Luật gia hình sự Trung Quốc tiết lộ vấn nạn thu hoạch nội tạng ở nước này

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Chúng ta là con người chứ không phải động vật đơn thuần", "Hành vi này lẽ nào không cấu thành tội phạm sao?”. Trong một đoạn video vạch trần vấn nạn thu hoạch nội tạng người sống ở Trung Quốc, ông La Tương (Luo Xiang) - một luật gia hình sự của nước này đã phát biểu như trên.

Vào ngày 26/6, trên mạng lan truyền một đoạn video của ông La Tường, Giáo sư Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Ông La nói trong video rằng: “Có người đã làm những việc khủng khiếp... đưa người đến vùng ngoại ô, tắm rửa sạch sẽ, nuôi cho béo trắng, rồi định kỳ đưa đến các trạm lấy máu để bán máu, thậm chí định kỳ thu hoạch nội tạng của họ! Nuôi người giống như súc vật… Nếu bạn thực sự không tôn trọng người khác, thì bạn sẽ xem con người như súc vật, loại hành vi này không cấu thành tội phạm sao? Không thể nào. [Nhưng nếu bạn] cố ý gây thương tích, bạn muốn lấy hết cả 2 quả thận của người khác, thì đây rõ ràng là tội cố ý giết người”.

Ông La còn đặt câu hỏi: "Nếu con người không được tôn trọng, nếu con người trở thành những công cụ thuần túy, thì xã hội này sẽ ra sao?".

Bí mật ông La Tường tiết lộ chỉ là ‘một góc nhỏ của tảng băng chìm’

Ông La cho rằng hoạt động thu hoạch nội tạng người ở Trung Quốc hiện nay là do ảnh hưởng của Chủ nghĩa Darwin Xã hội (Social Darwinism) và Cuộc đua xuống đáy (Race to the Bottom).

Nhưng có thực sự là như vậy không, bởi vì hiện tượng này trong xã hội Trung Quốc chỉ là một góc nhỏ của tảng băng chìm.

Vào năm 2016, Bác sĩ Damon Noto, Người phát ngôn của Hiệp hội các Bác sĩ chống Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng (DAFOH), tiết lộ với Vision Times rằng, theo những tài liệu mà họ thu thập được, “Trung Quốc ước tính có khoảng 15.000 đến 20.000 người bị mổ cướp nội tạng mỗi năm". Trong đó chủ yếu là các tù nhân lương tâm, học viên Pháp Luân Công và các tín đồ tôn giáo khác.

Trang Minghui hải ngoại cũng đưa tin rằng, xác thực có một ngân hàng cung cấp nội tạng người khổng lồ ở Trung Quốc Đại lục. Trong đó các học viên Pháp Luân Công là những đối tượng chính, ngoài ra còn có người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, tín đồ Cơ đốc, người khuyết tật và các công dân Trung Quốc khác… Hành động mổ cướp nội tạng này là do ĐCSTQ thao túng toàn bộ bộ máy quốc gia thực thi, bao gồm đảng, chính phủ, quân đội, cảnh sát vũ trang, tư pháp và hệ thống y tế...

ĐCSTQ luôn phủ nhận các cáo buộc mổ cướp nội tạng đối với những học viên Pháp Luân Công, nhưng lại từ chối làm theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc, tức là từ chối công bố các dữ liệu liên quan để phản chứng, cũng như không cho phép các tổ chức quốc tế vào Trung Quốc để điều tra độc lập. Điều này đã thúc đẩy "Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công" (World Organization to Investigate the Persecution of Falun Gong, WOIPFG), một tổ chức nhân quyền độc lập ở nước ngoài, mở các cuộc điều tra bằng cách gọi điện thoại về Trung Quốc, ví như đóng giả làm người cần ghép tạng và gọi cho các bệnh viện nhà nước.

Ông Uông Chí Viễn, Giám đốc của Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đã chỉ ra rằng, theo kết quả điều tra của WOIPFG, Bệnh viện 205 của quân đội ĐCSTQ đã chính miệng thừa nhận rằng, việc mổ cướp nội tạng đối với các học viên Pháp Luân Công được phép thực hiện "thông qua tòa án"; toà án cũng thừa nhận chuyện này một cách trắng trợn, và tuyên bố "vẫn có thể cung cấp". Ông Bạch Thư Trung, cựu Cục trưởng Y tế thuộc Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiết lộ thêm rằng, sở dĩ việc mổ cướp nội tạng có thể được triển khai, là do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân chỉ thị.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Luật Nhân quyền Hoa Kỳ, từ ngày 25/4/1999 đến ngày 19/7/1999, ông Giang Trạch Dân đã liên tiếp gửi đi 2 bức thư nội bộ đảng, 3 văn kiện mệnh lệnh nội bộ đảng, yêu cầu tổ chức các cấp của ĐCSTQ phải tuân theo quyết định cá nhân của ông ta. Đó là bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công và thành lập "Phòng 610", một tổ chức ngoài vòng pháp luật, để thực thi lệnh bức hại.

Weibo của ông La Tường bị xóa không rõ lý do

Sau khi video nói trên của ông La Tường phổ biến trên Internet, phóng viên đã kiểm tra tài khoản Weibo của ông tên là "Học giả Luật Hình sự La Tường" (刑法学人罗翔) và phát hiện rằng ông có 2,5 triệu người hâm mộ trên nền tảng nay. Tuy nhiên, các bài viết và video của ông đều đã bị xóa sạch không rõ lý do. Cá nhân ông La cũng chưa lên tiếng giải thích.

