Nhật Bản đã đánh giá sai về ĐCS Trung Quốc sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn 1989

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Nhật Bản đã tiết lộ 26 tập tài liệu ngoại giao, bao gồm cả việc các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau vụ Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. Các tài liệu ngoại giao cho thấy, khi đó Nhật Bản đã khẳng định rằng nếu muốn để ĐCSTQ đi theo hướng cải cách thì phương Tây không nên thực hiện các biện pháp mạnh đối với ĐCSTQ. Mãi đến 30 năm sau, Nhật Bản mới phát hiện ra rằng mình đã bị ĐCSTQ lừa dối.

Vào ngày 31/12/2020, hãng truyền thông Anh BBC đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tiết lộ 26 tài liệu ngoại giao dài tới hơn 10.000 trang vào tuần trước, trong đó có chứa các tài liệu sao chụp "cực kỳ mật". Việc công khai một lượng lớn tư liệu lịch sử ngoại giao như lần này là điều hiếm thấy ở Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II.

Các tài liệu ngoại giao được tiết lộ lần này chứa tư liệu lịch sử về chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ năm 1987-1990. Trong ba năm này, thế giới chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, và nhiều nước ở Liên Xô và Đông Âu đã lần lượt đi theo hướng dân chủ.

Nhưng tại Trung Quốc, vào tháng 6/1989 đã nổ ra cuộc vận động đàn áp sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6, hay còn gọi là Sự kiện Lục Tứ. ĐCSTQ đã phái quân đội đến đàn áp dã man các sinh viên theo đuổi dân chủ, dẫn đến hơn 10.000 người chết và hơn 40.000 người bị thương. Hành vi này bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Vào thời điểm đó, các nước phương Tây bao gồm cả Nhật Bản đã đánh giá lại mối quan hệ của họ với ĐCSTQ. Các tài liệu được tiết lộ cho thấy sau vụ việc, Nhật Bản đã tuyên bố với Trung Quốc rằng "từ quan điểm nhân đạo, chúng tôi không thể khoan nhượng chút nào". Nhưng đồng thời, Nhật Bản vẫn khăng khăng cho rằng phương Tây không nên áp dụng các biện pháp mạnh đối với ĐCSTQ.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris, Pháp vào tháng 7/1989, 7 quốc gia công nghiệp lớn đã thảo luận và đưa ra tuyên bố lên án nghiêm khắc, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa đối với ĐCSTQ, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong G7 phản đối.

Khi đó, tổng năng suất kinh tế của Nhật Bản vẫn gấp 8 lần so với ĐCSTQ, và đây cũng là nước viện trợ lớn nhất cho ĐCSTQ, nước này đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc.

Mặc dù động thái của Nhật Bản bị một số đồng minh phương Tây phản đối, các nước G7 cuối cùng đã đạt được đồng thuận “phải tránh cô lập Trung Quốc để nước này tiến hành cải cách”.

Sau năm 1990, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đạt được nhiều tiến triển tốt đẹp. Vào tháng 7 cùng năm, Nhật Bản khôi phục lại các khoản vay viện trợ cho ĐCSTQ. Năm 1991, ông Kaifu Toshiki, khi đó là Thủ tướng Nhật Bản, đã được mời đến thăm Bắc Kinh, và Nhà vua Akihito của Nhật cũng đã có chuyến thăm tới Trung Quốc vào năm 1992.

BBC nhận định rằng "chính sách Trung Quốc ổn định và cởi mở" mà Nhật Bản từng hy vọng có vẻ như đã được thực hiện. Nhưng ngày nay, 30 năm sau, Nhật Bản lại một lần nữa đứng trước ngã ba đường, đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan là làm thế nào để hòa hợp với Bắc Kinh.

Kể từ năm 2020, Bắc Kinh đã che giấu virus viêm phổi Vũ Hán và gây ra đại dịch trên toàn thế giới, mang lại tai họa nghiêm trọng cho người dân các nước. Cho đến nay, thế giới có hơn 18 triệu người bị nhiễm bệnh và gần 2 triệu người đã chết.

Ngoài ra, các hoạt động của ĐCSTQ ở Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong và Đài Loan đã khiến cộng đồng quốc tế ngày càng cảnh giác. Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã nhận thức được sự an nguy của chính mình nên đã hợp lực để bao vây, áp chế ĐCSTQ và “tách rời” mối quan hệ với chính quyền chuyên chế này. Kể cả Úc và Canada cũng công kích mạnh mẽ và chỉ trích Bắc Kinh.

BBC cho biết thái độ hiện tại của Nhật Bản vẫn còn tương đối mơ hồ. Về tài liệu được tiết lộ này, tờ The Asahi Shimbun của Nhật Bản đã đăng một bài xã luận nói rằng trong 30 năm qua, hướng phát triển của Trung Quốc hoàn toàn khác với những gì trong tưởng tượng, ĐCSTQ đã phát triển thành một nền kinh tế lớn gấp 3 lần Nhật Bản.

Bài xã luận cho rằng ĐCSTQ đang đàn áp các quyền cơ bản của con người. Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản nên bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn đối với ĐCSTQ, cần suy ngẫm lại thái độ mềm yếu trước kia của họ để rút ra bài học.

Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản cũng chỉ trích và nói rằng thái độ của Nhật Bản đối với ĐCSTQ trong 30 năm qua là sai lầm, và chính phủ Nhật Bản nên suy ngẫm sâu sắc về điều đó. Bài báo cho rằng hành vi chuyên chế của ông Tập Cận Bình cùng việc sử dụng sức mạnh kinh tế khổng lồ để vun đắp sức mạnh quân sự cũng đã tạo ra những mối đe dọa cho Nhật Bản; và trước tình hình ĐCSTQ không coi trọng nhân quyền như vậy, không nên để ông Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản với tư cách là khách mời của chính phủ.

Ông Kazuki Suwa, một giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Shizuoka, cũng phân tích rằng Hong Kong từng là mảnh đất mà mọi người đều mong đợi rằng sẽ đi đầu trong việc dân chủ hóa ở Trung Quốc, nhưng giờ mọi người đều đã thấy Hong Kong lại là nơi phải chịu nhiều áp bức hơn cả. Đối mặt với một ĐCSTQ không có khả năng dân chủ hóa, Nhật Bản nên tổng hợp lại kinh nghiệm 30 năm trước của mình và bình tĩnh phán đoán bước tiếp theo.

Giáo sư Terumasa Nakanishi của Đại học Kyoto cũng cho biết, Trung Quốc và Nhật Bản có những điểm tương đồng về địa lý, năm đó phía Nhật Bản mong muốn Trung Quốc cải cách, mở cửa để Nhật Bản bước vào đường lối thân Trung. Tuy nhiên, kỳ vọng thông qua kinh tế để thúc đẩy dân chủ đã khiến thế giới đưa ra những đánh giá sai lầm.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản đã đánh giá sai về ĐCS Trung Quốc sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn 1989