Nhật ký Tây An 10 ngày ‘phong thành’ của nhà báo độc lập Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã hơn 10 ngày kể từ khi thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đóng cửa hôm 23/12/2021, và 13 triệu cư dân phải ở trong nhà. Cô Giang Tuyết (Jiang Xue), một cựu phóng viên điều tra của kênh truyền thông độc lập đại lục, đã ghi lại những gì cô được thấy và nghe kể từ trước đêm thành phố đóng cửa cho đến ngày 3/1. Cô chỉ ra rằng, nếu năm nay nhà chức trách vẫn không rút ra được bài học xương máu và nước mắt, mà chỉ mải miết với việc “lập công kể thưởng, biểu dương công trạng”, thì người dân chỉ có thể gánh chịu khổ nạn một cách vô ích. Bài viết nhanh chóng được lan truyền rộng rãi sau khi đăng tải.

Bài viết có tiêu đề "Giang Tuyết: Mười ngày ở Trường An – Nhật ký mười ngày phong thành của tôi". Thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây chính là cố đô Trường An của Trung Quốc.

Nhật ký mở đầu bằng cảnh tiếng loa bên ngoài khu dân cư của Giang Tuyết vang lên yêu cầu mọi người xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm PCR, đó là thời điểm trước khi lệnh phong tỏa được ban hành vào ngày 22/12 năm ngoái. Khi đó, cô mơ hồ cảm thấy tình hình rất nghiêm trọng, nên vội vàng đi siêu thị mua sắm. Không lâu sau, chính quyền tuyên bố đóng cửa thành phố.

Cô Giang Tuyết viết, đêm nay, những người bị chặn ở cửa nhà, những người giành giật hàng hóa trong siêu thị, những người phụ nữ mang thai, bệnh nhân, nghiên cứu sinh, công nhân xây dựng, những người lưu lạc ở thành thị và khách du lịch đi ngang qua Tây An, họ có thể đã đánh giá thấp về lần phong thành nay – điều sẽ mang lại những thảm họa cho họ.

ây An Trung Quốc ngày đầu 'phong thành', covid ở trung quốc
Rất đông nhân viên chống dịch tập trung trên đường phố Tây An vào đêm 22/12/2021 trước ngày 'phong thành' (trái); và hình ảnh đường phố Tây An vắng tanh khi lệnh phong tỏa có hiệu lực (phải). (Nguồn ảnh: Weibo)

Cô viết, Tây An đã nâng cấp quản lý và kiểm soát vào ngày 27/12, quy định hồi đầu "ra ngoài mua thức ăn hai ngày một lần" đã bị vô hiệu và không ai có thể ra vào khu dân cư kể từ đó. Khi tự mình quét mã bằng điện thoại di động để tham gia nhóm WeChat của cửa hàng tiện lợi trước cổng chung cư, cô mới phát hiện rằng đây là "kênh tiếp tế [thực phẩm] duy nhất có thể dựa vào" trong những ngày tiếp theo.

Vào ngày 28/12, Internet Trung Quốc xuất hiện hàng loạt những lời kêu than rằng "khó mua thực phẩm" từ cư dân mạng Tây An. Khu nhà ở của cô Giang Tuyết khóa chặt cổng chính, người quản lý khu vực không cho cư dân đứng cạnh cổng hay hàng rào để đăng ký mua đồ.

"Có sự hỗn loạn trong nhóm chat của cửa hàng tiện lợi, số thành viên trong nhóm lên đến hơn 400 người. Mọi người đều đang tìm và giành giật thức ăn. Bà chủ [cửa hàng tiện lợi] quy định, mỗi buổi sáng chỉ có 1 tiếng đồng hồ nhận đơn đặt hàng và phải theo thứ tự, nhưng những người mới vào nhóm đều muốn chen lên trước, nên lại bị bà chủ hàng quở trách”.

Tác giả nhật ký cho biết, trên thực tế, Tây An đã ngừng chuyển phát nhanh từ khoảng ngày 21/12 và mọi người không thể mua sắm trực tuyến. Còn trên nền tảng mua sắm trực tuyến, chỉ cần người đặt hàng sống ở Tây An, họ sẽ không thể giao hàng hoặc sẽ luôn hiển thị "Không còn người chuyển phát". Thậm chí khi đã đặt hàng thành công và thanh toán trước, nhưng 2 ngày sau vẫn không thấy hàng đến, nên đành phải hủy đơn. Mãi đến ngày 31/12, cô Giang mới mua được túi thực phẩm đầu tiên sau khi thành phố đóng cửa.

Cô viết rằng, sau đó, một số khu dân cư nhận được "thực phẩm miễn phí" và tuyên bố "đảm bảo phong phú", nhưng họ đều sống ở các tòa nhà có quan hệ với chính quyền. Tuy nhiên, công tác hậu cần và phân phối của toàn thành phố đã bị đình trệ, ở một thành phố rộng lớn với 13 triệu dân, liệu có thể trông chờ vào đội ngũ nhân viên cơ sở và tình nguyện viên giao đồ ăn đến tận nơi trong thời gian ngắn? Nếu không ai có thể ra ngoài, dù vật phẩm bên ngoài có phong phú đến mấy, dù tuyên truyền có tốt đến đâu, thì "thực ra cũng chẳng liên quan gì đến những người dân thường".

