Những bằng chứng tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến bạn phải rùng mình khiếp sợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãy tưởng tượng nếu như trong tủ lạnh của một cửa hàng bán đồ ăn sẵn tại địa phương, cùng với nước uống lạnh và các loại thịt đã qua chế biến, trưng bày một loại sản phẩm mới: gan, thận và giác mạc người.

Nghe rất rùng rợn, đây là cách mà ông Arthur Waldron, nhà sử học về Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, Mỹ mô tả những vì mà chính quyền Trung Quốc đang làm hiện nay - đó là giết chết các tù nhân có lương tâm để lấy nội tạng của họ bán trên thị trường cấy ghép.

Tòa án của nhân dân về vấn đề mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times vào năm 2019, Giáo sư Waldron cho biết: "Họ ... tham gia vào một ngành thương mại rất tà ác, đó là buôn bán cơ thể của các công dân Trung Quốc bị giết hại". "Hầu hết những người phương Tây đều không biết đến việc này một chút nào".

Hội đồng xét xử: Giáo sư sử học Arthur Waldron, Hoa Kỳ; luật sư Andrew Khoo, Malaysia; giáo sư Ngoại tim mạch Martin Elliott; Ngài Geoffrey Nice QC (Quan tòa); doanh nhân Nicholas Vetch; luật sư nhân quyền Shadi Sadr, Iran; luật sư Regina Paulose, Hoa Kỳ, trong một phiên toà tại Luân Đôn ngày 8/12/2018. (Justin Palmer)
Hội đồng xét xử từ trái qua phải gồm: Giáo sư sử học người Mỹ Arthur Waldron, Luật sư người Malaysia Andrew Khoo, Giáo sư về tim và lồng ngực tại Anh Martin Elliott, Ngài Geoffrey Nice QC (Chủ tọa), Doanh nhân người Anh Nicholas Vetch; Luật sư nhân quyền người Iran Shadi Sadr, và Luật sư người Mỹ Regina Paulose trong một tòa án của nhân dân tại London, Anh vào ngày 8/12/2018. (Justin Palmer)

Giáo sư Arthur Waldron hiện là một chuyên gia nghiên cứu về nạn mổ cướp nội tạng rùng rợn này, sau khi dùng một năm (từ năm 2018 - 2019) để điều tra với tư cách là một thành viên của Tòa án độc lập về nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. Hội đồng xét xử này còn bao gồm 6 thành viên khác, họ hoạt động trong các lĩnh vực luật quốc tế, y học, kinh doanh và quan hệ quốc tế.

Sau khi xem xét lời chứng từ hơn 50 nhân chứng trong 2 phiên xử ở London, và một khối lượng lớn các bằng chứng bằng văn bản và video, Tòa án này vào tháng 6/2019 đã kết luận - không còn nghi ngờ gì nữa - rằng, ở Trung Quốc, "nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân có lương tâm đã được thực hiện trong một khoảng thời gian đáng kể [và] liên quan đến một số lượng nạn nhân rất đáng kể".

Phán quyết cuối cùng của Tòa án này, một bản báo cáo dài 160 trang, đã được công bố vào ngày 1/3/2020.

"Có một loại tà ác nào đó đã vượt qua các nguyên nhân [xã hội] của con người bình thường. Loại tà ác đứng đằng sau nạn thu hoạch nội tạng - đó là một thứ gì đó khác", ông Waldron nói.

Tòa án này đã phát hiện ra rằng, các nội tạng chủ yếu được lấy từ các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù. Những người theo học môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đã bị đàn áp nặng nề bởi chính quyền Trung Quốc từ năm 1999, một chiến dịch bao gồm tùy tiện bắt giam, cưỡng bức lao động, tẩy não, tra tấn và thậm chí gây ra cái chết.

Tòa án ở London này có Chủ tọa là Ngài Geoffrey Nice QC, người trước kia đã phụ trách việc truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Vén màn tội ác

Ngày 9/3/2006, tờ The Epoch Times lần đầu tiên phơi bày một sự thật tàn bạo khủng khiếp: Chính quyền Trung Quốc đã thiết lập một trại tập trung bí mật ở quận Tô Gia Đồn, thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), nơi giam giữ hàng nghìn học viên Pháp Luân Công.

