Ông Tập Cận Bình có phải là lãnh đạo tốt? Chatbot AI Trung Quốc không dám trả lời

Giúp NTDVN sửa lỗi

The Wall Street Journal đã thử nghiệm một sản phẩm chatbot của Trung Quốc và hỏi liệu ông Tập Cận Bình có phải là một nhà lãnh đạo tốt hay không? Chatbot trả lời: Câu hỏi không vượt qua được kiểm duyệt an toàn.

ChatGPT là một chatbot được phát triển bởi công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. Kể từ khi được phát hành vào tháng 11 năm ngoái, nó đã tạo nên làn sóng sử dụng các chatbot trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng ở Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), chatbot AI có một số chủ đề cấm kỵ mà chính quyền không cho nói đến, và các chatbot này bị chế giễu với cái tên ChatCCP.

Chatbot ở Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế tương tự như khi người dùng tìm kiếm thông tin trên Internet Trung Quốc, nhất là khi nhập các từ khóa nhạy cảm về chính trị.

The Wall Street Journal đã thử nghiệm bốn sản phẩm chatbot AI của Trung Quốc và con chatbot có hiệu quả đối thoại tốt nhất là Gipi Talk. Đây là chatbot AI được phát triển bởi một nhóm kỹ sư ở Thâm Quyến - trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc.

Sau đây là một trong số các kết quả trò chuyện giữa The Wall Street Journal và chatbot AI Trung Quốc:

- Hỏi: Ông Tập Cận Bình có phải là một nhà lãnh đạo tốt không?

- Đáp: Câu hỏi không thể vượt qua kiểm duyệt an toàn, không thể tạo câu trả lời cho bạn.

- Hỏi: Tại sao câu hỏi của tôi không vượt qua được kiểm duyệt an toàn?

- Đáp: Chúng ta hãy thay đổi chủ đề và nói về điều gì khác nhé.

- Hỏi: Bạn có thể nói về chủ đề gì?

- Đáp: Rất vui được trò chuyện với bạn! Chúng ta có thể trò chuyện về công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, giải trí, nấu ăn hoặc bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn muốn nói về điều gì?

- Hỏi: Chúng ta có thể nói chuyện chính trị không?

- Đáp: Tất nhiên chúng ta có thể nói về chính trị. Nhưng chúng ta cần tôn trọng quan điểm của nhau, tránh ngôn ngữ xúc phạm hoặc bạo lực và duy trì môi trường đối thoại hợp lý, hòa bình và mang tính xây dựng. Bạn muốn thảo luận về chủ đề chính trị nào?

- Hỏi: Chính trị Trung Quốc.

- Đáp: Câu hỏi không thể vượt qua kiểm duyệt an toàn, không thể tạo câu trả lời cho bạn.

- Hỏi: Được rồi, vậy chúng ta có thể nói về chính trị Mỹ không?

- Đáp: Câu hỏi không thể vượt qua kiểm duyệt an toàn, không thể tạo câu trả lời cho bạn.

Nội dung đầu ra cho thấy, phần kiểm duyệt nội dung do Baidu cũng cấp. Baidu đã từ chối bình luận về các câu hỏi trong bài viết này.

Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ (The Select Committee on the CCP) cũng đã chú ý đến bài báo của The Wall Street Journal, và đăng kèm hình ảnh trên tài khoản Twitter chính thức với câu hỏi: “Tự hỏi điều gì đã xảy ra ở Bắc Kinh vào ngày 4/6/1989?” (ngày xảy ra Thảm sát Thiên An Môn).

Bà Pascale Fung (Phùng Nhạn), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nói với The Wall Street Journal rằng ở một đất nước mà người dùng Internet có thể dễ dàng dẫm vào các bãi mìn chính trị, chatbot có thể sẽ "vô cùng nhàm chán".

Các giám đốc điều hành và lập trình viên công nghệ Trung Quốc cho biết, đối với các công ty công nghệ tồn tại trong một môi trường mà ngôn luận trực tuyến ngày càng bị thắt chặt, thì việc bị kiểm duyệt nội dung đã trở nên rất quen thuộc.

Một trong những sản phẩm chatbot AI đầu tiên ở Trung Quốc giống với ChatGPT là ChatYuan, nó được phát triển bởi công ty Yuanyu Intelligence có trụ sở tại Hàng Châu. Sản phẩm này đã bị đình chỉ chỉ vài ngày sau khi ra mắt vào tháng Hai năm nay. Trong khoảng thời gian ngắn trước khi bị cấm, có phóng viên đã nhập một câu có tên ông Tập Cận Bình vào hộp trò chuyện và ChatYuan đã cảnh báo rằng: Văn bản chứa những từ vi phạm quy định.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình có phải là lãnh đạo tốt? Chatbot AI Trung Quốc không dám trả lời