Phân tích: Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh thất bại trước vụ việc Bành Soái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì “Sự kiện Bành Soái" có thể đe dọa Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi giọng điệu và yêu cầu "một số người nào đó ngừng cường điệu ác ý về việc này”. Trước áp lực từ bên ngoài, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng liên tục tung ra hình ảnh và video về nữ ngôi sao quần vợt, nhưng lại khiến ngoại giới càng hoài nghi hơn. Theo The New York Times, thất bại lần này không thể chỉ quy cho bộ phận tuyên truyền, mà nó bắt nguồn từ chế độ chuyên chế của Trung Quốc.

Khi vụ việc Bành Soái (Peng Shuai) bắt đầu nổ ra, một phóng viên của Bloomberg đã hỏi Người phát ngôn Uông Văn Bân tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 3/11. Khi đó ông Uông tỏ ra bối rối và trả lời: “Tôi chưa từng nghe nói [về việc này], và đây cũng không phải là vấn đề ngoại giao". Tuy nhiên, trong biên bản hỏi đáp cuộc họp báo thường kỳ của ngày 3/11 do Bộ Ngoại giao công bố, không thấy xuất hiện câu hỏi nêu trên của phóng viên Bloomberg.

Khi được hỏi về nơi ở của Bành Soái vào ngày 18/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng trả lời rằng “chưa từng nghe nói” về việc đó.

Đến buổi họp báo hôm thứ Ba (ngày 23/11), ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng vụ việc Bành Soái không nên bị “chính trị hóa” và cũng yêu cầu “một số người nào đó ngừng cường điệu ác ý về việc này”. Hôm qua, ông này cũng trả lời rằng gần đây cô Bành Soái đã tham dự một số sự kiện công khai. Tuy nhiên, theo biên bản hỏi đáp được công bố trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đoạn đối đáp này lại một lần nữa “biến mất”.

Với việc nữ tướng quần vợt Bành Soái nhận được sự ủng hộ của cộng đồng thể thao thế giới, kế đến là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước khác cũng lên tiếng lên án Trung Quốc, giới chức nước này đã bắt đầu không ngừng tung ra các video về Bành Soái để cho thế giới thấy rằng cô ấy "rất khỏe, rất an toàn” và được tự do tham dự sự kiện công khai. Nhưng động thái này vẫn không thể loại bỏ những lo ngại của ngoại giới về tình hình của ngôi sao quần vợt.

Đội ngũ tuyên truyền của Bắc Kinh thất bại trước vụ việc Bành Soái

Tờ The New York Times phân tích rằng, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã quen với việc áp đặt thông tin cho khán giả trong và ngoài nước, nhưng lại không học được cách làm sao để kể một câu chuyện được trau chuốt câu từ. Đó là lý do tại sao sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra các video và hình ảnh về Bành Soái, cộng đồng quốc tế vẫn không chấp nhận.

Bài báo nói rằng, chế độ Trung Quốc đã rất thuần thục kỹ năng kiểm soát suy nghĩ và nội dung cuộc nói chuyện của 1,4 tỷ người tại đại lục, hơn nữa cũng "rất hiệu quả". Nhưng nếu họ muốn kiểm soát và gây ảnh hưởng đến các nước khác thì lại là một vấn đề khác, ví dụ hiện tại về Bành Soái là minh họa tốt nhất.

Ví dụ, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đã cung cấp một đoạn video về Bành Soái đang ăn tối. Trong đó huấn luyện viên nam ngồi cùng cô Bành và hai phụ nữ khác nói "Ngày mai là ngày 20 tháng 11", nhưng một trong những người phụ nữ ngay lập tức ngắt lời ông ta và nói: "Là ngày 21 tháng 11". Ngoại giới nghi rằng cuộc trò chuyện này dường như được cố tình sắp đặt. Chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang đã tweet rằng, "Đó rõ ràng là biên tạo (ý chỉ cuộc đối thoại). Không ai nói chuyện như thế trong cuộc sống đời thực".