Nhật ký ghi lại khung cảnh lúc chạng vạng ngày 31/12/2021, khi thành phố đã đóng cửa được một tuần, nhìn từ ban công nhà, Giang Tuyết thấy đường phố vắng tanh không một bóng người. "Sự im lặng chết chóc khiến người ta cảm thấy hoang đường và hơi đáng sợ", cô viết.

Trong khu vực nơi cô Giang Tuyết sinh sống, trên cửa mỗi hộ gia đình đều dán giấy niêm phong. Bởi vì ở một tòa nhà khác trong khu chung cư ghi nhận 2 ca nhiễm. Nhưng nghe nói theo chính sách “Zero Covid” (Không Covid) mới nhất, nếu có thêm ca nhiễm, tất cả cư dân trong khu sẽ bị đưa đi cách ly tập trung. "Trong nhóm chat chung của khu dân cư, tôi dường như có thể cảm thấy tất cả mọi người đang run rẩy".

Các hộ dân Tây An bị niêm phong cửa nhà, covid ở trung quốc, tây an phong thành
Các hộ dân Tây An bị niêm phong cửa nhà trong đợt phong tỏa toàn thành phố bắt đầu từ ngày 23/12/2021 vì Covid-19. (Ảnh chụp màn hình từ Twitter)

Cô Giang viết, những người bấm "nút tạm dừng" thành phố này, những người nắm quyền ấy, họ có từng nghĩ đến việc quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến số phận của 13 triệu dân sống nơi đây? Nếu đây không phải là sự việc “lớn hơn cả trời” thì là cái gì?

Nhật ký trích dẫn tin tức về một cô gái có tên tài khoản là "Thái Dương Hoa Hoa Hoa" được cư dân mạng lan truyền: Bệnh tim của cha cô ấy phát tác, trắc trở lắm mới ra được khu chung cư và đến được bệnh viện, vì nơi họ ở là "khu có nguy cơ trung bình". Ban đầu [bệnh viện] không nhận, sau đó miễn cưỡng cho ở lại. Rồi trì hoãn vài tiếng sau mới phẫu thuật, cuối cùng vẫn không cứu được...

Giang Tuyết nói: "Nếu có cơ hội, tôi muốn ôm cô ấy. Tôi cũng muốn nói với cô ấy rằng, những đau khổ mà chúng ta gặp phải nên được ghi lại và không nên gánh chịu một cách vô ích".

Giang Tuyết cho biết, một người bạn cô từng thân quen đã để lại lời nhắn. Người đó tán thưởng lời kêu gọi "không Covid toàn xã hội" của chính quyền Thiểm Tây, và để lại bình luận "Tây An chỉ có thể thắng lợi, không có lựa chọn khác, không có đường lui".

Cô chỉ có thể đáp lại rằng, "Tây An chỉ có thể thắng lợi, đây là lời nói khoa trương, ngụy biện và nói suông". Tương tự như câu "chúng ta không từ bất kỳ giá nào", hãy suy nghĩ xem, "chúng ta" (ý chỉ người dân) là "chúng ta" trong câu nói đó, hay là “cái giá" phải trả kia?

Cuối nhật ký, tác giả nói: “Sau khi sự việc qua đi, nếu không suy xét lại, không rút ra bài học kinh nghiệm xương máu và nước mắt, mà chỉ mải miết với việc lập công kể thưởng, biểu dương công trạng, thì người dân chỉ có thể gánh chịu khổ nạn một cách vô ích”.

covid ở trung quốc, tây an phong thành
Tác giả bài viết "Giang Tuyết: Mười ngày ở Trường An – Nhật ký mười ngày phong thành của tôi". (Ảnh từ Internet)

Về tác giả nhật ký Tây An phong thành

Tác giả Giang Tuyết sinh năm 1974, quê ở thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc. Cô tốt nghiệp Đại học Chính trị và Pháp luật Tây Bắc năm 1996. Cô đã làm việc trong ngành tin tức hơn 20 năm, và làm phóng sự điều tra trong một thời gian dài.

Cô từng là phóng viên trưởng của bộ phận tin tức và chủ nhiệm ban bình luận thuộc tờ Hoa Thương Báo của Trung Quốc. Năm 2009, cô được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời tham gia “Chương trình Lãnh đạo cho Khách mời Quốc tế” (The International Visitor Leadership Program – IVLP). Năm 2015, cô tách ra làm nhà báo độc lập. Cô cũng nhiều lần bị khóa tài khoản WeChat do chia sẻ tin tức.

Theo trang web bảo vệ quyền lợi, vào trước "hai phiên họp" của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2020, cô Giang từng bị cảnh sát Tây An bắt đi. Nguyên nhân được cho là do cô đã viết bài "Vào ngày quốc tang, tôi từ chối tham gia dàn hợp xướng đã được sắp xếp".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nhật ký Tây An 10 ngày ‘phong thành’ của nhà báo độc lập Trung Quốc