Ngăn chặn khói mù trong Thế vận hội Mùa đông, Trung Quốc cấm dân quanh thủ đô đốt than sưởi ấm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào tháng 2/2022. Ngăn chặn khói mù mùa đông đã trở thành một nhiệm vụ chính trị của Bắc Kinh và Hà Bắc, nơi diễn ra các cuộc tranh tài tại Thế vận hội sắp tới. Do đó, Hà Bắc đã buộc người dân không được đốt than, thay vào đó là dùng khí đốt hoặc điện. Những cư dân không có đủ khả năng chi trả tiền điện hoặc khí đốt đang phải chịu cái lạnh khắc nghiệt.

Theo trang mạng Guancha.cn của Trung Quốc đưa tin vào ngày 20/12, vì để “số liệu bảo vệ môi trường trông đẹp hơn”, chính quyền quận Sơn Hải Quan ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc đã ra lệnh cấm người dân ở khu vực thành cổ đốt than và củi; áp dụng các biện pháp cực đoan như lấp bếp, niêm phong bếp lò v.v. Trong khi đó vào ngày 17/12, nhiệt độ cao nhất tại địa phương là âm 2 độ, nhiệt độ thấp nhất là âm 8 độ.

Trong vòng một tuần kể từ ngày 22/12, đợt không khí lạnh cuối năm bắt đầu từ phía đông bắc Trung Quốc đã quét qua gần 70% diện tích nước này. Nhiệt độ ở Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc cũng tiếp tục giảm xuống.

Chuyên gia đại lục: Cấm than là để bảo vệ Thế vận hội Mùa đông

Ông Vương Quân (Wang Jun), Giám đốc Phòng Quốc tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc (Unirule Institute of Economics) tại Bắc Kinh, nói với phóng viên The Epoch Times ngày 28/12 rằng, chi phí khi chuyển từ dùng than sang dùng điện hoặc khí đốt khá là cao, các hộ gia đình bình thường thực sự không thể gánh nổi.

Ông nói rằng, lệnh cấm than và củi của chính quyền chủ yếu là vì cân nhắc đến việc đảm bảo bầu trời trong xanh trong thời gian diễn ra Thế vận hội. "Vì vậy, hiện giờ các biện pháp sẽ rất nghiêm ngặt. Do đó, một số quan chức cấp dưới liền lấp bếp củi sưởi ấm của người dân".

Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh được tổ chức từ ngày 4 - 20/2/2022; tại 3 địa điểm thi đấu là Bắc Kinh, Diên Khánh, và Trương Gia Khẩu ở Hà Bắc.

Cách thức Hà Bắc kiểm soát ô nhiễm không khí

1. Cấm dân đốt than

Để kiểm soát ô nhiễm không khí, trong những năm gần đây, chính quyền Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây và các tỉnh khác ở Trung Quốc đã thực hiện chính sách chuyển từ dùng than sang dùng điện hoặc khí đốt để sưởi ấm. Nhưng năm nào cũng xuất hiện những tin tức tiêu cực. Một số là do hóa đơn tiền điện cao, giá khí đốt cao; hoặc đường ống dẫn gas chưa hoàn thành, khiến trường học và nhà cửa không thể dùng hệ thống sưởi, người dân bị lạnh cóng; hoặc các nhân viên thực thi pháp luật dùng bạo lực, cưỡng chế phá dỡ bếp hoặc tịch thu than của nhà dân.

Theo Báo cáo Kiểm tra và Giám sát kỷ luật của chính quyền Trung Quốc, Bộ Sinh thái và Môi trường đã tuyên bố vào cuối tháng 10 rằng, nếu trong năm nay công trình cải tạo mới không được bàn giao, thì không được tháo dỡ các thiết bị sưởi ấm sẵn có của người dân, nếu người dân đang dùng than thì phải để cho họ dùng, đồng thời phải đảm bảo trợ cấp kịp thời.

Ông Vương (Wang), một công dân của Hà Bắc, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, không nơi nào thoát khỏi các phong trào mang tính chính trị như thế này. “Thậm chí họ sẽ huy động cả cảnh sát để ngăn người dân sử dụng [than]. Hoặc là sẽ áp dụng biện pháp hành chính, phạt tiền”.

Ảnh minh họa người dân Trung Quốc đốt than.
Ảnh minh họa người dân Trung Quốc đốt than. (Guang Niu / Getty Images)
2. Cấm doanh nghiệp hoạt động

Vào đầu tháng 12, có thông tin trên Internet rằng, để ngăn chặn ô nhiễm không khí và đạt được mức độ trung hòa carbon, Hà Bắc sẽ đình chỉ các doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng trong ba tháng, từ ngày 1/1 đến ngày 8/3 năm 2022.

