Luật An ninh Quốc gia Hong Kong có thể cho phép hồi tố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đang trong quá trình hoàn thiện Luật an ninh quốc gia Hong Kong. Cơ quan lập pháp Trung Quốc (NPC) đã kết thúc ngày họp thứ 2 trong cuộc họp 3 ngày.

Một bài báo đăng ngày 29/6 của Tân Hoa Xã cho thấy người đứng đầu Ủy ban Hiến pháp và Pháp luật thuộc Ủy ban Thường vụ Trung Quốc Li Fei đã ban hành một phiên bản của luật an ninh quốc gia, phiên bản này có thể được dùng để bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu chỉ mang tính hình thức bởi vì NPC luôn tuân theo quyết định của người đứng đầu ĐCSTQ.

Uỷ ban thường vụ có chức năng giám sát cơ quan lập pháp Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đưa tin rằng Chủ tịch Ủy ban thường vụ Li Zhanshu đã lập bảng bỏ phiếu, nhưng không đưa thêm thông tin chi tiết nào về luật an ninh quốc gia Hong Kong.

Tuy nhiên, trong một bài báo xuất bản vào cuối ngày 28/6 trên Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc, trích dẫn lời của các chuyên gia pháp lý (không nêu danh tính) rằng luật an ninh quốc gia cho phép áp dụng hồi tố đối với những trường hợp liên quan đến “phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ”. Đây được xem là một điều khoản mới so với dự thảo ban đầu của luật an ninh quốc gia mà NPC thông qua vào tháng Năm.

Phong trào biểu tình của người dân Hong Kong bắt đầu từ tháng 6/2019. Hàng triệu người dân Hong Kong đã xuống đường phản đối dự luật dẫn độ. Vào thời điểm đó, nhiều người Hong Kong lo sợ rằng họ có thể bị dẫn độ về Trung Quốc và đưa ra xét xử tại các tòa án Trung Quốc vốn nổi tiếng về việc không tuân theo luật pháp.

Sau khi NPC tiến hành bỏ phiếu mang tính chất thủ tục, Bắc Kinh bắt đầu chính thức quá trình soạn thảo luật an ninh quốc gia Hong Kong vào ngày 28/5. Luật an ninh quốc gia sẽ cho phép truy tố hình sự những người tham gia vào các hoạt động liên quan đến lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và can thiệp nước ngoài chống lại chính quyền Trung Quốc.

Thủ tục chính thức

Theo thông lệ, sau khi Ủy ban Thường vụ chính thức bỏ phiếu, luật an ninh quốc gia sẽ được bổ sung vào phần phụ lục trong hiến pháp của Hong Kong, hay còn gọi là Luật cơ bản. Sau đó, luật an ninh quốc gia sẽ được công bố trong một công báo của chính phủ Hong Kong, để bắt đầu thực thi luật.

Dự kiến, luật an ninh quốc gia sẽ được NPC bỏ phiếu vào ngày 30/6 tại thời điểm cuối cuộc họp 3 ngày của NPC, theo Thời báo Toàn Cầu trích dẫn lời của ông Kwok-him, đại diện Hong Kong trong NPC và là thành viên nội các của chính phủ Hong Kong.

Vào ngày 20/6, Uỷ ban Thường vụ NPC đã công bố thêm chi tiết bổ sung trong dự thảo như sau: Bắc Kinh có thẩm quyền đối với những trường hợp đặc biệt; đồng thời sẽ thành lập một cơ quan an ninh quốc gia tại Hong Kong; và trưởng đặc khu Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sẽ bổ nhiệm các thẩm phán để xét xử các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia. Được biết, bà Lâm thân Bắc Kinh.

Những chỉ trích đối với luật an ninh quốc gia

Kể từ cuối tháng 5, nhiều người Hong Kong và các quan chức chính phủ trên thế giới đã chỉ trích việc Bắc Kinh đề xuất dự luật an ninh đối với Hong Kong, cho rằng luật này sẽ đặt “dấu chấm hết" đối với quyền tự trị của thành phố mà Bắc Kinh đã cam kết tiếp tục duy trì khi nhận lại thành phố từ chính phủ Anh năm 1997.

Theo thỏa thuận bàn giao được đưa ra trong Tuyên bố chung Trung- Anh, ký kết năm 1984, quyền tự trị cao của Hong Kong phải được bảo đảm trong ít nhất 50 năm từ năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ chế độ".

Nhà phê bình quốc tế Reinhard Bütikofer đồng thời là thành viên Nghị viện châu Âu cũng lên tiếng chỉ trích ĐCSTQ về luật an ninh quốc gia Hong Kong.

Ông Bütikofer viết trên twitter của mình vào ngày 29/6: “Tại sao chúng ta vẫn nói về ‘luật an ninh quốc gia’? Đó không phải là vấn đề mà vấn đề là ‘ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn luật pháp”.

Chủ tịch đảng Dân chủ ủng hộ Hong Kong Alan Leong bình luận rằng ông đồng ý với nhận định của ông Bütikofer.

Ông Leong viết thêm rằng với luật an ninh quốc gia, “ĐCSTQ đang lấy lại Hong Kong lần thứ hai kể từ năm 1997, chỉ có điều lần này ĐCSTQ không phải ràng buộc với Tuyên bố chung Trung-Anh hay cam kết được ghi trong Luật cơ bản".

Vào ngày 28/6, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 53 người vì “tụ họp bất hợp pháp” tại thành phố Mong Kok sau khi hàng trăm người tham gia vào một cuộc “thỉnh nguyện yên lặng" để phản đối luật an ninh quốc gia.

Vào ngày 29/6, ủy viên hội đồng quận tên là Ben Lam, một trong số những người bị bắt, cho biết cảnh sát đã lạm dụng quyền lực của họ để bắt giữ anh khi anh chỉ đơn giản là ghi hình trực tiếp đưa lên mạng (live-stream) tình hình tại Mong Kok. Trên trang Facebook cá nhân, anh cho biết anh từ chối trả tiền bảo lãnh và cuối cùng được thả ra vô điều kiện vào sáng hôm sau.

Anh Ben Lam viết trên Facebook rằng trước khi được thả, anh đã tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa các nhân viên cảnh sát tại đồn cảnh sát quận Hung Hom, nơi anh bị giam giữ. Một sĩ quan cảnh sát nói rằng người dân sẽ ngừng xuất hiện tại các địa điểm biểu tình nếu cảnh sát bắt giữ các nhóm người biểu tình.

Anh nói rằng đó là bằng chứng cho thấy chính phủ Hong Kong đã dùng chiến thuật “bắt bớ bừa bãi” để gây trở ngại cho các cuộc biểu tình đang diễn ra trong thành phố.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Luật An ninh Quốc gia Hong Kong có thể cho phép hồi tố