Ngày 17/3/2006, The Epoch Times đã tường thuật một buổi phỏng vấn với một nhân chứng nữ, người đã làm việc tại bệnh viện đông máu ở tỉnh Liêu Ninh, là bệnh viện kết hợp giữa y học Trung Quốc và phương Tây. Bà đã đưa ra thêm bằng chứng về trại tập trung được đặt ngầm dưới lòng đất, bên dưới bệnh viện này. Khi việc lấy nội tạng sống xảy ra, thì chồng bà vào lúc đó, một bác sĩ phẫu thuật chính, đã tham gia việc lấy giác mạc từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Ngày 31/3, The Epoch Times công bố lá thư của một bác sĩ quân y đã về hưu, xác nhận sự tồn tại của trại tập trung nằm dưới lòng đất thuộc quận Tô Gia Đồn, thành phố Thẩm Dương.

Kể từ thời điểm đó, bức màn u tối che giấu tội ác mổ cướp nội tạng sống của chính quyền Trung Quốc đã được vén lên.

Bằng chứng kinh hoàng

Tòa án này, qua hai phiên xét xử công khai vào tháng 12/ 2018 và tháng 4/2019, đã xem xét bằng chứng từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia y tế, nhà báo, và những người sống sót khỏi hệ thống giam giữ của Trung Quốc.

Họ đều cung cấp các mô tả chi tiết về việc bị tra tấn và ngược đãi trong khi bị giam giữ. Một học viên Pháp Luân Công có tên là Yu Ming đã kể lại việc cảnh sát đã đặt các quyển sách lên ngực và lưng ông và sau đó dùng búa để nện lên sách, gây ra những vết nội thương thay vì những vết thương có thể nhìn thấy ở trên bề mặt thân thể.

Cô Mihrigul Tursun, một người Duy Ngô Nhĩ đã sống sót, đã kể lại với Tòa án rằng cô đã bị trói vào một cái ghế tựa và chụp cái mũ [sắt] lên đầu và bị sốc điện. Bên cạnh việc bị tra tấn, những nhân chứng này cùng nói về việc bị thử máu thường xuyên và bị khám sức khỏe trong khi bị giam giữ.

Chủ tọa Nice nói ở London vào tháng 6/2019 khi công bố những gì mà Tòa án này phát hiện ra rằng, những xét nghiệm này nhất quán với việc xét nghiệm để xem tình trạng của nội tạng. Những tù nhân không phải là học viên Pháp Luân Công thì không bị xét nghiệm, và kết quả y tế không bao giờ được giải thích cho các tù nhân.

Tòa án này cũng nhận được một bản tường thuật cá nhân về việc thu hoạch nội tạng từ cựu bác sĩ phẫu thuật Enver Tohti, người hồi năm 1995 đã bị ra lệnh phải mổ lấy gan và hai quả thận của một tù nhân vẫn còn sống ở thành phố Urumqi, Tân Cương. Tử tù này đã bị bắn vào ngực bên phải nhưng vẫn còn sống.

Bác sĩ Enver Tohti ở London, Anh vào ngày 17/6/2019. (Guanqi/The Epoch Times)
Bác sĩ Enver Tohti ở London, Anh vào ngày 17/6/2019. (Guanqi/The Epoch Times)

Lời chứng của các nhân chứng, và các cuộc điện thoại mà các nhà nghiên cứu gọi đến các bác sĩ ở Trung Quốc - mà trong đó họ đóng giả làm bệnh nhân hoặc người nhà của bệnh nhân cần ghép tạng - đã hé lộ rằng, các bác sĩ và bệnh viện ở Trung Quốc đã hứa khoảng thời gian chờ "cực kỳ ngắn" cho các ca ghép tạng - chỉ có 2 tuần. Khoảng thời gian chờ ngắn như vậy là "hoàn toàn không thể" trong các hệ thống hiến tạng bình thường, Chủ tọa Nice nói vào tháng 6/2019.

Dữ liệu thống kê dựa trên các cuộc điều tra của các nhà nghiên cứu độc lập đã vẽ lên một bức tranh về quy mô của ngành kinh doanh kinh khủng này ở Trung Quốc. Vào năm 2016, một bản báo cáo có chiều sâu đã phát hiện ra một sự khác biệt rất lớn giữa những con số ghép tạng chính thức của Trung Quốc và số ca cấy ghép được thực hiện trong các bệnh viện ở nước này

Bản báo cáo này đã được thực hiện bởi ông Ethan Gutmann, nhà phân tích Trung Quốc và điều tra viên; ông David Kilgour, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; và ông David Matas, một luật sư nhân quyền người Canada. Cả ba ông đã dùng hơn một thập kỷ để nghiên cứu vấn đề này.

