Nội bộ ĐCSTQ ‘đại thanh trừng 2020’, ai sẽ là người tiếp theo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2020, cuộc đại thanh trừng trong giới chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tập trung vào lĩnh vực chính trị và luật pháp.

Từ ngày 19/4, sau khi Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lực Quân (Sun Lijun) bất ngờ bị tuyên bố "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật" cho đến nay, một loạt quan chức thuộc các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Hành chính Tư pháp và Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ đã lần lượt ngã ngựa.

Tính từ cuối tháng 4 đến nay, tổng số quan chức cấp huyện, tỉnh, thành phố bị điều tra và xử lý trong 5 hệ thống nêu trên lần lượt là 85, 34, 21, 23, 21. Trong đó bao gồm: Vương Vân Lương - nguyên Giám đốc Phòng 610 của Sở Công an thành phố Đan Dương, tỉnh Giang Tô, Quách Kinh Hà - Thẩm phán của Tòa án cấp cao Bắc Kinh, Lương Đức Tiêu - Phó Công tố viên tỉnh Quảng Đông, Lưu Vĩnh Thanh - Ủy viên đảng ủy kiêm Phó Giám đốc phân cục Thanh Hà thuộc Cục Quản lý nhà tù Bắc Kinh, Địch Vạn Thọ - nguyên Phó Bí thư Ủy ban Pháp luật Thành phố Tam Môn Hiệp tỉnh ​​Hà Nam kiêm nguyên Giám đốc Phòng 610, v.v.

Không ai trong số các quan chức trên bị xử oan

Đấu đá nội bộ là một điểm nổi bật của ĐCSTQ. Trong hơn 70 năm qua kể từ khi ĐCSTQ được thành lập, cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ chưa bao giờ ngừng lại. Các quan chức chính trị và pháp luật bị thanh trừng này là "vật hy sinh" của cuộc đấu tranh nội bộ ĐCSTQ.

Tuy nhiên, còn có một luật khác để chế ước hết thảy tên là “Thiên lý”, đó là “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; không phải là không báo, mà là chưa đến thời; một khi đến lúc, thì hết thảy đều báo”. Các quan chức chính trị và pháp luật là một trong những công cụ quan trọng nhất của ĐCSTQ để bức hại người dân Trung Quốc. Các quan chức này đều không có ngoại lệ, họ đều đã tham gia vào cuộc đàn áp và bức hại nhân dân Trung Quốc. Vì vậy, không ai trong số họ bị oan, mà là bị “quả báo” bằng cách “bị điều tra và xử lý”.

Ai sẽ là người tiếp theo trong cuộc thanh trừng chính trị và luật pháp của ông Tập Cận Bình?

Hệ thống chính trị và luật pháp của ĐCSTQ từ lâu đã nằm trong tay phái Giang do cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng - cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đứng đầu. Từ năm 1999-2020, 4 Bí thư của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ là La Cán, Chu Vĩnh Khang, Mạnh Kiến Trụ và Quách Thanh Côn đều do hai người Giang và Tăng đề bạt và trọng dụng. Trong số đó, Chu Vĩnh Khang, Mạnh Kiến Trụ và Quách Thanh Côn đều được thăng chức làm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương sau khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 11/2012, ông Tập đã tiến hành thanh lọc sơ bộ hệ thống chính trị và pháp luật, đồng thời điều tra và xử lý một nhóm quan chức chính trị và pháp luật cấp cao, trong đó có ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ. Tuy nhiên, cục diện hệ thống chính trị và pháp luật do Giang - Tăng và các thân tín của họ kiểm soát về cơ bản vẫn không thay đổi.

Trong ba năm kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, tin đồn về việc "loại bỏ Tập Cận Bình" và "đảo chính" đã liên tục xuất hiện. Trong nội bộ ĐCSTQ, ngoài quân đội (nòng súng) ra thì còn có chính trị và pháp luật (con dao) là có thể phát động cuộc đảo chính. Ông Tập đã có quân quyền trong tay. Năm 2020, ông Tập bắt đầu một đợt thanh trừng hệ thống chính trị và pháp luật mới, với mục đích là thu “con dao” về tay mình.

