Một nạn nhân kể về ‘nền kinh tế huyết tương’ của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Lu Xiaozhong, một người có máu khó đông, đã mắc HIV và viêm gan C vào năm 2004 do sử dụng yếu tố đông máu VIII bị nhiễm bệnh. Trong hơn 19 năm kể từ đó, thay vì được điều trị và hỗ trợ y tế, ông đã trở thành mục tiêu đàn áp của Đảng Cộng sản Trung quốc.

Ngày 17/03/2023, ông Lu cuối cùng cũng trốn thoát khỏi Trung Quốc và đến một trại tị nạn ở Frankfurt (Đức).

“Thật kỳ diệu khi tôi có thể sống sót đến ngày hôm nay”, ông nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times. Người đàn ông này rất vui mừng vì sẽ có thể được sống như một con người.

Ông Lu cũng tự tin rằng bản thân sẽ sớm hồi phục và sẽ tận dụng tốt nhất thời gian còn lại để sống trong thế giới tự do: “Tôi sẽ vạch trần sự tàn bạo và tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước lãnh sự quán Trung Quốc khi sức khỏe của tôi cho phép”.

Nền kinh tế huyết tương

Ông Lu, 46 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh máu khó đông khi còn nhỏ. Căn bệnh khiến ông phải bỏ học từ năm lớp 4.

Giống như nhiều bệnh nhân máu khó đông khác, ông Lu thường xuyên phải sử dụng yếu tố đông máu VIII (clotting factor VIII) do Trung Quốc sản xuất. Do nhiễm phải mầm bệnh có trong sản phẩm, ông mắc nhiều biến chứng; nhiều người khác thậm chí đã tử vong.

Viện Sinh phẩm Thượng Hải (SIBP), một công ty con của công ty dược phẩm nhà nước Sinopharm của Trung Quốc, là nơi sản xuất yếu tố đông máu VIII.

Vào những năm 1980 tại Trung Quốc, nền kinh tế huyết tương phát triển bùng nổ; chính quyền địa phương khuyến khích nông dân nghèo kiếm tiền nhanh bằng cách bán máu.

Một nạn nhân của ‘nền kinh tế huyết tương’ Trung Quốc trốn thành công sang Đức
Bệnh nhân AIDS Cao Xiaonian (trái) và vợ Zhou Xiaoneng (phải) bế đứa con 9 tháng tuổi, trong một ngôi nhà ở tỉnh Hà Nam, miền nam Trung Quốc, ngày 02/08/2006. (Ảnh: Peter Parks/AFP qua Getty Images)

Các cơ sở mua máu chỉ mua huyết tương, phần máu còn lại (gồm hồng cầu) thì sẽ trả lại cho người bán. Các cơ sở này đã tái sử dụng kim tiêm nhiều lần; đáng sợ hơn, họ trộn máu của những người cùng nhóm máu để lấy huyết tương, sau đó chia đều phần máu còn lại để trả cho người bán máu. Hậu quả là, hàng triệu người Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của máu nhiễm HIV.

Đặc biệt, ở tỉnh Hà Nam, hoạt động này đã khiến đại dịch AIDS bùng phát vào những năm 1990, rất nhiều ngôi làng bị AIDS.

Ví dụ, ở làng Houyang, 38% trẻ sơ sinh sinh sau năm 1996 có cha mẹ bị nhiễm AIDS cũng bị nhiễm AIDS.

Thật không may, chính quyền đã bắt tay với các công ty dược phẩm để đàn áp những nạn nhân tìm kiếm sự cứu trợ từ phía chính quyền và công ty.

Ông Lu nói rằng mặc dù có một số người dám đứng ra kiện, nhưng không tòa án nào dám trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm. “Bí thư chi bộ của SIBP là bạn học của Giang Trạch Dân [cố lãnh đạo Trung Quốc] … không ai dám động đến vụ án”.

Khi tỉnh Hà Nam thúc đẩy nền kinh tế huyết tương, bí thư tỉnh Hà Nam lúc đó là ông Lý Trường Xuân (Li Changchun). Ông Lý sau đó đã thăng tiến trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, bất chấp việc rất nhiều người yêu cầu ông phải chịu trách nhiệm về thảm họa AIDS của cả quốc gia.

Bị nhốt và bị đánh đập

Từ năm 2004, ông Lu trở thành mục tiêu đàn áp của chính quyền thành phố Tô Châu, phía nam Trung Quốc, dưới danh nghĩa duy trì ổn định.

Ông bị giữ ở Bệnh viện Nhân dân số 5 của Tô Châu. Bị cảnh sát theo dõi ngày này qua ngày khác, ông cảm thấy phát điên.

Tháng 09/2005, ông Lu quyết định đến văn phòng kiến ​​nghị cấp tỉnh để nộp đơn khiếu nại. Tuy nhiên, cảnh sát đã bắt ông và đưa ông trở lại Tô Châu. Trong khu vực có hàng rào sắt được thiết kế dành cho bệnh nhân mắc bệnh dại, ông Lu bị nhốt bên trong, không được cung cấp thức ăn và nước uống trong 3 ngày.