Bằng cách phân tích các hồ sơ công khai của 712 bệnh viện ở Trung Quốc tiến hành việc cấy ghép gan và thận, bản báo cáo này đã cho thấy rằng khoảng 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng đã đang được thực hiện mỗi năm, vượt xa con số được báo cáo chính thức là từ 10.000 đến 20.000 mỗi năm.

Giáo sư Waldron nói rằng việc thu hoạch nội tạng đã đem lại lợi nhuận cực kỳ lớn cho các bệnh viện cực kỳ thiếu tiền ở Trung Quốc. Các bệnh viện với những khoa ghép tạng lớn, lấy hàng chục ngàn đô-la Mỹ cho mỗi ca phẫu thuật, có thể sinh ra doanh thu đáng kể.

Arthur Waldron, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và là giáo sư sử học, Đại học Pennsylvania, tại văn phòng của ông ở Philadelphia vào ngày 20/11 năm 2019. (Brendon Fallon / The Epoch Times)
Giáo sư Arthur Waldron thuộc Đại học Pennsylvania và là một chuyên gia về Trung Quốc trong văn phòng của mình ở Philadelphia, Mỹ vào ngày 20/11/2019. (Brendon Fallon / The Epoch Times)

Trong nhiều năm qua, các cuộc điều tra quốc tế đã phát hiện hàng loạt bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng của các tù nhân có lương tâm, trong đó chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Dù vậy, cho đến nay chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận sự tồn tại của hoạt động mổ cướp nội tạng này.

Giáo sư Waldron nói rằng Tòa án đã rất nỗ lực để có được tất cả những bằng chứng liên quan, bao gồm cả những bằng chứng ngược lại, liên quan đến việc thu hoạch nội tạng. Ông lưu ý rằng Tòa án đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc ở London và các quan chức y tế ở Trung Quốc cung cấp các bằng chứng ngược lại, nhưng không có nhân chứng trái chiều nào bước ra.

Nhưng trong quá trình tòa hoạt động, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối hồi đáp các lời mời tham gia bào chữa tại tòa hay đưa ra bằng chứng chứng minh họ vô tội.

Thức tỉnh

Giáo sư Arthur Waldron cho biết, Tòa án này đã đưa ra phán quyết cuối cùng, tuyên bố những hành vi mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công và nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ là tội ác chống lại nhân loại. Hội đồng xét xử đã dừng lại ở kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã phạm tội diệt chủng, và lưu ý các quốc gia nên tiến hành điều tra về độ xác thực của tội ác này.

Tội ác thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã kéo dài hơn 20 năm và hiện họ vẫn tiếp tục mổ cướp nội tạng từ những tù nhân có lương tâm bất chấp sự phản đối của quốc tế. Thông qua các nhân chứng sống sót, các nhà nghiên cứu, nhà báo, luật sư, bác sĩ cùng các phán quyết của Tòa án độc lập này, đến nay cộng đồng quốc tế đã hiểu rất rõ về tội ác thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc.

Giáo sư Waldron cho rằng, phán quyết của Tòa án này sẽ kích hoạt các cuộc thảo luận rộng hơn về vấn đề đã từng bị ỉm đi trong bóng tối. Ông Waldron cũng cho rằng vấn đề này sẽ trở thành một “mối quan ngại toàn cầu”, và một số chính phủ trên thế giới đã có những động thái ngăn cản các công dân của mình không đồng lõa với tội ác này:

  • Năm 2008, Israel đã thông qua Luật Ghép tạng, cấm công dân nước này tới Trung Quốc du lịch ghép tạng.
  • Năm 2010, Tây Ban Nha đã chỉnh sửa Quy tắc xác định tội phạm để ứng biến với việc du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng.
  • Năm 2015, Đài Loan đã sửa đổi và công bố Luật Ghép tạng.
  • Năm 2017, Na Uy đã sửa đổi Luật Ghép tạng để chống buôn bán nội tạng người.
  • Năm 2019, Hạ viện Bỉ đã thông qua dự luật cấm du lịch ghép tạng.

Phán quyết của Tòa án độc lập tại Anh đã thực sự mở màn cho những hành động chính nghĩa nối tiếp, và bước tiếp theo, các quốc gia trên thế giới nên bắt đầu hành động để đưa chính quyền Trung Quốc ra Tòa án Hình sự Quốc tế.

Theo The Epoch Times tiếng Anh

Phương Mai biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Những bằng chứng tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến bạn phải rùng mình khiếp sợ