Ba quan chức cấp cao nặng ký của các cơ quan chính trị và pháp luật ĐCSTQ bị điều tra trong năm 2020 là Tôn Lực Quân - Thứ trưởng Bộ Công an, Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin) - Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh, và Cung Đạo An (Gong Dao’an) - Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Thượng Hải. Ba người này lại là thân tín do ông Mạnh Kiến Trụ đề bạt và trọng dụng.

Việc bắt giữ 3 người này ngay lập tức làm dấy lên câu hỏi liệu ông Mạnh Kiến Trụ có thể bị bắt hay không. Cách đây một thời gian, tin tức về việc ông Mạnh Kiến Trụ đã bị bắt hoặc bị giám sát chặt chẽ trong bệnh viện đã lan truyền rộng rãi. Vào tối ngày 30/9, tại tiệc chiêu đãi nhân ngày Quốc khánh của ĐCSTQ, ông Mạnh Kiến Trụ đã lộ diện. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm trước đây của ông Chu Vĩnh Khang và những người khác cũng từng lộ diện trước khi bị bắt thì có thể kết luận rằng, trong cuộc nội đấu một mất một còn của ĐCSTQ, lộ diện không có nghĩa là đã tiếp đất an toàn.

Trong hai ngày 24 và 25/9, Lu-De Media (路德社) - một kênh truyền thông mạng video tiếng Trung của Hoa Kỳ lần lượt tung ra những tin tức "bom tấn", nói rằng nhà họ Giang, Tăng và Mạnh đã ra tay, họ đã giao cho Tổng thống Mỹ Trump và Bộ Tư pháp Mỹ 3 chiếc ổ cứng tài liệu về việc ông Tập Cận Bình và ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden "thiết lập quan hệ". Cuộc quyết đấu giữa Giang, Tăng, Mạnh và Tập ngày càng trở nên gay gắt.

Trong 5 năm đầu “đả hổ” chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã bắt 400 quan chức cấp cao từ cấp phó tỉnh (cấp Bộ) trở lên, hầu hết họ đều do hai người Giang và Tăng đề bạt trọng dụng. Trong 5 năm đó, ông Tập đã nắm đủ bằng chứng về các vấn đề của phe phái Giang và Tăng. Kể từ sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, ông Tập đã bắt giữ một số quan chức cấp cao, nhiều người đã được Giang đề bạt và trọng dụng, chẳng hạn như Triệu Chính Vĩnh - cựu Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây và Lại Tiểu Dân - cựu Chủ tịch Tập đoàn Huarong.

Ông Tập cũng đã bắt giữ các “găng tay trắng” (kẻ giúp các chính trị gia rửa tiền) của phe Giang Tăng là Diệp Giản Minh - Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc CEFC, Xa Phong - người kiểm soát thực tế của Tập đoàn Digital Domain Hong Kong, và Tiêu Kiến Hoa - người sáng lập Tập đoàn Tomorrow Group, qua đó có thêm bằng chứng về các vấn đề của Giang và Tăng.

Tin tức của Lu-De Media có lẽ đã được truyền về Trung Quốc. Nếu thực sự là Giang, Tăng và Mạnh đã hành động. Vậy, ông Tập sẽ phản ứng như thế nào? Làn sóng thanh trừng chính trị và pháp luật do ông Tập khởi xướng đã đánh đến cửa nhà của cựu Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Mạnh Kiến Trụ - một thân tín của Giang và Tăng. Tiếp theo, liệu ông Tập có bắt giữ ông Mạnh không? Hay là sẽ bắt giữ ông Quách Thanh Côn - Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương đương nhiệm trước?

Nếu cả Mạnh và Quách đều bị bắt, điều gì sẽ xảy ra với Giang và Tăng?

Tác giả: Vương Hữu Quần

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Nội bộ ĐCSTQ ‘đại thanh trừng 2020’, ai sẽ là người tiếp theo?