Nhà báo Pháp: Những kẻ cản trở chế độ 'bị mất tích' là thủ đoạn quen thuộc, Bành Soái là ví dụ điển hình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tờ RFI, ngày 21/11, nhà báo người Pháp Pierre Haski, người từng thường trú ở Trung Quốc nhiều năm, đã có cuộc phỏng vấn với phóng viên của France Info. Ông Haski chỉ ra rằng việc khiến những kẻ cản trở chế độ Trung Quốc "mất tích" là một chiêu phổ biến, và Bành Soái (Peng Shuai) là một ví dụ rất điển hình. Ông cho rằng, sự việc của Bành Soái đã phát triển đến tận thời điểm này, và nếu trong vài tuần tới vẫn không có động tĩnh gì, thì sẽ có một cuộc tẩy chay chính trị đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Phóng viên France Info hỏi: Ông nghĩ những bức ảnh và video của Bành Soái được tung ra vào tối thứ Bảy đáng tin cậy đến mức nào?

Pierre Haski: “Có thể nói rằng, bề ngoài cô ấy tỏ ra bình yên vô sự, điều đó có thể cho thấy cô ấy vẫn còn sống, nhưng nó không cho thấy rằng cô ấy được tự do. Chúng ta có thể thấy rõ rằng không phải tự bản thân Bành Soái đang nói chuyện, cũng không phải cô ấy sẽ tham gia vào hoạt động nào đó, mà chính quyền Bắc Kinh đang diễn kịch. Và ai là người công bố video của Bành Soái ra thế giới bên ngoài? Là Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của Global Times (Thời báo Hoàn cầu), một cơ quan tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc. Hồ Tích Tiến đã tweet bằng tiếng Anh trong nhiều năm qua, vì vậy độ tin cậy của video có thể nói là rất rất thấp”.

Phóng viên France Info hỏi: Có phải chính quyền Bắc Kinh đang rất lúng túng?

Ông Haski: “Tất nhiên, vô cùng lúng túng. Điều này cho thấy, nó giống như những chuyện thường xảy ra ở Trung Quốc, các cơ quan đàn áp sẽ tự hành động mà không cần lo lắng về các yếu tố khác. Về việc xử lý vụ Bành Soái, Trung Quốc đã làm một điều ngu ngốc. Trung Quốc đã quen dùng chiêu bài "bị mất tích" đối với những người bị nghi ngờ, hoặc những người làm xấu mặt chính phủ về mặt chính trị hoặc xã hội; ví như Jack Ma, ông chủ của Alibaba, cũng từng mất tích ba tháng.

Phong trào nữ quyền #MeToo ("Tôi cũng vậy") mang tính toàn cầu. Chính quyền Bắc Kinh đã không nhận ra rằng sự biến mất của ngôi sao quần vợt có ảnh hưởng rất rộng. Sự biến mất của Bành Soái là sự biến mất của một nhà vô địch quần vợt mà các vận động viên trên toàn thế giới đều chú ý.

Nội dung Weibo của Bành Soái đã vi phạm những điều cấm kỵ và liên quan đến một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Ông ta cũng là một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc cho đến năm 2018 và là quan chức cấp cao không thể đụng tới trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ”.

Phóng viên France Info hỏi: Liệu có phải Bành Soái tự tránh mặt không?

Nhà báo Haski: “Đó là điều hoàn toàn không thể. Chuyện xảy ra với Bành Soái là một thực tế rất phổ biến. Nếu một người "phạm điều cấm kỵ", họ sẽ bị đưa ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Thông thường người này sẽ bị giam giữ trong một khách sạn do cảnh sát canh giữ để thẩm vấn, điều tra hoặc chờ chỉ thị xử lý của cấp trên. Sau khi ấn định cách xử trí người này, họ sẽ được xuất hiện trở lại sau một vài tháng, cũng có thể người này sẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Bởi vì trong số đó, một số người sẽ trực tiếp từ ‘trạng thái mất tích’ bị đưa sang phiên tòa xét xử kín. Không có bằng chứng hoặc sự minh bạch trong phiên tòa, và người đó sẽ biến mất mà không cần báo trước”.

Phóng viên France Info hỏi: Ông thấy thế nào trước việc nhiều nước phương Tây vào cuộc?

Pierre Haski: “Điều khác biệt so với trước đây là, không chỉ giới thể thao bày tỏ lo ngại về tình hình hiện tại của Bành Soái; Chủ tịch Hiệp hội Quần vợt nữ thế giới Steve Simon đã đe dọa tẩy chay các cuộc thi của Trung Quốc. Hiệp hội Quần vợt nữ (WTA) tổ chức 9 trận đấu tại Trung Quốc hàng năm, sự kiện này là một nguồn thu nhập vì Trung Quốc cũng là một thị trường, kể cả trong lĩnh vực thể thao.

Chúng ta không được quên rằng, chưa đầy ba tháng nữa, Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông, đây là một nhân tố chính trị rất quan trọng. Trước sự việc này, vì trong bối cảnh căng thẳng quốc tế, đã có tin đồn tẩy chay chính trị đối với Thế vận hội. Tức là sẽ chỉ có vận động viên tham gia, còn các nước phương Tây sẽ không cử đại diện chính trị tới dự, cũng tức là sẽ không có quan chức đại diện của Pháp, Anh hoặc Mỹ.

Nếu trong vài tuần sắp tới, sự biến mất của Bành Soái không có diễn biến quan trọng nào khác, thì sẽ có một cuộc tẩy chay chính trị đối với Thế vận hội Mùa đông. Nhưng điều này sẽ làm tăng thêm một sự lúng túng khác, nó lại báo trước một dấu hiệu về cuộc chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây”.

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Nhà báo Pháp: Những kẻ cản trở chế độ 'bị mất tích' là thủ đoạn quen thuộc, Bành Soái là ví dụ điển hình