Ông Tập ‘bao’ phí điều trị y tế cho người nhà binh sĩ nhằm mục đích gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Văn phòng Quân ủy Trung ương Trung Quốc gần đây đã ban hành "Quy định tạm thời về bảo đảm điều trị y tế cho quân nhân và những người liên quan đến quân đội" bắt đầu từ Tết Nguyên đán năm sau. Trong đó điều được quan tâm nhất là đãi ngộ y tế dành cho người nhà của quân nhân tại ngũ, bao gồm con cái chưa thành niên và vợ/chồng của họ sẽ được hưởng điều trị y tế miễn phí, bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ/chồng được hưởng điều trị y tế ưu đãi.

Điều trị y tế miễn phí ở Trung Quốc đã biến mất hơn 30 năm và những cải cách y tế về sau liên tục thất bại. Cho đến hôm nay, điều trị y tế miễn phí vẫn chưa có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân. Tuy nhiên, Quân ủy Trung ương lại hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí hoặc có giá ưu đãi cho quân nhân tại ngũ và gia đình của họ, đằng sau việc này rốt cuộc là có ý gì?

Có học giả ở nước ngoài cho rằng, việc mở rộng đặc quyền điều trị y tế miễn phí cho người nhà của quân nhân, là để đối phó với tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan hoặc bất ổn xã hội tiềm ẩn.

Một người làm truyền thông khá có danh tiếng thì lại cho rằng, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cải thiện hàng loạt chính sách đãi ngộ cho quân nhân, chưa chắc có liên quan đến tình hình hai bờ eo biển. Ngược lại, nó cho thấy sau khi ông Tập Cận Bình xóa sổ những “con hổ lớn” trong quân đội, tuy đang trong thời bình nhưng quân đội của ĐCSTQ vẫn tồn tại tình trạng lòng quân bất ổn, nhất là trong hàng ngũ sĩ quan từ trung cấp trở xuống. Vị này đưa ra một số nhân tố đằng sau: Thứ nhất, chưa giải quyết được việc bố trí ổn thỏa công việc tại địa phương cho các quân nhân giải ngũ; Thứ hai, các gia đình con một thường có cảm giác lo lắng về việc đi lính; Một vấn đề khác là các binh sĩ rất khó tìm được vợ hoặc chồng.

Một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc cho biết, trước năm 1998, một số trung đội trưởng và đại đội trưởng sau khi giải ngũ, có thể giáng hạ nửa cấp bậc và về làm việc tại các cơ sở doanh nghiệp địa phương, nhưng hiện nay cán bộ cấp trung đoàn không thể tìm được việc làm tại địa phương. Vị chuyên gia này cho biết, trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra việc các cựu chiến binh thỉnh nguyện đòi quyền lợi, nó không chỉ khiến chính quyền ĐCSTQ đau đầu, mà còn khiến các quân nhân tại ngũ lo lắng về cuộc sống tương lai. Chính sách ưu đãi về y tế đối với quân nhân và gia đình lần này, có thể coi là một cách để làm yên lòng quân nhân tại ngũ.

Có nhà nhân khẩu học nói rằng, gia đình con một là gia đình có nguy cơ rủi ro cao và không thể chịu bất kỳ tai nạn nào có thể xảy ra, mà đi lính có nghĩa là có thể phải chiến đấu bất cứ lúc nào, hy sinh bất cứ lúc nào. Một số gia đình con một có thái độ né tránh việc cho con đi bộ đội. Để đảm bảo có đủ số lượng binh lính, ĐCSTQ vẫn luôn nỗ lực tăng lương và lương hưu cho quân nhân. Vào ngày 1/8 vừa qua, ĐCSTQ đã đưa ra chính sách hỗ trợ tiền phụng dưỡng cha mẹ và tiền danh dự cho vợ hoặc chồng của quân nhân. Năm tới lại bắt đầu chính sách đãi ngộ về điều trị y tế. Hai chính sách này cho thấy tình thế khó khăn của chính quyền Bắc Kinh trong việc triệu tập công dân nhập ngũ.

