Nhà lập pháp Hong Kong thân Bắc Kinh bắt đầu tấn công Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tối ngày 1/7, một nhân viên của công ty nước giải khát Vitasoy Hong Kong tên là Lương Kiện Huy đã tấn công cảnh sát sau đó tự tử. Bắc Kinh đang cố ý đóng khung vụ việc này cho Pháp Luân Công. Tại cuộc họp của Hội đồng Lập pháp Hong Kong vào ngày 7/7, một số nghị viên phe kiến chế (thân Bắc Kinh) đã đưa ra loạt câu hỏi về Pháp Luân Công ở Hong Kong, bao gồm nghi ngờ đoàn thể này có liên quan đến vụ ám sát ngày 1/7...

Trong cuộc họp, một số nghị viên thân Bắc Kinh đã lần lượt lên tiếng, gây sức ép, yêu cầu cảnh sát phải vào cuộc để "điều tra" và "cấm cửa" Pháp Luân Công ở Hong Kong. Kể từ năm 1999 khi môn tu luyện này bị chính quyền Giang Trạch Dân hạ lệnh đàn áp, thì đây là lần đầu tiên Hội đồng lập pháp Hong Kong (gọi tắt là LegCo) thảo luận về Pháp Luân Công trong cuộc họp.

Cô Lương Trân (Sarah Liang), Hội trưởng Phật học hội Pháp Luân Công Hong Kong, đã lên án việc tập đoàn Giang Trạch Dân tiếp tục mở rộng cuộc đàn áp đến xứ cảng thơm. Cô nhấn mạnh rằng, Pháp Luân Công là một đoàn thể được đăng ký hợp pháp ở Hong Kong, họ tin vào “Chân - Thiện - Nhẫn”, và người tu luyện không sát sinh.

Hơn 20 năm qua phải đối mặt với sự bức hại và hãm hại, nhưng các học viên Pháp Luân Công luôn dùng hình thức phi bạo lực và ôn hòa để giảng chân tướng. Tức là chia sẻ với mọi người về lợi ích khi tu luyện Pháp Luân Công, nói lên sự thật về cuộc bức hại, và sự tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đó là điều mà tất cả người dân Hong Kong đều tận mắt chứng kiến, cô Lương cho biết.

Hiện tại, Cơ quan An ninh Quốc gia Hong Kong và cảnh sát Hong Kong đã phân loại vụ tấn công cảnh sát ngày 1/7 là hành vi khủng bố tại bản địa. Đồng thời tuyên bố sẽ điều tra và truy xét các tổ chức liên quan đến vụ tấn công này, hoặc kẻ tấn công đã bị ai xúi giục; và sẽ “chấp pháp nghiêm ngặt, quyết không nương tay”.

Xã hội Hong Kong đang chìm trong khủng bố trắng.

Phe thân Bắc Kinh đột nhiên gây áp lực trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong

Hôm qua (ngày 7/7), Cục trưởng An ninh mới của Hong Kong - ông Đặng Bính Cường (Chris Tang Ping-keung) đã đến LegCo để trả lời chất vấn từ các thành viên.

Bà Cát Bội Phàm (Elizabeth Quat), một thành viên LegCo thuộc đảng Liên minh Dân chủ (DAB), nói rằng Pháp Luân Công đã thiết lập các quầy và bảng trưng bày trên đường phố, phân phát ấn phẩm và tổ chức các cuộc diễu hành ở Hong Kong trong hơn 20 năm, nhưng chưa bị chính quyền hạ lệnh cấm cửa. Bà yêu cầu chính phủ giải thích liệu có cấm Pháp Luân Công hay không, nguồn quỹ của đoàn thể Pháp Luân Công địa phương có bất hợp pháp hay không, cùng các hoạt động gây quỹ và nhận tài trợ ở nước ngoài của họ, v.v.

Bà Cát Bội Phàm (Elizabeth Quat), một thành viên LegCo thuộ.c đảng Liên minh Dân chủ (DAB). (Song Bilong / The Epoch Times)
Bà Cát Bội Phàm (Elizabeth Quat), một thành viên LegCo thuộc đảng Liên minh Dân chủ (DAB). (Song Bilong / The Epoch Times)

Cục trưởng An ninh trả lời rằng, ông sẽ không bình luận công khai về việc các tổ chức riêng biệt có vi phạm Luật An ninh Quốc gia hay không, nhưng sẽ căn cứ theo tình hình thực tế và các quy định pháp luật liên quan để xử lý bất kỳ tổ chức nào bị nghi ngờ vi phạm pháp luật.

