Ông Tập Cận Bình khen ngợi Macau, trách ngầm Hồng Kông, đổ lỗi cho thế lực nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tham gia lễ chuyển giao quyền lực giữa Trưởng đặc khu hành chính Macau, ông Hạ Nhất Thành, và người tiền nhiệm, Thôi Thế An vào ngày 20/12 tại Macau. Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức của chính phủ mới Macau, ông Tập Cận Bình đã khẳng định chính phủ đặc khu Macau, đồng thời tuyên bố rằng sau khi Hồng Kông và Macau trở về với đại lục, việc xử lý các vấn đề của hai khu vực hành chính đặc biệt này "hoàn toàn là việc nội chính của Trung Quốc, không cần bất kỳ thế lực bên ngoài nào chỉ tay năm ngón".

Tuy nhiên ông Tập đã không đề cập đến cuộc khủng hoảng quản lý xã hội trong phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông trong sáu tháng qua.

Thông tấn xã Trung ương trích lời của học giả Phạm Thế Bình, tuyên bố của ông Tập chỉ có tác dụng nội bộ. "Nếu thực sự cho rằng các thế lực nước ngoài can thiệp vào Hồng Kông và Macau, thì tại sao không đóng cửa các đại sứ quán nước ngoài ở Hồng Kông và Macau?".

Đài Sound of Hope dẫn lời nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên, về việc ông Tập nói "không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông và Macau" chỉ là cách dùng từ kiểu cách cũ rích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), không có gì mới cả.

Tối ngày 19/12, khi ông Tập Cận Bình tham dự bữa tiệc chào mừng do ông Thôi Thế An tổ chức, ông đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải thiện dân chủ của Macau sau khi trao trả trở về với đại lục.

Truyền thông Deutsche Welle của Đức cho rằng, trong khi vấn đề Hồng Kông và Tân Cương cũng như nhiều vấn đề nhân quyền của nhiều người dân Trung Quốc hiện đang khiến các lãnh đạo ĐCSTQ đau đầu, ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu của mình hiếm khi đề xuất đến khái niệm "dân chủ, pháp quyền, nhân quyền, tự do" và chỉ gọi nó chung chung là "giá trị cốt lõi".

Về vấn đề này, Đài Sound of Hope đã so sánh với bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Thượng Hải đầu tháng trước, trong đó ông đã cho rằng dân chủ của ĐCSTQ là khái niệm “dân chủ toàn bộ quá trình". Kênh truyền thông nhận định rằng ĐCSTQ rất giỏi dùng logic ngụy biện và kỹ thuật dùng từ xảo trá - hoán đổi nội hàm của giá trị phổ quát với định nghĩa. Ví dụ, ý nghĩa cơ bản của nhân quyền được toàn thế giới thừa nhận là quyền sống, quyền tự do, tự do khỏi chế độ nô lệ, tra tấn và quyền tự do ngôn luận và tài sản... Nhưng ĐCSTQ đã công khai xuyên tạc định nghĩa này, nói rằng đó là quyền sinh tồn và phát triển. Theo cách này, nhân quyền đã trở thành một thuộc tính động vật đơn giản. Chỉ cần cho bạn sống nghĩa là nhân quyền của bạn được bảo đảm.

Thông tấn xã trung ương cho biết trong lễ kỷ niệm 20 năm chuyển giao chủ quyền ở Macau, ông Tập Cận Bình hết sức khen ngợi việc thực hiện "một quốc gia, hai chế độ" ở Macau, điều này được coi như ẩn ý phê phán Hồng Kông.

Báo viết trích dẫn ý kiến của học giả Phạm Thế Bình, lời phát biểu của ông Tập Cận Bình chủ yếu là để xoa dịu áp lực nội bộ và không thuyết phục đối với bên ngoài. "Bắc Kinh dồn hết sức để thúc đẩy một quốc gia, hai chế độ đối với Đài Loan, Hồng Kông và Macau. Cuối cùng, họ chỉ có thể giải quyết được Macau. Không phải điều này đã thể hiện rõ sai lầm nghiêm trọng của ‘một mặt trận thống nhất’ sao?"

Ông Đổng Lập Văn, một thành viên cố vấn chính sách của Đài Loan, lại cho rằng trong phát biểu của ông Tập Cận Bình khẳng định Macau "về chính trị phục tùng theo Trung Quốc đại lục, về kinh tế thì hòa hợp với Trung Quốc đại lục, về xã hội được xem là người Trung Quốc, và hệ thống pháp luật lại càng phải noi gương theo Trung Quốc", chính là muốn bảo với Hồng Kông rằng toàn thể “Trung Quốc hóa, toàn diện nghe theo lời của đảng” mới chính là “hình mẫu”.

Ông Tập Cận Bình cùng vợ - bà Bành Lệ Viên, đã kết thúc chuyến thăm Macau vào chiều ngày 20/12 và rời đi trên một chuyên cơ. Trong chuyến thăm Macau 3 ngày, ông Tập Cận Bình chưa đưa ra công bố Macau sẽ thành lập một sàn giao dịch chứng khoán cũng như các biện pháp khác như truyền thông đưa tin trước đó.

Trước chuyến thăm Macau của ông Tập Cận Bình, truyền thông nước ngoài cho biết ông sẽ sẽ công bố một loạt các chính sách mới về Macau, bao gồm việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán bằng nhân dân tệ, đẩy nhanh việc thành lập một trung tâm thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ở Macau, còn có kế hoạch cung cấp đất của Trung Quốc đại lục để Macau phát triển và sử dụng.

Về vấn đề này, một số nhà phân tích chỉ ra rằng nó có thể liên quan đến phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông.

Ngoài ra, khi ông Tập Cận Bình gặp Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Macau chiều ngày 19, ông đã tái khẳng định bà "thể hiện dũng khí và trọng trách trong thời kỳ phi thường ở Hồng Kông" năm nay. Cùng ngày, tờ HK01 dẫn lời một quan chức chính phủ tiết lộ, đằng nào sự kỳ vọng của người dân dành cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng đã rơi xuống đáy do phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ, ĐCSTQ thực sự nhân dịp này muốn sử dụng bà ấy luôn để thúc đẩy lập pháp Điều 23 của Luật cơ bản Hồng Kông đang dang dở từ năm 2002.

Người này nói: "Tình hình ở Hồng Kông đã rối loạn và xung đột bạo lực đã bén rễ sâu rồi. Vì việc thúc đẩy hay không thúc đẩy Điều 23, tình hình cũng vẫn loạn, tại sao không dứt điểm thúc đẩy lập pháp Điều 23 để chấm dứt mối rắc rối gây đau đầu cho Bắc Kinh và Hồng Kông hơn một thập kỷ qua?"

Ông Lã Bỉnh Quyền, giảng viên Khoa Báo chí tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói với truyền thông Hồng Kông trước đó rằng ĐCSTQ tạm thời không để bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức vì họ vẫn cần bà ấy để "dùng hết những ngày nhiệm kỳ còn lại làm những việc bẩn thỉu”.

Minh Thanh

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình khen ngợi Macau, trách ngầm Hồng Kông, đổ lỗi cho thế lực nước ngoài