Nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi LHQ hỗ trợ các học viên Pháp Luân Công bị chính quyền Thái Lan bắt giữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Lowa, ông Steve King đã gửi kiến ​​nghị  Liên Hợp Quốc kêu gọi thả hai người tị nạn Trung Quốc hiện đang bị giam giữ tại Thái Lan.

Ông Leng Tao, 64 tuổi và bà Ma Chunling, 48 tuổi, là học viên Pháp Luân Công - môn tu luyện Phật gia bị ĐSCTQ vô cớ cấm thực hành tại Trung Quốc.

Ông Leng và bà Ma đã được Ủy ban Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp phép tị nạn vào năm 2016. Tuy nhiên, trong khi chờ UNHCR sắp xếp định cư ở một nước thứ ba, họ đã bị cảnh sát nhập cư Thái Lan bắt giữ. Họ phải đối mặt với việc bị trục xuất về Trung Quốc, nơi họ “đã bị tra tấn dã man và lạm dụng bệnh tâm thần cho mục đích chính trị”, ông King cảnh báo trong thư kiến nghị của mình.

Bà Ma Chunling là người Cát Lâm, một tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc. Vào những năm 1990, bà theo học đại học ở Đại Liên, một thành phố miền duyên hải tỉnh Liêu Ninh và định cư ở đó.

Vào năm đó, hàng triệu người Trung Quốc tu luyện Pháp Luân Công, môn khí công kết hợp thực hành các bài tập với các pháp lý có cội nguồn từ tín ngưỡng truyền thống và các nguyên tắc đạo đức. Được một người bạn giới thiệu năm 1996, bà Ma luyện tập Pháp Luân Công và khỏi bệnh chỉ trong vòng vài tuần. Nhìn thấy sự biến chuyển kỳ diệu, cả gia đình bà Ma đã bước vào tu luyện pháp môn này.

Theo báo cáo ngày 28 tháng 9 của Minghui.org, một trang tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công có trụ sở tại Hoa Kỳ, ông Leng Tao là người Tứ Xuyên. Ông là giám đốc Sở du lịch Aba, một quận tự trị của người Tây Tạng và các nhóm thiểu số người Khương. Ông Leng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1995.

Cuộc đàn áp

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999 theo lệnh của Giang Trạch Dân, lãnh tụ ĐCSTQ thời đó. Giống như hàng trăm ngàn học viên khác, bà Ma và ông Leng đã bị bắt trong giai đoạn đầu của chiến dịch khi họ đứng ra phản đối chính sách của ông Giang.

Bà Ma Chunling đã bị bắt 5 lần và bị giam giữ tổng cộng hơn ba năm sau khi bà và chồng bà, cũng bị bắt, đã đến Bắc Kinh để kiến ​​nghị với chính quyền. Bà bị tra tấn trong trại giam. Lần cuối, bà Ma bị giam trong trại cải tạo lao động Mã Tam Gia khét tiếng ở tỉnh Liêu Ninh và năm 2013, bà được thả từ trại giam này.

Ông Leng bị bắt vào năm 2001, sau khi ông và các học viên khác đã phát hàng trăm tờ giới thiệu nói về vẻ đẹp của Pháp Luân Công và treo băng rôn ở các khu vực công cộng. Khi bị giam giữ, ông Leng bị tra tấn bằng dùi cui điện, bị chiếu đèn trực tiếp vào mặt trong thời gian dài khiến mặt ông bị bỏng. Theo ông kể lại, Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo ĐCSTQ tỉnh Tứ Xuyên, và sau đó là giám đốc của Ủy ban Chính trị và Pháp lý quyền lực cho đến khi bị thanh trừng năm 2014, đã đặc biệt chú ý đến ông. Khi ông Leng trốn thoát khỏi nhà tù vào tháng 4 năm 2001, hàng ngàn cảnh sát đã được huy động trên khắp đất nước để truy lùng ông.

Năm 2005, ông Leng bị giam tại Bệnh viện đa khoa công an tỉnh tại Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Ở đó, ông đã chứng kiến nhiều cái chết của các học viên khác mà ông nghi ngờ có thể có liên quan đến hoạt động mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.

Một nhóm học viên Pháp Luân Công gốc Trung Quốc sống ở Thái Lan đã viết trong một bức thư: “Khi ra khỏi nhà tù, ông Leng không thể bước đi được vì những thương tổn của tra tấn trong mười năm qua.”

“Là một học viên Pháp Luân Công, ông Leng đã bị giam giữ tùy tiện nhiều lần, bị bỏ tù mười năm và bị tra tấn dã man và lạm dụng tâm thần,” Nghị sỹ đảng Cộng hòa, ông Steve King đã viết trong thư kiến nghị của mình lên LHQ.

Nhà tù tại Thái Lan

UNHCR đã chấp nhận đơn xin tị nạn của bà Ma Chunling và ông Leng Tao. Cả hai người đều phải trốn sang Thái Lan. Nhưng các thử thách đối với họ vẫn tiếp tục ngay cả sau khi đã rời khỏi Trung Quốc, vì chính quyền Thái Lan đã giam giữ họ vì không có thị thực hợp pháp.

