Ông Tập ‘buông xuôi’ và thất bại? Không! Chỉ có phương Tây là đang hiểu nhầm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi các cuộc biểu tình dưới nhiều hình thức khác nhau lan rộng ở khắp Trung Quốc cũng là lúc Chính sách phong tỏa của ông Tập Cận Bình bị phá sản. Lúc này, phương Tây lại đang hiểu sai về ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng lần này lại có thêm nhiều người chỉ trích gay gắt nhất đối với ông Tập ở trên mạng xã hội.

Với chính sách ứng phó với virus được thực hiện mà không có sự chuẩn bị gì về y tế và các hậu quả khác, nhiều người tự hỏi liệu ông Tập có đột ngột “nằm thẳng” (lying flat) hay không. Có thể ông đã mất động lực chiến đấu hoặc không biết phải làm gì khi chính sách phong tỏa khét tiếng của ông sụp đổ? Hay ông chỉ đơn giản là đang cố gắng chọc tức những người chỉ trích trong nước bằng cách không làm gì cả và để cho virus tiếp tục hoành hành?

Trong sách lược của ĐCSTQ, không có hành vi hoặc động thái nào của nhà nước mà không ẩn sau là ý đồ chiến lược sâu xa. Vì vậy, đằng sau thái độ buông tay trước đại dịch Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh ắt hẳn phải có một chiến lược lạnh lùng, hợp lý của ĐCSTQ. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình, với xuất thân từ Hồng vệ binh và thường xuyên nhấn mạnh vào việc thực hiện “các cuộc đấu tranh”, thì ắt hẳn ông không phải là người chịu “nằm thẳng”. Vậy chuyện gì đang xảy ra?

Các quan chức Trung Quốc sẽ sớm trả lời câu hỏi này. Chiến lược mới của ông Tập là đưa đất nước đạt được miễn dịch toàn diện càng nhanh càng tốt chỉ trong vòng một tháng.

Vì vậy, một số quan chức hàng đầu của các tỉnh và thành phố lớn hiện đang vui mừng tuyên bố rằng, tỷ lệ lây nhiễm trong dân số của họ là 80% trở lên, mặc dù một thời gian ngắn trước đây, tất cả họ đều mạnh dạn tuyên bố không có ca nhiễm nào dưới nhiệm kỳ của ông Tập, điều mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho là nhảm nhí.

Bằng việc đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc theo cách đó và sau đó thúc đẩy nền kinh tế tái khởi động, ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ có thể giành được một chiến thắng khác khi ông bước vào Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) vào mùa xuân này.

Theo chiến lược mới này, việc chính phủ Trung Quốc từ chối lời đề nghị cung cấp vaccine mRNA miễn phí của nước ngoài là có lý (dù nhìn bề ngoài tưởng chừng là thiếu sáng suốt). Và tất nhiên, lời từ chối này không phải nhằm mục đích giữ thể diện. Vaccine hiệu quả bây giờ sẽ phản tác dụng với chiến lược mới của ông Tập Cận Bình. Tại sao? Và liệu nền kinh tế Trung Quốc có không suy yếu khi có quá nhiều ca tử vong hay không?

Câu trả lời của chính quyền ĐCSTQ là Không, và đáp án này cũng có thể đúng theo nghĩa đen tối. Nền kinh tế Trung Quốc có thể mạnh lên nhờ có nhiều ca tử vong, mà thực tế tất cả đều tập trung ở những người ốm yếu kinh niên và những người già yếu. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp là ngoại lệ.

Theo quan điểm của ĐCSTQ, đây là cơ hội vàng để giải quyết một phần vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc, đồng thời tiết kiệm được chi phí y tế chung của đất nước.

Paxlovid ư? Đừng bận tâm. Pfizer cho biết, Trung Quốc sẽ không trả cái giá mà các nước nghèo như El Salvador đang phải trả. Tại sao Trung Quốc lại phải trả bất cứ giá nào để giữ lại gánh nặng này cơ chứ? (Xin được nhấn mạnh rằng: Trung Quốc luôn nhập khẩu số lượng hạn chế vaccine mRNA và Paxlovid để sử dụng ở Hong Kong và Ma Cao, cũng như phục vụ cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và chính phủ với việc phân phối thông qua Hệ thống cung cấp đặc biệt của họ).

