Ông Tập Cận Bình nhờ 'quốc sư' Vương Hỗ Ninh soạn thảo 'thuyết' mới để thống nhất Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tin từ Taiwan News, ông Tập Cận Bình đang nhờ tới nhân vật được mệnh danh là 'quốc sư tam triều' Vương Hỗ Ninh để xây dựng chính sách mới cho Đài Loan. Thuyết "Một quốc gia hai chế độ" đã không thể đứng vững sau sự kiện đàn áp dân chủ ở Hong Kong, Bắc Kinh không thể áp dụng nó cho Đài Loan, họ cần một học thuyết mới, một khẩu hiệu mới.

Vương Hỗ Ninh, nhân vật được cho là "Quốc sư tam triều", người đã viết học thuyết Tam Đại biểu cho Giang Trạch Dân, Quan điểm phát triển khoa học cho Hồ Cẩm Đào và Giấc mộng Trung Hoa cho Tập Cận Bình. Ông Vương Hỗ Ninh hiện là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo Kiến thiết Văn minh, Tinh thần Trung ương.

Theo Taiwan News, trích một nguồn tin từ nội bộ đảng Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang phải nhờ tới vị 'Quốc sư tam triều' này để khai thác ý tưởng, xây dựng chính sách thống nhất mới cho Đài Loan.

Với sự giúp đỡ từ chuyên môn về lý thuyết chính trị của Vương, ông Tập dự kiến ​​sẽ công bố một chính sách mới đối với Đài Loan trong vài tháng tới. Chưa biết liệu lý thuyết này có mở đường cho một cuộc tấn công vũ lực vào eo biển hay không.

Theo một phân tích được Nikkei đăng tải, hành động đàn áp dân chủ và áp đặt 'an ninh mạng' của ĐCSTQ tại Hồng Kông cũng như phản ứng của người dân Đài Loan đã khiến ý tưởng “một quốc gia, hai chế độ” trở thành một "thuyết" không thể đứng vững.

ĐCSTQ cần một học thuyết mới để thống nhất với eo biển giầu có và thịnh vượng này.

Sau khi ông Tập củng cố quyền lực tại Đại hội Đảng toàn quốc tháng 10 năm ngoái, ngoại giới cho rằng ông Tập sẽ dồn nguồn lực và mục tiêu quốc gia vào việc sáp nhập Đài Loan.

Ngay những tháng đầu năm 2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đã sẵn sàng ưu tiên chính sách ứng phó với eo biển. Các học giả Trung Quốc như Chen Xiancai (陈先贤), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Hạ Môn, có quan điểm bi quan rằng ngoại giao sẽ không chiếm ưu thế trong quan hệ giữa đại lục và eo biển vào năm 2023.

Ông Chen nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường nỗ lực thống nhất Đài Loan, xung đột nghiêm trọng là khó tránh khỏi. Vấn đề Đài Loan cũng trở thành thảo luận nóng nhất trên bất cứ diễn đàn chính trị nào gần đây.

Mặc dù không rõ cách tiếp cận của quốc sư Vương Hỗ Ninh với eo biển Đài Loan như thế nào, nhưng rõ ràng, Trung Quốc đang đuối lý trong học thuyết thâu tóm Đài Loan. Và thông tin này cho thấy Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng gia tăng trong việc công bố chính sách mới về Đài Loan; mở đường cho thống nhất eo biển bằng bất cứ giá nào.

Gần đây nhất, hôm 25/1, Dân biểu Tom Tiffany đã dẫn đầu 18 thành viên Quốc hội Mỹ trong việc đề xuất dự luật nhằm nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Dự luật cũng kêu gọi chính quyền ông Biden ủng hộ tư cách thành viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế và đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương Hoa Kỳ - Đài Loan.

“Đã đến lúc thay đổi hiện trạng và công nhận thực tế mà chính phủ Hoa Kỳ đã phủ nhận trong nhiều thập kỷ: Đài Loan là một quốc gia độc lập”, ông Tiffany nói trong một tuyên bố được chia sẻ với The Epoch Times.

“Đài Loan là đối tác lâu năm và có giá trị của Mỹ. Do đó, việc thừa nhận chính xác nền độc lập của Đài Loan khỏi Trung Quốc là quá chậm trễ”, ông Tiffany nói.

Tại Đài Loan, chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sắp bắt đầu một cách nghiêm túc và Bắc Kinh có thể sẽ muốn xem xét rất cẩn thận những phát ngôn về mối quan tâm của mình đối với Đài Loan trước cuộc bầu cử.

Hơn nữa, với chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy tới Đài Bắc dự kiến ​​vào tháng 4/2023, Trung Quốc cần một lý luận thuyết phục hơn để đối phó với sự kiện chính trị này.

Quang Nhật tổng hợp

Theo Taiwan News



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình nhờ 'quốc sư' Vương Hỗ Ninh soạn thảo 'thuyết' mới để thống nhất Đài Loan