Phải chăng virus Corona là một sự kiện Black Swan của năm 2020?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng triệu người phải ở nhà đồng nghĩa với việc "người dân không phải làm việc"; các quốc gia sơ tán người dân của họ có thể sẽ không mỉm cười và bắt tay làm đối tác thương mại trong ngày mai...

Liệu có quá sớm để bắt đầu nghĩ đến một đại dịch toàn cầu sẽ ảnh hưởng ra sao đối với nền kinh tế thế giới? Với chỉ số Dow Jones giảm 454 điểm - tương ứng với mức giảm 1,6% vào ngày 27/01, thật hợp lý khi nghĩ rằng sẽ có thêm nhiều sự hỗn loạn nữa bởi Coronavirus.

Mặc dù chúng ta chưa biết được quy mô hoặc thời gian lưu hành của dịch bệnh nguy hiểm, nhưng nếu nhìn vào tấm gương là dịch SARS của 2003, thì kinh tế căng thẳng là một điều khó tránh khỏi; và câu hỏi đặt ra là: mức độ trầm trọng của nó sẽ đi tới đâu?

Coronavirus xát muối vào nền kinh tế đầy thương tích của Trung Quốc

Trung Quốc đã thi hành lệnh cách ly lớn nhất trong lịch sử với 17 thành phố bị phong tỏa, một sự kiện lớn như vậy không thể giúp ích mà còn ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế. Động thái buộc hàng triệu người phải ở nhà nhằm ngăn chặn virus lây lan rộng hơn đồng nghĩa với việc “người dân không phải làm việc”, và họ cũng không ra ngoài để mua sắm. Điều này tựa như xát muối lên những vết thương chằng chịt của “nền kinh tế lớn thứ II thế giới”.

Hơn nữa, mặc dù hàng triệu người đã có kỳ nghỉ Tết, chính quyền Trung Quốc đang kéo dài thời gian nghỉ lễ đến ngày 09/02. Các trường học sẽ đóng cửa lâu hơn, cùng với đó là những sự kiện thể thao và tôn giáo bị hủy bỏ. Người dân tại những thành phố bị phong tỏa sẽ không thể di chuyển.

Động thái trì hoãn lịch học và làm việc sau Tết này là một sự cảnh giác hợp lý, khi mà 2019-nCoV có khả năng lây lan kể cả trong 02 tuần ủ bệnh, khác với SARS-CoV trước đó vào năm 2003. Ít nhất, Trung Quốc sẽ chứng kiến sự thu hẹp trong chi tiêu của người tiêu dùng do những động thái nói trên.

Theo số liệu của Bộ phận Kinh doanh thông minh, thiệt hại kinh tế năm 2020 trong GDP của nền kinh tế lớn thứ II thế giới có thể sẽ lên tới 1%; nhưng ước tính đó là dựa trên tác động của dịch SARS bùng phát đối với một nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn nhiều.

Coronavirus sẽ nguy hiểm hơn SARS?

Hiện nay, nền kinh tế của Đại Lục đã lớn hơn, và có khả năng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề hơn.

Lý do thứ nhất: độc lực của virus này đang ngày càng mạnh khi biến đổi để thích ứng “tốt hơn” với con người. Không ai biết khả năng lây nhiễm và mức độ nguy hiểm của 2019-nCoV sẽ gia tăng đến đâu đối với nhân loại hiện nay.

Lý do thứ hai: virus dễ dàng lây lan ngay cả trong thời gian ủ bệnh kéo dài lên đến 02 tuần. Theo nhà nghiên cứu virus nổi tiếng nhất Trung Quốc Yi Guan, chính quyền đã bỏ lỡ khoảng “thời gian vàng” để ngăn chặn Coronavirus. Việc ngăn chặn virus (và khắc phục hậu quả) sẽ tốn nhiều chi phí hơn và mất nhiều thời gian hơn.

Lý do thứ ba: các bệnh viện đã quá tải, họ đang phải thi công suốt ngày đêm để giải quyết nhu cầu ước tính với 100.000 giường bệnh của tỉnh Hồ Bắc - nơi khởi phát của vụ dịch.

