Một góc nông thôn Trung Quốc thời dịch bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

So với thành phố, vùng nông thôn Trung Quốc với nguồn lực y tế yếu kém cũng có số người chết rất lớn. Trên nền tảng mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc, có không ít cư dân mạng đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân của họ và phơi bày phần nổi của tảng băng chìm ở các vùng nông thôn giữa đại dịch.

Việc chính quyền Trung Quốc che đậy số liệu dịch bệnh khiến bên ngoài rất khó biết được số người chết thực sự. Tuy nhiên, thông qua mạng Internet, các video và hình ảnh do người dân lan truyền cho thấy, bệnh viện và lò hỏa táng ở nhiều nơi đã quá tải.

Thông tin cho thấy, ngoài những người lớn tuổi, còn có trường hợp người tử vong do Covid-19 là sinh viên đại học và thậm chí cả học sinh tiểu học. Có cư dân mạng than thở: "Mỗi ngày tôi đều thức dậy trong tiếng nhạc tang".

(Các hố chôn bình tro cốt mới được xây cất ở thôn Vương Cương Đài, quận mới Thẩm Bắc, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc)

Cư dân mạng Weibo tiết lộ tình hình ở một góc nông thôn Trung Quốc

Vào ngày 11/1, cư dân mạng "Qingtao 0328" cho biết, tại một ngôi làng nhỏ có khoảng 200 hộ gia đình, tính đến ngày hôm đó đã có 11 người chết trong vòng một tháng và trong cùng ngày 11/1 có hai người chết.

"Hôm nay tôi về quê thăm mộ ông nội, thấy hai cụ già trong làng đã qua đời. Người làm ‘tiên đồng ngọc nữ bằng giấy’ ở trong trấn nói, gần một tháng qua thôn chúng ta có 11 người chết. Một thôn nhỏ có trên dưới 200 hộ gia đình nên rất ít khi xuất hiện tình huống đưa tang chôn cất cùng ngày. Trong làng chỉ có vài vị lão nhân chuyên lo việc ma chay, hôm nay đi mất 2 người, khi cha tôi tới nhà một vị, mới biết vị này đang đi lo việc tang lễ ở nhà vị kia”.

Bài đăng của cư dân mạng "Qingtao 0328" trên Weibo. (Ảnh chụp màn hình)

Làm "tiên đồng ngọc nữ bằng giấy" là một trong số những phong tục tang lễ ở vùng nông thôn Trung Quốc, tức là người nhà bỏ tiền mua giấy làm "tiên đồng ngọc nữ" rồi hóa tại lễ tang cho người đã khuất. Bên cạnh Quan Âm Bồ Tát có hai vị Tôn giả là Thiện Tài và Long Nữ, dân gian tôn kính gọi hai vị là “Tiên đồng Ngọc nữ”. Do đó, dân gian Trung Quốc hóa loại giấy trên với hy vọng người chết sẽ được đưa về nơi tốt đẹp.

(Nhang khói mù mịt tại một lễ đưa tang mới đây ở nông thôn Trung Quốc)

Hôm 13/1, cư dân mạng "Xinkao Xiaohao" cho biết: "Ngôi làng của chúng tôi tương đối nhỏ, ba ngôi làng gần đó cũng không lớn lắm, vì vậy nơi này thường được gọi là ‘thượng hạ tam thôn’. Tuần trước, mẹ tôi nói rằng ‘thượng hạ tam thôn’ đã mất hai người. Cả hai đều ở độ tuổi 70. Tối nay người nhà tôi gọi điện tới, nói rằng làng của bà ngoại tôi đã mất hơn 10 người, họ đều là người già. Lò hỏa táng ở huyện của chúng tôi cũng là liên doanh, nếu không chạy quan hệ thì không có suất".

Cư dân mạng "Fengshui Jiejie Ai Nianqing" nói rằng, không chỉ người già mà cả sinh viên đại học cũng chết vì Covid-19: “Covid-19 rất không ‘thân thiện’ với người già, đặc biệt là người cao tuổi. Thôn chúng tôi có hơn 2.000 người, thời gian gần đây đã chết hơn 20 cụ trong độ tuổi từ 70 đến 90. Đáng tiếc nhất là một sinh viên đại học ở làng bên cạnh đã tử vong sau khi dương tính và bị sốt cao. Cậu thanh niên này đang trong đợt nghỉ đông, nhưng cậu ấy đã vĩnh viễn không thể quay trở về trường học”.