Bà Cát Bội Phàm cũng nói rằng, các thế lực bên ngoài đã dùng mọi cách che đậy để thành lập các "tổ chức chống Trung Quốc và gây hỗn loạn Hong Kong", bao gồm các nhóm tôn giáo, tổ chức nhân quyền, truyền thông và các đoàn thể chuyên về pháp luật. Mà Pháp Luân Công lại chính là một trong những tổ chức chống Trung Quốc, bà Cát nói. Nhà lập pháp này lấy ví dụ nói rằng, các trang mạng phát sóng trực tiếp “Vụ ám sát cảnh sát hôm 1/7" trên Internet đều là người của Pháp Luân Công, bà yêu cầu chính quyền Hong Kong ra lệnh cấm đoàn thể này.

Thành viên LegCo tiếp tục ám thị Pháp Luân Công có liên quan đến vụ ám sát

Các thành viên khác thuộc phe kiến chế gồm ông Hoàng Định Quang (Wong Ting-kwong), ông Châu Hạo Đỉnh (Holden Chow Ho-ding), ông Hoàng Quốc Kiện (Wong Kwok-kin) cũng thông qua "Vụ ám sát cảnh sát ngày 1 tháng 7" để nêu đề xuất. Họ nói rằng “kẻ khủng bố” bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền cấp tiến, yêu cầu Cục An ninh điều tra kỹ lưỡng về Pháp Luân Công và các tổ chức khác, xem họ có liên quan đến vụ ám sát hay không. Các nhà lập pháp này cũng đề nghị ông Đặng Bính Cường điều tra các nguồn tài chính của Pháp Luân Công cùng các tổ chức khác, và đóng băng tài khoản ngân hàng của họ.

Còn nhà lập pháp Tạ Vĩ Quân (Paul Tse Wai-chun) thì khiển trách chính quyền vì đã ‘yếu kém’ và không sử dụng tội danh ‘xúi giục’ trong “Pháp lệnh Tội phạm Hình sự” để thi hành luật đối với các điểm trưng bày tài liệu của Pháp Luân Công trên đường phố.

Cục trưởng An ninh Đặng Bính Cường nhắc lại rằng, an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu, không ai có thể đứng trên pháp luật, bao gồm cả Luật An ninh Quốc gia. Ông cho biết, Cục An ninh sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về "các cuộc tấn công khủng bố kiểu con sói đơn độc". Nếu đoàn thể nào có cơ hội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, họ sẽ điều tra nguồn quỹ và đóng băng ngay khi nắm được đầy đủ bằng chứng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Hong Kong: Đừng vu khống việc tác nghiệp của phóng viên

Trong khi đang phát sóng trực tiếp ở Vịnh Causeway vào đêm 1/7, phóng viên tờ Vision Times của Hong Kong đã vô tình quay được cảnh vụ ám sát ngày 1/7. Sau đó, sự việc đã bị phe thân Bắc Kinh thổi phồng lên, và vu oan cho kênh truyền thông Vision Times cùng đoàn thể Pháp Luân Công.

Ông Trần Lãng Thăng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hong Kong (HKJA), cho rằng các phóng viên chỉ đang tác nghiệp tại hiện trường một cách khách quan, còn việc một số người phe kiến chế muốn giải thích như thế nào thì đó đều là sở thích cá nhân của họ, nhưng xin đừng vu khống công việc của các phóng viên chuyên nghiệp.

Ông tiếp tục chỉ ra rằng, kênh truyền thông mà phóng viên trực thuộc có lai lịch thế nào không quan trọng, đây không phải là tiêu chí để đánh giá một phóng viên có chuyên nghiệp hay không. Điều mà HKJA quan tâm nhất là hoạt động tại hiện trường của phóng viên và cách họ đưa tin sau đó. Chính vì sự hiện diện của các phóng viên Vision Times cùng các kênh truyền thông trực tuyến khác mà mọi người có thể thấy rõ sự việc ngày hôm đó.

Ông Trần cũng cho biết, sau cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát ngày 1/7, Hiệp hội Nhà báo Hong Kong đã cử người đi cùng phóng viên của Vision Times đến đồn cảnh sát để cung cấp lời khai về vụ việc, lúc đó cảnh sát cũng đã tìm một phóng viên khác để lấy lời khai nhân chứng.