Hôm 23/12, người phát ngôn của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc tuyên bố rằng tin đồn trên là sai sự thật. Nhưng ông Vương ở Hà Bắc nói rằng, Hà Bắc đã từng như vậy, đóng cửa doanh nghiệp để bảo vệ môi trường, nhưng các công ty có mối quan hệ thì vẫn hoạt động bình thường. "Chúng tôi làm trong ngành xây dựng. Thường thì có lệnh xuống là phải dừng ngay. Nhưng nếu có cửa sau, hoặc có mối quan hệ tốt, hoặc có thế lực chính trị chống lưng, thì vẫn hoạt động. Nếu không là phải đóng cửa".

trung quốc cấm dân đốt than
Ngày 23/12/2017, các chủ hộ ở thị trấn Sa Hà, quận Xương Bình, Bắc Kinh đã đến chính quyền thị trấn để cùng bảo vệ quyền lợi. Họ phản đối việc tăng phí sưởi ấm khi đổi từ than sang dùng khí đốt. Hơn nữa chính quyền còn cắt điện cắt nước của họ để cưỡng ép đóng tiền. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp cho The Epoch Times)
Người dân Hà Bắc chỉ trích chính quyền vô lương tâm

Ông Vương nói với phóng viên The Epoch Times rằng, vì hiện nay kinh tế không tốt lắm nên nhiều người không muốn dùng khí đốt. "Mỗi tháng tốn 1.500 nhân dân tệ (khoảng 5,4 triệu VNĐ) nếu dùng khí đốt hoặc điện. Nếu đốt than thì 600 nhân dân tệ (khoảng 2,2 triệu) là đủ".

Ông Vương nói: "Mấu chốt vẫn là thu nhập thấp. Có một số người già ở nông thôn, nếu con cái không chu cấp cho họ, họ cũng không có lương hưu, hoặc trước đây không có tiền tiết kiệm, thì việc sưởi ấm trong mùa đông chắc chắn bị ảnh hưởng lớn".

Ông Vệ (Wei) ở Hà Bắc nói với phóng viên The Epoch Times vào ngày 28/12 rằng, những ngày này vẫn chưa phải là lạnh nhất, thời điểm lạnh nhất là âm 13 hoặc âm 14 độ, bây giờ mới âm 7, âm 8 độ.

Ông Vệ cho rằng đốt than không gây ô nhiễm. "Người dân đã đốt than củi trong biết bao nhiêu thế hệ, nhưng nhân dân không phải là thủ phạm chính gây ô nhiễm. Ô nhiễm là do có nhiều nhà máy sắt thép, họ gây ô nhiễm quá kinh khủng. Nhưng họ (chính quyền) không đi điều tra những chỗ kia, mà lại tước bỏ quyền lợi của những người dân thường".

"Cho nên những người làm chính sách đó, họ thật sự không cân nhắc đến lợi ích của người dân. Chỉ cần có lợi cho họ, hay đạt được thành tích chính trị nào đó thì họ sẽ làm. Thật là vừa không khoa học, lại vừa mất nhân tính", ông Vệ nói.

Học giả: Xã hội chuyên quyền, quan áp bức, dân phản kháng

Về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ Thế vận hội Mùa đông bằng mọi giá, ông Nhan Kiến Phát (Chien-Fa Yen), Giáo sư Khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Khoa học và Công nghệ Kiện Hành (Chien Hsin University of Science and Technology) Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, nếu đổi lại những sự việc như vậy xảy ra ở xã hội dân chủ như Hoa Kỳ và Đài Loan, thì nhất định sẽ có các kênh truyền thông và các nghị viên lên tiếng chỉ trích cách làm của chính phủ.

Ông cho rằng, vì thể diện nên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã buộc nhân dân thắt lưng buộc bụng, nhưng "cuối cùng, khi các vấn đề về sinh hoạt, ăn ở, hay giữ ấm của họ (người dân) bị xâm hại, họ sẽ không còn tin tưởng các ông (chính quyền) nữa".

Giáo sư Nhan cho rằng, lý do chính là do ở Trung Quốc không có cơ chế các bên giám sát và chế ước lẫn nhau. Còn ở những xã hội dân chủ như Đài Loan, có rất nhiều sự kiểm soát, đối trọng, sẽ dần dần tìm ra cách để cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông Nhan nói với The Epoch Times rằng, gần đây Trung Quốc có rất nhiều người thất nghiệp, động thái chấn chỉnh của nhà chức trách đã khiến nhiều công ty lớn và doanh nghiệp nhỏ chịu tổn thất, bất động sản đang sụp đổ, có quá nhiều vấn đề. Bây giờ ngay cả đời sống vật chất cơ bản nhất cũng không có đủ thì nhân dân sẽ vùng lên phản kháng.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ngăn chặn khói mù trong Thế vận hội Mùa đông, Trung Quốc cấm dân quanh thủ đô đốt than sưởi ấm