Ông Tập ban lệnh cấm ăn uống lãng phí, Trung Quốc gặp khủng hoảng lương thực?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tình hình dịch bệnh, châu chấu và lũ lụt ồ ạt tấn công Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn tuyên bố rằng “lương thực đầy đủ”, nhưng đồng thời lại buộc nông dân phải “cải tạo ruộng hoang”. Hơn nữa, gần đây ông Tập Cận Bình lại ra chỉ thị cấm hành vi ăn uống lãng phí. Người dân nghi vấn rằng có phải Trung Quốc đã xuất hiện một cuộc khủng hoảng lương thực.

Vào ngày 11/8/2020, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng gần đây ông Tập Cận Bình đã ban hành chỉ thị để ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm. Ông chỉ ra rằng hiện tượng ăn uống lãng phí khiến người ta nhìn thấy mà giật mình, xót xa! Ông cũng trích dẫn hai câu thơ trong bài thơ "Mẫn nông" thời Đường: "Thùy tri bàn trung xan, lạp lạp giai tân khổ" (ai biết rằng bát cơm trên mâm, từng hạt đều là đắng cay cực khổ), để nói rằng đồ ăn có được không dễ dàng.

Ông Tập Cận Bình nói rằng chúng ta phải luôn có ý thức về khủng hoảng an ninh lương thực, phải tăng cường lập pháp, tăng cường giám sát và thực hiện các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, rèn luyện có hiệu quả thói quen tiết kiệm, tạo ra bầu không khí “lãng phí là điều đáng xấu hổ, tiết kiệm là điều đáng tự hào” trong toàn xã hội.

Trước đó, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần tập trung vào vấn đề lương thực trong nước. Vào cuối tháng 7, ông Tập đến Cát Lâm để thị sát các cánh đồng ngô và nói rằng vùng đất đen phía đông bắc Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề "độ phì nhiêu suy giảm". Nhất định phải thực hiện các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đất đen.

Hôm 7/8, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng an ninh lương thực là nền tảng quan trọng cho an ninh quốc gia. Ông Tập Cận Bình cho rằng cần phải “đảm bảo sự tự cung tự cấp cơ bản về ngũ cốc và sự an toàn tuyệt đối về khẩu phần”. Truyền thông đảng cũng nói rằng tổng sản lượng ngũ cốc vụ hè trên toàn Trung Quốc năm nay đạt 142,8 tỷ kg, đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Trước sự việc này, cư dân mạng đã đặt câu hỏi: "Các tỉnh sản xuất ngũ cốc đều bị hạn hán nghiêm trọng hoặc bị ngập lụt. Làm sao mà ngũ cốc bội thu vậy được?".

Người dân đặt ra câu hỏi rằng có phải Trung Quốc đã xuất hiện một cuộc khủng hoảng lương thực. (Minh họa: Getty Images)
Người dân đặt ra câu hỏi rằng có phải Trung Quốc đã xuất hiện một cuộc khủng hoảng lương thực. (Minh họa: Getty Images)

Ông Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), một học giả kinh tế quen thuộc với các vấn đề nông nghiệp và thực phẩm của Trung Quốc, nói với tờ Apple Daily rằng Trung Quốc chắc chắn có khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực và đáng để lo lắng vì hơn 30% số lương thực của Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu, số lượng thực tế có thể cao hơn.

Ông Hồ nói rằng dưới ảnh hưởng của xung đột Trung - Mỹ, người ta không thể không suy nghĩ về vấn đề lương thực, bởi vì hầu hết các giao dịch lương thực toàn cầu được thanh toán bằng đô-la Mỹ. Nếu Trung Quốc và Mỹ cuối cùng tách rời kinh tế, thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ giảm và Trung Quốc có thể sẽ không còn đồng đô-la Mỹ nữa. Hoa Kỳ cũng có thể ngăn Trung Quốc sử dụng đô-la Mỹ và có thể ngăn Trung Quốc mua lương thực trong cộng đồng quốc tế.

Ông Hồ Tinh Đẩu nói rằng mặc dù Trung Quốc cũng có khả năng cố gắng giải quyết vấn đề thu mua lương thực từ các nước khác bằng cách dùng đồng nhân dân tệ, nhưng khó có thể nói trước được vì nếu nền kinh tế Trung Quốc không tốt và lạm phát tăng, đồng nhân dân tệ cũng sẽ mất giá, kết hợp với hình thế quốc tế hiện nay thì vấn đề lương thực của Trung Quốc thực sự không thể coi nhẹ.

Vào tháng 3 năm nay, ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, cảnh báo rằng dịch viêm phổi Vũ Hán đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, và số người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu năm 2020 có thể lên tới 265 triệu người.

Hiện tại, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã kéo dài hơn 8 tháng. Bên cạnh đó, miền nam Trung Quốc đã có mưa lớn kéo dài hơn hai tháng liên tục, phần lớn Trung Quốc ngập trong lũ lụt, bốn bề cấp báo, mực nước trên con sông Trường Giang dài hàng nghìn km đều vượt mức cảnh báo, tình trạng lũ lụt ở các hương thôn thành thị ven sông rất nghiêm trọng.

Từ xung quanh hồ Bà Dương (Poyang) đến lưu vực đồng bằng sông Trường Giang - nơi được mệnh danh là “ngư mễ chi hương" (vùng đất của cá và lúa), hơn 5,26 triệu ha cánh đồng màu mỡ đang chìm trong nước. Chuyên gia nói rằng nửa cuối năm nay, Trung Quốc có khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực.

Ngoài ra, do tuyết rơi, mưa đá và hạn hán dày đặc đã khiến các vùng sản xuất lúa mì chính ở Trung Quốc giảm sản lượng. Hiện nay miền nam bị lũ lụt bao vây, các tỉnh phía bắc lại bị hạn hán nghiêm trọng, các loại cây trồng chủ lực như lúa và ngô không có thu hoạch. Thêm vào đó là các loại thảm họa như dịch châu chấu, sâu keo "sát thủ ngũ cốc”... khiến nguồn cung ứng lương thực của Trung Quốc e rằng đã chạm vào vạch nguy hiểm.

Hôm 3/7, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã đăng một bài báo của ông Châu Lực (Zhou Li), cựu Thứ trưởng Ban liên lạc đối ngoại Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, nhắc nhở phải chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bùng nổ. ĐCSTQ gần đây đã yêu cầu nông dân ở nhiều nơi "hoàn lại đất canh tác và bảo đảm lương thực", điều này cũng cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra nghiêm trọng. Gần đây, có thông tin cho thấy nhiều kho ngũ cốc cấp quốc gia bị trộn cát để làm giả ngũ cốc, và các kho ngũ cốc ở Thượng Hải, Hà Nam, Quý Châu và những nơi khác đã bốc cháy.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin rằng nhiều cuộc khủng hoảng hiện đang nổ ra ở đại lục, ĐCSTQ muốn ngừng nhập khẩu lương thực của Mỹ, nhưng nguồn dự trữ lương thực của chính họ vẫn còn thiếu. Chính phủ ĐCSTQ lo lắng rằng một khi mất nguồn cung cấp lương thực, tất cả các biện pháp duy trì ổn định có thể sẽ thất bại.

Đông Phương
Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập ban lệnh cấm ăn uống lãng phí, Trung Quốc gặp khủng hoảng lương thực?