Một thập kỷ đại chiến Giang - Tập: Hong Kong vẫn thuộc phe Giang, ông Tập e sợ đảo chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giang Trạch Dân từng nhiều lần phẫn nộ với ông Tập: “Ông muốn làm gì, ông muốn đem những bê bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc bày ra khắp thế giới hả!”. Sự tức giận đó bắt nguồn từ việc ông Tập không ngừng đánh phe Giang dưới danh nghĩa chống tham nhũng: “Đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”.

Nhưng ông Tập không thể ngừng lại cuộc chiến này vì chỉ cần ngừng lại, ngay cả sinh mạng của ông cũng có thể tiêu biến. Vấn đề là, cuộc chiến Giang - Tập khiến ông Tập buộc phải phơi bày hết thảy bê bối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong đó, bê bối lớn nhất không phải là tham nhũng, bê bối tình dục, hay thanh trừng bè phái, mà là tội ác thu hoạch tạng sống từ chính người dân Trung Quốc của chế độ này…

Sự phẫn nộ của Giang, con đường không thể không đi qua của ông Tập, ngày một trở nên nóng bỏng trước thềm Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 vào tháng 10 tới đây. Sau 10 năm đấu đá, cho tới giờ, Hong Kong vẫn thuộc về phe Giang - Tăng, trong khi ông Tập luôn e sợ, thấp thỏm nguy cơ bị đảo chính.

Thay nhân sự ở ‘sào huyệt’ của phe Giang - Tăng tại Bộ Công an và Quân đội

Trong nửa đầu năm nay, ông Tập Cận Bình liên tiếp bố trí lại nhân sự. Các vị trí được thay thế đều nhắm thẳng vào sào huyệt của Giang - Tăng: Bộ Công an và Quân đội

Thay thế thân tín vào vị trí Bộ trưởng Công an

Chiều ngày 24/6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc ĐCSTQ thông báo danh sách một số bổ nhiệm và miễn nhiệm. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công an Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) bị cách chức và thay thế bởi thân tín của ông Tập là ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong).

Cùng ngày, trang Mạng Trường An Trung Quốc (ChinaPeace), trang web chính thức của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ, cập nhật thông tin cho thấy, ông Vương Tiểu Hồng đã đảm nhận vị trí Phó bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, ngang hàng với ông Triệu Khắc Chí nhưng là phó bí thư số 2.

Ông Vương Tiểu Hồng được công nhận là thân tín của ông Tập. Khi ông Tập là Bí thư Thành ủy Phúc Châu vào những năm 1990, ông Vương là người phụ trách an ninh cho ông Tập.

Bổ nhiệm hai nhân sự quân đội chủ chốt trên sân nhà của Tăng Khánh Hồng

Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm cựu Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng là cánh tay phải đắc lực của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Đây là nhân vật số một và số hai trong phe Giang - Tăng, cũng là đối thủ chính trị hàng đầu của lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình. Sào huyệt của Tăng Khánh Hồng được cho là nằm ở Hong Kong và Giang Tây. Ông Tập hiện có bày binh bố trận về nhân sự tại chính hai nơi này.

Vào ngày 28/3 năm nay, Thượng tá Ngô Thao (Wu Tao), phát ngôn viên của Đơn vị đồn trú Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Hong Kong (PLA Hong Kong Garrison), công bố ông Lại Như Hâm (Lai Ruxin) được bổ nhiệm vị trí Chính ủy của PLA Hong Kong Garrison.

Sau khi ông Lại Như Hâm được bổ nhiệm làm chính ủy của PLA Hong Kong Garrison, vài ngày sau, tư lệnh của Quân khu tỉnh Giang Tây cũng được thay thế.

Theo trang web của Phòng sự vụ Quân nhân giải ngũ tỉnh Giang Tây, vào sáng ngày 2/4, Tư lệnh Quân khu tỉnh Giang Tây Trương Cung (Zhang Gong) và các quan chức khác đã đến Nghĩa trang liệt sĩ ở Thành phố Nam Xương để tham gia hoạt động quét dọn tế lễ. Tin tức trên cho thấy, Tư lệnh Quân khu tỉnh Giang Tây đã được thay thế.

