Người dùng Skype ở hải ngoại không thể gọi điện tới Trung Quốc, chuyên gia tiết lộ nội tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, ứng dụng gọi và nhắn tin Skype của Microsoft đã không thể kết nối với số điện thoại di động ở Trung Quốc, thậm chí cả số điện thoại cố định. Thông báo từ nhà mạng Trung Quốc cho biết đây là sự cố kỹ thuật. Nhiều cư dân mạng nước ngoài nghi ngờ rằng tường lửa Internet của Trung Quốc lại được nâng cấp. Một chuyên gia viễn thông ở Hoa Kỳ, người từng tham gia hoạt động viễn thông của Trung Quốc, tiết lộ rằng chính quyền Bắc Kinh muốn chặn các cuộc gọi quốc tế vì lý do an ninh chính trị.

Trong những ngày gần đây, chủ đề "Skype đột nhiên không thể gọi cho điện thoại di động trong nước [Trung Quốc]" đã thu hút sự chú ý của giới Hoa kiều.

Trong một diễn đàn trực tuyến, người đăng bài cho biết: "Tôi đang ở Hoa Kỳ và thường sử dụng ứng dụng Skype để gọi cho điện cho bạn tôi ở Trung Quốc; kể từ tuần trước, tôi đã không thể gọi được. Mỗi lần nó đổ chuông hai lần rồi ngắt kết nối (disconnect), nói rằng kết nối của bạn quá yếu (your connection is too weak). Tôi đã tra thử và phát hiện ra tôi không phải là người duy nhất gặp phải tình huống như vậy. Có lẽ tường lửa Internet trong nước lại đang được nâng cấp".

Các cư dân mạng bình luận dưới bài đăng trên như sau: "Đúng thế! Tôi cũng không gọi về nhà được… cũng không biết khi nào thì họ sửa xong"; “Sắp giống như Triều Tiên rồi"; "May mà vẫn có thể sử dụng FaceTime Audio", v.v.

Người dùng Skype ở nước ngoài cho biết không thể gọi về Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình)

Cô Lý (Li) đến từ Malaysia nói với phóng viên The Epoch Times vào ngày 15/5 rằng, cô thường sử dụng Skype để gọi về nhà, nhưng giờ không chỉ điện thoại di động mà điện thoại cố định cũng không thể kết nối được. Cô La (Luo) đến từ Úc và cô Hùng (Xiong) đến từ Đài Loan cũng có phản ánh như trên.

Vào ngày 15/5, phóng viên The Epoch Times đã gọi điện đến số điện thoại cố định của chính quyền tỉnh Giang Tây để kiểm tra và được thông báo rằng: "Kết nối của bạn quá yếu, vui lòng thử lại sau". Sau đó phóng viên thử gọi lại nhiều lần nhưng vẫn không thành công.

Phóng viên đã kiểm tra trang web chính thức của nhà điều hành Skype Trung Quốc là Shiguangpu Information Technology (Shanghai) Co., Ltd. (sau đây gọi tắt là Shiguangpu). Trên đó có “Thông báo gấp của Skype” đăng ngày 6/5 rằng: “Vì vấn đề kỹ thuật nên tạm thời Skype không thể thực hiện các cuộc gọi đến Trung Quốc, các nhân viên kỹ thuật đang cố gắng hết sức để giải quyết. Vui lòng kiên nhẫn đợi. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này!".

“Thông báo gấp của Skype” Trung Quốc đăng ngày 6/5 trên trang web chính thức. (Ảnh chụp màn hình)

Theo trang web chính thức của Shiguangpu, công ty này được "hậu thuẫn" bởi trang Guangming Wang (GMW)Guangming Daily (Quang Minh Nhật báo) - hai tờ báo của chính quyền. Shiguangpu cũng là đối tác chiến lược độc quyền của Skype tại Trung Quốc và phụ trách hoạt động kinh doanh của Skype tại nước này.

Theo thông tin công khai, Skype được thành lập vào năm 2003. Trước đây, công ty eBay của Hoa Kỳ đã mua lại Skype vào năm 2005 và thành lập công ty liên doanh tại Trung Quốc với Tập đoàn TOM vào năm 2007. Công ty liên doanh này chịu trách nhiệm phát triển và vận hành phiên bản tiếng Trung của Skype tại thị trường Trung Quốc. TOM là công ty của tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành.

