Ông trùm tài chính Mỹ: Gia tộc Đặng Tiểu Bình âm mưu lật đổ Tập Cận Bình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nội bộ ĐCSTQ hiện đang có những cơn sóng ngầm không dứt, với những tiếng hô hào đòi ‘lật đổ Tập’. Ngày 12/4, Ông trùm tài chính nổi tiếng của Mỹ Kyle Bass viết trên twitter cá nhân của mình rằng theo tin nội bộ, gia tộc Đặng Tiểu Bình đang muốn ‘đuổi cổ’ Tập Cận Bình.

Việc “giấu kín dịch bệnh” của chính quyền Trung Quốc đã dẫn tới tình trạng dịch bệnh lan rộng khắp toàn cầu. Các chính khách và chuyên gia các nước đang lên tiếng chỉ trích chính quyền này, trong khi một số tổ chức và cá nhân cho rằng cần truy cứu trách nhiệm của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chủ tịch Tập Cận Bình để đòi bồi thường thiệt hại.

Ngày 12/4, thành viên sáng lập của Hayman Capital (công ty thành viên của “Ủy ban đối phó nguy cơ trước mắt: Trung Quốc, ĐCSTQ” của Viện chính sách Washington) Kyle Bass đã viết trên twitter cá nhân: “Tổng Bí thư Tập Cận Bình đang gặp rắc rối ở Trung Quốc. Theo tin tức nội bộ tôi có được, các tinh anh trong ĐCSTQ đang muốn ‘đuổi cổ’ Tập Cận Bình, các tinh anh ở Quảng Đông (thuộc gia tộc Đặng Tiểu Bình) đang bắt đầu xách động việc cải cách chế độ, phản đối cái gọi là ‘hoàng đế trọn đời’ của ông Tập”.

Tuy nhiên, ông Bass không tiết lộ thêm thông tin cụ thể. Bài viết của ông Bass đề cập tới “chú Đặng”, ngoại giới cho rằng để chỉ đến người liên quan đến cái gọi là “cải cách mở cửa Trung Quốc” - cố lãnh đạo của ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình.

Cùng ngày, một bài viết trên twitter nước ngoài bằng tiếng Trung cũng nhận được nhiều sự quan tâm khi đề cập về tin tức liên quan đến việc phản đối ông Tập.

Tài khoản twitter “Tân cao địa” viết: “Theo nguồn tin đáng tin cậy, kể từ thứ 6 tuần trước (ngày 10/4), quân chủ lực phản đối Tập Cận Bình chính là ‘hồng nhị đại” (hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ). Những gia quyến của các quan chức cấp cao tiền nhiệm thuộc cấp ủy viên trở lên trong ĐCSTQ đều bị đặt trong diện ‘bảo hộ đặc biệt’, riêng Tập Cận Bình vẫn ở trong tình trạng bị động”.

Bài viết cho biết: “Hồ Cẩm Đào đại diện để đề xuất một phương án điều hòa, vì Tập không thể không ‘rớt đài’ và lùi xuống tuyến hai, để hai vị Lý, Vương điều hành công tác. Nghe nói phần lớn các nguyên lão trong ĐCSTQ đều công nhận rằng, cho tới nay hai bên đều đang cân đối, Tập đã không còn đường lui, phía quân đội cũng xuất hiện động tĩnh khác thường”.

Có nhận định cho rằng hai người họ Lý, Vương được đề cập đến trong bài viết là Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn. Bài viết trên còn cho rằng ông Tập Cận Bình phải lui về tuyến hai. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, phương án trước mắt này có lợi nhất đối với ông Tập, vì nếu ông Tập tiếp tục cứng rắn thì có khả năng kết cục sẽ càng thảm hại hơn, trong khi quân đội ĐCSTQ đã xuất hiện những động tĩnh khác thường.