Tư lệnh trước đó là ông Ngô Á Phi (Wu Yafei). Ông Ngô còn từng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tây, nhưng vào tháng 11/2021, vị trí này đã bị Chính ủy Quân khu tỉnh Giang Tây Bào Trạch Mẫn (Bao Zemin) kế nhiệm. Theo Giang Tây Nhật báo đưa tin ngày 23/7/2021, nguyên Phó chính ủy Quân khu Bắc Kinh Bào Trạch Mẫn được chuyển sang làm Chính ủy Quân khu Giang Tây.

Còn về phía cảnh sát vũ trang, Chính ủy Trung đoàn Cảnh sát Vũ trang tỉnh Giang Tây Từ Vân Phi (Xu Yunfei) đã thể hiện lòng trung thành với ông Tập Cận Bình trên tờ Báo Giải phóng quân năm 2021.

Dường như không phải ngẫu nhiên khi hai lần bổ nhiệm nhân sự quân đội cấp cao trước Đại hội Đảng 20, ông Tập đều nhắm vào tỉnh Giang Tây và Hong Kong. Một nơi là quê hương của Tăng Khánh Hồng, nơi còn lại là địa bàn hoạt động của ông ta trong nhiều năm.

Chỉ trong vài tháng, ông Tập liên tục điều binh khiển tướng và động chạm tới nhân vật chủ chốt họ Tăng.

Ông Tăng Khánh Hồng
Ông Tăng Khánh Hồng. (Andrew Wong/Getty Images)

Hồng nhị đại tiết lộ đấu đá giữa Tập và Giang

Vào năm 2017, trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hong Kong, hồng nhị đại La Vũ (Luo Yu), con trai của Đại tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc La Thụy Khanh (Luo Ruiqing), đã tiết lộ câu chuyện nội bộ của giới lãnh đạo ĐCSTQ cấp cao.

Ông La Vũ nói: "Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay, mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của vua Tập chính là đánh đổ [từ gốc rễ tập đoàn chính trị quyền lực] Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Bởi vì họ là những kẻ tham nhũng lớn nhất. Trong thời kỳ này, Giang từng nhiều lần dùng giọng điệu dữ dội nói với ông Tập: 'Ông muốn làm gì, ông muốn đem những bê bối của Đảng Cộng sản [Trung Quốc] bày ra khắp thế giới hả!'. Họ nói với ông Tập nhiều lần nhưng ông Tập đều không quan tâm”.

"Lý do là ông ấy phải tự bảo vệ bản thân trước rồi sau đó mới có thể làm những điều mình muốn. Tập Cận Bình phải phá vỡ âm mưu lật đổ ông và để Bạc Hy Lai lên nắm quyền của phe Giang - Tăng. Vì vậy, đây là việc đầu tiên ông làm khi lên nắm quyền, làm cũng khá thành công. Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã kéo Bạc Hy Lai xuống ngựa, ông Tập lại kéo Chu Vĩnh Khang ngã ngựa, ông ấy đang tự bảo vệ tính mạng", ông La giải thích.

Ông La Vũ cho hay, "5 năm qua kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình vẫn đang tiêu diệt lực lượng của Giang Trạch Dân. Đến nay thế lực này đã bị thanh trừ tương đối. Nhưng Tập Cận Bình gặp phải một lực cản khó vượt qua: Thế lực Giang - Tăng cũng là thế lực tham nhũng, thế lực tham nhũng lại là thế lực của toàn đảng. Vì vậy, bây giờ, không có lối thoát cho cả hai bên".

Từ một loạt thay đổi nhân sự cấp cao trong năm nay của ông Tập ở PLA Hong Kong Garrison và Quân khu tỉnh Giang Tây, có thể thấy ông Tập vẫn chưa chạy ra khỏi phạm vi mà ông La Vũ đã nói.

Hiện nay, cuộc tranh đấu quyền lực giữa phe Tập Cận Bình và phe Giang Trạch Dân càng ác liệt hơn.

