Ông Tập Cận Bình yêu cầu các ‘chiến lang’ tạo dựng hình ảnh dễ mến, đáng tin cậy hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 31/5, khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã yêu cầu các cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ "phấn đấu tạo dựng một hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy, dễ mến và đáng kính trọng", “kể về những câu chuyện tốt đẹp của Trung Quốc”, khiến ngoại giới thảo luận sôi nổi. Về vấn đề này, một số học giả cho rằng động thái trên cho thấy ông Tập đã cảm nhận được cuộc khủng hoảng khi “kẻ thù trải khắp thiên hạ”, và đã phát đi tín hiệu điều chỉnh chính sách “ngoại giao chiến lang” của mình.

Theo kênh truyền thông Đại Lục đưa tin, ngày 31/5, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại cuộc họp tập thể lần thứ 30 của Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Cuộc họp có chủ đề “Tăng cường nâng cao năng lực truyền thông quốc tế của Trung Quốc”. Ông Tập yêu cầu phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tăng cường và nâng cao công tác truyền thông quốc tế trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường xây dựng năng lực giao tiếp quốc tế, cũng như phát huy hiệu quả sức mạnh phát ngôn quốc tế, và nâng tầm ảnh hưởng của nước này lên một tầm cao mới.

Về vấn đề này, ngoại giới nhìn chung cho rằng dấu hiệu này cho thấy ĐCSTQ đang cố gắng làm dịu đường lối ngoại giao “chiến lang” của mình.

Ngày 6/6, tờ The Guardian đã đăng bài viết của nhà bình luận về các vấn đề đối ngoại Simon Tisdall. Ông Tisdall nói rằng, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào ngày 31/5 dường như ám chỉ muốn sửa lỗi với xã hội phương Tây, nhưng xã hội phương Tây sẽ không tin những lời này, trừ khi ĐCSTQ thực sự thay đổi các chính sách cấp tiến của họ.

Bài báo cho biết, "Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã thiết lập một thể chế chính trị sùng bái cá nhân, gần giống như tà giáo và chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông”.

Ông Tisdall nói rằng, giống như các chính trị gia cực tả và những người theo chủ nghĩa tân Mác-xít trên khắp thế giới, Tập Cận Bình cho rằng không phải chính sách của ông ta có vấn đề gì, mà là do những người khác không hiểu và truyền đạt những chính sách này một cách hiệu quả.

Ông Tập Cận Bình đề cập trong bài phát biểu rằng, các cơ quan tuyên truyền nên "không ngừng mở rộng vòng bạn bè dư luận quốc tế, những người biết đến và là bằng hữu của Trung Quốc", "giúp người dân nước ngoài nhận thức được rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân Trung Quốc". Ông Tisdall phân tích, lẽ nào Tập Cận Bình thực sự tin rằng mọi người sẽ tin theo những lời hoang đường này? Là một người cố gắng thay thế Hoa Kỳ trở thành bá chủ toàn cầu, phát biểu của Tập Cận Bình đã thể hiện sự ngây thơ đáng kinh ngạc của ông ta.

Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (NED) của Hoa Kỳ, nói rằng, ĐCSTQ luôn cố gắng kiểm soát quyền phát ngôn, mở rộng sức ảnh hưởng của truyền thông trên phạm vi toàn cầu và tác động đến dư luận thông qua việc tuyên truyền các thông tin sai lệch và chế độ kiểm duyệt.

"Bắc Kinh sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa nội dung của họ thâm nhập vào giới truyền thông nước ngoài. Ví dụ thông qua các thỏa thuận chia sẻ nội dung, cho phép hàng trăm triệu người tiêu dùng tin tức trên khắp thế giới thường xuyên xem, đọc hoặc nghe thông tin do ĐCSTQ tạo ra mà không biết nguồn gốc (thực sự) của nó”.

"Sự thất bại đáng xấu hổ của xã hội phương Tây trong việc bảo vệ Hong Kong khiến ông ta (Tập Cận Bình) càng to gan làm loạn, và mọi người ngày càng lo lắng rằng ông ta có thể sớm dùng vũ lực để thâu tóm Đài Loan”, bài báo viết.

Bài báo còn nói rằng, ngoài Hong Kong và Đài Loan, ĐCSTQ còn liên tục gây hấn với các quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Úc, v.v. Điều này hoàn toàn trái ngược với “quan hệ láng giềng hòa thuận” mà Bắc Kinh cố gắng tạo ra. Hiện tại, danh sách các nước phương Tây bất mãn với ĐCSTQ đang tăng lên từng ngày. Cộng đồng quốc tế đã đến điểm giới hạn và không thể dung thứ cho sự thô lỗ của ĐCSTQ.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, ông Cao Phạt Lâm, một học giả độc lập, nói rằng, đằng sau việc kể những câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc của Tập Cận Bình, ông đã thấy ít nhất 2 cuộc khủng hoảng mà ông Tập hiện đang cảm nhận được:

“Một là hoạt động tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn hiện nay ở Trung Quốc. Hoạt động này đã được thực hiện nhiều năm qua và được đầu tư rất nhiều nhân lực và tài chính, nhưng lại liên tục bị thất bại. Chúng hoặc là bị đập tan hoặc phản tác dụng”.

“Điều này tạo nên một sự tương phản về hình ảnh, khơi dậy sự phản cảm trong cách phát ngôn và dẫn đến các biện pháp đối phó trong hành động. Một thế hệ các nhà ngoại giao, từ người đứng đầu Bộ Ngoại giao đến các đại sứ ở nước ngoài, hầu hết đều là những chú chiến lang”.

“ ‘Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người 6 tháng ròng’. Hiệu quả của tất cả những bài viết hùng hồn, những chương trình xúc động đều tan biến, khiến thế giới cảm thấy ĐCSTQ ngôn hành bất nhất, không đáng tin cậy”.

“Lời lẽ tuyên truyền rằng ‘Bạn bè của chúng ta trải khắp thiên hạ’, nhưng thực tế lại là ‘Kẻ thù của chúng ta trải khắp thiên hạ’ ”.

Thứ hai là, “Với sự thịnh vượng của Internet toàn cầu, các kênh truyền thông xã hội và kênh truyền thông cá nhân, những lời tuyên truyền đối ngoại một chiều của ĐCSTQ trong quá khứ, đã trở nên vô lực, và không còn khả năng ứng phó. Những lời phát ngôn chính thống truyền thống của ĐCSTQ ngay lập tức bị phá bỏ”, ông Cao nói.

Ông Cao Phạt Lâm cho rằng, nếu thể chế hiện tại của ĐCSTQ vẫn không thay đổi, thì việc ông Tập Cận Bình muốn “kể những câu chuyện hay về Trung Quốc” cũng sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình yêu cầu các ‘chiến lang’ tạo dựng hình ảnh dễ mến, đáng tin cậy hơn