Ngoài ra, vào ngày 12/4, tài khoản “lão Đặng” đăng trên twitter: “Dân chúng đổ lỗi cho Tập Cận Bình bởi tình trạng trước mắt, hơn nữa hiện nay điều kiện cơ bản để thay đổi Tập đã được chuẩn bị. Bởi vì ông ta có đủ loại các chính sách thất bại, ví dụ như đối ngoại thì gây thù chuốc oán khắp nơi, đối nội thì các việc tồn đọng còn chưa được giải quyết đã xuất hiện thêm vấn đề mới, ở góc độ quản lý thì tạo ra mê tín cá nhân, trong công tác thì lộ rõ khuyết điểm cá nhân, v.v. Vì thế, nói muốn ‘đổi người’, lật đổ Tập Cận Bình lại có thể tránh được việc gia tăng nguy cơ thêm một mức nữa”.

Bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán kéo dài gần 4 tháng và đã lây lan ra toàn cầu, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ Tập Cận Bình đang phải chịu áp lực chính trị chính diện to lớn chưa từng có. Bên ngoài, giới chức các nước công kích ĐCSTQ che giấu và bóp méo sự thật về tình hình dịch bệnh, không ngừng lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc chịu trách nhiệm bồi thường, nhiều quốc gia đã bắt đầu có những hành động thực tế. Còn có cá nhân, tổ chức thỉnh nguyện trước Nhà Trắng yêu cầu Tòa án Quốc tế tiến hành xét xử các lãnh đạo của ĐCSTQ và tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tội danh “tàn sát hàng loạt”.

Bên trong ĐCSTQ, đầu tháng 4/2020, ông Nhậm Chí Cường - một đại gia bất động sản, và là “hồng nhị đại” của Trung Quốc, đã viết một bài công kích việc Bắc Kinh che giấu sự thật về dịch bệnh với giọng văn súc tích và sắc bén. Nhắm thẳng vào bài diễn thuyết (tại Đại hội phòng dịch trên truyền hình với sự tham gia của 170.000 người) liên quan đến dịch bệnh của ông Tập Cận Bình ngày 23/2, ông Nhậm không dùng thẳng tên Tập Cận Bình, mà lại nói bóng gió khi dùng cách gọi “một tên hề mặc áo tàng hình mà luôn muốn làm hoàng đế”. Nhiều bạn bè của ông Nhậm Chí Cường chứng thực việc ông bị bắt đi vào ngày 12/3. Ngày 7/4, ông bị cơ quan chính quyền tuyên bố tiếp nhận điều tra. Tuy nhiên, các lãnh đạo Bắc Kinh hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ông Nhậm.

Tiếp đó, ông Trần Bình - một “hồng nhị đại” khác tại Hong Kong, cũng là chủ tịch Tập đoàn Truyền hình vệ tinh Dương Quang, đã gửi một bức thư kiến nghị “bức vua thoái vị” có nội dung yêu cầu Bộ chính trị mở rộng hội nghị thảo luận về vấn đề Tập Cận Bình từ chức. Ông mạnh mẽ kêu gọi tổ chức khẩn cấp Đại hội mở rộng của Bộ chính trị, thảo luận về việc liệu ông Tập Cận Bình có phù hợp để tiếp tục đảm đương chức vụ Chủ tịch nước, Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương hay không.

Hiện nguồn gốc của bức thư trên vẫn chưa được xác minh chính xác.

Trên thực tế, vài năm trước Tập Cận Bình thực hiện “phản hủ” (chống tham nhũng) nhưng cũng không gây ảnh hưởng nhiều tới thế hệ sau của các lãnh đạo ĐCSTQ, tuy nhiên lại động chạm đến gia tộc Đặng Tiểu Bình. Tháng 5/2018, Ngô Tiểu Huy - cựu chủ tịch Tập đoàn An Bang, và là cháu rể ngoại của Đặng Tiểu Bình, đã bị phán án 18 năm tù, bị tịch thu 10,5 tỷ nhân dân tệ (NDT) và bị cưỡng chế nộp phạt 75,24 tỷ NDT. Mặc dù khi Ngô Tiểu Huy bị điều tra, ông ta và vợ là Đặng Trác Nhuế đã ly hôn, đây vẫn được coi là trận chiến giữa Tập Cận Bình và Đặng Tiểu Bình.

