Lý do quốc gia thân thiện nhất thế giới hiện giờ cũng không ưa Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Canada là một quốc gia dân chủ khoan dung, đa văn hóa và cởi mở với số người Canada gốc Hoa chiếm 40% trong tổng số người Canada gốc Á. Trong một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Canada vừa qua, chỉ có 14% số người được hỏi giữ thái độ lạc quan về Trung Quốc, trong khi con số này trước đây là 48%. Đâu là nguyên nhân khiến cho ấn tượng của người dân Canada về Trung Quốc suy giảm mạnh?

Theo Tạp chí National Review của Mỹ, cách đây không lâu, tờ Global News Canada đã công bố một báo cáo phân tích về một vấn đề quan trọng: "Người Canada có thực sự thân thiện như thế giới nghĩ không?" Thông qua thảo luận từ nhiều góc độ khác nhau về sự thân thiện của người Canada, các nhà nghiên cứu tại Đại học McMaster ở Ontario, Canada đã phát hiện ra rằng ngay cả những bài đăng trên Twitter của người Canada cũng có xu hướng thân thiện và gần gũi hơn.

Giống như nước láng giềng Hoa Kỳ ở phía nam, Canada là một quốc gia di dân. Tuy nhiên, không giống như Hoa Kỳ, số lượng người nhập cư Canada đang có xu hướng gia tăng. Người Canada gốc Hoa chiếm khoảng 5% dân số Canada, trong khi con số đó ở Hoa Kỳ là khoảng 1,5%. Người Canada gốc Hoa chiếm 40% trong tổng số người Canada gốc Á.

Canada là một quốc gia dân chủ khoan dung, đa văn hóa và cởi mở. Do đó, có một số lượng đáng kể công dân Hoa kiều vẫn giữ nguyên truyền thống Trung Quốc. Điều này khiến cho kết quả của một cuộc thăm dò dân ý được thực hiện bởi Viện nghiên cứu phi lợi nhuận Angus Reed (ARI) vào tháng trước nhận được sự chú ý đặc biệt. Trong một cuộc khảo sát với hơn 1.500 người Canada từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 5, chỉ có 14% số người được hỏi giữ thái độ lạc quan về Trung Quốc. Trong khi trước đây, 48% người Canada tỏ thái độ rất lạc quan về Trung Quốc trong cuộc khảo sát của Pew Research năm 2017.

Bắc Kinh đã thiếu sự minh bạch và tính trung thực trong việc đối phó với virus Corona Vũ Hán. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho ấn tượng của người dân Canada về Trung Quốc suy giảm mạnh. 85% số người được hỏi không đồng ý với tuyên bố “chính phủ Trung Quốc luôn đảm bảo sự minh bạch và trung thực về tình hình dịch bệnh COVID-19”. Thủ tướng Canada Trudeau hầu như không có lời chỉ trích nào về cách mà Trung Quốc ứng phó với virus này. Nhưng trong một cuộc họp ngắn sau khi cuộc thăm dò được công bố vào tuần trước, ông Trudeau nói với các phóng viên: "Kể từ khi bắt đầu đại dịch, có rất nhiều nghi vấn cần đặt ra cho hành vi của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Quốc và các quốc gia khác".

Ngoài việc xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán không thoả đáng, người Canada cũng cảm thấy phiền chán với một vấn đề cụ thể khác đối với Trung Quốc. Đó là vào ngày 1 tháng 12 năm 2018, cảnh sát Canada đã bắt giữ CFO Mạnh Vãn Châu của Huawei tại sân bay Vancouver. Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada và giam giữ họ trong nhà tù ở Trung Quốc để làm con tin của chính phủ.

Hai con tin người Canada Michael Kovrig và Michael Spavor bị Trung Quốc bắt giữ đã gây ra mối lo ngại lớn cho người Canada. Họ bị buộc tội gián điệp, bị biệt giam và không được phép thăm nom.

Vào ngày 27 tháng 5, một thẩm phán người Canada đã từ chối chấp thuận yêu cầu của bà Mạnh Vãn Châu về việc miễn trừ cáo buộc dẫn độ, vì vậy tình cảnh của hai người Canada này lại càng tồi tệ hơn. Thẩm phán Canada tin rằng khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, các cáo buộc chống lại bà Mạnh tại Hoa Kỳ cũng sẽ cấu thành tội danh cho bà ở Canada, đáp ứng cái gọi là tiêu chuẩn phạm tội kép.

Một cuộc thăm dò dân ý của ARI vào tháng 5 cho thấy 78% người Canada tin rằng Huawei không nên tham gia vào việc xây dựng mạng lưới 5G của nước này. 3/4 số người được hỏi bày tỏ quan điểm rằng nhân quyền là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ Trung Quốc-Canada và chỉ có 1/4 số người được hỏi cho rằng “cơ hội đầu tư và thương mại của Canada” mới là nhân tố quan trọng để cân nhắc (giảm 14% so với số liệu của cuộc khảo sát hồi tháng 12 năm 2018 khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt). Nhìn chung, 90% số người được hỏi đồng ý rằng "về mặt nhân quyền hay pháp luật, Trung Quốc đều không đáng tin".