Hong Kong vẫn hoàn toàn là địa bàn của họ Tăng

Năm 2003, ĐCSTQ thành lập Nhóm điều phối công tác của Trung ương ở Hong Kong và Ma Cao. Trưởng nhóm lãnh đạo lúc đó là ông Tăng Khánh Hồng. Khi này, ông Tăng đang là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Phó Chủ tịch nước. Kể từ đó, Tăng Khánh Hồng can dự toàn diện vào các vấn đề của Hong Kong.

Sau đó, thân tín của Tăng Khánh Hồng là ông Liệu Huy (Liao Hui) được đề bạt làm Chủ nhiệm Văn phòng Hong Kong và Ma Cao trong 13 năm (1997 - 2010). Đây là quan chức ĐCSTQ phụ trách Hong Kong và Ma Cao trong thời gian dài nhất.

Các ông Liệu Huy, An Dân (An Min) và Tăng Khánh Hoài (Zeng Qinghuai) là ba nhân vật chính giúp Tăng Khánh Hồng kiểm soát Hong Kong. Ông An Dân là con trai của cựu Bộ trưởng Bộ Tổ chức ĐCSTQ An Tử Văn (An Ziwen); còn ông Tăng Khánh Hoài là em trai của ông Tăng Khánh Hồng.

Không chỉ nắm cảnh sát Hong Kong cũng như toàn bộ tài phiệt tài chính của đặc khu này, cho tới giờ, toàn bộ truyền thông Hong Kong thuộc về phe của Giang - Tập.

Vào ngày 29/6, chính quyền Hong Kong đã thông báo cho 10 nhà báo đến từ ít nhất 7 kênh truyền thông rằng, họ sẽ không thể tham dự hai buổi lễ ngày 30/6 và 1/7. Hiệp hội Nhà báo Hong Kong cho biết, các kênh truyền thông đó là Ming Pao, Hong Kong 01, South China Morning Post, Now News, AFP, Reuters, v.v. Còn có một số kênh truyền thông Hong Kong khác không được phép tham gia hoạt động phỏng vấn, một trong những lý do được đưa ra là "lý do an ninh".

Như đã đề cập trước đó, Hong Kong có một số kênh truyền thông chống lại Tập và thể hiện rõ màu sắc của phe Giang - Tăng. Người viết nhận thấy rằng, Ming Pao, Sing Tao Daily, Hong Kong 01 (hk01) South China Morning Post dường như đang đóng vai trò này.

Hong Kong 01

Doanh nhân Hong Kong Vu Phẩm Hải (Yu Pun Hoi) là ông chủ của cả Hong Kong 01Duowei News.

Vào ngày 26/4 năm nay, Duowei News – kênh đại tuyên truyền của ĐCSTQ ở hải ngoại mang họ “Giang - Tăng” – bất ngờ tuyên bố ngừng hoạt động. Ngoại giới cho rằng, một cơ quan ngôn luận quan trọng của phe Giang đã bị ông Tập Cận Bình thanh trừng trong cuộc đấu đá nội bộ.

Sau khi giải thể, một số ít nhân viên của Duowei News gia nhập Hong Kong 01. Trước đó, Duowei News rất quan tâm đến vấn đề công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình.

Vào ngày 6/7/2021, trang web này đã đăng một bài báo với tiêu đề "Đã không ra nước ngoài trong một năm rưỡi, truyền thông Hong Kong đưa tin liệu Tập Cận Bình có đến thăm Ý lần đầu tiên sau đại dịch".

Đến ngày 10/9, tờ báo này lại đăng bài "Tập Cận Bình lập kỷ lục 600 ngày không có chuyến thăm nước ngoài, truyền thông Mỹ nói rằng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với các nước phương Tây".

Tiêu đề bài viết ngày 10/9 cho thấy, có vẻ như Giang và Tăng còn cấp bách hơn ông Tập. Đây có phải là chiêu khích tướng để ông Tập Cận Bình rời khỏi Trung Quốc đại lục?

Vì vậy, phe Tập Cận Bình có thể không đề phòng Hong Kong 01 sao? Chắc chắn phải đề phòng.