Sau Đại hội ĐCSTQ khóa 19, trong gần 2 năm diễn ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều nguồn tin cho thấy có dấu vết của sự gia tăng sứt mẻ trong mối quan hệ giữa Tập Cận Bình và thế hệ sau của Đặng Tiểu Bình.

Tháng 10/2018, sau khi hoàn thành chuyến khảo sát tại Quảng Đông, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu hiếm hoi tại đây mà không nhắc đến “nguyên lão” Đặng Tiểu Bình. Điều này được nhận định là biểu hiện của sự bất đồng ý kiến trong nội bộ ĐCSTQ. Thêm vào đó, trên mạng còn đang lưu truyền một video về nội dung phát biểu của con trai cả Đặng Tiểu Bình là Đặng Bá Phương, chỉ đích danh và nhắc nhở người cầm quyền cần “thực sự cầu thị”, “duy trì đầu óc tỉnh táo, biết lượng sức mình”, đồng thời ủng hộ “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, nhưng không nói tới “tư tưởng Tập Cận Bình”.

Báo Financial News thời điểm đó đưa tin: “Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa, hình thái ý thức và sự bất đồng cá nhân giữa hai gia tộc có thế lực lớn nhất Trung Quốc đều được thể hiện ra”.

Giới nhân sĩ theo dõi sự việc này cho biết rằng nội bộ ĐCSTQ có nhiều nhóm thế lực đều đang lấy danh nghĩa của Đặng Tiểu Bình để cùng “đánh Tập”.

Khi nói về bức thư “bức vua thoái vị” được công khai, Trần Bình cho rằng: “Trung Quốc không thể lùi bước, nhất định phải bước lên một thể chế chính trị hoàn toàn mới, hoàn toàn trao trả quyền lực cho dân chúng, nếu không sẽ không thể tồn tại tiếp được. Ông cho rằng nội dung bức thư đại biểu cho một dạng ý kiến của dân chúng trong xã hội hiện nay, mong muốn Trung Quốc Đại Lục có diễn biến hòa bình, được ‘phát triển ổn định’. Ông kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình cần hiểu rõ điều này để có thể trở thành một lãnh tụ anh minh, nếu không, ông có thể sẽ bị chửi mắng muôn đời”.

Tuy nhiên, ông Lý Nguyên Hoa - nguyên Phó Giáo sư Đại học Sư phạm thủ đô Bắc Kinh, và là nhà Sử học Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn đã nhắc nhở rằng: “Bất cứ người nào cũng không nên có bất kỳ hy vọng gì về ĐCSTQ, con đường duy nhất là giải thể nó. Sau khi giải thể sẽ giống như các xã hội khác, là một xã hội bình thường; các quốc gia khác đều có một thể chế chính trị tương đối hoàn thiện, có dân chủ, pháp chế, coi trọng giá trị phổ quát, v.v. Nhưng chỉ cần ĐCSTQ tồn tại, những thứ này về cơ bản đều không thể có. Nếu vẫn là ĐCSTQ, đổi một người khác lãnh đạo, thì cũng như ‘bình mới rượu cũ’ mà thôi”.

Nhà sử học nổi tiếng - Giáo sư Tân Hạo Niên đăng trên twitter cá nhân: “Tôi tán thành việc Tập Cận Bình từ chức, nhưng ĐCSTQ cũng phải xuống đài, đây không phải sự việc của một mình cá nhân Tập!”

Hoàng Hoa

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Ông trùm tài chính Mỹ: Gia tộc Đặng Tiểu Bình âm mưu lật đổ Tập Cận Bình