Bài đăng của cư dân mạng "Fengshui Jiejie Ai Nianqing" trên Weibo. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 14/1, cư dân mạng “redmodelworker-floria" cho biết: "Lần này, làng chúng tôi có 7 người chết, bao gồm cả bạn học của tôi và hai bác sĩ chân trần". ‘Bác sĩ chân trần’ là cụm từ để chỉ những người chữa bệnh không được đào tạo y tế chính quy và vẫn có hộ khẩu nông nghiệp ở Trung Quốc.

Cư dân mạng "Xixin de Yanshen” cho hay: "Bây giờ tôi hiếm khi về làng nhưng bố mẹ tôi vẫn sống ở đó. Trong gần 10 ngày qua, có 3 người trong làng đã qua đời".

Cư dân mạng "Jinjiu Tingjian" cho biết: "Ngày 26/12/2022 tôi từ thành phố trở về quê, trong 10 ngày sau đó ngôi làng nhỏ của chúng tôi liên tiếp có 5 người già ra đi, những cụ khác nghe tin thì mặt mày biến sắc. Cũng trong khoảng thời gian đó, một ngôi làng nhỏ khác ở lân cận có chưa tới 3.000 người mà một ngày mất tới 5 cụ”.

Bài đăng của cư dân mạng "Jinjiu Tingjian" trên Weibo. (Ảnh chụp màn hình)

Hôm 16/1, cư dân mạng "Meimeng shi ge qiqiu xiangwang zhe lantian" viết: "Ở làng của chúng tôi, tuần trước có hơn 10 người già đã qua đời. Khắp làng đều là tang lễ. Những người đã mất đều là trưởng bối của cha tôi”.

Ngày 17/1, cư dân mạng "Gem_yep" cho biết: "Những người già trong làng chúng tôi lần lượt qua đời vì dịch bệnh, mỗi ngày tôi đều thức dậy trong tiếng nhạc tang”.

Cư dân mạng "tomhong12" viết: "Sáng nay tôi có đi dự đám tang của một cụ già. Trong làn sóng dịch bệnh lần này, người lớn tuổi mất rất nhiều. Lấy làng chúng tôi làm ví dụ, số người chết cũng đã 15, 16 người rồi, nhiều hơn những năm trước. Có nhà chỉ ‘ăn bữa cơm đậu phụ’ thôi mà tiêu hết hơn 10.000 tệ (khoảng 35 triệu VND). Sau khi qua đời, rất nhiều người đều đợi hỏa táng”.

‘Ăn bữa cơm đậu phụ’ là một phong tục tang lễ dân gian phổ biến ở các vùng Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải. Sau đám tang, người chủ trì tang lễ phải tổ chức một bữa tiệc (còn gọi là ‘đậu yến’) để đáp lễ những người thân, bạn bè và hàng xóm đến giúp làm đám tang.

(Các hố chôn bình tro cốt mới được xây cất ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc)

Vào ngày 15/1, một người tên Lý Xuân (Li Chun - bí danh) ở Hồ Nam nói với The Epoch Times rằng, ở nông thôn có “rất nhiều người chết, hầu hết họ là người già mắc bệnh nền, cũng có một số là người trẻ tuổi. Khách hàng của tôi kể rằng, hàng xóm của họ, người 30, 40 tuổi có cả, còn có một học sinh tiểu học 11 tuổi đã qua đời, họ nói rằng đó là vì Covid-19”.

Ngoài ra, một cư dân mạng ở Thiểm Tây cho biết, có một người họ hàng đã qua đời cách đây vài ngày, khi tới công an làm thủ tục hủy hộ khẩu, một người họ hàng khác làm việc tại cơ quan công an đã thông báo rằng hạn mức hủy hộ khẩu bị siết rất nghiêm, cấp trên yêu cầu phải giảm số người chết ở mức cao nhất.

Đoạn chat cho thấy một đồn công an ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc siết chặt hạn mức hủy hộ khẩu của người chết. (Ảnh chụp màn hình)

Nông thôn thiếu vật tư y tế, 1 bác sĩ phụ trách 9 ngôi làng

Cơ sở y tế, bác sĩ và thuốc men trong hệ thống y tế ở nông thôn Trung Quốc nói chung đang thiếu hụt trầm trọng. Một bài báo đăng trên tạp chí China Newsweek (Tuần báo Tin tức Trung Quốc) hôm 9/1 đã phản ánh tình cảnh khốn khó của ngành y tế ở nông thôn nước này dưới tác động của dịch bệnh.

Trong bài có đoạn: "Một bác sĩ tốt nghiệp trường trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng và điều trị y tế của 1.400 người dân ở 9 ngôi làng. Khi dịch bệnh ập đến, hộp đồ nghề của anh chỉ có vài hộp 'chữa cảm mạo 999' và 30 bộ kit test nhanh kháng nguyên".