Chủ tịch HKJA nói rằng, ngày hôm đó phóng viên của Vision Times đang phát sóng trực tiếp trên đường phố, sự việc đột phát lúc đó cũng khiến cô hoảng hốt. Nhưng hình ảnh cô phóng viên quay được đã giúp xã hội hiểu được sự việc này. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Đại diện Pháp Luân Công ở Hong Kong: Lên án mạnh mẽ việc ĐCSTQ mở rộng cuộc bức hại sang Đặc khu

Cô Lương Trân (Sarah Liang), Hội trưởng Phật học hội Pháp Luân Công Hong Kong, cực lực lên án ý đồ của ĐCSTQ. Đó là "thủ tiêu Pháp Luân Công" ở Hong Kong thông qua hình thức chất vấn ở Hội đồng Lập pháp, nhằm mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Công sang Đặc khu này.

Cô Lương Trân (Sarah Liang), Hội trưởng Phật học hội Pháp Luân Công Hong Kong, phóng viên tờ The Epoch Times Hong Kong. (The Epoch Times)
Cô Lương Trân (Sarah Liang), Hội trưởng Phật học hội Pháp Luân Công Hong Kong, phóng viên tờ The Epoch Times Hong Kong. (The Epoch Times)

Cô Lương cũng nêu ý kiến về việc các nhà lập pháp thân Bắc Kinh dùng "Vụ ám sát cảnh sát ngày 1 tháng 7" để tấn công Pháp Luân Công. Cô nói rằng, lẽ phải đều ở nhân tâm, và việc các kênh truyền thông phát sóng trực tiếp vụ tấn công đột phát ngày 1/7 là điều bình thường. Mỗi một người trên đường phố đều là một nhà báo công dân, đều có thể phát trực tiếp. Còn việc ĐCSTQ ngay lập tức liên kết Pháp Luân Công với vụ ám sát cảnh sát là thủ đoạn quen thuộc của chính quyền này. Đó là xuyên tạc sự thật và vu khống bôi nhọ Pháp Luân Công.

Đối với nguồn tiền của Pháp Luân Công, cô Lương nói rằng Pháp Luân Công luôn tuân thủ nguyên tắc không gom của cải, không thu quỹ, các học viên làm việc trên cơ sở tự nguyện. Pháp Luân Công không nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào từ bất kỳ quốc gia hay chính phủ nào. Cô nói rằng trong nhiều năm, ĐCSTQ đã tung tin đồn rằng Pháp Luân Công “thu gom của cải”, nhưng tất cả sách và nhạc luyện công của môn tu luyện này đều có thể tải xuống miễn phí từ Internet, các học viên cũng hướng dẫn cách luyện các bài công pháp miễn phí cho người muốn học, vậy “thu gom của cải” ở đâu ra?

Nếu Pháp Luân Công là bất hợp pháp thì làm sao có thể tự do hoạt động ở Hong Kong hơn 20 năm qua?

Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã khởi xướng cuộc bức hại toàn diện đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục vào năm 1999. Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ” và “người Hong Kong cai trị Hong Kong", việc hội họp, diễu hành và tự do ngôn luận của Pháp Luân Công ở Hong Kong được luật pháp địa phương bảo vệ. Vậy nên hơn 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công ở Đặc khu đều tự phát dựng lên các điểm giảng chân tướng ở khu trung tâm, và lên tiếng thay cho các học viên khác đang bị ĐCSTQ bức hại tàn khốc ở Trung Quốc đại lục.

Cô Lương Trân nhắc lại rằng, Pháp Luân Công là một đoàn thể được đăng ký hợp pháp ở Hong Kong, được hưởng quyền tự do tín ngưỡng và nhân quyền ghi trong “Luật Cơ bản”. Năm nay đánh dấu cột mốc 22 năm ngày Pháp Luân Công chống lại cuộc bức hại của ĐCSTQ. Các học viên Pháp Luân Công luôn ôn hòa, ngày càng được người dân Hong Kong ủng hộ và đón nhận. Nhưng những người thân Bắc Kinh thì luôn muốn xóa sổ nhóm người tu luyện này, đây là điều mà người dân Hong Kong sẽ không ủng hộ.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà lập pháp Hong Kong thân Bắc Kinh bắt đầu tấn công Pháp Luân Công