Nữ diễn viên Trung Quốc tiết lộ: Một Bắc Kinh hoa lệ giấu những kiếp người lầm than

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cô Hác Lôi (43 tuổi), một nữ diễn viên thực lực nổi tiếng của Trung Quốc, gần đây đăng WeChat nói về "Tình trạng thê thảm hiếm thấy trong hơn 10 năm qua của Bắc Kinh”. Bài viết đang rất được cư dân mạng quan tâm, cũng có người lo lắng phát ngôn này của cô sẽ dẫn đến nguy cơ bị “phong sát”.

Gần đây, cư dân mạng Trung Quốc lan truyền rầm rộ một bức ảnh chụp màn hình WeChat Moments của nữ diễn Hác Lôi (Hao Lei). Cô đã ghi lại những gì bản thân nhìn thấy khi đang ăn tại một quán ăn ở Bắc Kinh:

"Tôi gặp ba kiểu người khi đang ăn ở quầy thức ăn ở tầng dưới. Hai anh mập lấy túi ni-lông gói thức ăn thừa ở bàn bên cạnh; một cô nhặt những chai nước giải khát mà chủ hàng không dọn đi. Một người đàn ông trông gầy yếu, khoảng 60 tuổi, khoác chiếc ba lô trên lưng đi lại trên phố nhiều lần. Ông rót nước thừa trên các bàn vào chai nước của mình rồi lại ngồi ở một chiếc bàn trống phía xa. Trước mặt ông là một hộp cơm tròn màu trắng loại dùng một lần, nhưng nó trống không... Ông đang đợi gì? Hộp cơm trống rỗng như đôi mắt trống rỗng của ông, đầy vô vọng...".

Cô Hác Lôi cảm thán: "[Tôi] sống ở đây mười mấy năm, ăn không biết bao nhiêu bữa trên con phố này, chưa bao giờ thấy cảnh tượng thê lương như vậy. Đây là Bắc Kinh, một đoạn đường ở thủ đô phồn hoa còn như thế, vậy ở những địa phương nhỏ khác họ sống ra sao?".

Nữ diễn viên được cho là một người hết lòng tin theo đạo Phật. Cô viết: "Đó thực sự là nhân quả? Vậy làm sao để có thể gieo ‘nhân’ lành ngay lập tức và chấm dứt [những tháng ngày] ăn ‘quả’ ác vô vị này? Khẩn cầu chư Phật mười phương phù hộ cho chúng sinh đáng thương!".

Diễn viên Hác Lôi viết trên WeChat Moments, mô tả lại những gì cô nhìn thấy trên đường phố Bắc Kinh. (Nguồn ảnh: Weibo)
Diễn viên Hác Lôi viết trên WeChat Moments, mô tả lại những gì cô nhìn thấy trên đường phố Bắc Kinh. (Nguồn ảnh: Weibo)

Có người đã chia sẻ bài viết này lên Weibo, và làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet Đại lục. Cư dân mạng bình luận: "Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi nghe thấy tên của diễn viên này"; "Đừng đăng nó, hãy bảo vệ cô ấy"; "Một diễn viên vừa có lòng lại vừa tử tế, người dân thật rất khó khăn, cứ tiếp tục như thế này thì người chết đói sẽ trải khắp nơi", v.v.

Cũng có người lo ngại rằng cô sẽ bị phong sát tại Trung Quốc vì chia sẻ này. “Phong sát” là một từ Hán Việt, có thể hiểu là lệnh cấm vận đối với các nghệ sĩ ở Trung Quốc. Bất kỳ ai dính tới “phong sát” cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp, không được phép tham gia hoạt động nghệ thuật ở Đại lục.

Theo thông tin công khai, Hác Lôi sinh năm 1978 tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ngoài làm diễn viên, cô còn là ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu; nổi danh nhờ đóng các phim Di Hoà Viên (Summer Palace, năm 2006) và Phù Thành Mê Sự (Mystery, năm 2012). Cô tốt nghiệp Học viện Hý kịch Thượng Hải và hoạt động trong nghề từ năm 1998 tới nay.

Diễn viên Hác Lôi từng nhiều lần lọt vào danh sách tranh Giải Kim Mã – một trong những giải thưởng điện ảnh lớn và có uy tín nhất của điện ảnh Hoa ngữ. Năm 2010, cô đạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải Kim Mã lần thứ 47 qua phim "Bức họa thứ tư" (The Fourth Portrait).