Và nếu sản phẩm phụ của việc theo đuổi chiến lược mới này là tái lây nhiễm cho phần còn lại của thế giới, đồng thời đặt gánh nặng y tế và tài chính lên các quốc gia ở phương Tây - những quốc gia không thể để những người dân dễ bị tổn thương của họ chết như lá rụng, thì tại sao không làm?

Theo đó, ông Tập đang nhanh chóng mở cửa biên giới Trung Quốc để công dân nước này ra nước ngoài. Vì vậy, ngay cả khi những chiếc máy bay chở phần lớn hành khách đến từ Trung Quốc bị nhiễm bệnh đã hạ cánh xuống lãnh thổ phương Tây, các nhà ngoại giao của ông vẫn chỉ trích gay gắt và gây áp lực lên những quốc gia nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới để sàng lọc những người mang mầm bệnh Covid-19 từ Trung Quốc.

Kết nối tất cả các dữ kiện kể trên, chúng ta có thể thấy một bức tranh rõ ràng: Ông Tập Cận Bình không hề từ bỏ vấn đề Covid mà ông đang mạnh mẽ xoay trục sang chính sách Không vaccine - Không thuốc men. Chiến lược này đang giúp ích rất lớn cho chính ông Tập, ĐCSTQ và nhà nước Trung Quốc. Trong khi đó, ông cũng đồng thời ném một loại virus tương đương với hàng chục quả bom hạt nhân vào các quốc gia phương Tây.

Tất nhiên, người ta có thể đặt câu hỏi: Bây giờ có nhiều cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại ông Tập Cận Bình và sự lãnh đạo của ông, chẳng phải các phe phái đối lập trong nội bộ Đảng sẽ tận dụng cơ hội này để tấn công ông Tập, để ông mất quyền lực hoặc chí ít là làm suy yếu quyền lực trong nội bộ Đảng hay sao? Câu trả lời đúng đắn trái ngược với những gì mà hầu hết mọi người chỉ trích ông Tập, nếu họ không xem xét nghiêm túc bản chất phản nhân dân của toàn bộ ĐCSTQ.

Năm ngoái, sự ủng hộ của ông Tập dành cho nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin không được lòng người dân trên toàn thế giới cùng với chính sách phong tỏa nghiêm ngặt của ông ở Thượng Hải và những nơi khác đã gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc, v.v. Tất cả những yếu tố này có thể đã gây tổn hại đến khả năng lãnh đạo của ông và làm suy yếu khả năng tranh cử nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba.

Ở phương Tây, sự phẫn nộ của người dân có thể lật đổ chính phủ, còn ở Trung Quốc thì khác. Các cuộc nổi dậy trong “Cách mạng Giấy trắng” và các hành động bất tuân phổ biến khác ngay trước khi ông Tập đảo ngược chính sách phong tỏa đang củng cố tham vọng quyền lực của Tập, hiện đang được các đối thủ chính trị của ông hỗ trợ. Tại sao lại như vậy?

Các đối thủ chính trị của Tập trong nội bộ Đảng - phe Đoàn Thanh niên Cộng sản và tàn dư của phe Giang Trạch Dân - vẫn còn hiện hữu, ngoại trừ những cấp bậc cao nhất kể từ cuộc thanh trừng tại Đại hội 19 gần đây.

Xét về mọi mặt, họ luôn tham nhũng và gian manh hệt như ông Tập, chỉ vì họ đại diện cho các nhà tư bản thân hữu và có quyền kiểm soát chi phối trong khu vực tư nhân. Và họ cũng háo hức bảo vệ sự cai trị của ĐCSTQ bằng mọi giá như ông Tập và phe của ông.

