Phản ứng nhanh chóng của Đài Loan cho phép đảo quốc này ngăn chặn thành công sự lây lan của COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã gần ba tháng kể từ khi virus Corona Vũ Hán (nguyên nhân gây ra dịch bệnh COVID-19) lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Đến nay virus này đã lan rộng đến hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giết chết hàng ngàn người bên ngoài Trung Quốc.

The Epoch Times gọi Coronavirus mới là virus Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì sự che đậy và cách thức quản lý sai lầm của ĐCSTQ đã cho phép virus này lan rộng khắp Trung Quốc, và tạo ra một đại dịch toàn cầu.

Tuy khoảng cách từ Đài Loan đến Trung Quốc đại lục chỉ khoảng 128,75km, đảo quốc này đã chỉ đạo việc kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Nơi đây chỉ có 100 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và 1 ca tử vong duy nhất tính đến ngày 18/3.

Sự lan truyền trong cộng đồng đã không xảy ra đối với dân chúng Đài Loan. Do đó, cuộc sống của người dân trên đảo này phần lớn không bị gián đoạn, và không có những hạn chế đi lại như ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Các chuyên gia y tế đã khen ngợi việc ứng phó của Đài Loan.

Nhà lập pháp địa phương Chao Tien-lin, thành viên của Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP), cho biết những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh thành công của đảo quốc này đã chứng minh rằng, các nước trên thế giới không cần phải áp dụng các biện pháp hà khắc như ở các quốc gia độc tài.

Ông Chao nói: “Chúng tôi có thể chia sẻ với các quốc gia khác về cách ngăn chặn dịch bệnh trong một hệ thống dân chủ”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã làm cho việc ngăn chặn dịch bệnh trở nên khó khăn hơn đối với Đài Loan, khi từ chối chấp nhận Đài Loan là thành viên, hoặc mời các chuyên gia sức khỏe của đảo quốc này đến các cuộc họp về y tế gần đây liên quan đến đại dịch.

Khi ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, WHO đã khẳng định rằng Bắc Kinh có thể đại diện cho đảo quốc này trong các tổ chức quốc tế. Kể từ năm 2017, Trung Quốc đã cấm Đài Loan tham gia các cuộc họp liên quan đến WHO.

Các chuyên gia trên đảo quốc này chỉ trích WHO vì đã phục tùng Bắc Kinh và không phản ứng nhanh chóng trước mối đe dọa của virus. Những việc này đã dẫn đến đại dịch toàn cầu.

Phản ứng sớm của Đài Loan đối với dịch bệnh

Để giải thích cách tiếp cận của Đài Loan nhằm hạn chế sự lây lan của virus, ông Chao sử dụng một thành ngữ Trung Quốc: “Khi chiến đấu với kẻ thù, chúng ta phải lường trước điều tồi tệ nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.

Ông nói thêm: “Bất kể là về vấn đề kiểm soát biên giới, quy định về việc đi lại của người dân hay điều tiết các thiết bị và vật tư, tôi cho rằng Đài Loan đang đi trước so với các nước khác”.

Vào ngày 31/12/2019, cùng ngày mà chính quyền Vũ Hán công khai thừa nhận rằng có một ổ dịch bệnh bí ẩn giống như bệnh viêm phổi, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Đài Loan (CDC) tuyên bố rằng họ đã kích hoạt các biện pháp kiểm dịch biên giới. Những biện pháp này bao gồm kiểm tra các triệu chứng sốt và viêm phổi đối với các quan chức Đài Loan, và các hành khách trên các chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán.

Vào ngày 5/1, CDC Đài Loan kêu gọi tất cả những người đi du lịch đến Vũ Hán trong vòng 14 ngày qua (có biểu hiện sốt hoặc triệu chứng hô hấp) phải được xét nghiệm tại các bệnh viện.

Vào 15 ngày sau đó, CDC Đài Loan kích hoạt Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương (CECC), và chỉ định Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Đài Loan làm lãnh đạo của trung tâm này, để tổ chức việc phối hợp giữa các bộ khác nhau trong nỗ lực của chính phủ nhằm chống lại virus.

