Người đầu tiên cảnh báo dịch SARS đang bị quản thúc tại nhà và mất trí nhớ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi Bác sỹ Lý Văn Lượng - một trong 8 người đầu tiên cảnh báo về dịch Coronavirus qua đời hôm 7/2, thì “Tưởng Ngạn Vĩnh” (Jiang Yanyong) bỗng trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng Internet Trung Quốc.

Quản thúc và giám sát chặt chẽ

Trung tâm Thông tin Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông (ICHRD) gần đây tiết lô rằng, kể từ ngày 7/2 sau khi bác sỹ Lý Văn Lượng qua đời, một số cảnh sát mặc thường phục đã đứng gác trước nơi ở của ông Tưởng Ngạn Vĩnh tại Bắc Kinh.

Ông bị quản thúc tại nhà từ tháng 3 năm ngoái sau khi viết một bức thư gửi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa chữa sai lầm trong sự kiện trấn áp phong trào ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Ngày 8/4/2019, khi ông chuẩn bị đi ra ngoài chữa bệnh thoái hóa thần kinh, thì bảo vệ tòa nhà đã ngăn ông lại.

Vợ ông Tưởng là bà Hoa Trọng Úy (Hua Zhongwei) nói với ICHRD hôm 7/2 rằng, hiện ông Tưởng đang hồi phục tại nhà sau khi điều trị viêm phổi, bệnh tình của ông tạm thời đã ổn định.

Bà Hoa còn nói với ICHRD rằng, từ năm 2004, ông Tưởng không hề được tự do cá nhân, không thể ra nước ngoài thăm họ hàng thân thích, kể cả gặp người con gái đang sống ở California. Có lần ông Tưởng muốn đi du lịch Hồng Kông, nhưng không được chính quyền cho phép rời Trung Quốc đại lục.

Bà Hoa nói bà cảm thấy vô cùng đau buồn và tiếc thương về cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng.

Mất trí nghiêm trọng

Theo bản tin độc quyền của Guardian, một người bạn của ông Tưởng Ngạn Vĩnh tiết lộ rằng ông đã rất tức giận khi không được cho đi chữa bệnh. Về sau, ông cũng được chữa bệnh, và kết quả là ông bị mất trí nặng.

Một người bạn kể “lâu rồi chúng tôi không gặp ông ấy vì không có cách nào liên lạc. Chúng tôi còn nghe nói rằng não của ông đã bị tổn thương nghiêm trọng”.

Chính quyền Trung quốc vốn nổi tiếng hay bức hại những tù nhân lương tâm bằng cách ép buộc tiêm thuốc làm tổn thương hệ thần kinh. Tuy vậy, báo cáo của Thời báo The Guardian không nói về việc bạn ông Tưởng Ngạn Vĩnh nghi ngờ chính quyền Trung quốc cố tình cho ông dùng thuốc độc vì ông được coi là kẻ bất đồng chính kiến với chính quyền.

Người hùng dịch SARS

Khi virus SARS lan rộng khắp Trung Quốc vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003, truyền thông Trung Quốc đã nhận lệnh không được đưa tin về vụ dịch. Vào ngày 3/4/2003, ông Trương Văn Khang (Zhang Wenkang), khi đó là Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc họp báo để tuyên bố rằng, chỉ có 12 ca nhiễm SARS ở Trung Quốc, và bệnh SARS “đã nằm trong tầm kiểm soát”. Ông Trương khuyến khích người nước ngoài tới các cuộc triển lãm và Hội nghị tại Bắc Kinh và tỉnh Quảng Đông, ông còn nói “Bắc Kinh là một nơi an toàn để sống và du lịch” và “cuộc sống hàng ngày ở Quảng Đông đều bình thường”.

Ngay ngày hôm sau, ông Tưởng Ngạn Vĩnh gửi một email 800 chữ cho Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Đài Truyền hình Phượng Hoàng tại Hồng Kông để thông báo con số nhiễm dịch mà ông thu thập được cao hơn rất nhiều. Ông Tưởng nói ông đã nghe hai nhân viên y tế ở hai bệnh viện Bắc Kinh cho biết, có ít nhất 7 ca tử vong và 106 ca nhiễm bệnh. Mặc dù cả hai đài truyền hình đều không đăng bức thư của ông, nhưng nó đã bị rò rỉ ra giới truyền thông phương Tây. Vào ngày 8/4/2003, một nhà báo của Tạp chí Times đã liên lạc với ông Tưởng Ngạn Vĩnh và công bố những số liệu trong thư của ông vào cùng ngày hôm đó.

“Tôi đơn giản là không thể tin được những gì đang diễn ra”, ông Tưởng đã viết trong một email gửi cho truyền thông Trung Quốc, “Tất cả bác sỹ và y tá xem tin tức ngày hôm qua đều giận dữ”.

Sau khi bức thư này được công bố, Thị trưởng Bắc Kinh và Bộ trưởng Bộ Y tế đồng loạt bị cách chức vào ngày 21/4/2003. Giới chức Trung Quốc nhanh chóng dựng lên vai trò của “người anh hùng SARS”, chủ động xác nhận và cách ly các ca nghi ngờ nhiễm SARS, trong khi lại giữ cho người anh hùng thực sự của SARS - Bác sỹ Tưởng Ngạn Vĩnh ra ngoài tâm điểm chú ý của công luận.

Giới chức cũng cố gắng dùng các biện pháp khác nhau để xóa ông khỏi trí nhớ của mọi người. Ví dụ, họ phong tặng danh hiệu “Người anh hùng SARS” cho bác sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), người đã khống chế dịch SARS năm 2003 bằng cách đưa ra những chiến lược hiệu quả để xác định và cách ly bệnh nhân SARS.

Trong những năm gần đây, khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải những bài báo về dịch SARS, họ tuyệt đối không nhắc đến ông Tưởng Ngạn Vĩnh, trong khi ông Chung Nam Sơn lại được tôn vinh như một người anh hùng của đất nước.

Ông Chung Nam Sơn hiện đang là một nhà khoa học hàng đầu trong nhóm chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia về Coronavirus mới. Dù ông Chung được vinh danh là một chuyên gia hàng đầu của đất nước, thì cư dân mạng vẫn đặt câu hỏi về lòng chính trực của ông. Trước khi chính quyền Trung quốc cuối cùng đã thừa nhận rằng virus Corona mới lây truyền giữa người với người, thì ông Chung Nam Sơn dường như đã giúp chính quyền Trung quốc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng về tính chất lây lan của dịch bệnh này.

Lê Lan

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người đầu tiên cảnh báo dịch SARS đang bị quản thúc tại nhà và mất trí nhớ