Mặt khác, có nhà bình luận nước ngoài chỉ ra rằng, trên thực tế, chính sách ưu đãi về chăm sóc y tế của chính phủ đối với quân nhân cũng có thể giải quyết vấn đề khó tìm vợ hoặc chồng cho quân nhân tại ngũ. Hầu hết binh sĩ trong quân đội Trung Quốc là nam thanh niên từ 18-19 tuổi chưa vợ. Sau khi thực hiện chính sách đãi ngộ y tế này, họ chỉ cần yên tâm đi lính là có thể lấy được vợ, nếu về nhà thăm gia đình là có thể nhanh chóng đính hôn hoặc thậm chí kết hôn, lấy được một cô gái thích hợp trong thời buổi tài nguyên khan hiếm.

Về việc liệu chính sách này có phải là sự chuẩn bị của ông Tập để tấn công Đài Loan bằng vũ lực hay không, các nhà bình luận cho rằng, từ các phát biểu của chính ông Tập cho thấy, chưa có xu hướng rõ ràng.

Gần đây, Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố rằng, quân đội Mỹ đang giúp huấn luyện quân đội Đài loan. Nghị viện Châu Âu cũng đã đồng ý hợp tác với Mỹ để giúp Đài Loan gia nhập cộng đồng quốc tế. Cùng lúc đó khi Trung Quốc đang kỷ niệm 50 năm ngày gia nhập Liên Hợp Quốc, nhiều chính trị gia Hoa Kỳ đã đứng ra tuyên bố rằng, việc Trung Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc không có nghĩa là đã thay thế Trung Hoa Dân Quốc, nó khác với trường hợp khi Liên Xô tan rã và Liên bang Nga thay thế địa vị của Liên Xô. Trước những vấn đề này, ông Tập đã không đưa ra phản đối hay tuyên bố cứng rắn nào, nhưng đừng quên rằng ông Tập chưa bao giờ từ bỏ mong muốn thâu tóm Đài Loan.

Sina Insider, một công ty tư vấn rủi ro chính trị Trung Quốc có trụ sở tại New York cho biết, ông Tập đã thẳng tay trấn áp nạn tham nhũng của phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng kể từ khi ông lên nắm quyền. Cũng theo công ty tư vấn này phe Giang đã tạo ra rắc rối cho việc chấp chính của ông Tập bằng cách khiến căng thẳng ở Hồng Kông leo thang, kêu gọi sự chú ý đến cuộc đàn áp ở Tân Cương và tình hình ngày càng xấu đi ở eo biển Đài Loan.

Trước việc Bộ Thương mại Trung Quốc ra văn bản hôm 2/11 kêu gọi các hộ gia đình tích trữ đồ chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp, chính sách “bao” phí chữa bệnh của ông Tập Cận Bình được một số nhà bình luận thời sự nước ngoài giải thích như sau: Trong cuộc đấu đá nội bộ gay gắt của ĐCSTQ, trước tình hình kinh tế gay go hiện nay, tình huống tệ nhất là chính quyền có thể mượn cớ dịch bệnh để huy động quân đội kiểm soát xã hội, nhưng không nhất thiết là họ sẽ tấn công Đài Loan trong tương lai gần. Các quân nhân, binh sĩ là những người cầm súng trong tay, vậy nên việc được tăng lương và “bao” phí chữa bệnh sẽ khiến mối quan hệ giữa quân đội và chính quyền ông Tập tự nhiên khăng khít hơn. Tuy nhiên, đây chẳng qua cũng chỉ là một phép thử để thúc đẩy mô hình quản lý quân đội toàn diện.

Theo Vision Times

Hải Đăng

 



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập ‘bao’ phí điều trị y tế cho người nhà binh sĩ nhằm mục đích gì?