sống sót phải được cung cấp.

May mắn thay, có một số tín hiệu tốt đang diễn ra, các công ty dược phẩm trên khắp thế giới đã bắt đầu hợp tác, chia sẻ thông tin để cùng phát triển một loại vắc-xin chống lại loại virus này.

Có lẽ chính quyền Trung Quốc cũng nên theo gương của họ.

Văn Thiện

-Tác giả: James Gorrie
-Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Liệu có phải chính quyền Trung Quốc đang cản trở những nỗ lực tìm kiếm vắc-xin cho virus COVID-19?