Nhậm chức chưa đầy 1 năm, thành viên HĐQT Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc 'chủ động đầu thú'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 8/12, ông Trần Diệu Minh, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc, đã bị điều tra vì tình nghi "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật". Do thông báo chính thức tuyên bố rằng ông Trần "chủ động đầu thú", nên đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng.

Ông Trần Diệu Minh (Chen Yaoming), 57 tuổi, sinh ra ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Từ tháng 8/1984 đến tháng 8/2001, ông công tác tại Ban kế hoạch tổng hợp của Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc (CBPMC); sau đó là thành viên nhóm trù bị của Công ty In chống hàng giả; từng giữ các chức vụ như Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Huasen Hải Nam (công ty con của công ty in), Phó giám đốc Nhà máy In tiền giấy Thượng Hải, v.v.

Từ tháng 8/2001 đến tháng 1/2021, ông là ủy viên Đảng ủy kiêm Phó tổng giám đốc CBPMC. Kể từ tháng 1/2021, ông giữ chức vụ ủy viên Đảng ủy kiêm thành viên HĐQT của CBPMC.

Sau khi chính quyền ra thông báo về việc ông Trần Diệu Minh bị điều tra, tin tức này đã nhanh chóng xuất hiện trên trang tìm kiếm nóng của Baidu.

Cộng sự cũ đã nghỉ hưu của ông Trần cũng bị điều tra

Báo Đô thị Nam phương (Southern Metropolis Daily) đưa tin, vào tháng 8/2001, ông Trần được thăng chức làm ủy viên Đảng ủy kiêm Phó tổng giám đốc của CBPMC. Hai năm sau, vào tháng 10/2003, ông Hạ Lâm (He Lin) được chuyển từ vị trí Giám đốc Trung tâm Dịch vụ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sang làm Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Giám đốc CBPMC, trở thành cấp trên trực tiếp của ông Trần. Đây không phải là lần đầu tiên cả hai làm việc cùng nhau.Từ tháng 4/1995 đến tháng 4/1996, khi ông Hạ Lâm là Phó giám đốc Nhà máy In tiền giấy Thượng Hải, ông Trần Diệu Minh cũng từng nhậm chức Phó giám đốc Nhà máy In tiền giấy Thượng Hải.

Hai ông Trần và Hạ đã làm việc cùng nhau trong 10 năm tại Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc. Vào tháng 12/2013, ông Hạ được chuyển trở lại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc với tư cách là Giám đốc Trung tâm Mua sắm Tập trung. Năm 2018, ông này bị miễn chức và nghỉ hưu.

Ba năm sau khi nghỉ hưu, ông Hạ Lâm bị điều tra. Vào ngày 2/7 năm nay, trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo rằng, cựu Phó bí thư kiêm Tổng giám đốc của CBPMC Hạ Lâm bị nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật; hiện đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát quận Đông Thành, Bắc Kinh điều tra kỷ luật và giám sát.

Một nhân vật khác trong hệ thống in tiền Trung Quốc cũng bị điều tra

Điều đáng nói là ngày 15/1/2020, người đứng đầu một công ty con khác của Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc cũng bị điều tra. Theo trang web chính thức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Cung Sĩ Lương (Gong Shiliang), Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Golddeal Trung Quốc (China Golddeal), bị xem xét và điều tra do tình nghi vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Thông tin công khai cho thấy, China Golddeal là một doanh nghiệp nhà nước chuyên về R&D, sản xuất và kinh doanh các dẫn xuất in và đúc tiền giấy, đầu tư kim loại quý, in nhãn chống hàng giả được cấp phép; trực thuộc Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc.

Còn ông Cung Sĩ Lương cũng xuất thân từ Nhà máy In tiền giấy Thượng Hải, từng là Phó giám đốc của Nhà máy Đúc tiền Thượng hải (Shanghai Mint) trong 9 năm. Đến tháng 3/2014, ông được chuyển sang làm việc tại China Golddeal và giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT. Vào thời điểm này, người đảm nhiệm chức Phó chủ tịch của Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc lại chính là ông Trần Diệu Minh.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhậm chức chưa đầy 1 năm, thành viên HĐQT Tổng công ty In và Đúc tiền Trung Quốc 'chủ động đầu thú'