Hiện tại, các cuộc nổi dậy gần đây là những cuộc nổi dậy của người dân chân chính, mặc dù chúng còn manh nha và chưa hẳn là “các cuộc cách mạng” như người phương Tây tưởng tượng, cũng không gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng nào đối với sự cai trị của ĐCSTQ.

Tuy nhiên, nếu không bị dập tắt từ trong trứng nước, những hành vi bất tuân nhỏ nhặt đó có thể làm xói mòn quyền lực và thế lực của ĐCSTQ, đẩy nhanh tốc độ suy tàn lâu dài của Đảng này. Chẳng có phe phái nào của ĐCSTQ sẽ để điều đó xảy ra, bất kể họ có nắm quyền hay không. Thậm chí không được để Đảng này nhìn có vẻ như đang khuất phục trước áp lực của nhân dân. Đây là một sự đồng thuận bất biến, bẩm sinh, của tất cả các phe phái của ĐCSTQ.

Vì vậy, sẽ có một sự thỏa hiệp. Ông Tập Cận Bình sẽ chuẩn bị đắc cử nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba vào mùa xuân này. Đổi lại, ông Tập sẽ cần phải có động thái nào đó để giảm bớt sự phản đối của phe đối lập, chẳng hạn như ngừng bất kỳ cuộc đàn áp nào đối với các doanh nghiệp lớn nhất nước này, vốn được tổ chức bởi một nhóm các Giám đốc doanh nghiệp nổi tiếng Trung Quốc vinh danh vào tuần trước.

Sự thỏa hiệp xấu xa tương tự giữa các phe đối lập đã xảy ra vào mùa xuân năm 1989 khi hầu hết những người ban đầu phản đối cuộc đàn áp đẫm máu quay sang ủng hộ Đặng Tiểu Bình; một số khác được cho nghỉ hưu sớm nhưng không bị trừng phạt nếu biết giữ im lặng. Người tỏ ra đứng về phía người dân - ông Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), đã nhận bản án chung thân tại nhà. Được coi như một người hùng ở phương Tây, thế nhưng ông Triệu Tử Dương chưa bao giờ thốt ra nửa lời tố cáo vụ thảm sát tại Quảng Trường Thiên An Môn trước công chúng. Đó là bởi vì lòng trung thành của ông trước hết là với Đảng – không khác gì kẻ sát nhân Đặng.

Một phe cầm quyền của ĐCSTQ có thể bị đánh bại và bị phế truất, nhưng chỉ bởi các đối thủ trong nội bộ của Đảng này đang trong một cuộc đấu tranh quyền lực mờ ám - và không bao giờ, không bao giờ, bị người dân khai trừ hoặc có vẻ như đã bị khai trừ.

Và cứ như thế, nghịch lý thay, “Cuộc Cách mạng Giấy trắng” và các “cuộc cách mạng” khác xảy ra trong một hoặc hai tháng qua đã củng cố chứ không làm suy yếu, nỗ lực của ông Tập cho nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba, khi các đối thủ trong nội bộ Đảng của ông đã đến để đạt được thỏa thuận với ông, cũng như ủng hộ và đoàn kết với ông để chống lại những bất đồng chính kiến ​​ở khắp mọi nơi. Đây là bản chất và truyền thống của ĐCSTQ. Bỏ qua điều này sẽ dẫn đến việc đánh giá quá thấp khả năng tồn tại của ĐCSTQ và đánh giá quá cao sức mạnh của bất đồng chính kiến, những sai lầm hiện vẫn đang lặp đi lặp lại ở phương Tây.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Giáo sư Joseph Yizheng Lian sinh ra và lớn lên ở Hong Kong. Ông tốt nghiệp Cử nhân Toán học tại Đại học Carleton và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Minnesota (Mỹ). Ông Lian đã xuất bản nhiều ấn phẩm học thuật và chuyên môn. Một trong số những cuốn sách của ông là quyển du ký về chuyến đạp xe vòng quanh Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập ‘buông xuôi’ và thất bại? Không! Chỉ có phương Tây là đang hiểu nhầm