South China Morning Post

Còn nói về South China Morning Post (SCMP – Bưu điện Hoa nam Buổi sáng), nhiều người không biết rằng SCMP luôn do Tăng Khánh Hồng kiểm soát.

Vào ngày 20/7/2017, tờ SCMP đăng một bài báo ám chỉ ‘tổng quản đại nội’ Lật Chiến Thư của ông Tập Cận Bình đang vơ vét của cải, nhưng lại gỡ bài báo và gửi lời xin lỗi vào ngay ngày hôm sau.

Vào ngày 21/7 cùng năm, Tổng biên tập Kim Trung (Jin Zhong) của Open Magazine (Tạp chí Khai Phóng) cho biết trong chương trình phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, ông Lật Chiến Thư là thân tín của ông Tập Cận Bình. Ông cũng cho hay, SCMP cũng từng đưa tin như vậy. Do có quen biết với Tổng biên tập Đàm Vệ Nhi (Tan Weier) của SCMP, ông Kim tin rằng SCMP không có gan làm vậy, đằng sau ắt hẳn có người chống lưng.

Ông Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), một nhà chính trị và kinh tế học, cho biết, mặc dù Jack Ma là nhà đầu tư mua tờ SCMP, nhưng quyền điều hành và kiểm soát tờ báo này lại thuộc về Ủy ban Công tác Hong Kong và Ma Cao của Trung ương ĐCSTQ. Người kiểm soát thực tế của ủy ban này là Tăng Khánh Hồng.

Ông Trình nói, "Tờ SCMP thực sự nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Công tác Hong Kong và Ma Cao. Nói cách khác, như ông Kim Trung đề cập ở trên, có ai đó đã gửi thông tin cho họ. Tôi tin rằng tờ SCMP đã đăng bài báo đó dưới sự chỉ đạo của một số người trong Ủy ban Công tác Hong Kong và Ma Cao. Chúng ta đều biết rằng Ủy ban Công tác Hong Kong và Ma Cao là nơi mà Tăng Khánh Hồng đã hoạt động trong nhiều năm, ông ta có tay chân cài cắm khắp các phòng ban. Vì vậy, có thể nói đây là thủ đoạn do thế lực phản ông Tập ẩn nấp trong Ủy ban Công tác Hong Kong và Ma Cao làm ra”.

Ming Pao

Về tờ Ming Pao, nó cũng được phát hiện là rất ăn ý với một số kênh truyền thông do phe Giang hậu thuẫn như DuoWei NewsSing Tao Daily. Các trang này từng nhiều lần đồng loạt đăng các bài báo chống lại ông Tập.

Tờ Epoch Weekly cũng đưa tin: "Thế lực đứng sau Ming Pao thuộc Tập đoàn Giang Trạch Dân, do Tăng Khánh Hồng chỉ huy ở hậu trường. Trước các vấn đề vô cùng nhạy cảm, các kênh truyền thông con thuộc Ming Pao cũng lên tiếng thay cho phe Giang".

Bài báo cũng cho biết, "Tăng Khánh Hồng là nhân vật quyền lực số hai trong thời đại Giang Trạch Dân, được gọi là 'Tổng quản Đại nội' của Giang. Khi sức khỏe Giang Trạch Dân ngày càng yếu đi, Tăng Khánh Hồng đã trở thành người đứng đầu thực sự của tập đoàn họ Giang".

Trước việc Ming Pao, Hong Kong 01 South China Morning Post bị loại khỏi danh sách các kênh truyền thông tham gia hoạt động phỏng vấn ông Tập trong chuyến đi tới Hong Kong lần này, có thể thấy đây là cân nhắc về chính trị. Vì các kênh này không mang họ “Tập”, mà là họ “Tăng”!

Ông Tập Cận Bình (phải) tham dự lễ nhậm chức của tân Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu (trái) hôm 1/7/2022 ở Hong Kong.
Ông Tập Cận Bình (phải) tham dự lễ nhậm chức của tân Đặc khu trưởng Hong Kong Lý Gia Siêu (trái) hôm 1/7/2022 ở Hong Kong. (SELIM CHTAYTI/POOL/AFP via Getty Images)

Thăm Hong Kong, ông Tập sợ ám sát

Trước thế cờ chưa hề thuộc về mình như vậy, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Hong Kong với mức độ an ninh cấp cao nhất.