Tới tháng 5/2011, Microsoft đã mua lại toàn bộ Skype. Vào tháng 11/2013, Skype công bố hợp tác chiến lược với công ty Guangming Fangzheng để ra mắt Skype mới tại Trung Quốc. Guangming Fangzheng là công ty liên doanh giữa tờ báo Guangming Wang của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Tập đoàn Fangzheng (Founder Group) của Đại học Bắc Kinh. Năm 2013, tờ Nhật báo Kinh tế của Trung Quốc nói rằng Skype có 300 triệu người dùng tích cực trên toàn thế giới.

Phóng viên The Epoch Times tìm hiểu được rằng, có một lượng lớn Hoa kiều vẫn sử dụng Skype để liên lạc với người thân của họ ở Trung Quốc.

Chuyên gia: ĐCSTQ sợ mất an ninh chính trị, có thể đã yêu cầu Skype hợp tác

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 15/5, ông Trung Sơn (Zhong Shan), một kỹ sư về băng thông rộng và mạng viễn thông không dây tại Thung lũng Silicon của Mỹ, nói rằng Shiguangpu là một công ty con của Guangming Daily - tờ báo của ĐCSTQ. Ông suy đoán, đằng sau sự cố này có thể là vì yêu cầu chính sách về chính trị và an ninh cũng như kỹ thuật tường lửa, chính quyền Trung Quốc đã thương thảo với Microsoft để điều chỉnh; dự kiến phiên bản tiếp theo của Skype sẽ buộc phải chấp nhận hoàn toàn các ràng buộc của chính phủ hoặc là phải phát triển theo yêu cầu chính phủ, bao gồm cả xác định danh tính người dùng và lưu cuộc gọi.

Ông Trung Sơn cho biết: “Người dùng Skype thường nói về nhiều chủ đề, bao gồm cả chống lại ĐCSTQ và chống áp bức toàn trị. Chẳng hạn như các nhóm hoặc tổ chức ở nước ngoài sẽ thu thập danh sách những kẻ hành ác trong ĐCSTQ – những kẻ chuyên bức hại người bất đồng chính kiến, sau đó các tình nguyện viên sẽ trực tiếp gọi điện về trong nước cho những người đó để cảnh báo rằng họ đã bị liệt vào danh sách trên. Ngoài ra [thông qua Skype] còn có các cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài với những người bất đồng chính kiến ​​​​bên trong Trung Quốc. Một số người muốn tháo chạy [khỏi Trung Quốc] cũng dựa vào Skype để thiết lập các liên hệ với người ở nước ngoài".

Ông Trung Sơn là một kỹ sư về băng thông rộng và mạng viễn thông không dây tại Thung lũng Silicon của Mỹ. (Ảnh do ông Trung Sơn cung cấp)

Vị kỹ sư này chỉ ra: "Nếu tuân theo các quy định của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), việc vận hành nên được giao hoàn toàn cho công ty vốn nước ngoài, nhưng đặc điểm của ĐCSTQ là, trong khi đàm phán nó luôn yêu cầu phải giao hoạt động này cho công ty Trung Quốc, trước đây là công ty của ông Lý Gia Thành, còn giờ là Guangming Wang, mà đây rõ ràng là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Công ty Fangzheng của Đại học Bắc Kinh cung cấp công nghệ, còn Guangming Wang chủ yếu phụ trách kiểm soát và xét duyệt”.

Ông Trung Sơn nói rằng, Microsoft có được rất nhiều lợi ích khi nhảy vào thị trường Trung Quốc. Trước đây do nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc sử dụng Skype nên chính phủ Trung Quốc không muốn đắc tội với họ, vậy nên trước đây Skype là một vùng xám. Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tới nay, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều lần lượt bỏ chạy, nhưng chính quyền cũng không chút kiêng nể gì, họ tiếp tục trấn áp các công ty còn ở lại.

"Nhà khai thác [Skype] hiện nay phải nhìn sắc mặt của ĐCSTQ. Họ thà bỏ món lời này và chọn hạn chế hoạt động của VoIP”. Ông giải thích thêm rằng, các cuộc gọi quốc tế của Skype sử dụng VoIP (Voice over Internet Protocol). VoIP là công nghệ truyền giọng nói qua giao thức Internet.

