Người dân Vũ Hán: 'Đội khảo cổ' WHO đến rồi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một năm sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, nhóm chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cuối cùng đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho phép vào Vũ Hán để "điều tra nguồn gốc của virus". Người dân địa phương cho biết, trong môi trường bị kiểm soát, đoàn chuyên gia sẽ không thể truy ra nguồn gốc, hiện nay số người nhiễm dịch trên thế giới đã vượt quá 100 triệu người nhưng số liệu dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn đang bị che đậy.

Theo truyền thông nước ngoài, sau khi kết thúc 14 ngày cách ly hôm 28/1, đoàn chuyên gia WHO đã đi khảo sát Bệnh viện Trung Tây y kết hợp của tỉnh Hồ Bắc và Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán vào chiều ngày 29/1 và sáng ngày 30/1. Sau đó vào chiều ngày 30/1 đoàn đến thăm "Triển lãm Thành tựu Chống dịch" ở Trung tâm Triển lãm Vũ Hán.

Hôm 31/1, nhóm chuyên gia đã đi khảo sát 2 khu chợ ở Vũ Hán là chợ hải sản Hoa Nam và chợ Bạch Sa Châu. Truyền thông cho biết toàn bộ quá trình điều tra của WHO đều bị chính chuyền Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt, họ không được tự do tiếp xúc với giới truyền thông và người dân bản địa.

Cư dân mạng: ‘Đội khảo cổ’ đến rồi

WHO tuyên bố trên tài khoản Twitter của tổ chức này rằng, tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của virus đều là mục tiêu của nhóm điều tra, và nhóm điều tra sẽ tuân theo khoa học để khám phá nguồn gốc của loại Coronavirus mới (virus viêm phổi Vũ Hán).

Tuy nhiên, ông Cao, một công dân Vũ Hán, nói với The Epoch Times vào ngày 31/1 rằng, mọi người đang cười nhạo WHO là một nhóm khảo cổ, họ đều "nói là (nhóm WHO đến Vũ Hán) để khảo cổ. Hơn 1 năm rồi họ mới tới. Những thứ có giá trị (để điều tra) cũng không còn nữa. Vì vậy, họ đến đây làm gì, chính là đi du lịch, đến làm show”.

“Chợ hải sản Hoa Nam đã được dọn sạch sau khi đóng cửa, ‘hiện trường vụ án’ đã biến mất, và làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một vụ án mà không có bằng chứng?”
“Chợ hải sản Hoa Nam đã được dọn sạch sau khi đóng cửa, ‘hiện trường vụ án’ đã biến mất, và làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một vụ án mà không có bằng chứng?”. (Ảnh: Getty Images)

Một số cư dân mạng nói: “Lâu như vậy mới đến Vũ Hán, có phải người của WHO đi khảo cổ không?”; “Việc truy xuất nguồn gốc thực sự giống như đi khảo cổ ấy nhỉ”; “Nhóm điều tra của WHO chỉ là một đoàn du lịch hợp tác với ĐCSTQ để diễn xuất”.

Bà Du, một công dân Vũ Hán, cho biết hiện tại mọi thứ đều đã thay đổi nên căn bản là không thể điều tra được nguồn gốc ở Vũ Hán. "Chợ hải sản Hoa Nam - nơi mà họ nói là địa điểm bắt nguồn dịch bệnh ấy, đã được dọn sạch sẽ rồi. Bây giờ còn điều tra được gì? Những thứ mà phía chính quyền cung cấp cho họ (chuyên gia WHO) có ý nghĩa gì sao? Cốt là để lừa gạt, muốn ổn định người dân thôi, họ làm vậy để cho người dân xem”.

Chính quyền có dám công khai hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi đó không?

Chiều ngày 30/1, nhóm điều tra của WHO đã được bố trí đến thăm "Triển lãm Thành tựu Chống dịch" ở Trung tâm Triển lãm Vũ Hán. Ngoại giới đều cho rằng cái gọi là “triển lãm thành tựu” này là để đề cao vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ.

Ông Khương, một công dân Vũ Hán, nói rằng triển lãm thành tựu chống dịch là do ĐCSTQ làm ra, “đó là ảo tưởng, là thứ mà người ta gọi là ‘năng lượng tích cực của chủ nghĩa xã hội’, nhưng tất cả đều là dối trá".

Cư dân mạng nói: "Tại sao người của nhóm điều tra WHO lại không từ chối chuyến tham quan này? Cuộc điều tra này thật lãng phí công quỹ. Nơi điều tra cũng được sắp đặt, đối tượng điều tra cũng được sắp đặt, hoàn toàn là một màn kịch lớn. Chính phủ Trung Quốc đang sợ điều gì vậy?”.

Bà Du nói rằng thật nực cười khi đến thăm "Triển lãm Thành tựu Chống dịch ở Vũ Hán". Họ nên đến gặp các bệnh nhân, "[nên điều tra xem] họ bị bệnh và chết như thế nào; gia đình họ tan vỡ như thế nào, những vết sẹo để lại ra sao, và còn có rất nhiều trẻ mồ côi chỉ mới 1-2 tuổi. Ngoại giới có thể được biết về tình hình hiện tại không? [Chính quyền] có dám tiết lộ không?".