Nữ diễn viên Trung Quốc tiết lộ: Một Bắc Kinh hoa lệ giấu những kiếp người lầm than
Nữ diễn viên Hác Lôi (phải) cùng đạo diễn Peter Chan (giữa) và nữ diễn viên Triệu Vy (trái) tham dự Lễ khai mạc Liên hoan phim Venice lần thứ 71 vào ngày 27/8/2014 tại Venice, Ý. (Pascal Le Segretain/Getty Images)

Ngoài ra, một nghệ sĩ khác cũng tiết lộ tình hình mới nhất ở Bắc Kinh. Nam ca sĩ Đài Loan Hoàng An (Michael Huang An) đã sống ở Đại lục khá lâu, gần đây ông đã đi thăm thú các nơi và trở về Bắc Kinh sau 14 ngày.

Ông cho biết: "Đi lang thang 14 ngày, hôm nay trở về Bắc Kinh. Chào đón tôi là giao thông thông suốt và sân bay không bóng người!”. "Theo quy định, ngày mai bắt đầu làm xét nghiệm PCR, lúc này người Bắc Kinh không được hoan nghênh ra ngoài”.

Nam ca sĩ Hoàng An tiết lộ hình ảnh sân bay Bắc Kinh vắng vẻ. (Nguồn ảnh: Weibo)
Nam ca sĩ Hoàng An tiết lộ hình ảnh sân bay Bắc Kinh vắng vẻ. (Nguồn ảnh: Weibo)

Kinh tế Trung Quốc trên đà sụp đổ

Trong vài tháng gần đây liên tục xuất hiện những tin tức xấu về nền kinh tế Trung Quốc. Tuần báo số 12 của Bán Nguyệt Đàm (Ban Yue Tan), một tạp chí trực thuộc Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa ra mắt vào tháng 6/2022. Trong đó có đăng một bài bình luận của tác giả Hà Hân Vinh (He Xinrong), nói về tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Bài báo nhận định rằng, áp lực đi xuống của nền kinh tế ngày càng gia tăng, và "nền kinh tế Trung Quốc đang trong thời khắc vô cùng then chốt".

Tính thanh khoản của ngành ngân hàng Trung Quốc gần đây rất eo hẹp, và có thể sẽ lại xảy ra một đợt thiếu hụt tiền mặt. Do các yếu tố như kinh tế Trung Quốc suy thoái, thị trường bất động sản đổ vỡ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Bắc Kinh tìm về nơi trú ẩn an toàn hơn, v.v., nên phạm vi và tác động của tình trạng thiếu tiền lần này có thể còn dữ dội hơn so với bất kỳ lần nào trong quá khứ.

Sau khi ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam đóng băng tiền gửi của khách hàng mà không có cảnh báo, là một ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã hạn chế hạn mức rút tiền hàng ngày của người gửi. Trước cửa Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc là hàng dài người xếp hàng chờ rút tiền.

Kênh truyền thông tư nhân Caijing Lengyan đã phân tích trong chương trình ngày 24/6 rằng: Đằng sau vụ việc Đan Đông nổi cộm gần đây là nền kinh tế và tài chính đang trên đà sụp đổ của các thành phố Trung Quốc hậu Zero Covid.

Caijing Lengyan nói rằng, doanh thu của thành phố Đan Đông năm ngoái đạt 5,2 tỷ nhân dân tệ, nhưng chi tiêu công của nó cao tới 19,8 tỷ nhân dân tệ. Thu nhập thậm chí chỉ gần bằng 1/4 chi tiêu. Về cơ bản, khoản thiếu hụt phải dựa vào vay nợ trong nội bộ tỉnh cũng như từ các tỉnh khác. Đồng thời, trong số 5,2 tỷ nhân dân tệ thu nhập, riêng tài sản phi pháp bị tịch thu đã là 500 triệu nhân dân tệ. Thông thường, tỷ lệ thu nhập từ tịch thu tài sản sẽ chiếm từ 1 đến 2% thu nhập công của thành thị, nhưng Đan Đông cao tới 6,2%.

Caijing Lengyan cho rằng, Đan Đông là hình ảnh thu nhỏ của nhiều thành phố ở Trung Quốc. Nhà bình luận này dự đoán rằng, sự sụp đổ kinh tế, phong tỏa quá mức và chính quyền dựa vào tiền phạt để sống qua ngày, sẽ trở thành “bình thường hóa” ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc trong tương lai.

Mới đây, một đoạn video do người dân Thượng Hải ghi lại cũng được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, cho thấy sau khi gỡ bỏ phong tỏa, có thể thấy cảnh sát giao thông có mặt khắp nơi trên các tuyến phố để chặn xe và phạt tiền. Một cư dân mạng khác tiết lộ, quê anh ở một thị trấn thuộc tỉnh Phúc Kiến, ngày nào ra đường cũng thấy cảnh sát đang phạt tiền dân.

Đông Phương

Theo Vision Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Nữ diễn viên Trung Quốc tiết lộ: Một Bắc Kinh hoa lệ giấu những kiếp người lầm than