Những kết quả này phù hợp với nhận thức chung của Hoa Kỳ và hầu hết các nước ở Châu Âu rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mang tính chiến lược và tiềm ẩn sự đối địch. Ở Canada và các nơi khác cũng vậy, quan điểm này vượt qua tất cả những bất đồng giữa các đảng chính trị của quốc gia. Sự không hài lòng với Trung Quốc cũng là quan điểm nhất quán giữa các bang của Canada. Ngay cả ở bang British Columbia nằm ở bờ Tây Canada, nơi số người gốc Hoa có tỷ lệ cao nhất, chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh thì cũng chỉ có 1/5 số người được hỏi tỏ thái độ lạc quan về Trung Quốc.

Trước khi xảy ra vụ bắt giữ con tin, các tổ chức của Canada cũng đã bắt đầu lên tiếng thể hiện thái độ không hài lòng đối với Trung Quốc. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và quyền sở hữu trí tuệ của Canada. Cách làm của chính quyền Trung Quốc cũng đi ngược lại với tôn chỉ về nhân quyền từ trước tới giờ của Canada. Vào tháng 3 năm 2018, Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) đã tổ chức một hội thảo xúc tiến học thuật dành cho những người tham gia đến từ chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học và các viện nghiên cứu. Biên bản ghi nhớ của buổi hội thảo được công bố vào tháng 6 năm đó đã thu thập kết luận của các chuyên gia. Những quan điểm này bao gồm:

  • Các công ty Trung Quốc, dù thuộc sở hữu nhà nước hay không, đều có “mối quan hệ ngày càng chặt chẽ” với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
  • Trung Quốc ngày càng có nhiều hành vi “lợi dụng việc đe dọa và cám dỗ để mua chuộc các tinh anh trong giới kinh doanh và chính trị”, trong đó bao gồm việc yêu cầu họ ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và các vấn đề địa chính trị khác.
  • Đối với truyền thông và các học giả có khả năng thách thức Trung Quốc, các quan chức ngoại giao Trung Quốc và các cơ quan khác sẽ thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn. Điều này giống với cách mà tờ Thời báo Toàn cầu đã đáp trả khi tòa án Canada đưa ra phán quyết về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, họ gọi Canada là “một chú hề đáng thương”.

2/3 nền kinh tế Canada phụ thuộc vào thương mại và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Hoa Kỳ. Nhưng ngược lại, Canada thậm chí không được xếp hạng trong số 15 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Trong những tháng sau vụ [Canada] bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu và [Trung Quốc bắt giữ] hai con tin người Canada, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu dầu hạt cải, thịt lợn và thịt bò của Canada.

Đồng thời, Canada ngày càng trở nên cảnh giác không chỉ với chính sách ngoại giao con tin, mà còn với chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc.

Trong đại dịch, Bắc Kinh đang ráo riết lợi dụng các thủ đoạn bất lương để chiếm đoạt tài sản chiến lược trên toàn cầu. Cả Úc và Canada gần đây đã công bố ý định nghiên cứu thêm về việc thu mua có tính chiến lược của những người mua ngoại quốc (Trung Quốc).

Thách thức mà Canada phải đối mặt trong việc đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc khác với tình huống mà Úc phải đối mặt. Chính quyền Trump nên coi Canada như một đồng minh để cô lập Bắc Kinh. Thật không may, quan điểm của Canada về Hoa Kỳ lại không thể hiện điều này. Kể từ năm 2009, cảm tình của Hoa Kỳ đối với người Canada đã giảm 30% và đang ở mức thấp nhất trong 40 năm qua.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Canada sẽ luôn dao động, nhưng việc tình hữu nghị giữa hai nước đi xuống không phải là một điều tốt cho cả người Mỹ và người Canada. Hoa Kỳ và Canada có chung một đường biên giới quốc tế [mà không cần bố trí phòng vệ] dài nhất trên thế giới. Điều này phản ánh các giá trị tự do và dân chủ chung của hai nước trong hơn hai thế kỷ qua. Cả Hoa Kỳ và Canada đều coi Trung Quốc là một quốc gia độc tài và cả hai nước đều có cùng mối quan tâm trong việc kiềm chế chính quyền Trung Quốc. Đây nên là một cơ sở thuyết phục để khôi phục quan hệ giữa Hoa Kỳ và Canada.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy đã gửi những lời nhắn gửi khó quên này cho Quốc hội Canada vào tháng 5 năm 1961, chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức:

"Địa lý làm cho chúng ta trở thành láng giềng. Lịch sử làm cho chúng ta trở thành bạn bè. Kinh tế làm cho chúng ta trở thành đối tác. Sự phụ thuộc lẫn nhau làm cho chúng ta trở thành đồng minh. Thiên nhiên đoàn kết chúng ta và không ai có thể tách rời chúng ta".

Cho dù người Canada có thân thiện thế nào chăng nữa, chắc hẳn họ cũng đã chán ngấy ĐCSTQ rồi. Quả là một sự “lãng phí” lớn khi mất đi sự tin tưởng vào Mỹ - một đối tác có lợi cho Canada. Một Canada tự do, khoan dung và dân chủ sẽ tạo cho Hoa Kỳ cơ hội để bồi đắp lại mối quan hệ hữu hảo này. Mỹ-Canada sẽ luôn là những người bạn tốt, và một lần nữa [hai quốc gia này] có thể sẽ phát triển mối quan hệ tốt đẹp mà khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Đông Phương

Theo secretchina.com

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Lý do quốc gia thân thiện nhất thế giới hiện giờ cũng không ưa Trung Quốc