‘Quả bom’ trước Phiên họp lần thứ 6 Bộ chính trị TQ: Cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ bị tố cáo tấn công tình dục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức thuộc hàng ngũ cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa bị nạn nhân tố cáo tấn công tình dục trên Weibo. Bài viết thậm chí còn trụ được 20 phút rồi mới bị chặn. Những người am hiểu tình hình ở Trung Nam Hải đều hiểu rằng, nếu không có sự đồng ý hoặc thậm chí bí mật hỗ trợ từ các quan chức cấp cao, vụ bê bối tấn công tình dục “cấp quốc gia” như vậy sẽ không thể lọt qua hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của ĐCSTQ.

Vận động viên quần vợt nổi tiếng Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai), người đã giành chức nữ vô địch thế giới, đã đăng một bài viết dài nghìn ký tự trên Weibo vào tối muộn ngày 2/11 tố cáo ông Trương Cao Lệ, nhân vật số 7 trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 18, Cựu Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, đã tấn công tình dục cô.

Ông Trương hơn cô Bành tới 40 tuổi. Cô nói rằng, vợ của ông Trương là bà Khương Khiết (Kang Jie) thậm chí còn đứng ngoài cửa giúp ông ta canh chừng. Sau khi tin tức nổ ra, nó đã gây chấn động quốc tế và được gọi là một vụ bê bối tình dục “cấp độ bom hạt nhân”.

Nữ tướng quần vợt Bành Soái. (Fred Lee/Getty Images)
Nữ tướng quần vợt Bành Soái. (Fred Lee/Getty Images)

Sau khi bài viết này được đăng khoảng 20 phút, thì nó đã bị cơ quan quản lý mạng xóa, các cuộc thảo luận liên quan cũng liên tục bị xóa. Đến khoảng 11h00 đêm ngày 2/11, mạng Internet Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh việc chặn tất cả những nội dung có liên quan đến Bành Soái và Trương Cao Lệ; chủ đề “quần vợt” trên Weibo cũng bị kiểm duyệt, lời dẫn trên trang Douban của phim Hàn Quốc “Thủ tướng và tôi” cũng bị gỡ.

Hiện tại chưa thể chứng thực những cáo buộc của Bành Soái có phải đúng sự thực hay không, bản thân ông Trương Cao Lệ cũng không ra mặt hồi đáp vấn đề.

Khi phóng viên Bloomberg đặt câu hỏi liên quan tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Uông Văn Bân bối rối nói: “Tôi chưa nghe nói về nó, và đó không phải là vấn đề ngoại giao”. Tổng cục Thể thao Trung Quốc cũng không trả lời vấn đề này, nói rằng sẽ gửi yêu cầu bình luận qua fax. Bloomberg cho biết rằng không thể liên lạc với cô Bành hoặc ông Trương để trả lời về sự việc này.

Bài tố cáo dài nghìn ký tự đăng vào tối muộn ngày 2/11 trên tài khoản Weibo có dấu xác nhận của cô Bành Soái. (Ảnh chụp màn hình)
Bài tố cáo dài nghìn ký tự đăng vào tối muộn ngày 2/11 trên tài khoản Weibo có dấu xác nhận của cô Bành Soái. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoại giới phỏng đoán rằng, vụ bê bối cấp quốc gia như vậy bùng nổ vào thời điểm này có thể liên quan đến trận chiến quyết định mà ông Tập Cận Bình đang đối đầu với bè lũ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng (Giang - Tăng). Mà nhân vật bị réo tên lần này - Trương Cao Lệ - lại là một nhân vật chủ chốt trong phe Giang. Thời điểm xảy ra vụ việc nhạy cảm đến mức khiến ngoại giới không ngừng suy đoán về động thái sắp tới của phe đối lập với ông Tập.

Ông Trương Cao Lệ là ai?

Ông Trương Cao Lệ, 75 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Phúc Kiến và đã làm việc trong một công ty dầu mỏ hơn mười năm. Ông tự nhận mình xuất thân là một công nhân bốc vác và sau đó bước chân vào chính trường. Ông là một thành viên quyền lực của "băng đảng dầu mỏ" trong phe Giang.

