Một tỉnh Trung Quốc chi hơn 21 tỷ USD cho Zero Covid nhưng không mua thiết bị y tế hay thuốc men

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những lý do khiến chế độ Bắc Kinh đột ngột gỡ bỏ Zero Covid là do chi tiêu cực kỳ tốn kém vào những thứ…vô bổ. Tất cả chỉ tạo nợ, rắc rối sức khoẻ và gây ra các vấn đề xã hội mà hầu như không hỗ trợ thuốc men, thiết bị trợ thở, bệnh viện để chống chọi với đại dịch.

Ngân sách của một số tỉnh và khu vực ở Trung Quốc cho thấy, chính quyền địa phương đã tính toán sai khi chi hàng chục tới hàng trăm tỷ nhân dân tệ (CNY) ngân sách cho phòng chống dịch bệnh trong 3 năm Zero Covid.

Caixin đưa tin, Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông đã mở hội nghị hôm 12/1 và xem xét “Báo cáo Tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2022 và Dự thảo ngân sách năm 2023 của tỉnh Quảng Đông”.

Sau mỗi một năm, Quảng Đông lại tăng 50% kinh phí chống dịch

Theo báo cáo ngân sách do Sở Tài chính tỉnh Quảng Đông trình lên Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh, trong 3 năm 2020 - 2022, kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh lần lượt là 30,278 tỷ CNY (4,47 tỷ USD), 45,376 tỷ CNY (6,7 tỷ USD) và 71,139 tỷ CNY (10,5 tỷ USD), tăng khoảng 50% mỗi năm; tổng ba năm là 146,793 tỷ CNY.

Nói cách khác, tỉnh Quảng Đông đã đầu tư tổng cộng 146,793 tỷ CNY (21,67 tỷ USD) vào chính sách Zero Covid trong ba năm qua.

Bức ảnh được chụp vào ngày 7/12/2022 khi Trung Quốc bắt đầu từ bỏ chính sách Zero Covid. Một nhân viên tàu điện ngầm ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đang di dời tấm bảng in mã QR y tế. Trước đó hành khách phải quét mã này khi vào tàu điện ngầm. (-/CNS/AFP via Getty Images)

Tài khoản Weibo có gắn dấu tích V đỏ "Zhi zao quan" đăng bài vào ngày 13/1 cho biết, Quảng Đông đã đầu tư hơn 140 tỷ CNY vào quỹ phòng chống dịch bệnh trong ba năm, tương đương với 35% tổng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của tỉnh này trong năm 2021, cao hơn gần 10 tỷ CNY so với tổng đầu tư 4 năm vào Quỹ công nghiệp mạch tích hợp quốc gia.

Tài khoản Weibo gắn dấu V đỏ thường có lượng người theo dõi lớn, với 500 nghìn người trở lên. Các tài khoản như vậy được coi là “nhân vật của công chúng”, thường là các học giả nổi tiếng hoặc người nổi tiếng.

Bài viết của "Zhi zao quan" chỉ ra rằng, với số tiền 140 tỷ CNY, nếu dựa trên giá 400 nghìn CNY cho một máy thở CPAP (máy áp lực dương liên tục, một dạng máy hỗ trợ thở không xâm lấn) thông thường, có thể mua được 350.000 chiếc, Quảng Đông có khoảng 1.000 bệnh viện đa khoa, nếu phân ra thì mỗi bệnh viện sẽ có vài trăm chiếc. Ngay cả thiết bị đắt nhất là ECMO (tim phổi nhân tạo), với đơn giá 2 triệu CNY một chiếc, có thể mua 70.000 chiếc, tương tự nếu chia về các bệnh viện đa khoa thì mỗi nơi sẽ có vài chục chiếc.

Hoặc nếu 140 tỷ CNY được sử dụng để xây dựng các bệnh viện mới, theo mức đầu tư 10 tỷ CNY cho các bệnh viện đa khoa tiêu chuẩn cao, tỉnh Quảng Đông có thể xây được 14 bệnh viện cấp ba. Theo phân loại bệnh viện của Bộ Y tế Trung Quốc, bệnh viện cấp ba là cấp cao nhất, là bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, tuyến tỉnh, tuyến quốc gia, có công suất trên 500 giường bệnh.

