Người dân Hong Kong chứng kiến quyền tự do của mình bị tước đoạt bởi ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ nên quan tâm đến những gì xảy ra với người dân Hong Kong, bởi cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối xử với hòn đảo này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy cách thức nó sẽ đối xử với phần còn lại của thế giới. Ngay bây giờ, “chim hoàng yến” [Hong Kong] đang kiệt sức trong chiếc lồng của mình khi bóng tối dần khép lại...

Khi chủ quyền của Hong Kong (thuộc địa trực thuộc Anh) được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, sự xa hoa và nghi thức của buổi lễ được đi kèm với một thứ gọi là “Luật Cơ Bản” (Basic Law). Theo đó, Bắc Kinh đồng ý tôn trọng các quyền tự do chính trị và kinh tế của người dân Hong Kong, được diễn đạt rộng rãi là chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều đó đã thay đổi. ĐCSTQ đã vi phạm các cam kết thỏa thuận của chính sách này [mà luật đã quy định], và tiến hành can thiệp ngày càng nhiều hơn vào nền tự do dân chủ của Hong Kong. Giờ đây, chính phủ Trung Quốc đang soạn thảo một luật an ninh quốc gia mới nhằm “bật đèn xanh” cho phép việc can thiệp trực tiếp, về cơ bản là cho phép Bắc Kinh trực tiếp đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​dưới chiêu bài áp đặt việc phải tuân theo an ninh quốc gia. Người dân Hong Kong đang chứng kiến ​​sự tự do của họ bị tước đoạt ngay trước mắt.

Nếu đây là cách mà ĐCSTQ tôn trọng các cam kết của mình với chính nhân dân của họ; thì người dân thế giới nên thực sự cảm thấy bị đe dọa về cách mà chế độ này sẽ đối xử với phần còn lại của thế giới trong tương lai. Sự tương phản giữa thế giới tự do và Trung Quốc không thể khác biệt hơn nữa.

Chúng ta tin tưởng vào các chính phủ được bầu chọn tự do, nhân quyền và doanh nghiệp tự do. ĐCSTQ thì không. Chỉ cần nhìn vào sự khác biệt trong cách mà các nước dân chủ xử lý các cuộc biểu tình. Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, khi chính phủ sử dụng lực lượng cảnh sát, đó là để bảo vệ quyền biểu tình, bảo vệ tính mạng và tài sản. Những binh lính ở đó để hỗ trợ các quyền dân sự.

Nhưng khi những cảnh sát tràn ngập đường phố Hong Kong, giống như việc họ đã làm ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh năm 1989, thì họ ở đó là để trừng phạt những người “dám” quan tâm lo lắng đến tự do.

Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang dành sự tập trung quan tâm liên tục đến sự lạm dụng quyền của Trung Quốc - và đúng như vậy. Điều này bao gồm việc Bộ Ngoại giao đưa ra quyết định, theo yêu cầu của luật pháp Hoa Kỳ, rằng chính phủ Trung Quốc đã vi phạm các cam kết của mình trong Luật Cơ Bản. Quyết định này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ buộc chính phủ phải rút lại những lợi ích về thương mại và xuất khẩu mà Hoa Kỳ ưu đãi cho Hong Kong.

Đây hoàn toàn là bước đi đúng đắn. Bằng cách giữ lập trường mạnh mẽ như vậy, áp lực từ Hoa Kỳ và quốc tế có thể buộc chính phủ Trung Quốc trì hoãn hoặc nhượng bộ luật an ninh quốc gia đã đề xuất. Nếu Bắc Kinh vẫn cương quyết, nỗ lực của Hoa Kỳ sẽ tập trung hơn nữa vào đối tượng thực sự chịu trách nhiệm cho những chịu đựng của người dân Hong Kong - đó là ĐCSTQ.

Tương tự, chính quyền Hoa Kỳ đã gửi đi một tín hiệu “cảnh báo”, thông qua việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi WHO từ chối thực hiện những cải cách minh bạch và mang tính trách nhiệm, sau khi “thản nhiên” xóa bỏ các hành vi sai trái của Trung Quốc trong trận đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Tín hiệu này cho thấy rằng chính quyền Hoa Kỳ có kế hoạch thông qua các tổ chức quốc tế để chiến đấu và chống lại sự lạm dụng quyền của Trung Quốc.

Ngoài ra, chính quyền Trump cho biết họ sẽ xử phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Hong Kong và các nơi khác.

Chiến lược giữ sự tập trung vào ĐCSTQ là một hướng đi đúng đắn. Câu hỏi bây giờ là Hoa Kỳ nên làm những gì để tăng sự trừng phạt lên gấp đôi?

Có hai bước sẽ mang lại hiệu quả. Thứ nhất là, thực hiện các bước để đưa nền kinh tế Mỹ đi lên và hoạt động trở lại. Sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ là một lợi thế cạnh tranh chủ chốt.

Thứ hai là, Mỹ cần dẫn đầu thế giới tự do để đối phó với hành vi gây bất ổn của Trung Quốc. Nếu chúng ta không đứng lên, thì các nước khác sẽ không đứng lên. Khi cùng đứng lên, chúng ta sẽ phối hợp cùng nhau - xây dựng lại nền kinh tế của chúng ta, củng cố an ninh của chúng ta và cho Trung Quốc thấy rằng chúng ta sẽ không lùi bước.

Tác giả: Jay Carafano, phó chủ tịch của Quỹ Di sản, chỉ đạo việc nghiên cứu của viện nghiên cứu các vấn đề về an ninh quốc gia và đối ngoại.

Thanh Liên

Theo Washington Times



BÀI CHỌN LỌC

Người dân Hong Kong chứng kiến quyền tự do của mình bị tước đoạt bởi ĐCS Trung Quốc