Lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc gây hư hại hơn 130 di tích văn hóa, phá hủy cây cầu 800 năm tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ tháng 6, mưa lớn ở miền nam Trung Quốc đã gây ra thảm họa thiên tai, khiến một số lượng lớn các cây cầu cổ và các tòa nhà cổ bị hư hại nghiêm trọng. Trong số đó, có cây cầu cầu vồng ở Thanh Hoa với lịch sử hơn 800 năm. Theo thống kê chính thức, tính đến ngày 7/7, Trung Quốc có hơn 130 di tích văn hóa đã bị hư hại.

Sáng hôm ngày 9/7, các video và hình ảnh về cây cầu Thải Hồng hay còn gọi là "cầu vồng" 800 năm tuổi ở thị trấn Thanh Hoa, huyện Vụ Nguyên, Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, bị hư hại do lũ lụt, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet. Sự việc khiến cư dân mạng không khỏi xót xa.

Truyền thông Đại Lục dẫn lời một người công tác tại chính quyền thị trấn Thanh Hoa ở huyện Vụ Nguyên cho biết: "Hiện tại, trụ cầu về cơ bản vẫn được giữ nguyên, còn một phần của mặt cầu đã bị lũ cuốn trôi".

Theo thông tin công khai, cầu vồng Thanh Hoa nằm ở huyện Vụ Nguyên (trước thuộc Huy Châu) của thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Cây cầu được xây dựng vào thời Nam Tống (1127-1279) và có lịch sử hơn 800 năm. Cây cầu dài 140 m ( thân cầu 105 m), mặt cầu rộng hơn 3 m, 4 trụ và 5 lỗ, mặt trên là kiến trúc gỗ xây theo kiểu hành lang gồm 11 tòa mái đình, hành lang trong đình có bàn đá và ghế đá. Đây là một cây cầu cổ thiết kế khoa học và hoàn chỉnh nhất được bảo tồn cho đến ngày nay. Nó được ca ngợi là “một trong những cây cầu cổ có mái che đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc”. Cây cầu này là di tích văn hóa trọng điểm của quốc gia.

Trước đó, vào sáng ngày 7/7, cầu Trấn Hải, cây cầu đá cổ nhất thời nhà Minh ở thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy - nằm trong trọng điểm di tích quốc gia đã bị lũ cuốn trôi.

Vào ngày mùng 6/7, cầu Lạc Thành, cây cầu cổ thời nhà Minh ở huyện Tinh Đức, Tuyên Thành, tỉnh An Huy, là di tích văn hóa cấp tỉnh cũng bị hư hại nghiêm trọng sau khi nước lũ cuốn trôi phần lớn mặt cầu. Cầu Lạc Thành không chỉ là cây cầu đá cổ lớn nhất trong huyện, mà còn là cây cầu đá cổ lớn thứ hai ở miền nam tỉnh An Huy. Nó được xây dựng từ thời Gia Tĩnh của nhà Minh và có lịch sử hơn 400 năm.

Vào ngày 7/7, trang web của Cục quản lý di sản văn hóa của Trung Quốc đã thông báo rằng, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến 16h ngày 7/7, hơn 130 di tích văn hóa tại 11 tỉnh phía Nam đã bị thiệt hại do lũ lụt, một số di tích văn hóa bị hư hại nghiêm trọng.

Ngoài cầu Trấn Hải và cầu Lạc Thành đề cập ở trên, các di tích văn hóa cấp tỉnh ở khu tự trị Ngawa, Tứ Xuyên, như cầu vượt của người Mông Cổ, cầu Cáp Nhĩ và cầu A Tư Cửu, đã bị lũ cuốn trôi. Điện Long Hổ, cung Ngũ Long ở núi Võ Đang tỉnh Hồ Bắc; đại viện Chu Gia, Thể Nhân đường, đại viện Long Sơn Lý Da Cù Gia, đền Ngô Dương Chi cùng với các kiến trúc cổ khác ở Hồ Nam bị hư hại nghiêm trọng do lũ gây ra.

Đập Tam Hiệp khởi công vào năm đó, khiến lượng lớn di tích cổ bị ngập và phá hủy

Lũ lụt ở miền nam Trung Quốc năm nay rất nghiêm trọng. Ngoài những trận mưa lớn liên tục, các hồ chứa lớn dồn lực xả lũ, điều này được cho là một trong những thủ phạm khiến lũ lụt càng trầm trọng hơn. Trong đó không thể không kể tới đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, vốn từ khi thi công đã là chủ đề gây tranh cãi về vấn đề "lợi nhiều hơn hại hay hại nhiều hơn".

Đập Tam Hiệp được xây dựng vào năm đó, một số lượng lớn các di tích cổ đã bị ngập lụt và phá hủy. Trong cuộc phỏng vấn với NTDTV, Tiến sĩ người Hoa Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia về môi trường sinh thái nổi tiếng sống ở Đức, đã đưa ra hàng loạt ví dụ các di tích bị thiệt hại như: Văn hóa Đại Khê (một nền văn hóa thuộc thời đại đồ đá mới tại khu vực Tam Hiệp), Bạch Hạc Lương (dãy đá tự nhiên nằm ở con sông bờ nam sông Dương Tử thuộc quận Phù Lăng, thành phố Trùng Khánh), quỷ thành Phong Đô, trại Thạch Bảo, miếu Trương Phi, Đề từ nổi tiếng trong thời chiến tranh kháng Nhật ở hẻm núi Cù Đường, Thành phố cổ Phụng Tiết, Thu Phong đình, Phố cổ Tỉ Quy, v.v.

Minh Thanh

Theo NTDTV

Tin tức Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc gây hư hại hơn 130 di tích văn hóa, phá hủy cây cầu 800 năm tuổi