  • Video quay gần đây tại một cơ sở y tế thiếu thốn trầm trọng ở nông thôn Trung Quốc

Theo bài viết, với giá bán lẻ 3.000 CNY mỗi hộp thuốc đặc trị của Pfizer, số tiền trên có thể mua được 46 triệu hộp. Toàn Trung Quốc có 200 triệu người già trên 65 tuổi, vậy 23% người già có thể nhận được một hộp miễn phí. Nếu theo mức giá 2 CNY một viên hạ sốt giảm đau paracetamol, 140 tỷ CNY có thể mua được 70 tỷ viên, vậy mỗi người trong 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẽ nhận được 50 viên.

"Zhi zao quan" nhấn mạnh, quỹ phòng chống dịch bệnh 140 tỷ CNY này là của riêng tỉnh Quảng Đông.

Cư dân mạng "Jian pan zi" bình luận trong bài viết trên như sau, hàng nghìn tỷ CNY đã biến mất, các ngành công nghiệp thì xói mòn, tỷ lệ sinh thì giảm.

"Haochi dao bao de juzi" nói rằng, còn có các khoản nợ của chính quyền, chúng sẽ không được đưa vào tính toán.

Nhiều tỉnh, thành khác cũng tương tự Quảng Đông

Không chỉ ở Quảng Đông, quỹ phòng chống dịch bệnh tại nhiều nơi ở Trung Quốc đã tăng hơn 50% so với năm trước.

Tại tỉnh Phúc Kiến, trong năm 2022, quỹ phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của tỉnh đã tăng lên 13,043 tỷ CNY (1,92 tỷ USD), trong khi năm 2021 và 2020 lần lượt là 8,379 tỷ CNY (1,24 tỷ USD) và 9,115 tỷ CNY (1,35 tỷ USD).

Bức ảnh chụp vào ngày 6/10/2021 cho thấy các nhân viên đang phun thuốc khử trùng tại đảo Cổ Lãng Tự ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, khi hòn đảo này chuẩn bị mở cửa trở lại để đón khách du lịch. Trước đó nó đã bị đóng cửa do Covid-19 bùng phát. (STR/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh là nơi phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhất, càng áp dụng nhiều biện pháp thì càng cần nhiều tài chính.

Lấy dữ liệu trong nửa đầu năm 2022 tại quận Triều Dương – "khu vực bị ảnh hưởng nặng nề" của thành phố này trong thời kỳ dịch bệnh – làm ví dụ, quận này đã đổ 1,69 tỷ CNY (250 triệu USD) vào quỹ phòng chống dịch bệnh. Khi đó, chính quyền quận Triều Dương nói rằng, một lượng lớn kinh phí phòng chống dịch bệnh trong nửa đầu năm vẫn chưa được kết toán.

Quận Phòng Sơn của Bắc Kinh là một quận ngoại ô có mật độ dân số thấp, năm 2020 quận này phân bổ 292 triệu CNY (43,1 triệu USD) vào quỹ phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Trong nửa đầu năm 2022, con số này là 450 triệu CNY (66,44 triệu USD). Khi đó, Cục Tài chính của quận này cấp báo rằng: “Các khoản chi liên tiếp cho công tác phòng chống dịch bệnh là rất lớn, đã làm tăng rất nhiều áp lực lên cân đối thu chi tài chính”.

Dịch bệnh lặp đi lặp lại khiến chính quyền các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên đưa ra tính toán sai lầm khi lập dự tính ngân sách.

Ví như ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh, ngân sách năm 2022 của quận dành cho y tế là 1,09 tỷ CNY (160,93 triệu USD), đến giữa năm được điều chỉnh lên 2,81 tỷ CNY (414,95 triệu USD). Thu ngân sách dự toán năm 2022 của quận Phòng Sơn là 9,2 tỷ CNY (1,36 tỷ USD), nhưng đã chi gần 30% cho y tế. Năm 2023, quận Phòng Sơn dự toán sẽ chi 1,759 tỷ CNY (260 triệu USD) ngân sách cho y tế.

Phân tích: Ông Tập Cận Bình khó có thể điều chỉnh đường lối kinh tế sau Đại hội Đảng 20
Chính sách Zero Covid nghiêm ngặt đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc. Bức ảnh chụp hôm 19/4/2022 cho thấy những con đường vắng vẻ ở Thượng Hải trong thời gian thành phố bị phong tỏa. (Qilai Shen/Bloomberg/Getty Images)

Một trường hợp tính toán sai ngân sách điển hình khác là Thượng Hải. Lấy quận Tùng Giang ở ngoại ô Thượng Hải làm ví dụ, ngân sách năm 2022 mà quận bố trí cho y tế và chăm sóc sức khỏe là 2,915 tỷ CNY (430 triệu USD), bao gồm xây dựng bệnh viện và phòng chống dịch bệnh. Theo việc thực hiện ngân sách được công bố gần đây, chi phí y tế ở quận Tùng Giang trong năm 2022 lên tới 8,075 tỷ CNY (1,19 tỷ USD).

