Liệu nguy cơ khủng hoảng lương thực có xảy ra ở Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có chuyến đi thị sát. Tuy nhiên, ông Tập đã không đến thăm vùng bị ngập lụt nghiêm trọng ở phía nam, mà lại đến tỉnh Cát Lâm ở phía bắc để điều tra nông nghiệp.

Truyền thông Hoa Kỳ nói rằng, việc đi khảo sát các khu vực sản xuất ngũ cốc của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc có nguy cơ khủng hoảng lương thực.

Hôm 22/7, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Hợp tác xã Nông dân và Máy móc Nông nghiệp Lô Vỹ (Luwei) cùng Cơ sở Sản xuất Nguyên liệu Thực phẩm xanh Bách vạn mẫu Quốc gia ở huyện Lê Thụ (Lishu), thành phố Tứ Bình (Siping), tỉnh Cát Lâm. Trong video, ông Tập đứng cạnh cánh đồng ngô và nói với dân làng rằng, vùng Đông Bắc rất quan trọng, là “nền tảng củng cố cho cách mạng của ĐCSTQ” trong những năm chiến tranh, hơn nữa nơi đây có nhiều ưu thế nông nghiệp như thế đất bằng phẳng, diện tích đất canh tác bình quân theo đầu người lớn, có nhiều đất đen, v.v..

27 tỉnh phía Nam Trung Quốc đã bị lũ lụt trong 2 tháng liên tiếp, và bây giờ tình hình thảm họa vẫn còn nghiêm trọng, nhưng ông Tập Cận Bình đã không đến khu vực thảm họa mà lại đi thị sát phía bắc. Đài Á Châu Tự Do chỉ ra rằng việc kiểm tra các khu vực sản xuất ngũ cốc của ông Tập Cận Bình cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực tiềm tàng của Trung Quốc.

Hôm 23/7, Đài Á Châu Tự do đưa tin rằng, do mưa lớn và lũ lụt bắt đầu vào tháng 6 nên mùa màng tháng đó gần như mất hết. Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Cát Lâm lần này chủ yếu muốn xác nhận sản lượng ngũ cốc ở Đông Bắc Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.

Nông dân Trương Nhất Quần (Zhang Yiqun) ở thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh (1 trong 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc) nói rằng, bà đã biết về việc ông Tập Cận Bình đến huyện Lê Thụ qua bản tin thời sự. Bà Trương cũng là người trồng ngô và bà nói rằng, ngô trồng quanh nhà bà không phát triển tốt như ngô mà ông Tập đã thấy. Bởi vì năm nay vùng Đông Bắc hạn hán rất nghiêm trọng, căn bản là không có mưa. Trước đó khu vực chỗ bà Trương có một trận mưa rất to, cây ngô mọc cao đến thắt lưng nhưng đều chết vì hạn hán, vậy nên căn bản là không có mọc ra bắp ngô.

Bà nói rằng tình hình mưa và lũ lụt ở miền nam và hạn hán khô cằn ở miền bắc Trung Quốc đến nay vẫn chưa được giải quyết, đại Dự án chuyển nước Nam - Bắc đã không mang lại lợi ích cho vùng Đông Bắc: "Có thể giải quyết được vấn đề gì đây? Nếu như bảo là khi thời tiết hạn hán, ngô với gạo không phát triển được, khi ấy có mưa nhân tạo thì đương nhiên là có lợi cho người dân. Nhưng hiện nay cây chỉ có thân với lá mà không ra bắp thì có tác dụng gì? Ông Trời không đổ mưa, hạn hán đến nỗi không mọc nổi bắp, ông Tập Cận Bình đến tỏ vẻ quan tâm thì bắp ngô liền mọc ra có phải không?”.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 24/7, Tổng thống Mỹ Trump cho biết Bắc Kinh đã mua một số lượng kỷ lục ngô, đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã mua 1,76 triệu tấn ngô Mỹ vào ngày 14/7, phá vỡ mức mua kỷ lục trong một ngày; trong năm 2020, tính đến ngày 16/7, họ đã mua 6,1 triệu tấn đậu nành.

Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất hiện nhiều thiên tai nhân họa như dịch viêm phổi bùng phát, lũ lụt và châu chấu tấn công. Sản lượng ngũ cốc của 5 tỉnh gồm Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tây và Giang Tô chiếm khoảng 25% của đất nước thì gần đây khu vực này đã bị lũ lụt; ở 3 tỉnh sản xuất lúa mì hàng đầu là Hắc Long Giang, Hà Nam và Sơn Đông, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc quản lý, thu hoạch lúa mì vụ đông và việc gieo hạt của lúa mì vụ xuân; 3 tỉnh Đông Bắc chiếm 20% sản lượng ngũ cốc của đất nước đã bị châu chấu bản địa tấn công. Có thể thấy cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới vô cùng cấp bách.

Ngoài ra, sau khi ông Tập Cận Bình đến thăm các hợp tác xã nông dân, chính sách "Đi theo con đường hợp tác hóa nông nghiệp theo điều kiện địa phương" nhanh chóng trở thành trọng điểm đưa tin của các kênh truyền thông ĐCSTQ. Điều này dẫn đến suy đoán rằng chính sách nông nghiệp của ĐCSTQ sẽ chuyển sang hướng tả.

ĐCSTQ đã khởi xướng phong trào "hợp tác hóa nông nghiệp" vào những năm 1950, tịch thu vùng đất vừa được giao cho nông dân để "quốc hữu hóa" và mở đường cho một nền “kinh tế kế hoạch".

Hiện nay, ĐCSTQ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có và nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ. Nhiều nhà bình luận cho rằng ĐCSTQ có thể tăng cường kiểm soát xã hội bằng cách quay trở lại nền "kinh tế kế hoạch" để duy trì quyền lực của mình.

Đông Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Liệu nguy cơ khủng hoảng lương thực có xảy ra ở Trung Quốc?