Bành Soái đã có một cuộc gọi video với quan chức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào Chủ nhật tuần trước (21/11), và nói rằng cô rất an toàn. Đây là lần đầu tiên cô nói chuyện công khai với ngoại giới trong vài tuần qua, nhưng cuộc trò chuyện do IOC ra mặt không những không tăng sức thuyết phục mà ngược lại còn vấp phải nhiều nghi vấn hơn. Ngoại giới cáo buộc IOC đã giúp nhà cầm quyền Trung Quốc tẩy trắng và trở thành một công cụ để tuyên truyền ra bên ngoài cho chế độ này.

The New York Times phân tích rằng, phản ứng của Bắc Kinh không những không thể thuyết phục thế giới, mà còn cho thấy rằng chính quyền này không thể giao tiếp với những người không chịu sự kiểm duyệt và ép buộc của nó. Bởi vì ở Trung Quốc là truyền tin một chiều từ trên xuống dưới, cho nên bộ máy của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất khó để hiểu được rằng, để một câu chuyện có sức thuyết phục thì phải có sự thật hỗ trợ và được xác minh bởi một nguồn độc lập đáng tin cậy.

Bài báo nói rằng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hầu như né tránh các câu hỏi về Bành Soái, đầu tiên tuyên bố rằng họ không biết vấn đề này, sau đó nói rằng chủ đề này không thuộc phạm vi thẩm quyền của họ. Hôm thứ Ba (23/11), người phát ngôn Triệu Lập Kiên đã áp dụng một "thủ đoạn quen dùng" (familiar tactic), đó là đặt câu hỏi về động cơ đằng sau bài tố cáo của Bành Soái. Ông Triệu hy vọng rằng “một số người nào đó ngừng cường điệu ác ý về việc này, cũng đừng chính trị hóa nó”.

Bà Mareike Ohlberg, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Marshall của Đức, đã viết trên Twitter: “Thông điệp [mà Trung Quốc gửi ra] này là để thể hiện quyền lực: Chúng tôi nói với bạn rằng cô ấy ổn, bạn có tư cách gì mà nói cái khác?”. “Đây không phải là để thuyết phục mọi người, mà là để đe dọa và thể hiện sức mạnh của chế độ".

Ông Pin Ho, một doanh nhân truyền thông ở New York, đã viết trên Twitter, “Nó (ĐCSTQ) có thể yêu cầu Bành Soái diễn bất kỳ vai nào, kể cả thể hiện ra vẻ ngoài tự do”. Ông nói rằng đối với các quan chức ĐCSTQ, những kẻ chỉ chú trọng “duy trì ổn định”, thì kiểu kiểm soát người như vây là làm theo thông lệ, "Nhưng đối với thế giới tự do, điều này còn đáng sợ hơn việc bị bức cung".

Cũng trong hôm 23/11, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, đã tweet rằng sự xuất hiện của Bành Soái trong vài ngày qua là “đủ để giảm bớt hoặc loại bỏ hầu hết những lo lắng của họ”, nhưng những người công kích chế độ và tẩy chay Thế vận hội Mùa đông sẽ không tin vào điều đó. Về tweet này, ông Gordon Chang nói rằng bài đăng của Hồ Tích Tiến cho thấy ĐCSTQ "lo lắng rằng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) sẽ hủy bỏ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, mà đúng là IOC nên làm như vậy".

Phân tích của The New York Times cho rằng, trong vụ việc Bành Soái lần này, đội tuyên truyền của ĐCSTQ đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của lãnh đạo cao nhất – tức là kiểm soát tiếng nói toàn cầu về những câu chuyện của Trung Quốc. Nhưng thất bại này không thể chỉ quy cho bộ phận tuyên truyền, mà nó bắt nguồn từ chế độ chuyên chế của ĐCSTQ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh thất bại trước vụ việc Bành Soái