Vào ngày 8/1, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, đã đăng một bài báo tiết lộ lý do dẫn đến sự thay đổi trong chính sách Zero Covid của Bắc Kinh, đó là “việc thực thi Zero Covid (Không ca lây nhiễm) gặp khó khăn lớn, chi phí xã hội và cái giá phải trả cho phòng chống dịch bệnh tăng cao”.

Kinh tế suy thoái, nhiều tỉnh thu không đủ chi

Kinh tế Trung Quốc đang tăng tốc suy thoái dưới thời ĐCSTQ, ngay cả tỉnh có nền kinh tế phát triển nhất năm 2022 cũng thu không đủ chi. Lần đầu tiên, Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế lớn nhất, bị suy giảm khoản thu ngân sách, chi tiêu vượt quá thu nhập gần 40%. Con số này tại Thượng Hải và Bắc Kinh là hơn 20%.

Người biểu tình hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid hà khắc vào ngày 28/11/2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images)

Hôm 13/1, kênh truyền thông chính thống của Thượng Hải - tờ Yicai cũng đưa tin về "Báo cáo Tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2022 và Dự thảo ngân sách năm 2023 của tỉnh Quảng Đông". Báo cáo cho biết, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Đông trong năm 2022 sẽ là khoảng 1.328 tỷ CNY (196,13 tỷ USD), giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, thu nhập từ thuế đạt khoảng 928,5 tỷ CNY (137,13 tỷ USD), giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bài báo, đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Đông bị sụt giảm tổng thu ngân sách trong những thập kỷ gần đây. Trong đó, khoản thu thuế là phần cốt lõi nhất nhưng đây đã là lần thứ hai bị giảm kể từ năm 2020, biên độ giảm cao hơn đáng kể so với mức giảm 1,8% của năm 2020.

Về chi tiêu, tổng chi ngân sách của tỉnh Quảng Đông trong năm 2022 rơi vào khoảng 1.851 tỷ CNY (273,39 tỷ USD), tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 10,5 tỷ USD đã được chi cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo dữ liệu này, vào năm 2022, chi tiêu của Quảng Đông sẽ vượt quá thu nhập khoảng 39%.

Bài báo có tiêu đề "Tỉnh tài chính lớn số 1 công bố sổ sách kế toán: thu chi tài chính năm ngoái mâu thuẫn trầm trọng, năm nay vẫn nổi cộm" trên Yicai đã nhanh chóng bị xóa.

ĐCSTQ đã phong tỏa Trung Quốc trong ba năm và nền kinh tế nước này đã suy thoái nghiêm trọng. Bức ảnh chụp ngày 13/1/2023, một ông lão đang thu gom rác thải ở thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam.
ĐCSTQ đã phong tỏa Trung Quốc trong ba năm và nền kinh tế nước này đã suy thoái nghiêm trọng. Bức ảnh chụp ngày 13/1/2023, một ông lão đang thu gom rác thải ở thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam. (NOEL CELIS/AFP via Getty Images)

Một tỉnh thành khác có khả năng tài chính lớn là Thượng Hải. "Báo cáo Tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2022 và Dự thảo ngân sách năm 2023 của Thượng Hải" do cơ quan tài chính thành phố công bố cũng cho thấy, trong năm 2022, tổng thu ngân sách của Thượng Hải là 760,82 tỷ CNY (112,39 tỷ USD), còn chi tiêu là 939,32 tỷ CNY (138,78 tỷ USD), bội chi hơn 23%.

Ngoài ra, báo cáo dự toán tài chính do chính quyền thành phố Bắc Kinh trình lên Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố cho thấy, tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 571,43 tỷ CNY (84,43 tỷ USD), nhưng đồng thời các khoản chi lên tới 715,6 tỷ CNY (105,72 tỷ USD), vượt con số thu vào tới 25%.

Theo dữ liệu chính quyền Trung Quốc công bố trước đó, trong nửa đầu năm 2022, tất cả 31 tỉnh của nước này đều ở trong tình trạng "thâm hụt tài chính", chi tiêu ngân sách ở một số tỉnh vượt quá thu nhập gấp vài lần hoặc thậm chí mười mấy lần.

Theo The Epoch TimesNTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một tỉnh Trung Quốc chi hơn 21 tỷ USD cho Zero Covid nhưng không mua thiết bị y tế hay thuốc men