Các bài đăng và video trên Weibo của ông La Tường đều bị xóa mà không rõ lý do. (Nguồn ảnh: Weibo)
Các bài đăng và video trên Weibo của ông La Tường đều bị xóa mà không rõ lý do. (Nguồn ảnh: Weibo)

Thông tin công khai cho thấy, ông La là học giả luật người Trung Quốc và là Tiến sĩ luật của Đại học Bắc Kinh. Ông hiện là Giáo sư luật hình sự tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc; Viện trưởng Viện nghiên cứu Luật Hình sự; luật sư bán thời gian của Công ty Luật Hoa Nhất Bắc Kinh (Beijing Huayi Law Firm); luật sư hành nghề của Công ty Luật Soái Hòa Bắc Kinh (Harmony Partners Law Firm); và là giảng viên luật hình sự của công ty đào tạo luật Hậu Đại (Houda Xuancheng Education Technology Corp).

Các lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là luật hình sự, triết học luật hình sự, luật hình sự kinh tế và tội phạm tình dục. Trong trường, ông là người thiết kế các giáo trình của nhiều khóa học cho sinh viên đại học và nghiên cứu sinh, chẳng hạn như các nguyên tắc chung của luật hình sự, luật hình sự kinh tế, nghiên cứu và thảo luận về luật hình sự...

Giáo sư La từng được mời đến trao đổi ở Đại học California tại Berkeley năm 2009 - 2010, và Đại học Duke năm 2013 - 2014. Vào đầu năm 2020, ông nổi tiếng trên mạng vì phong cách giảng bài hài hước trong loạt video "La Tường giảng về luật hình sự".

Bị đội quân trên mạng tấn công vì dám lên tiếng

Ông La thường xuyên bị đội quân Internet, hay còn gọi là đội quân 50 xu tấn công vì đưa ra những nhận xét nhạy cảm. Tuy nhiên, cũng có nhiều cư dân mạng thích các bài viết hoặc video của ông. Họ cho rằng các vụ án ông lấy ví dụ đều đến từ cuộc sống, vừa hài hước, sinh động lại vừa truyền cảm hứng, suy nghĩ.

Học giả này từng nói rằng, tội gây gổ và kích động rắc rối đều chỉ là cái cớ. Đặc điểm lớn nhất của tội này là tính mập mờ, mơ hồ, dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách cố ý và tùy tiện. Theo một ý nghĩa nào đó, nó trao cho các cơ quan hành pháp quyền tuyệt đối trong việc tự ý giải thích “gây gổ và kích động rắc rối”. Nói trắng ra, hầu như không có hành vi nào có thể tránh được cây gậy “gây gổ và kích động rắc rối”.

Ông còn nói rằng, về tư quyền, miễn là pháp luật không cấm, thì đó đều là quyền lợi của công dân; còn về công quyền, chỉ cần không được pháp luật cho phép, thì tất cả đều bị cấm. Nhưng rất nhiều cơ quan tư pháp của Trung Quốc đã hoàn toàn lật trắng thay đen.

Ông cũng dám bình luận về việc xác định tính chất của tin đồn. “Đối với công chúng, chỉ cần có chứng cứ nghi ngờ hợp lý, họ có thể lên tiếng và đó không phải tin đồn. Đối với chính quyền, nếu không có bằng chứng có thể bác bỏ sự nghi ngờ hợp lý [của công dân], họ không được tùy tiện bác bỏ tin đồn. Nếu bị đảo ngược, thì nó không còn là pháp quyền nữa”.

Nhận xét nhạy cảm của ông La về vấn đề tin đồn. (Nguồn ảnh: Weibo)
Nhận xét nhạy cảm của ông La về vấn đề tin đồn. (Nguồn ảnh: Weibo)

Phơi bày bí mật trong cơ quan tư pháp của Trung Quốc

Ngoài ra, vào tháng 2/2019, ông Trì Túc Sinh (Chi Susheng), một luật sư nổi tiếng người Trung Quốc, đã đăng lại một đoạn video trên Weibo cá nhân. Nội dung video là bài giảng về kỳ thi kiểm tra trình độ chuyên môn luật ở Trung Quốc của ông La Tường. Ông La đã tiết lộ câu chuyện bên trong các cơ quan tư pháp của Trung Quốc.

"Trong thực tiễn tư pháp, chỉ cần nhân chứng thay đổi khẩu cung, cơ quan tư pháp sẽ coi luật sư là người khả nghi dẫn dụ [khiến nhân chứng sửa đổi]. Bằng chứng do cơ quan công an chúng tôi thu thập được tốt như vậy, làm sao mà luật sư vừa gặp nhân chứng thì đã thay đổi? Khẳng định là anh ta có vấn đề, là kẻ tình nghi, bắt anh ta trước rồi tính... [Đây là sự việc] rất đáng sợ!", ông La nói.

Ông cũng chỉ ra rằng, "tình huống nghiêm trọng nhất từng xảy ra, đó là luật sư trực tiếp bị bắt trong quá trình tranh luận tại tòa".

Ông La còn trích dẫn cách ví con của luật sư Tư Vĩ Giang (Si Weijiang): "Các luật sư thực sự chỉ là người đến chơi bài. Công an, kiểm sát, tòa án chơi mạt chược, vậy chơi mạt chược cần bao nhiêu người? Cần 4 người. Nhưng điều quan trọng là có ù được không? Bạn không thể ù… Tên tiểu tử nhà ngươi mà dám ù, ta sẽ khiến ngươi phải chịu hậu quả. Đây là một hiện tượng rất đáng sợ".

Mai Hạ - Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Luật gia hình sự Trung Quốc tiết lộ vấn nạn thu hoạch nội tạng ở nước này