Không có bất cứ yếu tố nào ở trên cho thấy tín hiệu tốt của một giải pháp nhanh chóng. Một số người đã cho rằng sự lây lan của virus Corona sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.

Những câu hỏi lớn cần được trả lời

Điều đó có thể đúng, mặc dù có vẻ như còn khá sớm để khẳng định. Một trong những lý do khiến chúng ta chưa thể chắc chắn là vì Trung Quốc chưa sẵn sàng cung cấp những thông tin quan trọng. Ví dụ, họ vẫn chưa tiết lộ: Bao nhiêu trên thực tế đã nhiễm bệnh? Và bao nhiêu người trên thực tế đã chết bởi virus?

Còn có những câu hỏi lớn khác cần được trả lời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn chưa cung cấp cho thế giới thông tin đáng tin cậy về nguồn khởi phát của virus. Đó có phải là từ các loài động vật hoang dã trong một khu chợ tại Vũ Hán? Hay đó là từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học cấp 4 cách đó 20 dặm?

Các nền kinh tế khu vực chịu ảnh hưởng bởi tin tức tiêu cực

Những nền kinh tế khu vực vốn phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ phải hứng chịu những nỗi đau và tổn thất từ bệnh dịch, một số thì đã phải hứng chịu những cảm nhận ấy.

Thật không may cho thỏa thuận kinh tế giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, những tin tức đầy tích cực của thành công “giai đoạn I” đã nhanh chóng bị lu mờ và lãng quên bởi cuộc khủng hoảng y tế đang leo thang. Nếu tình trạng này tiếp tục, thỏa thuận thương mại giai đoạn I có thể sẽ kết thúc thậm chí trước khi được bắt đầu.

Các chuỗi cung ứng sản phẩm được dời sang các nước láng giềng cũng đem lại tác động tích cực cho nền kinh tế của Đại Lục. Nhưng giờ đây, các quốc gia châu Á cũng đang náo động bởi Coronavirus tại Vũ Hán: Đài Loan, Thái Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã xác nhận các trường hợp bệnh. Mức độ cảnh báo thảm họa thì gia tăng, còn du lịch và giao thương trong khu vực thì thu hẹp.

Phải chăng là một sự kiện Thiên nga đen (Black Swan)?

Ngay từ đầu, tôi đã đề cập đến sự sụt giảm 1,6% trong chỉ số Dow Jones như một điềm báo cho những điều sắp xảy ra. Dịch bệnh mới có thể chính là “giọt nước tràn ly” nhấn chìm con đường quay trở lại của một nền kinh tế toàn cầu.

Chúng ta chưa đi đến điểm này, nhưng cứ tiếp diễn thì giống như làm tổ kiến trên đê. Chúng ta đã thấy thị trường vốn toàn cầu đang hoảng sợ và hạn chế thông thương trước sự che giấu thông tin “cẩn thận” đến từ Trung Quốc. Sự tăng trưởng kinh tế sẽ không chắc chắn trong một môi trường như vậy.

Bên cạnh đó, khi virus tiếp tục gia tăng sức mạnh và khi nhiều quốc gia tiếp tục phát hiện những ca bệnh mới, họ phải vội vã giải cứu công dân của họ khỏi vùng phơi nhiễm, và những đối tác thương mại ngày hôm nay có thể sẽ không mỉm cười và bắt tay vào ngày mai.

Đây không phải là một môi trường tích cực để thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Trong bối cảnh hiện nay, nỗi sợ hãi - dù là thật hay tưởng tượng - sẽ gạt bỏ lòng tham, và nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại là điều có thể dự báo trước. Không ai thấy trước được điều này, và cũng không ai thấy trước được nó sẽ kết thúc như thế nào trong hoàn cảnh hiện tại.

Nếu năm nay không phải là một “Black Swan” của toàn thế giới, thì cũng có thể sẽ trở thành một “Thiên nga đen” của Trung Quốc trong năm Canh Tý 2020.

James Gorrie là một nhà văn và diễn giả tại Nam California. Ông là tác giả của cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”.

Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Thời báo Epoch Times.

Đại Hải (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Phải chăng virus Corona là một sự kiện Black Swan của năm 2020?