Điều ngoại giới ấn tượng nhất về Trương Cao Lệ là khi Giang Trạch Dân, lúc đó đã nghỉ hưu, đi du lịch đến núi Thái Sơn ở Sơn Đông, ông Trương đã "tháp tùng" Giang trên chiếc kiệu 8 người khiêng. Khi đó ông Trương đang là Bí thư tỉnh ủy Sơn Đông.

Sau đó vào tháng 10/2007, ông Trương bước chân vào Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 18 vào tháng 11/2012, Trương Cao Lệ và Lưu Vân Sơn đã được Giang Trạch Dân đưa vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị để đối đầu với ông Tập Cận Bình, người vừa mới lên nắm quyền.

Vào tháng 10/2017, sau vụ nổ ở Thiên Tân và các vụ bê bối khác, Trương Cao Lệ từ chức Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đến năm 2018 ông thôi giữ chức Phó Thủ tướng và chính thức nghỉ hưu.

Giang Trạch Dân và đám thân tín hủ bại

Dưới thời của Giang, nếp sống của giới quan chức trở nên bại hoại, nhất là đám thân tín của ông ta, gồm các quan chức cấp phó quốc gia trở lên đã ngã ngựa như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu… Có thể nói Giang Trạch Dân là người đứng đầu trong “phong trào” dâm loạn này, những bê bối của ông ta với các tình nhân như Tống Tổ Anh, Lý Thụy Anh, Trần Chí Lập, Hoàng Lệ Mãn, v.v. đã được biết đến từ lâu.

Theo thông tin công khai, bà Tống Tổ Anh là một ca sĩ tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc Trung Quốc. Bà nhập ngũ năm 1991 và trở thành đảng viên ĐCSTQ năm 1999. Tiểu Mỹ (bí danh) - một nữ binh thân cận và đi theo bà Tống Tổ Anh 5 năm đã nghe bà Tống kể lại rằng: “Đa số các nữ chiến sĩ muốn được đề bạt làm cán bộ trong đoàn văn công của quân khu Bắc Kinh và hải quân đều đã qua tay Giang Trạch Dân một lượt, cũng chính là do tay trong mà Giang sắp xếp trong quân đội gửi ảnh (của các nữ chiến sĩ) đến văn phòng của ông ta, Giang thấy ai thuận mắt thì sẽ triệu tập đến chỗ ở, sau một đêm dâm loạn nếu vẫn chưa thỏa thuê thì sẽ còn truyền gọi nhiều lần, đến khi nào chán mới thôi”.

Khi Giang còn nắm quyền, ông ta còn làm hẳn một ngành công nghiệp đồi trụy, ngay cả các trang web của nhà nước cũng chứa đầy nội dung sắc tình, mà ô dù bảo vệ cho ngành công nghiệp này lại chính là các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, thậm chí có cả quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị và pháp luật.

Theo ngoại giới phân tích, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương khóa 19 sẽ được tổ chức vào tuần tới, ĐCSTQ sẽ thông qua nghị quyết lịch sử mới nhất để củng cố quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Lúc này, ông Trương Cao Lệ, người thuộc phe Giang Trạch Dân, lại bị nghi dính líu tới một vụ bê bối tấn công tình dục. Đây có thể là lời cảnh báo của chính quyền ông Tập đối với các đối thủ chính trị.

Nghị quyết mang tính lịch sử

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 11 tới đây.

Theo tin tức tổng hợp từ các kênh truyền thông, trong lịch sử, ĐCSTQ đã từng thông qua hai nghị quyết lịch sử vào năm 1945 và 1981. Cả hai văn kiện đều được đề xuất vào thời điểm mà ĐCSTQ đang đứng trước một bước ngoặt lớn, đồng thời cũng xác lập địa vị của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Năm nay, Phiên họp toàn thể lần 6 của khóa 19 sẽ xem xét nghị quyết mang tính lịch sử lần thứ ba.

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), đồng Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Trung Quốc, chỉ ra trong một video trực tuyến rằng, sau bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong chuyến công du phía Nam năm 1992, chính sách cải cách và mở cửa đã được thực hiện toàn diện. Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, nhưng trong quá trình đó cũng xuất hiện nhiều nhóm lợi ích lũng đoạn quyền lực xã hội và các nguồn lực kinh tế. Tập đoàn Giang Trạch Dân là một trong số đó.

