Ông Tập 'kể khổ' với Liên Hợp Quốc: Không thể cứ kẻ nào mạnh thì phải nghe theo kẻ ấy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 21/9, ông Tập Cận Bình đã ‘kêu khổ’ với Liên Hợp Quốc, ngầm chỉ trích Hoa Kỳ bao vây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và nói rằng "không thể cứ phải nghe theo kẻ mạnh".

Do ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, vi phạm nhân quyền và sử dụng ngoại giao chiến lang, nên khiến cho quan hệ của họ với cộng đồng quốc tế ngày càng xấu đi nhanh chóng. Hoa Kỳ hiện đang làm việc với nhiều quốc gia trên thế giới để bao vây toàn diện ĐCSTQ.

Theo Tân Hoa xã , ngày 21/9, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ - ông Tập Cận Bình đã có "bài phát biểu quan trọng" tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc. Ông Tập nói rằng thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng có trong một thế kỷ qua, và dịch viêm phổi Vũ Hán đột nhiên xuất hiện là một thử thách cam go đối với thế giới.

Ông Tập nói rằng, mục đích ban đầu của việc thành lập Liên Hợp Quốc là nhằm thúc đẩy hợp tác, vì việc chỉ dựa vào tâm lý Chiến tranh Lạnh, phân tuyến ý thức hệ, chơi trò chơi kinh tế có tổng bằng 0 (Zero-sum game) thì sẽ không thể giải quyết được các vấn đề của quốc gia, chứ chưa nói đến việc đương đầu với những thách thức chung mà nhân loại phải đối mặt. Vậy nên ông cho rằng phải sử dụng đối thoại thay cho xung đột.

Ông Tập đã phàn nàn với Liên Hợp Quốc rằng: “Không nước nào có đủ quyền lực để nắm trong tay các vấn đề quốc tế, chi phối vận mệnh của các nước khác, và lũng đoạn lợi thế phát triển, chứ đừng nói đến việc ‘tự tung tự tác’ trên thế giới, bá quyền, bắt nạt và ngang ngược… Không thể cứ ai mạnh là phải nghe theo kẻ ấy".

Mặc dù ông Tập Cận Bình không đề cập đến tên của Hoa Kỳ và Tổng thống Trump trong bài phát biểu, nhưng ông đã lặp lại lời chỉ trích gần đây của ĐCSTQ về chính sách Trung Quốc của Tổng thống Trump. Một số quan chức ĐCSTQ mô tả chính sách hiện tại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc gần giống với Chiến tranh Lạnh mới.

Kể từ đầu năm nay, do ĐCSTQ che giấu dịch bệnh đã dẫn đến việc virus lây lan trên khắp thế giới. Ngoài ra, lợi dụng dịch bệnh, ĐCSTQ gây hấn khắp nơi: đưa máy bay quân sự và tàu chiến đến eo biển Đài Loan, “diễu võ giương oai” tại Biển Đông, châm ngòi cuộc xung đột biên giới lớn nhất với Ấn Độ trong vài thập kỷ qua. Điều này khiến quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng xấu đi.

Chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch còn thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, khiến giới phương Tây rất tức giận. Hoa Kỳ đang dẫn đầu phe tự do tiến hành bao vây và kiềm chế ĐCSTQ về mặt kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ và an toàn thông tin. Điều này đã siết chặt không gian của ĐCSTQ trên thế giới rất nhiều, và cũng đã xóa sạch niềm tin cuối cùng còn sót lại của quốc tế đối với chính quyền ông Tập Cận Bình.

Trong vài tháng qua, chính quyền Tổng thống Trump đã liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại ĐCSTQ. Từ ngày 21/7 đến ngày 7/8, trong vòng chưa đầy ba tuần, Nhà Trắng liên tiếp tấn công Bắc Kinh trong các vấn đề tài chính, công nghệ, an ninh quốc gia và nhân quyền.

Trong đó bao gồm: đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston; đề xuất sáng kiến ​​"mạng lưới sạch"; khởi động quy trình hủy niêm yết đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ; lên kế hoạch cấm WeChat và TikTok; xử phạt 11 quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hong Kong; và cử các quan chức nội các đến thăm Đài Loan.

Biện pháp trừng phạt mới nhất được Hoa Kỳ công bố vào ngày 20/9 là họ sẽ cấm tải xuống WeChat và TikTok với lý do an ninh quốc gia. Việc nhập cảnh của các đảng viên ĐCSTQ vào Hoa Kỳ cũng đã bị hạn chế, và còn hủy lượng lớn thị thực của sinh viên Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã từng tuyên bố rằng, ĐCSTQ ngày càng trở nên độc tài ở trong nước, và cho thấy thái độ thù địch, hung hăng đối với tự do ở nước ngoài. Mỹ không thể cho phép việc này tiếp tục xảy ra, hiện Mỹ đang bắt đầu nghiêm túc phản kích và cân nhắc một loạt hành động đối phó.

Minh Thanh

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập 'kể khổ' với Liên Hợp Quốc: Không thể cứ kẻ nào mạnh thì phải nghe theo kẻ ấy