Tình trạng của các học viên Pháp Luân Công này đặc biệt nguy hiểm vì ĐCSTQ gây áp lực ngoại giao và kinh tế đối với các chính phủ nước ngoài để dẫn độ các cá nhân chạy trốn khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc,

Năm 2014, bà Ma và chồng đến Băng Cốc cùng con trai để xin tị nạn. Ngày 21 tháng 8 năm 2016, UNHCR đã cấp phép tỵ nạn cho gia đình bà.

Do Thái Lan đã không phê chuẩn Công ước LHQ năm 1951 hoặc Nghị định thư năm 1967 liên quan đến tình trạng của người tị nạn, nên những người tị nạn được phê duyệt ở Thái Lan không được hưởng lợi ích dân sự và phải được LHQ sắp xếp định cư tới nước thứ ba.

“Các thành viên gia đình bà Ma Chunling không có thị thực hợp lệ hoặc giấy phép cư trú hợp pháp” bà Ma Chunmei, chị gái của Ma Chunling nói với The Epoch Times ngày 24 tháng 12 năm 2019. “Họ không thể làm việc, đi học hoặc sống cuộc sống bình thường".

Bà kể rằng tháng 6 năm 2017, bà Ma Chunling và chồng đã bị bắt giam khi đang nói chuyện với khách du lịch về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cảnh sát cho biết họ không có thị thực hợp lệ và do đó không thể ở lại Thái Lan. Vợ chồng bà được thả sau khi nộp phạt 4.000 baht (133 đô la).

Tháng 2 năm 2018, bà Ma một lần nữa bị bắt khi cảnh sát Thái Lan kiểm tra và phát hiện bà không có thị thực. “Bà ấy đã không có tiền để trả tiền phạt, và rất lo lắng về con trai mình ở nhà, người cần sự giúp đỡ của bà”, bà Chunmei giải thích, vì vậy bà Chunling đã bỏ trốn sau khi cảnh sát lập biên bản.

Ngày 7 tháng 8, 2019, cảnh sát một lần nữa kiểm tra thẻ căn cước của bà Chunling và ngày 8 tháng 8 đã chuyển bà vào tù vì bà không thể trả tiền phạt 5.000 baht (165,9 đô la).

Ngày 21 tháng 8, giám thị trại giam đã không thả Chunling, mà chuyển bà đến trại tỵ nạn ở Băng Cốc. Ngày 11 tháng 9, hai nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc đã sắp xếp dẫn độ bà Chunling về Trung Quốc. Bà nói sẽ không trở về Trung Quốc, vì đã được LHQ cấp phép tị nạn.

Ngày 18 tháng 11, 2019, bà Chunling đã được chuyển đến một trại tỵ nạn khác nằm sát biên giới Myanmar. Gia đình bà Chunling lo lắng rằng họ có thể sớm bị hồi hương và tống giam trở lại.

“Hai người tị nạn Trung Quốc là Dong Guangping và Jiang Yefei đã bị chuyển về Trung Quốc từ Thái Lan năm 2015. Họ đã bị chuyển thẳng vào nhà tù,” bà Chunmei nói.

Ông Leng Tao là một trường hợp tương tự. Mặc dù xuất thân là một cựu quan chức, ông đã quyết định đấu tranh cho Pháp Luân Công nên bị ĐCSTQ đặc biệt chú ý. Ông Leng có thể sẽ bị trục xuất khỏi Thái Lan.

UNHCR đã phê duyệt tị nạn chính trị cho ông Leng vào ngày 9 tháng 3 năm 2016. Vào ngày 7 tháng 11 năm đó, khi đang chờ được sắp xếp định cư, ông bị các nhân viên nhập cư Thái Lan bắt giam .

Thiếu tướng Chuchat Tharichat, phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan, cho biết trong một cuộc họp báo rằng ông Leng đã bị bắt vì đã ở quá hạn visa (có hiệu lực đến ngày 20 tháng 4 năm 2014). Ông Leng đã nhập cảnh vào ngày 20 tháng 2 năm đó.

Chủ nhà của ông Leng, đã báo với cảnh sát rằng ông Leng đang thuê nhà của anh ta và do có các hạn chế về tình trạng nhập cư nên không thể làm việc kể từ khi đến Thái Lan. Cục quản lý xuất nhập cảnh vẫn quyết định “bắt giữ ông ấy trong thời gian chờ hỗ trợ từ UNHCR”.

Trong thư kiến nghị của mình, nghị sỹ đảng Cộng Hòa, ông King kêu gọi LHQ can thiệp vào việc giam giữ ông Leng và bà Ma, và tiến hành sắp xếp định cư cho họ ở một quốc gia khác, để tránh nguy cơ tiếp tục bị đàn áp nếu bị trục xuất về Trung Quốc.

Ngoài ông Leng và bà Ma, ba học viên Pháp Luân Công khác là Li Lijin, Jiang Hongbin và Wang Jianhua, cũng đang bị giam trong các trại tị nạn của Thái Lan. Hơn 100 học viên Pháp Luân Công khác từ Trung Quốc đang chờ UNHCR sắp xếp định cư.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi LHQ hỗ trợ các học viên Pháp Luân Công bị chính quyền Thái Lan bắt giữ