Ông Vương nói rằng, các hành động chống tham nhũng và càn quét băng đảng của ông Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền đã nhắm trực tiếp vào các thế lực này. Ông còn chỉ ra rằng, nếu ông Tập Cận Bình muốn thu phục Tập đoàn Giang Trạch Dân, thì việc bắt được hai con hổ lớn là Giang và Tăng không quan trọng bằng việc lọc sạch tất cả tay sai mà thế lực đối lập đã cài cắm trong bộ máy.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nói chuyện với người tiền nhiệm Giang Trạch Dân khi họ dự một lễ duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 03/09/2015. (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) nói chuyện với người tiền nhiệm Giang Trạch Dân khi họ dự một lễ duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 03/09/2015. (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Trận chiến sinh tử của ông Tập Cận Bình

Kể từ đầu năm nay, sau khi dịch bệnh ở Trung Quốc có vẻ dịu bớt, thì lại xuất hiện một thế lực liên tục thao túng các kênh truyền thông tiếng Trung và tiếng Anh trong và ngoài Trung Quốc để làm rộ lên cuộc chiến ở eo biển Đài Loan.

Nhưng về vấn đề Đài Loan, gần đây ông Tập đã đưa ra hai tuyên bố rất rõ ràng: Ngày 5/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng ông đã nói chuyện với ông Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan, và hai người nhất trí tuân theo thỏa thuận Đài Loan. Vào ngày 9/10, khi ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi năm 1911, ông chỉ nói rằng "kiên trì thống nhất hòa bình" mà không có một chữ nào đề cập đến việc thống nhất bằng vũ lực.

Tiến sĩ Vương Hữu Quần (Wang Youqun) từng là người soạn bản thảo cho ông Úy Kiện Hành - cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ. Về việc dùng vũ lực tấn công Đài Loan, Tiến sĩ Vương viết bài bình luận rằng, ở cấp cao nhất của ĐCSTQ, những người hy vọng có thể ngay lập tức tấn công quốc đảo chính là các đối thủ chính trị lớn nhất của ông Tập - phe Giang và Tăng.

Ông chỉ ra rằng, phe đối thủ đã tạo ra dư luận để khiến ông Tập rơi vào rắc rối lớn trong vấn đề Đài Loan và để ông Tập đối chọi với Hoa Kỳ. Sau đó, Giang - Tăng liên thủ với “những người bạn cũ” ở Phố Wall để trừ khử ông Tập và đưa người của mình lên. Rồi đem tất cả những việc làm xấu xa của họ đổ lên đầu ông Tập và hâm nóng lại giấc mơ xưa về việc Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng chung tay "làm giàu trong im lặng". Đây có lẽ là nguyện vọng lớn nhất hiện giờ của Giang và Tăng.

Hiện tại, ở nước ngoài, các kênh truyền thông chính thống của phương Tây vây kích ông Tập, nhưng lại không đề cập đến tội ác mổ cướp nội tạng từ người sống của bè lũ Giang - Tăng. Ông Tập đã bị cộng đồng quốc tế cô lập, ông cũng biết rõ điểm này nên đã không rời đất nước trong hơn 700 ngày kể từ sau đại dịch Vũ Hán bùng phát; ở trong nước, ông đang đối mặt với nguy cơ mà các nhóm đảo chính của Giang và Tăng sẵn sàng lật đổ hoặc thậm chí ám sát ông. Ông Tập đang trong thế bốn bề là giặc, kẻ thù chính trị liên tục tung tin thất thiệt, còn truyền thông quốc tế thì tuyên truyền ông là kẻ độc tài nhất thế giới hiện nay.

Có lẽ cách duy nhất để ông Tập Cận Bình giải quyết khó khăn là noi gương Liên Xô trước đây và giải thể ĐCSTQ, chứ không phải làm con dê thế tội thay cho hai ‘vua hổ’ Giang - Tăng.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo Hoàng Thanh - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Quả bom’ trước Phiên họp lần thứ 6 Bộ chính trị TQ: Cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ bị tố cáo tấn công tình dục