"Hãy nhìn cái mà họ gọi là thành tích và đáng khen ngợi xem. Cái tổ chức quốc tế này thật nực cười, căn bản không có gì là chân thật. Có rất nhiều thứ có thể dễ dàng phân tích theo lẽ thường. Họ còn đến tham quan một khu vực bị kiểm soát và được sắp xếp để làm gì. Điều này cũng giống như đến Bắc Triều Tiên".

Toàn cầu có hơn 100 triệu ca nhiễm bệnh, dữ liệu ở Trung Quốc vẫn bị che đậy

Vào ngày 8/9 năm ngoái, ĐCSTQ đã tổ chức một buổi lễ ăn mừng chống dịch thành công và tuyên bố rằng dịch bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát được. Ông Cao nói rằng, hiện giờ ở tất cả các khu chung cư và những nơi công cộng lớn của Vũ Hán, ra vào đều phải quét mã y tế bắt buộc.

"Năm ngoái cũng tổ chức tiệc ăn mừng rồi, nói là phòng ngừa và kiểm soát được, tiền thưởng cũng phát rồi, dây chuyền vàng cũng đeo rồi, nhưng năm nay lại phải quét mã y tế, thật không hiểu nổi", ông Cao cho biết.

Bà Du nói rằng cho đến nay, vẫn không biết Vũ Hán đã có bao nhiêu người chết, "(vào thời điểm đó) có rất nhiều lò hỏa thiêu hoạt động 24 giờ một ngày, các lò hỏa táng từ những nơi khác cũng được đưa đến hỗ trợ...".

Ông Cao nói rằng, số người bị nhiễm bệnh trên thế giới hiện đã vượt quá 100 triệu người, nhưng số liệu thống kê ở Trung Quốc đại lục vẫn bị che đậy. "Vào tháng 12 năm ngoái, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của ĐCSTQ đã công bố một số liệu cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở Vũ Hán khi đó là 4,43%. Tính theo số liệu này, thì khi đó ở Vũ Hán phải có gần 500.000 người đã bị nhiễm bệnh, nhưng nó lại thông báo rằng chỉ có mấy chục nghìn người bị nhiễm”.

CDC Trung Quốc đã ban hành một báo cáo điều tra vào ngày 28/12 năm ngoái, nói rằng vào tháng 4/2020, 34.000 cư dân ở Vũ Hán đã được kiểm tra huyết thanh kháng thể đối với Coronavirus mới và nhận thấy rằng tỷ lệ dương tính là 4,43%. Theo thống kê chính thức, dân số cư trú ở Vũ Hán là hơn 11 triệu người, nếu tính theo 4,43%, chỉ riêng số người bị nhiễm virus ở Vũ Hán đã lên tới gần 500.000 người. Tuy nhiên, cơ quan y tế thành phố Vũ Hán đã thông báo vào tháng 4/2020 rằng, chỉ có gần 50.000 trường hợp được xác nhận mắc bệnh viêm phổi mới. Tỷ lệ chênh lệch giữa hai con số này là gần 10 lần.

"Người ta không dám công bố số người chết. Vào thời điểm đó, có 70 lò đốt dã chiến, tương đương với 4 hoặc 5 nhà hỏa táng, điều này thật kinh khủng", ông Cao nói.

Ngoại giới cho rằng cuộc khảo sát của chuyên gia WHO được thực hiện theo sự sắp xếp của ĐCSTQ, giống như đi diễn kịch quay phim hơn. Cư dân mạng "Lão Nghê" (老倪) trào phúng rằng: "Hy vọng nhóm điều tra của WHO có thể kể câu chuyện đẹp về Trung Quốc và khiến thế giới cảm động".

Bà Dương: Cách làm của ĐCSTQ như một tổ chức xã hội đen

Bà Dương, một công dân Vũ Hán, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, chính quyền ĐCSTQ "hoạt động như một tổ chức xã hội đen, chúng tôi không có nơi nào để có thể lên tiếng". Họ hạn chế quyền tự do cá nhân của công dân địa phương và thậm chí không cho đi ra ngoài.

"Có rất nhiều người ở chỗ chúng tôi đã bị thương tổn vì dịch bệnh. Chúng tôi thực sự muốn nhận được sự chú ý từ bên ngoài, nhưng chúng tôi thậm chí không thể gặp các chuyên gia của WHO. Tất cả chúng tôi đều bị nhốt ở nhà và bị kiểm soát", bà Dương cho biết.

Bà Dương cũng đặt nghi vấn rằng, nếu đoàn chuyên gia của WHO không thể tiếp cận những công dân thực sự dám nói sự thật và gia đình các nạn nhân thì làm sao họ biết được sự thật về dịch bệnh.

Xem thêm:

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Người dân Vũ Hán: 'Đội khảo cổ' WHO đến rồi