Phương tây chỉ nói suông, chế độ Bắc Kinh sẽ xoá sổ tiếng nói tự do cuối cùng ở Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những quốc gia dân chủ phải đoàn kết chống lại sự đàn áp nền tự do ở Hồng Kông, nếu không, sau này, chính họ sẽ đối mặt với bi kịch tương tự. Các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh trên toàn cầu, không chỉ bằng lời nói suông, là phản ứng cần thiết.

Các kênh truyền thông thực sự tự do cuối cùng của Xứ Cảng Thơm đang lần lượt sụp đổ dưới sức ép của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cảnh sát Hồng Kông đột kích Stand News vào 29/12. Việc san bằng hãng tin này, và việc đóng cửa "tự nguyện" của trang tin Citizen News vào 03/01, là hai chiếc đinh nữa đóng vào quan tài của nền dân chủ.

Những người ủng hộ nhân quyền và tự do ngôn luận đã thẳng thắn lên án việc đóng cửa Stand News, Citizen News, vụ loại bỏ Apple Daily trước đó, và việc RTHK và South China Morning Post (SCMP) bị bịt miệng. Hai hãng tin RTHK và SCMP ngày càng chỉ trích dè dặt, hoặc là chả chỉ trích gì luôn, khi nói đến chế độ Bắc Kinh và Hồng Kông.

Trong quá trình tấn công các phần tử ủng hộ dân chủ của Hồng Kông trong xã hội dân sự, Bắc Kinh đã tước đoạt đi những công dân trung thành nhất khỏi thành phố này. Người Hồng Kông đang bị bắt giam, hoặc khôn ngoan rời thành phố trước. Trong hầu hết các trường hợp, khi ở ngoài Hồng Kông, họ có thể đấu tranh cho tự do của thành phố mình hiệu quả hơn.

Trong những người hùng của Stand News bị bắt gần đây nhất có Denise Hà Vận Thi, một ngôi sao nhạc pop, thành viên hội đồng quản trị Stand News, và là công dân Canada.

Quốc tịch nước ngoài và thân phận người nổi tiếng của cô Hà cho thấy rằng, không ai được an toàn ở Hồng Kông. Các khoản đầu tư cũng chung số phận. Cảnh sát đã tịch thu mẻ lưới lớn nhất từ trước đến nay — gần 8 triệu USD — khi đóng cửa Stand News.

Cũng bị bắt trong cuộc đột kích tại Stand News còn có Patrick Lâm Thiệu Đồng, quyền Tổng biên tập; Louis Chung Phái Quyền, nguyên Tổng biên tập; Margaret Ngô Ái Nghi, từng là thành viên hội đồng quản trị; Châu Đạt Trí, một tác giả; Christine Phương Mẫn Sinh; và Trần Phái Mẫn, vợ của Louis Chung Phái Quyền và là cựu Phó tổng biên tập của Apple Daily.

Ronson Trần Lãng Thăng, Phó tổng biên tập Stand News, thì bị đưa đi thẩm vấn.

Một ngày trước đó, cảnh sát đã buộc tội xúi giục đối với tỉ phú sáng lập Apple Daily là Jimmy Lê Trí Anh, cùng với sáu nhân viên cấp cao. Trong năm qua, khoảng 50 tổ chức truyền thông độc lập ở Hồng Kông đã đóng cửa vì áp lực của ĐCSTQ.

Các nguyên tắc của Stand News chính là thông điệp cuối cùng của họ đến công chúng. Điều này được minh chứng bằng việc những người anh hùng này đã bị bắt giữ vì ủng hộ dân chủ. "Chính sách biên tập của Stand News là độc lập và cam kết bảo vệ các giá trị cốt lõi của Hồng Kông về dân chủ, nhân quyền, tự do, pháp quyền và công lý".

Ban biên tập Wall Street Journal viết, "Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể dung thứ cho báo chí tự do đưa tin về việc nó phá hủy nền tự do ở Hồng Kông, vì vậy nó đã vu khống các nhà báo của thành phố là tội phạm và là kẻ phản bội".

Nhưng những "kẻ phản bội" ​​này, trong một chế độ chuyên chế, là những anh hùng của nền dân chủ. Người ta nên khóc trước sự thất bại của họ, với hy vọng rằng họ có thể đứng lên lần nữa.

Các nhân viên cảnh sát tiến hành một cuộc đột kích tại văn phòng Apple Daily ở Hồng Kông ngày 17/06/2021. (Apple Daily qua Getty Images)

Mỹ, Đức, và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã lên án việc đóng cửa gần đây đối với các kênh truyền thông.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay lập tức kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) trả tự do cho các nhân viên của Stand News.

Ông nói: "Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông ngừng nhằm vào các kênh truyền thông độc lập và tự do của Hồng Kông, đồng thời trả tự do ngay lập tức cho những nhà báo và giám đốc điều hành của kênh truyền thông đã bị bắt giữ và buộc tội vô cớ". "Bằng cách bịt miệng các kênh truyền thông độc lập, CHND Trung Hoa và chính quyền địa phương làm suy yếu uy tín và khả năng tồn tại của Hồng Kông".

