Phong cách ngoại giao ‘chiến lang’ phản ánh sự căng thẳng và lo lắng của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Fiji tổ chức tiệc chiêu đãi Quốc khánh vào ngày 8/10, quan chức ngoại giao Trung Quốc không được mời nhưng đã tự ý xông vào và làm thương nhiều người khác. Truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng, phong cách "ngoại giao chiến lang" của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng gây ra nhiều tranh cãi, điều này cũng phản ánh sự căng thẳng và lo lắng của Bắc Kinh.

Hãng Thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan đưa tin, bà Natasha Kassam, một học giả tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy (Lowy Institute) và từng là nhà ngoại giao của Úc ở Bắc Kinh, nói rằng: “Đài Loan luôn là một vấn đề nhạy cảm [đối với ĐCSTQ], nhưng rõ ràng là nó đã được chú ý nhiều hơn trong vài tháng qua. Những gì đã xảy ra ở Fiji không liên quan gì đến Fiji, nhưng nó liên quan mật thiết đến tình hình hiện tại ở Bắc Kinh".

Bà Kassam cho rằng áp lực đổ lên các nhà ngoại giao Đài Loan phản ánh sự căng thẳng và lo lắng đang tăng lên mỗi ngày ở Bắc Kinh hiện nay.

Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), một cựu quan chức ngoại giao của ĐCSTQ đã quy hàng khi được cử đến Sydney, Úc vào năm 2005, nói với tờ The Washington Post rằng, từ năm 1994-1998 khi được cử đến Fiji, ông là thư ký cấp ba và vấn đề nhạy cảm nhất trong ngoại giao của Trung Quốc mà ông và đồng sự phải phụ trách là: Đài Loan.

Ông đã theo dõi sự hỗ trợ về y tế và nông nghiệp mà Đài Loan cung cấp cho quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương xa xôi này; theo dõi các tương tác giữa quan chức Đài Loan và Hoa kiều địa phương; cố gắng ngăn cản các quan chức Fiji tham gia tiệc chiêu đãi hàng năm vào "Ngày Quốc khánh 10/10" của Đài Loan và khuyến cáo các quản lý khách sạn địa phương không cho Đài Loan mượn địa điểm để tổ chức một sự kiện. Khi mọi nỗ lực đều thất bại, ông Trần chỉ có thể ngồi trong quán cà phê bên kia đường để quan sát xem ai đến tham dự.

Ông Trần nhớ lại: "Cùng lắm thì có đồng nghiệp can đảm đứng ở cửa và nhìn trộm, nhưng chúng tôi không bao giờ tự ý đột nhập". Ông cũng nói: "Trước đây chỉ cần báo cáo lên cấp trên những thông tin thu thập được, nhưng bây giờ còn phải thể hiện các hành động cho thấy tinh thần làm việc ‘tích cực’. Nếu bị coi là có thái độ tiêu cực, thì sự nghiệp của người đó sẽ gặp trở ngại".

Hôm 8/10, Đại sứ quán Trung Quốc tại Fiji đã cử nhân viên đến gây rối loạn buổi tiệc chiêu đãi ngày Quốc khánh 10/10 của Văn phòng đại diện Đài Loan, các nhân viên Đài Loan bị thương thậm chí còn có dấu hiệu bị chấn động. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) - ông Ngô Chiêu Tiếp (Wu Zhaoxie) đã lên án hành vi “chiến lang không văn minh” của chính quyền Trung Quốc.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều tranh luận về phong cách “chiến lang” của quan chức và nhân viên Trung Quốc. Ví dụ, năm ngoái Khổng Lâm Lâm (Kong Linlin), một nữ phóng viên của CCTV thường trú tại châu Âu, đã gây náo loạn tại cuộc họp thường niên của Đảng Bảo thủ Anh. Cô này đã hét lên những lời như "Một lũ rối", "Hán gian", "chống Trung Quốc"... và tát một du học sinh tình nguyện người Hong Kong, cuối cùng đã bị tòa án Anh kết tội hành hung mức độ thông thường, được hoãn thi hành án phạt một năm và phải bồi thường cho nạn nhân 2115 bảng Anh (khoảng 2784 USD).

Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2018 được tổ chức ở Papua New Guinea, các quan chức Trung Quốc không hài lòng với cách nói trong Thông cáo chung của các nhà lãnh đạo nên đã tự ý xông vào văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea - ông Rimbink Pato. Cuối cùng cảnh sát đã được cử đến hiện trường để xử lý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - ông Triệu Lập Kiên là một trong những quan chức có sở trường thực hiện chính sách “ngoại giao chiến lang" nhất. Trước kia khi được phái đến Pakistan, ông thường ‘khoe khoang’ về các "trại cải tạo" do ĐCSTQ thiết lập ở Tân Cương và công khai đối đầu với cộng đồng quốc tế. Ví dụ, ông Triệu từng đối đầu công khai với bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Kể từ đầu năm nay, sau khi trở thành Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, ông Triệu đã lớn tiếng ám chỉ rằng virus Viêm phổi Vũ Hán là do binh lính Mỹ mang sang Trung Quốc khiến chính quyền Tổng thống Trump vô cùng tức giận. Vào ngày 16/3 năm nay, Tổng thống Trump đã đăng Twitter và lần đầu tiên sử dụng tên gọi “Virus Trung Quốc” (China Virus). Vào thời điểm đó, ông Trump nói rằng: "Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Trung Quốc như ngành hàng không. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết!".

Đông Phương

Theo Scretchina.com

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phong cách ngoại giao ‘chiến lang’ phản ánh sự căng thẳng và lo lắng của Bắc Kinh