Vào ngày 25/1, Đài Loan đã đình chỉ tất cả các tour du lịch theo nhóm đến Trung Quốc; và vào ngày 6/2, đảo quốc đã cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách từ Trung Quốc đại lục.

Ông Chao cho biết, những hành động ban đầu này đã làm giảm khả năng virus lây lan trong cộng đồng địa phương.

Một nhân viên của Universal Incorporation (một trong những nhà sản xuất khẩu trang lớn của Đài Loan) đang vận hành máy móc tại một nhà máy ở Đài Nam, miền nam Đài Loan, vào ngày 6/3/2020. (Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Chính phủ Đài Loan cũng nhận ra tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang bảo vệ cho các chuyên gia y tế và người dân. Vào ngày 24/1, đảo quốc này đã cấm xuất khẩu khẩu trang phẫu thuật, đồng thời tăng việc sản xuất khẩu trang lên sản lượng 10 triệu cái mỗi ngày.

Chính quyền Đài Loan cũng đã sử dụng cơ sở phân tích dữ liệu lớn, nhằm tích hợp cơ sở dữ liệu bảo hiểm quốc gia với dữ liệu hải quan, để tìm hiểu lịch sử du lịch của người dân trong các lần khám bệnh.

Ông Wu Ming-tsang, giáo sư nổi tiếng tại khoa y tế công cộng của Đại học Y Cao Hùng Đài Loan, giải thích rằng một yếu tố quan trọng khác giúp Đài Loan thành công trong việc chống lại virus là cách chính phủ xây dựng niềm tin của người dân.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, để ca ngợi lãnh đạo Chen Shih-chung của CECC, ông Wu nói: “Chính phủ đã tìm ra được một người chỉ huy phù hợp, người sẵn sàng minh bạch thông tin, và tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày để xây dựng niềm tin cho mọi người dân”.

Sự chậm chạp của WHO

Trong khi đó, WHO có thể đã bỏ qua những cảnh báo sớm từ Đài Loan về virus này.

Phó chủ tịch Đài Loan Chen Chien-jen gần đây đã nói với một tạp chí địa phương rằng vào ngày 31/12/2019, chính quyền Đài Loan đã gửi cảnh báo đến một điểm liên lạc của WHO, nhằm báo động về nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của một bệnh lạ giống như bệnh viêm phổi ở Trung Quốc.

Bắc Kinh đã không công khai thừa nhận việc virus đã lây truyền từ người sang người cho đến ngày 20/1/2020.

Ông Chen nói rằng WHO nên có hành động ngay sau cảnh báo của Đài Loan, thay vì đợi đến ngày 30/1 mới tuyên bố dịch bệnh là tình trạng “khẩn cấp y tế công cộng”.

Khi được hỏi về cảnh báo của ông Chen, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic đã không thừa nhận, hoặc từ chối bình luận về thông tin này.

Ông Jasarevic cho biết trong một email trả lời The Epoch Times rằng vào ngày 31/12/2019, WHO đã được thông báo về “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” ở Vũ Hán, và kể từ đó, tổ chức này đã “coi sự kiện này là rất nghiêm trọng và đặt tất cả sự chú ý vào sự việc này”.

Nhà lập pháp Chao cáo buộc WHO đã “đưa ra những phán đoán và quyết định sai lầm” khi đánh giá sự bùng nổ của dịch bệnh theo khía cạnh chính trị, và lo sợ sẽ gây ra sự khó chịu đối với chính quyền Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan Chen Shih-chung trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tại Đài Bắc vào ngày 11/3/2020. (Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Ông Chao nói thêm, chính sự xét đoán kém của WHO đã dẫn đến việc virus lây lan từ Trung Quốc và các nước châu Á lân cận sang phần còn lại của thế giới.

Trong một báo cáo vào ngày 27/1/2020, WHO đã thừa nhận rằng họ đã đánh giá sai nguy cơ của virus. Trong một chú thích, tổ chức này giải thích rằng họ đã tuyên bố “không chính xác” về rủi ro toàn cầu trong các báo cáo trước đó từ ngày 23 đến 25/1/2020. Trong các báo cáo đó, tổ chức này cho rằng rủi ro chỉ ở “mức độ vừa phải”.

WHO nói thêm rằng rủi ro trên thực tế là ở mức “rất cao ở Trung Quốc, cao trong khu vực châu Á và trên toàn cầu”.