Ông Tập Cận Bình đã đến Hong Kong vào chiều ngày 30/6 để tham gia lễ kỷ niệm 25 năm Hong Kong được trao trả và trở lại vào ngày 1/7 để tham dự lễ nhậm chức của chính quyền Hong Kong mới. Tức là cả hai ngày ông Tập đều không qua đêm tại Hong Kong. Phu nhân ông Tập, bà Bành Lệ Viên, cũng đi cùng ông. Cảnh sát Hong Kong đã đóng quân và tuần tra tại các khu vực trọng yếu kể từ ngày 29/6.

Thay vì đi chuyên cơ như trước, lần này vợ chồng ông Tập chọn di chuyển bằng đường bộ. Tối 30/6, ông tham dự bữa tối đặc biệt tại tòa nhà chính phủ Government House, sau đó bắt tàu cao tốc trở về Thâm Quyến. Sáng ngày 1/7 lại đến Hong Kong dự lễ nhậm chức. Sắp xếp này rõ ràng là vì lý do an ninh.

Theo suy đoán, hành động này là để đề phòng các đối thủ chính trị của ông Tập lợi dụng chuyến thăm Hong Kong để tấn công ông. Suy đoán này có thể nghiệm chứng qua bài báo do truyền thông Trung Quốc đưa tin: Từ Chủ nhật ngày 26/6 đến ngày 2/7, hành khách di chuyển bằng đường sắt từ hai thành phố là Phúc Châu và Hạ Môn đến Thâm Quyến cần phải "kiểm tra an ninh hai lần” thì mới được lên tàu.

Đây là biện pháp để đề phòng người Hong Kong sao? Tuyệt đối không!

Vì Tăng Khánh Hồng đã hoạt động ở Hong Kong hàng chục năm, nên ông Tập Cận Bình không thể hoàn toàn yên tâm với cảnh sát Hong Kong. Cho nên theo một khía cạnh nào đó, việc lãnh đạo tối cao không dám qua đêm ở Hong Kong là một tai tiếng lớn đối với ĐCSTQ!

Ông Tập không dám rời Đại lục vì thấp thỏm nguy cơ đảo chính

Chuyến đi tới Hong Kong vừa qua là lần đầu tiên ông Tập rời khỏi Đại lục kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc ông Tập không rời đất nước rõ ràng có liên quan đến Đại hội Đảng 20. Lo ngại lớn nhất của ông có thể là một khi rời Trung Quốc, các thế lực đối lập trong ĐCSTQ sẽ liên kết lại và phát động đảo chính!

Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) từng xảy ra sự kiện tương tự. Vào ngày 12/10/1964, Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương ĐCSLX đã tổ chức một cuộc họp để loại bỏ Nikita Khrushchev và đạt được một sự nhất trí. Khi đó, nhà lãnh đạo này đang tận hưởng kỳ nghỉ ở bờ Biển Đen.

Vào tối ngày 12/10 cùng năm, Leonid Ilyich Brezhnev đã gọi điện cho Khrushchev với vẻ lo lắng và yêu cầu ông trở về Moscow ngay lập tức để tham dự một cuộc họp đặc biệt của Đoàn Chủ tịch về các vấn đề nông nghiệp. Kết quả là khi vừa xuống máy bay, Khrushchev đã bị giam lỏng và được KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô) hộ tống về Điện Kremlin. Cuối cùng, Khrushchev bị hạ bệ!

Do đó, chúng ta thấy rằng ông Tập Cận Bình sẽ không rời Trung Quốc đại lục dù cho dư luận trong và ngoài nước có nói thế nào. Lần này khi đến Hong Kong, ông chọn trở lại Thâm Quyến qua đêm chứ không ở lại Hong Kong. Ông Tập đang đề phòng khả năng này.

Đông Phương

Theo Giản Dịch (Jian Yi) - Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Một thập kỷ đại chiến Giang - Tập: Hong Kong vẫn thuộc phe Giang, ông Tập e sợ đảo chính