Phóng viên The Epoch Times đã gửi email đến Guangming Wang vào ngày 15/5 theo giờ Bắc Kinh để tìm câu trả lời về việc liệu Skype không thể thực hiện cuộc gọi tới Trung Quốc có phải là do chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát và kiểm duyệt hay không. Guangming Wang đã không trả lời ngay lập tức.

Phân tích: ĐCSTQ lợi dụng công nghệ để làm những việc vô đạo đức

Ông Trung Sơn cho biết, về mặt công nghệ, tường lửa Internet của ĐCSTQ đã có thể xác định toàn bộ các gói cước Skype.

Ông tiết lộ rằng, cơ quan viễn thông của ĐCSTQ đã từng hợp tác với Đại học Trung Sơn Trung Quốc để nghiên cứu, phân tích đặc điểm của các gói dịch vụ điện thoại VoIP, sau đó phát triển thêm mã nhận dạng cho các gói cước Skype ở trong Trung Quốc và bàn giao chúng cho các đối tác làm trí tuệ nhân tạo ở hạ nguồn. Hiện tại, AI đã được đưa vào để xác định các gói dữ liệu (và luồng dữ liệu) khi chúng đi qua tường lửa.

Ứng dụng Skype trên màn hình máy tính bảng. ( KIRILL KUDRYAVTSEV/AFP via Getty Images)

Ông nói rằng, bản thân VoIP đã được mã hóa và chỉ mở cho các đối tác ở hạ nguồn. Tuy nhiên, thông qua sự hợp tác của chuỗi ngành trong nước, về cơ bản các cơ quan chức năng đã có thể xác định được nó và các gói dữ liệu có thể bị chặn trên tường lửa và không được chuyển tiếp. Ông giải thích, "Nếu gói dữ liệu không được chuyển tiếp, cuộc gọi sẽ bị gián đoạn và thông báo lỗi".

Ông Trung Sơn cũng nhắc nhở rằng bất kể sử dụng phương thức nào để thực hiện cuộc gọi, chỉ cần chúng được chuyển qua China Telecom - công ty viễn thông của nhà nước Trung Quốc, chúng đều sẽ bị theo dõi và ghi lại, bản thân nó chính là một hệ thống gián điệp. "Nếu bạn nói về các chủ đề nhạy cảm, có khả năng tới 80% là bạn sẽ bị nhận dạng".

Cô Đổng (Dong) đến từ New York nói với phóng viên The Epoch Times vào ngày 15/5 rằng, cô đã mua thẻ năm của Skype và có ít nhất 200 USD (khoảng 4,7 triệu VND) trong tài khoản. Bạn học của cô Đổng cũng ở Mỹ và đã mua thẻ tháng với giá khoảng 25 USD (gần 600 nghìn VND), nhưng bây giờ họ đều không thể gọi về Trung Quốc được. "Tôi hy vọng Skype có thể giải quyết sớm, nếu không chúng tôi sẽ tổn thất rất nhiều".

Nhưng ông Trung Sơn nói rằng không thể tin tưởng vào Microsoft: "Microsoft duy trì thông lệ không đắc tội với chính phủ Trung Quốc, vì vậy hãng sẽ không tích cực giải quyết vấn đề này".

Trước kia, ông Trung Sơn từng tham gia vào hoạt động tích hợp băng thông rộng của các nhà khai thác viễn thông ở Trung Quốc, đồng thời tham gia vào các dịch vụ đa phương tiện và tin nhắn trên điện thoại di động. Ông từng là người phụ trách dự án viễn thông ở Trung Quốc.

Ông thở dài: “Chúng tôi, những người làm nghề này, ít nhiều đã vô tình tiếp tay cho những kẻ bất lương. Công nghệ vốn là thứ vô hại và trung lập, nhưng ĐCSTQ đã dùng nó để làm ra những thứ oai môn tà đạo, dùng nó cho các hệ thống gián điệp, và ở Trung Quốc nó đã trở thành một học vấn cao cấp. Bây giờ ĐCSTQ lại sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm loại việc này, bóp nghẹt các cuộc gọi thông thường của mọi người”.

Ông Trung Sơn nói, "Hệ thống mạng Internet và viễn thông của Trung Quốc đang làm những điều oai môn tà đạo và thất đức như vậy". Ông hy vọng có thể phơi bày những điều này để cộng đồng quốc tế được biết.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người dùng Skype ở hải ngoại không thể gọi điện tới Trung Quốc, chuyên gia tiết lộ nội tình