Phân tích: Ông Tập không bố trí 'người kế vị' - hành vi gieo mầm cho đảo chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Tập Cận Bình là lãnh đạo đầu tiên đạt được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, đây là điều chưa từng có tiền lệ. Ông còn được cho là đang tiến tới “tại vị” suốt đời. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập sẽ lập “người kế vị”. Theo phân tích của tờ The Wall Street Journal, việc vị trí người kế nhiệm bị bỏ trống quá lâu có thể là hành vi gieo mầm cho đảo chính.

Vào tháng 6 năm nay, ông Tập Cận Bình sẽ bước sang tuổi 70 và cho đến nay bên cạnh ông vẫn chưa có người kế nhiệm tiềm năng. Tờ The Wall Street Journal đưa tin vào ngày 20/5 rằng một khi người kế nhiệm rõ ràng xuất hiện, các chính trị gia trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tự nhiên bắt đầu điều chỉnh lại lòng trung thành của họ, điều này có thể làm suy yếu quyền lực của ông Tập Cận Bình và làm dấy lên lo ngại rằng người kế nhiệm đang âm mưu chiếm đoạt quyền lực.

Nhà lãnh đạo trong chế độ độc tài này biết rằng, một khi mất đi quyền lực một cách không tự nguyện, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Sự an toàn của họ dường như sẽ không được đảm bảo trừ khi họ có khả năng duy trì ảnh hưởng quyền lực đối với người kế vị. Bài viết trên The Wall Street Journal cho rằng, mặc dù ông Tập Cận Bình không chọn người kế nhiệm nhưng điều đó có thể khiến tất cả các phe phái trong đảng phải cảnh giác. Tuy nhiên, việc để trống chiếc ghế kế nhiệm quá lâu có thể khiến ông Tập xa lánh các thân tín trong đảng và khiến kẻ thù tức giận, từ đó gieo mầm cho một cuộc đảo chính.

Về lý thuyết, ĐCSTQ cấm các nhà lãnh đạo nắm quyền suốt đời. Nhưng tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10/2022, những quy tắc đó đã bị phá vỡ và ông Tập Cận Bình đã loại trừ mọi bất đồng chính kiến, cuối cùng giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có. Khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027, ông Tập Cận Bình sẽ 74 tuổi.

Một số người trong ĐCSTQ nói rằng ông Tập Cận Bình có thể chọn tiếp tục “tại vị” cho đến ít nhất là năm 2035, khi ông 82 tuổi. Truyền thông nước ngoài từng nói rằng "Người kế nhiệm Tập Cận Bình chính là Tập Cận Bình".

Nếu ông Tập Cận Bình nắm quyền suốt đời, sức khỏe của ông chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm chú ý của thế giới bên ngoài.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một nhà nghiên cứu cho biết sau khi ông Tập Cận Bình bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018, các cơ quan tình báo nước ngoài đã bí mật tăng cường theo dõi sức khỏe của ông.

Nhà nghiên cứu này từng thảo luận về người kế nhiệm ông Tập Cận Bình với các quan chức tình báo của cả chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nói: “Điều mà họ (các cơ quan tình báo) lo lắng là Đảng Cộng sản [Trung Quốc] không có một kế hoạch kế vị được cân nhắc kỹ lưỡng, và nếu ông Tập Cận Bình xảy ra chuyện, họ không biết sẽ xảy ra điều gì”.

Bài báo cho biết nếu ông Tập Cận Bình đột ngột qua đời, lâm bệnh hoặc từ chức mà không chỉ định người kế vị, thì quá trình lựa chọn người kế vị chắc chắn sẽ đầy rẫy những cuộc tranh đấu chính trị.

Song, ông Tập Cận Bình lại không ưa "người kế vị", điều này có thể thấy qua các bài phát biểu của ông.

Trong cuốn "Những bài đọc chọn lọc về tác phẩm của Tập Cận Bình" được xuất bản vào tháng 4 năm nay, có một số trích dẫn của ông Tập Cận Bình trong 10 năm qua. Trong số đó, chủ đề “người kế vị” được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ông Tập Cận Bình nói rằng khi lựa chọn và đào tạo các quan chức trẻ, "nguyên tắc đầu tiên là giáo dục họ trung thành với đảng và kiên quyết ngăn chặn những kẻ hai mặt trong chính trị".

Ông Tập nói rằng, người kế nhiệm là một khái niệm mang tính chất tổng thể, không thể hiểu một cách máy móc, "không phải nói đến một con người cụ thể nào"; phải giáo dục, dẫn dắt quan chức trẻ để họ có thể tiếp quản tốt, "chứ không phải cân nhắc đảm nhiệm một vị trí riêng biệt nào đó"; quan chức trẻ “không được tự trù tính”, “tự suy tính quá nhiều sẽ dễ vi phạm nguyên tắc của tổ chức”.

Ông Tập Cận Bình cũng từng nói: “Các cán bộ trẻ và ưu tú không thể xếp thành nhóm đặc biệt, không thể ngồi đó chờ được đề bạt như ‘thái tử’”.

Nhà sử học Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) nói với NTDTV: "Thực tế là ông Tập luôn muốn giữ nhiệm kỳ suốt đời, vậy thì khi ông ấy muốn làm như vậy, ông ấy không thể thiết lập người kế vị".

Ông Đinh Thụ Phạm (Ding Shuh-fan), Giáo sư danh dự của Viện Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Chính trị Đài Loan (National Cheng-Chi University), từng phân tích trong một chương trình của NTDTV rằng, hiện nay ông Tập Cận Bình không hề chủ động tìm người kế vị, nhưng mặt khác cũng không ai dám làm người kế nhiệm ông. Bởi vì trong lịch sử của ĐCSTQ, những người kế vị được chỉ định ấy cuối cùng đều có kết cục không tốt đẹp.

Ví như, trong số các quan chức từng bị đồn là ứng cử viên cho ngôi vị "Thái tử": cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài đã ngã ngựa; nguyên Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa bị thuyên chuyển sang một vị trí nhàn hạ ở Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc; còn cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ, một thân tín của ông Tập, chỉ bị điều về Thiên Tân nhưng không được làm Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 20.

Giáo sư Đinh nói: "Người kế vị thực sự là một vị trí rất nguy hiểm, vì vậy tôi không nghĩ có ai dám trở thành người kế vị của ông ấy (Tập Cận Bình)”.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Ông Tập không bố trí 'người kế vị' - hành vi gieo mầm cho đảo chính