Ông chia sẻ: “Vào thời điểm đó, tôi thật ngây thơ, tôi vẫn tin rằng ĐCSTQ cuối cùng sẽ cứu tôi và hiểu tôi”.

Nhưng, vụ thỉnh nguyện ở Bắc Kinh sau đó đã khiến ông bừng tỉnh. Vào tháng 04/2016, ông Lu đệ đơn khiếu nại lên văn phòng thỉnh nguyện của Sinopharm ở Bắc Kinh. Ngay sau đó, ông bị một tên côn đồ từ SIBP đánh đập dã man, chiếc nạng của ông bị đập gãy.

Ông đã gọi cảnh sát và đệ đơn kiện lên tòa án. Cảnh sát nói với ông rằng họ đã ghi lại mọi thứ và có đầy đủ bằng chứng. Nhưng, trong phiên tòa, họ nói rằng không có đoạn ghi âm hay ghi hình nào, và nói ông Lu đã tự khiến ông bị thương.

Ông Lu nói: Vụ việc “khiến tôi bừng tỉnh”. Ông nhận ra rằng trong mắt chính quyền địa phương, ông “là một kẻ gây rối, một kẻ ăn bám”.

Vào những ngày nhạy cảm về mặt chính trị, cảnh sát địa phương sẽ tịch thu giấy tờ tùy thân, điện thoại di động và giấy phép đến Hong Kong và Ma Cao của ông. Ông bị nhốt trong phòng giam, đôi khi lên đến 30 ngày.

Ông cho biết, với một người mắc bệnh nan y như ông, thật khó hiểu khi chính quyền tốn biết bao công sức chỉ để theo dõi ông. Chỉ có một lý do: Các quan chức suy đồi lấy ông làm cái cớ để nhận tiền từ chính quyền trung ương.

Ông Lu nói: “Các nhân viên địa phương sẽ được thưởng hàng chục nghìn nhân dân tệ nếu họ có thể cản trở và bắt cóc một người thỉnh nguyện địa phương trước khi người ấy đến được [văn phòng thỉnh nguyện] Bắc Kinh”.

Trong 19 năm qua, ông Lu liên tục bị cưỡng bức giam giữ trong bệnh viện, số lần ông bị nhốt và bị tra tấn nhiều đến mức không thể đếm xuể.

Khỏi trầm cảm mà không cần thuốc

Trong những năm gần đây, bệnh trầm cảm của ông Lu ngày càng trở nên trầm trọng. Ông muốn ra nước ngoài để được cứu chữa nhưng cần sự cho phép của chính quyền.

Ông Lu đã yêu cầu các quan chức cho phép ông đến Serbia.

Chính quyền muốn ông đến Thái Lan. Họ nói: “Tại sao lại là Serbia? Đang có một cuộc chiến ở châu Âu. Hãy đi Thái Lan”. Ông Lu từ chối chính quyền và kiên định với kế hoạch của mình.

Có lẽ vì tình trạng sức khỏe của ông diễn biến rất tồi tệ — ông không thể sống sót nếu không nhận được yếu tố đông máu VIII — nên chính quyền đã ngừng cản trở việc ông đặt vé máy bay.

Sau khi vượt qua nhiều trở ngại ở sân bay, ông may mắn được lên máy bay.

Tại Frankfurt, ông không đáp chuyến bay tới Serbia. Thay vào đó, cảnh sát Đức tại sân bay đã lập hồ sơ cho ông và gửi ông đến một trại tị nạn, nơi ông được đăng ký là người tị nạn.

Sau một tuần, ông được chữa trị tại một bệnh viện ở Đức, được chăm sóc chu đáo. Tại đây, ông không còn cần đến thuốc chống trầm cảm. Ông nói: “Bây giờ tôi đã có thể ngủ vào ban đêm và nỗi sợ hãi không còn nữa”.

Nhớ lại cuộc sống ở Trung Quốc, ông chia sẻ: “Thật kinh khủng. Ngay cả khi bạn ngủ trong phòng giam, [bạn vẫn sợ] sẽ có người vào cướp bóc bạn, hoặc đưa bạn đến bệnh viện tâm thần bất cứ lúc nào. Mọi thứ rất căng thẳng và … nặng nề”.

Hiện tại, ở Đức, ông Lu cảm thấy thoải mái với bầu không khí dễ chịu mà những người xung quanh tạo nên. "Họ nói với tôi: Chúng tôi ở đây để giúp đỡ, đừng lo lắng", ông nói.

Đối với ông Lu, cuộc sống thật sự dường như mới bắt đầu. Ông chia sẻ: “Cuộc sống trước đây của tôi còn tồi tệ hơn cả một con chó”. Ông tự tin rằng bản thân sẽ khỏe lại và khi có thể đi phương tiện công cộng, ông sẽ đến lãnh sứ quán Trung Quốc ở Frankfurt để vạch trần tội ác của ĐCSTQ.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một nạn nhân kể về ‘nền kinh tế huyết tương’ của Trung Quốc