Đây chỉ là một mô hình thu nhỏ về tình hình phòng chống dịch bệnh ở vùng nông thôn Trung Quốc hiện nay. Bài báo có tiêu đề "Tại sao khu vực nông thôn khó chống lại dịch bệnh" đã được đăng lại trên một số cổng thông tin điện tử ở Trung Quốc và thu hút sự chú ý rộng rãi của cư dân mạng nước này.

(Cơ sở vật chất y tế ở nông thôn Trung Quốc thiếu thốn trầm trọng)

Theo bài báo này, các cơ sở khám chữa bệnh ở nông thôn nói chung không chỉ thiếu giường bệnh, thiếu nhân viên y tế, thiếu trang thiết bị cần thiết để đối phó với dịch bệnh, mà ngay cả các loại thuốc kháng virus cơ bản cũng không có.

Trong bài viết có nhắc đến một bác sĩ ở ngôi làng trên vùng núi, người này đã phải bỏ tiền túi ra để mua một chiếc máy thở oxy với giá hơn 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu VND) để ứng phó với làn sóng dịch bệnh đang bùng phát trên quy mô lớn. Hiện tại, các ca nhiễm Covid thể nặng trong làng ngày càng nhiều.

Covid-19 là bệnh về đường hô hấp, nhưng các trung tâm y tế tại các xã và thị trấn ở Trung Quốc hầu như đều thiếu thiết bị thở oxy, máy thở để điều trị suy hô hấp do viêm phổi, cũng như trang thiết bị đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) để cấp cứu những bệnh nhân nặng, v.v. Điều kiện y tế tại các trung tâm y tế ở cấp thôn làng thậm chí còn tệ hơn.

Tác giả bài báo này tiết lộ rằng, trung tâm y tế ở các xã và thị trấn của Trung Quốc hoàn toàn không có máy thở và thiết bị CT. Ở bệnh viện cấp huyện, chưa nói đến phòng ICU, chỉ có khoảng một nửa số giường bệnh là được trang bị máy thở. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, 10 giường ICU tại một bệnh viện cấp huyện ở phía đông bắc tỉnh Hà Nam đã hoạt động hết công suất, bệnh nhân từ các vùng nông thôn liên tục được gửi lên bệnh viện huyện để điều trị khẩn cấp, nhưng các giường ICU ở bệnh viện tuyến huyện trở lên cũng đã quá tải, không thể tiếp nhận hay chuyển tuyến thêm bệnh nhân khác.

Bài báo thẳng thừng cho rằng, đại dịch Covid giống như thuốc hiện hình (hóa chất dùng trong rửa ảnh, tráng phim), nó đã phóng to những mắt xích yếu kém tồn tại nhiều năm trong hệ thống y tế của Trung Quốc: “Những thách thức về nguồn lực y tế cũng như tính mạng và sức khỏe của người dân ở các vùng nông thôn không phải chỉ mới xuất hiện khi có dịch bệnh".

(Hơn 10 gia đình ở một vùng nông thôn ở Trùng Khánh, Trung Quốc cùng lúc tổ chức tang lễ)

Các nhà tang lễ trên khắp Trung Quốc bận rộn bất thường

Tờ Washington Post ngày 10/1 đã trích dẫn hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ Maxar Technologies của Mỹ chụp được cho thấy, từ Bắc Kinh đến Nam Kinh, từ Thành Đô đến Côn Minh, các nhà tang lễ phân bổ trên khắp đông nam tây bắc Trung Quốc đều có những hoạt động bận rộn bất thường.

Nhân viên một nhà tang lễ ở Thượng Hải đã được The Epoch Times phỏng vấn và tiết lộ rằng, họ xử lý khoảng 400 đến 500 tử thi mỗi ngày, hầu hết đều bị nhiễm dịch bệnh, trước đây tối đa là 90 xác; nếu mỗi ngày thiêu 400 xác thì tổng cộng một tháng là khoảng 12.000 xác. Trong khi đó thành phố này có 15 nhà tang lễ, ước tính số người chết ở Thượng Hải trong tháng này sẽ lên tới 100.000.

Đây là thông tin về số người chết được phản ánh từ các nhà tang lễ và lò hỏa táng ở các thành phố của Trung Quốc. Còn tại các vùng nông thôn rộng lớn của nước này, có khoảng một nửa số khu vực là không phổ biến hình thức hỏa táng, họ chọn cách chôn cất truyền thống.

Theo thống kê của Bộ Dân chính Trung Quốc, năm 2019, tỷ lệ hỏa táng ở Trung Quốc là 52,4%, có gần một nửa số người chết không dùng hình thức hỏa táng.

Do đó, số người chết do Covid-19 ở nông thôn Trung Quốc càng khó đoán hơn.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Một góc nông thôn Trung Quốc thời dịch bệnh