Giáo sư Wu cũng cho rằng WHO đã thất bại trong việc nhận ra virus là “kẻ thù của tất cả mọi người”.

Ông Wu nói: “Có vẻ như WHO đã đối phó với dịch bệnh này như thể đó là một sự kiện chính trị. Nhưng virus không phân biệt các mối quan hệ chính trị”.

Hiện tại, có hơn 26.000 chữ ký trong bản kiến nghị gửi đến Nhà Trắng, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đề cử lãnh đạo của CECC làm Tổng thư ký mới của WHO để thay thế ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Sự hợp tác trong tương lai

Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Đài Loan đã được quốc tế đã ghi nhận.

Theo trang web tin tức Stuff của New Zealand, vào ngày 15/3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố rằng đất nước của bà “sẽ theo dõi một cách sát sao hình mẫu Đài Loan”, bao gồm cả việc hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người.

Vào ngày 4/3, CDC Đài Loan đã công bố một bộ hướng dẫn đối với các cuộc tụ tập công cộng quy mô lớn, chẳng hạn như tầm quan trọng của việc thông gió tại các địa điểm trong nhà.

Vào ngày 18/3 , Bộ Ngoại giao Đài Loan, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, và Đại sứ quán Hoa Kỳ trên đảo quốc này, đã ra tuyên bố chung rằng Hoa Kỳ và Đài Loan sẽ tăng cường sự hợp tác trong việc ngăn chặn virus. Hai bên đã đồng ý hợp tác nghiên cứu và phát triển các xét nghiệm chẩn đoán nhanh và vaccine.

Cũng vào hôm thứ Tư (18/3), Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cho biết quan hệ đối tác mới với Hoa Kỳ sẽ bao gồm việc Đài Loan xuất khẩu sang Mỹ 100.000 khẩu trang bảo vệ mỗi tuần, khi đảo quốc này có đủ nguồn cung cho chính mình.

Ông Wu cho biết rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ cung cấp nguyên liệu để Đài Loan có thể chế tạo thêm 300.000 bộ quần áo bảo hộ, Theo Cơ quan Thông tấn Trung ương (do chính quyền điều hành) cho biết.

Trước mắt, ông Wu kêu gọi các nước khác thực hiện chiến lược dựa trên “nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chẳng hạn, cần nỗ lực ngăn chặn bệnh nhân nhiễm virus đi lang thang trong bệnh viện, và lây nhiễm cho những người đặc biệt dễ bị nhiễm virus, như là những người già và những người mắc bệnh tiềm ẩn. Ông kêu gọi các bệnh viện dựng lều tạm bên ngoài tòa nhà của họ để kiểm tra các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ông Wu cũng kêu gọi mọi người không kỳ thị đối với việc đeo khẩu trang bảo vệ của những người xung quanh, vì đó là một cách hiệu quả để hạn chế sự lây lan của virus. Ngoài ra, việc giữ khoảng cách với người khác và tránh tiếp xúc cá nhân trực tiếp cũng là những biện pháp hiệu quả, Wu nói thêm.

CDC Hoa Kỳ không khuyên đeo khẩu trang đối với các cá nhân khỏe mạnh và không biểu hiện triệu chứng của virus.

Vào tháng 5, Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO, sẽ tổ chức hội nghị lần thứ 73.

Ông Chao cho biết, sự tham gia của Đài Loan rất quan trọng đối với nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng WHA vẫn chưa mời đại diện đảo quốc này.

Vào đầu tháng 3, 16 nhà lập pháp Hoa Kỳ đã viết một bức thư chung gửi cho ông Ghebreyesus, kêu gọi đưa Đài Loan vào WHO.

Ông Chao nói: “Đài Loan vẫn có thể tổ chức các cuộc họp bên lề WHA nếu không được mời”.

Ông Chao kết luận “Việc đến tham gia các cuộc họp tổ chức tại Đài Loan (nơi vốn không được WHO chấp nhận) có thể hữu ích hơn so với việc tham gia vào các cuộc họp của WHO”.

Văn Thiện

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phản ứng nhanh chóng của Đài Loan cho phép đảo quốc này ngăn chặn thành công sự lây lan của COVID-19