Đức cũng có cùng suy nghĩ. "Theo quan điểm của chúng tôi, các sự kiện này một lần nữa cho thấy sự xói mòn của chủ nghĩa đa nguyên, tự do quan điểm, và tự do báo chí ở Hồng Kông — đặc biệt là kể từ khi luật an ninh quốc gia này có hiệu lực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng, họ "lo ngại vì cuộc đàn áp không ngừng đối với không gian dân sự" ở Hồng Kông, nơi "được ràng buộc bởi Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và có nghĩa vụ pháp lý tôn trọng các quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt và tự do hiệp hội, cũng như đảm bảo thủ tục (tố tụng) hợp pháp".

Theo chính Liên Hợp Quốc, chế độ của Trung Quốc và Hồng Kông — thực ra hiện nay chỉ là một — đang vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhưng hai điểm quan trọng nhất mà các nhà bình luận đưa ra không phải là những lời lên án, những tuyên bố ủng hộ đơn thuần, hay nhận xét rằng Bắc Kinh đang vi phạm luật pháp quốc tế, điều mà hầu hết mọi người đều biết và phớt lờ vì thiếu sức mạnh quân sự cần thiết để bắt Bắc Kinh tuân theo.

Hai điểm chính đó là: cần có các hành động thống nhất của phương Tây, thay vì chỉ nói suông, trong việc ủng hộ Hồng Kông; và sự đồng lõa của những tinh hoa giới kinh doanh ở Hồng Kông trong việc phá hủy thành phố của chính họ.

Ban biên tập tờ Washington Post cho biết: "Việc bóp chết tự do báo chí ở Hồng Kông đã nối đuôi việc chống diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ vào nằm trong danh sách những lý do khiến Tổng thống Biden tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội", "cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Trung Quốc sẽ cần nhiều hơn nữa sự đoàn kết như vậy trong những năm tới".

Cựu thành viên Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông, Nathan La Quan Thông, đã trả lời phỏng vấn với kênh PBS khi đang sống lưu vong tự nguyện tại Luân Đôn. "Phương Tây phải hành động", anh La nói, "Cái mà chúng ta đang thiếu là một cuộc phản kháng được điều phối bài bản hơn rất nhiều, và các nước dân chủ cần sử dụng các cơ chế khác nhau từ nhiều phía để hợp tác cùng nhau".

Benedict Rogers, một nhà hoạt động nhân quyền và đồng sáng lập tổ chức Hong Kong Watch, đã viết: "Đã đến lúc chế độ ở Bắc Kinh và những tay sai bán nước của nó ở Hồng Kông phải trả giá vì đã phá hủy quyền tự do và lối sống của Hồng Kông. Lý do những vụ việc như vụ tấn công Stand News vẫn tiếp diễn là vì, cho đến nay, chế độ đó vẫn được phép gây ra những vi phạm như thế mà không bị trừng phạt".

Theo ông Rogers, Mỹ là chính phủ duy nhất thực sự đi xa hơn lời nói để áp đặt các biện pháp trừng phạt với chính quyền Trung Quốc, do vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984, một hiệp ước quốc tế được ghi nhận tại Liên Hợp Quốc.

Nhưng Mỹ không thể một mình chấn chỉnh Bắc Kinh. Nếu các quốc gia khác không tự nguyện noi theo, Mỹ sẽ buộc phải khoanh tay đứng nhìn, hoặc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực ngoài lãnh thổ Mỹ.

Rogers viết: "Đây không phải là một chế độ tôn trọng các tuyên bố không thôi, mặc dù vậy, chúng ta phải tiếp tục lên tiếng". "Nhưng đó là một chế độ chỉ hiểu ngôn ngữ của sức mạnh và hành động. Vì vậy, các nền dân chủ, nếu chúng ta vẫn tin tưởng vào tự do báo chí và các quyền cơ bản khác của con người, thì phải đoàn kết và phối hợp các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và có mục tiêu, để làm rõ rằng, cuộc tấn công vào Hồng Kông là không thể chấp nhận được".

Tất cả những vấn đề về Hồng Kông này đều mang đến bài học cho phần còn lại của thế giới. Những quốc gia còn lại phải cùng nhau hành động chống lại ĐCSTQ, nếu không, có nguy cơ nền dân chủ ở Mỹ, Châu Âu, và mọi nơi khác sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn.

Nếu thế giới cho phép Bắc Kinh làm loạn bằng cách từ bỏ Hồng Kông mà không có nổi một cuộc đấu tranh nào hết, thì sau này, chúng ta thậm chí sẽ còn yếu đuối hơn nữa khi phải bảo vệ các quyền tự do của chính mình.

Tác giả bài bình luận Anders Corr hoàn thành bằng Cử nhân, Thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001), và bằng Tiến sĩ về Chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc. — nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk). Ông cũng đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Những cuốn sách mới nhất của ông là "Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống phân cấp, và Quyền bá chủ" (2021), và "Các quốc gia có thế lực lớn, Các chiến lược rất lớn: Cuộc chơi mới ở Biển Đông" (2018).

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:

 

 



BÀI CHỌN LỌC

Phương tây chỉ nói suông, chế độ Bắc Kinh sẽ xoá sổ tiếng nói tự do cuối cùng ở Hong Kong