'Phong trào Đại Dịch thuật' bên ngoài Trung Quốc khiến Bắc Kinh lo lắng, đó là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Phong trào Đại Dịch thuật” (The Great Translation Movement) gần đây ở hải ngoại đang vạch trần những tuyên truyền đối ngoại sai trái của chính quyền Trung Quốc. Nó khiến chế độ này lo lắng và gọi đây là một cuộc chiến dư luận nhằm bôi nhọ Trung Quốc bởi "các thế lực phản Hoa".

Ông Akio Yaita là Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun – tờ báo có lượng phát hành cao thứ 7 ở Nhật Bản. Trong bài đăng ngày 5/4 trên Facebook cá nhân, ông cho biết khi ông còn là một phóng viên ở Trung Quốc, có rất nhiều người đã dịch các bài báo của truyền thông nước ngoài sang tiếng Trung và đưa chúng lên mạng nội địa Trung Quốc, nhưng những bài báo này thường bị xóa chỉ sau vài phút.

Còn “Phong trào Đại Dịch thuật” này thì ngược lại. Mọi người đang dịch các bài báo của các kênh truyền thông chính thống Trung Quốc sang tiếng nước ngoài và đăng tải chúng lên Internet hải ngoại. Chuyện này nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh, họ không có cách nào để xóa chúng. “Có thể nói là một tuyệt chiêu để đối phó với chính phủ chuyên chế”, nhà báo Akio Yaita nói.

Ông cho biết có rất nhiều bạn bè của ông đang tham gia vào hoạt động dịch thuật này. Những người tham gia đã phiên dịch các bài báo, bài bình luận liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine trên các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, v.v. Các bài chuyển ngữ này đã nhận được rất nhiều sự chú ý.

Ông lấy ví dụ, một số bài báo tuyên truyền đối nội của truyền thông đảng và nhà nước Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Nhật và được đặt ở vị trí nổi bật trên các diễn đàn của Nhật Bản. Nó cho phép độc giả và quan chức Nhật Bản thấy được thái độ thực sự của Bắc Kinh, từ đó sẽ giữ thái độ thận trọng hơn về các tuyên truyền đối ngoại của chính quyền này.

Phong trào Đại Dịch thuật là gì?

"Phong trào Đại Dịch thuật" là một phong trào mang tính quần thể trên Internet, được phát động sau khi Nga xâm lược Ukraine. Mục đích là dịch các nội dung liên quan trên Internet nội địa Trung Quốc sang tiếng nước ngoài để thế giới biết được lập trường thực sự của chính quyền Bắc Kinh. Các bài báo chuyển ngữ đã được lan truyền rộng rãi trên Twitter, Facebook và các diễn đàn hải ngoại.

"Phong trào Đại Dịch thuật" đã nhận được rất nhiều sự chú ý và khen ngợi ở nước ngoài, nhưng nó đã bị các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Nhân dân Nhật báo (People's Daily) bản hải ngoại, Hoàn Cầu (Huanqiu), v.v. vu khống là một cuộc chiến dư luận nhằm bôi nhọ Trung Quốc bởi "các thế lực phản Hoa".

Nhà dân chủ Đại lục Đổng Quảng Bình (Dong Guangping) nói với NTDTV rằng: "Có gì sai khi người ta dịch các bài báo, bài xã luận và bình luận của họ (ĐCSTQ) sang tiếng Anh? Giúp họ mở rộng tuyên truyền đấy chứ. Tại sao họ lại sợ mọi người biết? Nếu như họ ngay chính thì còn sợ người khác nói sao? Còn sợ thế lực nước ngoài sao?”.

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng tuyên truyền đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ luôn là hai hệ thống diễn ngôn. Bên ngoài Trung Quốc, nó ngụy trang và lừa dối, còn trong nước là kích động và tẩy não. Đó là bản sắc của ĐCSTQ, là tư tưởng thực sự của ĐCSTQ.

"‘Phong trào Đại Dịch thuật' đã đưa các nội dung mà ĐCSTQ dùng để tuyên truyền trong nước, thao túng “đội quân dư luận viên 50 xu” và kích động các “tiểu phấn hồng” ra nước ngoài. Điều này tương đương với việc vạch trần ý đồ thực sự của ĐCSTQ cho thế giới. Tất nhiên, nó khiến ĐCSTQ tức giận”, ông Đường nói.

Ông Hạ Nhất Phàm (Xia Yifan), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng "Phong trào Đại Dịch thuật" đã kéo lớp mặt nạ của ĐCSTQ xuống, phơi bày sự xấu xa và bất tín của nó ra thế giới.

“Phong trào Đại Dịch thuật” giúp thế giới hiểu hơn về cách cai trị tẩy não trong nước của ĐCSTQ

Ông Hoàng Tử Nhân (Huang Ziyin), một người làm truyền thông tự do, nói với NTDTV rằng, trước khi “Phong trào Đại Dịch thuật” xuất hiện, nhiều Hoa kiều quan tâm đến sự phát triển của Trung Quốc đã âm thầm làm công việc tương tự. Có thể nói “Phong trào Đại Dịch thuật” thực tế là một sản phẩm tất yếu trước chế độ kiểm duyệt ngôn luận của ĐCSTQ.

"Nếu không có những tiết lộ như vậy, hình tượng của ĐCSTQ sẽ luôn là khoác lên mình chiếc áo Khổng Tử (ý chỉ các Viện Khổng Tử ở nước ngoài, Mỹ từng tuyên bố đây là cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh) mà kiểm duyệt ngôn luận. 'Phong trào Đại Dịch thuật’ này có thể giúp mọi người ở nhiều quốc gia khác nhau nhận ra rằng quan niệm của người dân Trung Quốc lệch lạc đến mức nào khi nằm dưới sự cai trị tẩy não của ĐCSTQ. Các kênh truyền thông của ĐCSTQ đầy rẫy những lời dối trá, lẫn lộn trắng đen”, ông Hoàng nói.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

'Phong trào Đại Dịch thuật' bên ngoài Trung Quốc khiến Bắc Kinh lo lắng, đó là gì?