Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc cần được đưa lên bàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục, thì các sự kiện gần đây đã làm nổi bật cuộc tranh luận đạo đức lâu dài, liên quan đến các vấn đề về tự do thương mại, nhân quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Tháng 10/2019, Trung Quốc yêu cầu Hiệp hội Bóng rổ NBA sa thải tổng giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets. Đây là tổ chức cao cấp gần đây nhất bị chế độ độc tài này đe dọa, và đây cũng là thách thức đối với một trong những giá trị cốt lõi của xã hội tự do và dân chủ - tự do ngôn luận. Có nhiều tập đoàn phương Tây đã phải “cúi đầu” trước sự thao túng của chính quyền Trung Quốc bởi họ đã đặt lợi nhuận lên trên nguyên tắc.

Năm 2019, một phái đoàn quốc hội lưỡng đảng do Dân biểu Sean Patrick Maloney (D-N.Y.) dẫn đầu đã bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc, vì phái đoàn còn có kế hoạch đến thăm Đài Loan. Tất cả những điều này cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng các giá trị doanh nghiệp cốt lõi và các nguyên tắc dân chủ của Hoa Kỳ là đúng đắn và cần được bảo vệ. Làm sao các cuộc đàm phán thương mại có thể thành công được, nếu chỉ vì để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán và trao đổi ý kiến, mà phải hy sinh các nguyên tắc cốt lõi của Hoa Kỳ?

Mặc dù không thể thay đổi chính sách của một quốc gia khác, nhưng chúng ta có quyền quyết định liệu chúng ta có thể “hy sinh” các giá trị và nguyên tắc đạo đức của mình đến mức độ nào. Trong bối cảnh này, có một vấn đề “nổi cộm” nhưng lại chưa được công nhận hoàn toàn, và cần phải được đưa ra bàn bạc trong các cuộc đàm luận thương mại. Đó chính là vấn đề mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Năm 2006, lần đầu tiên vấn đề mổ cướp nội tạng từ học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác được công khai trên trường quốc tế. Kể từ đó, các cuộc điều tra độc lập đã được tiến hành, tổng hợp được nhiều bằng chứng và báo cáo đáng tin cậy. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi cộng đồng quốc tế lại không có phản ứng mạnh mẽ nào trước tội ác ghê tởm nhất và được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất của chính quyền Trung Quốc nhằm chống lại loài người trong thế kỷ 21 này.

Một lá đơn thỉnh cầu kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc can thiệp vào hành động lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, được lưu hành trong 6 năm và có hơn 3 triệu chữ ký trên toàn cầu. Tuy nhiên, phải sau hơn một thập kỷ, tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc mới được đưa ra trình bày lần đầu tiên tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2019.

Nguồn cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc là bất hợp pháp và phi đạo đức

Từ trước đến nay, ngành cấy ghép tạng ở Trung Quốc đã và đang sử dụng nguồn nội tạng phi đạo đức. Năm 2005, Trung Quốc thừa nhận họ sử dụng nội tạng từ tử tù. Nhưng cho đến nay, họ chưa bao giờ thừa nhận nguồn nội tạng từ các tù nhân lương tâm như học viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và những người bị giam giữ khác. Mặc dù cơ quan y tế Trung Quốc đã tuyên bố rằng từ tháng 1/2015, ĐCSTQ không còn sử dụng nguồn nội tạng từ tử tù mà chỉ dựa vào nguồn hiến tạng tự nguyện. Tuy nhiên, một phân tích về dữ liệu hiến tạng chính thức của Trung Quốc đăng trên tạp chí BMC Medical Ethics năm 2019 đã làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng về độ tin cậy của tuyên bố trên. Phân tích này cũng cho thấy đã có sự giả mạo và thao túng có hệ thống các dữ liệu cấy ghép nội tạng chính thức, và chỉ ra rằng “nguồn hiến tạng tự nguyện” mà chính quyền Trung Quốc đề cập ở trên chính là từ các tù nhân (phần lớn là tù nhân lương tâm) bị hành quyết.

Tháng 6/2019, một Tòa án Nhân dân độc lập về Tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc đã công bố phán quyết khẳng định những quan ngại này. Quan Toà là Ngài Geoffrey Nice, cựu công tố viên tại Toà án Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Nam Tư cũ. Hội đồng thẩm phán đã xem xét một cách có hệ thống các kết quả nghiên cứu, thực hiện hơn 50 cuộc phỏng vấn với các nhân chứng và chuyên gia, và công bố phán quyết cuối cùng rằng: “Toàn bộ thành viên Hội đồng thẩm phán đã chắc chắn và tuyệt đối không còn nghi ngờ rằng, Trung Quốc đã thực hiện mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm trong một thời gian đáng kể, và số lượng nạn nhân là rất lớn. Học viên Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân chính, là nguồn cung cấp nội tạng chính”.

Ngài Geoffrey Nice QC, chủ tọa Tòa án độc lập về Trung Quốc (Courtesy of the China Tribunal and the Victims of Communism Memorial Foundation)
Ngài Geoffrey Nice QC, chủ tọa Tòa án độc lập về Trung Quốc (Courtesy of the China Tribunal and the Victims of Communism Memorial Foundation)

Bộ phim tài liệu của Hàn Quốc được trình chiếu vào tháng 11/2017 cũng là một trong nhiều bằng chứng được xem xét tại Tòa án. Một camera bí mật đã quay được cảnh bên trong Bệnh viện Trung ương Số 1 Thiên Tân, Trung Quốc, khi một nữ y tá trả lời rằng bạn có thể được phẫu thuật ghép tạng trong hai ngày với giá 10.000 đô-la Mỹ.

Do đó, cộng đồng y tế phải có nghĩa vụ nhận thức được trách nhiệm đạo đức của họ là bảo vệ các tiêu chuẩn y đức quốc tế. Tuy nhiên, toàn bộ xã hội của chúng ta cũng phải có trách nhiệm lên tiếng chống lại sự lạm dụng nhân quyền tàn bạo này, đặc biệt là tội ác chống lại nhân loại theo quy định của luật pháp quốc tế.

Chúng ta tin rằng các nhà đàm phán thương mại và cộng đồng doanh nghiệp sẽ đưa vấn đề nhân quyền ra thảo luận trong bàn đàm phán và gìn giữ các giá trị và nguyên tắc của Hoa Kỳ. Ngài Geoffrey Nice đã kết luận tại Tòa án Độc lập về Trung Quốc rằng “việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức là tội ác tày trời, không thể so sánh, ngay cả với… tội ác giết người hàng loạt trong thế kỷ trước”. Ông cũng nhấn mạnh rằng đây là hành vi lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng cần được xem xét trong bất kỳ hoạt động tương tác nguyên tắc nào với Trung Quốc.

Đồng tác giả: Torsten Trey, M.D.; Alejandro Centurion, M.D.; Joseph Gutierrez, M.D.; và Jacob Lavee, M.D.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Thu Hường

-Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc cần được đưa lên bàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung