Ông Tập thúc giục G20 công nhận vaccine của TQ, phàn nàn về cuộc điều tra nguồn gốc virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới chấp nhận vaccine do Trung Quốc sản xuất, đồng thời phàn nàn về những nỗ lực của phương Tây trong việc truy tìm nguồn gốc của virus COVID-19.

Đây là những nội dung chính trong một bài phát biểu trực tuyến của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Rome. Phát biểu vào ngày 30/10 qua liên kết video, ông Tập đã khoe khoang về khả năng tiếp cận vaccine của Trung Quốc, giúp cho 1,6 tỷ liều vaccine của nước này được phân phối trên khắp thế giới. Ông đồng thời nói thêm rằng, Bắc Kinh đang làm việc với 16 quốc gia để cùng sản xuất mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ông kêu gọi các quốc gia “đối xử bình đẳng với các loại vaccine khác nhau và thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về vaccine”, dựa trên danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó có 2 loại vaccine được phát triển ở Trung Quốc.

Việc mở rộng các điều khoản về vaccine sẽ cho phép vaccine của các hãng dược Sinovac Biotech và Sinopharm thuộc sở hữu của chế độ Trung Quốc được sử dụng rộng rãi hơn. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho biết, 2 loại vaccine này dường như kém hiệu quả hơn so với các dòng vaccine của đối tác phương Tây.

Ông Tập đã chọn bỏ qua cuộc họp G-20 trực tiếp đầu tiên sau 2 năm. Ông đã không đặt chân ra nước ngoài trong 21 tháng kể từ giữa tháng 1/2020, quãng thời gian dài nhất so với bất kỳ nhà lãnh đạo G-20 nào. Bài phát biểu của ông được đưa ra một ngày trước khi Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 được tổ chức tại Glasgow, Scotland. Ông ấy cũng đã đưa ra chủ đề này với Thủ tướng Boris Johnson của Anh trong một cuộc điện thoại vào ngày 29/10.

Cuộc họp ở Rome đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp toàn cầu cũng như những người lưu vong chính trị từ Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương. Những người này kêu gọi các thành viên G20 buộc lãnh đạo nước Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của họ.

Nhà hoạt động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ Rahima Mahmut (trái) và nhà hoạt động, chính trị gia và chủ tịch đảng chính trị Demosisto Nathan Law, đứng bên một bản sao của “Pillar of Shame”, một bức tượng kỷ niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, trong một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Rome, để phản đối việc “Chính phủ Trung Quốc phá bỏ nền dân chủ và quyền tự chủ của Hong Kong” trước Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới G-20 tại Rome, vào ngày 27/10/2021. (Andreas Solaro / AFP qua Getty Images)
Nhà hoạt động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ Rahima Mahmut (trái) và nhà hoạt động, chính trị gia và chủ tịch đảng chính trị Demosisto Nathan Law, đứng bên một bản sao của “Pillar of Shame”, một bức tượng kỷ niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, trong một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Rome, để phản đối việc “Chính phủ Trung Quốc phá bỏ nền dân chủ và quyền tự chủ của Hong Kong” trước Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới G-20 tại Rome, vào ngày 27/10/2021. (Andreas Solaro / AFP qua Getty Images)

Một ngày trước hội nghị thượng đỉnh, cựu Lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh Quốc là ông Iain Duncan Smith nói rằng: “Một chủ đề mà họ dường như không thảo luận tại G-20 thực sự [là một vấn đề to lớn bị bỏ qua], đó là… hành vi sai trái khủng khiếp của một trong những quốc gia được cho là quan trọng nhất, đó là Trung Quốc”.

Khi mối quan tâm đến nguồn gốc của đại dịch tiếp tục tăng lên, Bắc Kinh đã từ chối kế hoạch của Tổ chức Y tế Thế giới về việc xem xét lại nguồn gốc của virus Corona Vũ Hán, bao gồm việc điều tra khả năng virus đã xuất hiện từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Hôm 30/10, ông Tập nói rằng: "Sự kỳ thị virus và chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc đi ngược lại tinh thần đoàn kết chống lại đại dịch". Ông đưa ra nhận định này chỉ một ngày sau khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho biết, họ vẫn có những ý kiến bất đồng về cái gì có khả năng là nguồn gốc của chủng virus gây ra đại dịch COVID-19. Báo cáo cho biết: “Tất cả các cơ quan đều đánh giá rằng hai giả thuyết đều hợp lý: tiếp xúc tự nhiên với động vật bị nhiễm bệnh và một sự cố liên quan đến phòng thí nghiệm”.

Ngay cả sau khi đã tiêm phòng cho 3/4 dân số của mình, Trung Quốc vẫn đang phải chật vật do biến thể Delta rất dễ lây lan và hiện đang mang đến một đợt bùng phát dịch bệnh mới tại nước này.

Một đứa trẻ trải qua cuộc xét nghiệm axit nucleic để xác định COVID-19 ở Hạ Môn, thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, vào ngày 18/9/2021. (STR / AFP qua Getty Images)
Một đứa trẻ trải qua cuộc xét nghiệm axit nucleic để xác định COVID-19 ở Hạ Môn, thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, vào ngày 18/9/2021. (STR / AFP qua Getty Images)

Trong 14 ngày qua, đã có ít nhất 14 tỉnh báo cáo nhiễm virus cục bộ. Hôm 30/10, phát ngôn viên Mi Feng của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, đợt bùng phát vẫn đang “phát triển nhanh chóng và tình hình kiểm soát dịch rất nghiêm trọng và phức tạp”. Trong tuần trước, Bắc Kinh cũng bắt đầu yêu cầu trẻ em dưới 3 tuổi đi tiêm chủng, khiến nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc lo ngại về độ an toàn của vaccine.

“Tôi rất sợ con mình sẽ bị biến thành [chuột thí nghiệm]”, một bà mẹ họ Zhao đến từ tỉnh Quảng Đông nói với The Epoch Times. Cô cho biết bản thân đã rất lo lắng về các vụ bê bối vaccine COVID-19 tại nội địa Trung Quốc. Những sự việc này đã trở thành một nguồn cơn gây náo động quốc gia trong những năm gần đây. Cô nêu rõ: “Những đứa trẻ đó đã có thể đi lại và chạy, nhưng lại bị tàn tật sau một liều thuốc bị nhiễm độc”. Cô còn nói thêm rằng, một số bậc cha mẹ Trung Quốc đã nói với cô: “Tốt hơn là nên tiêm nước khoáng vì ít nhất nó an toàn”.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập thúc giục G20 công nhận vaccine của TQ, phàn nàn về cuộc điều tra nguồn gốc virus