Đã có quá nhiều lời nói dối từ Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi được hỏi về bài học từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chứa đựng đầy những lời nói dối. Những lời dối trá này cần phải được nhận ra và bác bỏ trước khi người ta tin rằng chúng là sự thật.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cực kỳ giỏi trong việc thao túng ngôn từ. Nỗ lực mới nhất của đảng này là một tuyên bố vào ngày 24/03 của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc - Đại tá Ngô Khiêm (Wu Qian); trong đó bao gồm nhiều thủ thuật ngôn ngữ được sử dụng liên tục trong những đoạn văn ngắn.

Ví dụ, các phóng viên phương Tây đã hỏi về bài học kinh nghiệm từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga: “Thứ nhất, nếu Trung Quốc noi gương Nga và phát động cuộc chiến chống lại các nước láng giềng, cộng đồng quốc tế sẽ phải đưa ra các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. [Thứ hai,] nếu một cuộc tấn công vô cớ xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương, các quốc gia trong khu vực sẽ đoàn kết để chống lại. Thứ ba, Trung Quốc sẽ khó phát động chiến tranh chống lại các nước láng giềng do yếu tố địa hình. Xin vui lòng đưa ra ý kiến ​​về những điều này?".

Câu trả lời thật đáng kinh ngạc bởi sự dối trá trong đó:

“Như chúng ta đã biết, Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách quốc phòng toàn dân và chiến lược quân sự phòng thủ tích cực; đề cao quan điểm ngoại giao thân thiện, chân thành, cùng có lợi và bao trùm; đồng thời cam kết xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai chung với các nước láng giềng. Kể từ khi thành lập Trung Quốc Mới, chúng tôi chưa bao giờ xâm lược các quốc gia khác, không bao giờ tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, không bao giờ tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng, và không bao giờ tham gia vào các cuộc đối đầu quân sự”.

Đã có quá nhiều lời nói dối từ Đảng Cộng sản Trung Quốc
Đại tá Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói về sự phát triển của Quân Giải phóng Nhân dân tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện ở Bắc Kinh, ngày 24/07/2017. (Ảnh: Simon Song / South China Morning Post qua Getty Images)

Vấn đề là, như Luke Skywalker trong Star Wars đã từng nói, mọi thứ trong đó đều là dối trá. Đây là lý do tại sao:

'Phòng thủ tích cực'

Vấn đề đầu tiên là “phòng thủ tích cực”. Trên thực tế, cụm từ này có nghĩa là Trung Quốc theo đuổi các cuộc tấn công phủ đầu. Có lẽ không có bất kỳ quốc gia láng giềng nào muốn xâm lược Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với các đảo tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời muốn điều chỉnh biên giới trên bộ, chẳng hạn như biên giới với Ấn Độ.

Vị trí địa lý của các địa điểm tranh chấp cho thấy một Trung Quốc mạnh mẽ đang vận động cơ bắp và bành trướng — chứ không phải một Trung Quốc sẵn sàng rút vào nội địa để câu giờ cho một cuộc phản công quyết định. Điều này càng rõ ràng hơn khi chúng ta nghiên cứu về ĐCSTQ kể từ khi đảng này lên nắm quyền. Do đó, chúng ta nên giải thích cụm từ "phòng thủ tích cực" của Bắc Kinh là một cuộc tấn công phủ đầu.

‘Thân thiện, chân thành, cùng có lợi’

Tuyên bố này thật nực cười vì chế độ Trung Quốc có mối quan hệ hung hăng với mọi nước láng giềng. Cả Việt Nam và Philippines đều có những chính sách chống lại Mỹ. Nhưng chính sách của Trung Quốc quá hung hăng khiến một số nước láng giềng xích lại gần Mỹ. Úc có thể là ví dụ điển hình làm suy yếu tuyên bố ‘thân thiện, chân thành, cùng có lợi’ của ĐCSTQ.

Việc Úc chuyển hướng sang Mỹ và tăng chi tiêu quốc phòng đã được lên kế hoạch kể từ năm 2018. Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Úc, sự ủng hộ của Úc đối với các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong, và việc Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19 (và ngụ ý về lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm Vũ Hán) đã dẫn đến sự trả đũa của Trung Quốc đối với Úc.

Các phát ngôn viên của ĐCSTQ trở nên hiếu chiến hơn và Bắc Kinh đã thiết lập một loạt thuế quan đối với các sản phẩm của Úc, bao gồm than đá, thịt bò, lúa mạch, rượu vang, bông và tôm hùm. Úc đã xuất khẩu hàng hóa của mình đi nơi khác, trong khi các thành phố của Trung Quốc lại trong tình trạng thiếu nhiên liệu.

Những điều này đã dẫn đến một cuộc ăn miếng trả miếng giữa hai cường quốc. Úc đã tăng ngân sách quốc phòng; trong khi ĐCSTQ tăng cường bình luận về các cuộc tấn công người Trung Quốc mà được cho là phân biệt chủng tộc của Úc, hoặc gửi tàu chiến đến gần Úc. Úc thông báo sẽ mua và đưa vào sử dụng các tàu ngầm hạt nhân thông qua một liên minh mới với Mỹ và Vương quốc Anh. Đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân trong vòng 50 năm. Một số nhà phân tích cho rằng đây là quan hệ đối tác quân sự quan trọng nhất trong khu vực kể từ Thế chiến II.

'Không bao giờ xâm lược các quốc gia khác'

Hầu hết các cuộc xâm lược của Trung Quốc đều trên vùng lãnh thổ tranh chấp, nên về mặt kỹ thuật, họ có thể bẻ cong sự thật và tuyên bố rằng họ chỉ đang giải quyết vấn đề nội bộ. Đây là lập luận mà giới chức ĐCSTQ thường đưa ra về Đài Loan.

Nhưng về mặt lịch sử, phòng thủ tích cực có nghĩa là các cuộc xâm lược phủ đầu.

Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh tấn công phủ đầu lên các nước láng giềng. Năm 1950, khi nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc cần nhiều năm để phục hồi, lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông đã phát động một cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ ở Triều Tiên gần biên giới Trung Quốc.

Vài năm sau, những người cộng sản chiếm giữ một số hòn đảo do Đài Loan kiểm soát, và Mao Trạch Đông muốn chiếm nốt phần còn lại của hòn đảo. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của quân đội Mỹ mà hành động đó mới bị ngăn chặn. Tất nhiên, ĐCSTQ cho rằng sự can thiệp của Mỹ là một “sự leo thang gây hấn”.

ĐCSTQ đã lao vào cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ vào năm 1962 và với Liên Xô trên sông Ussuri năm 1969. Đảng này cũng tiến hành một cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam vào năm 1979, bắt đầu bằng việc chiếm đóng phủ đầu lãnh thổ tranh chấp.

Một số cuộc xung đột khác kéo dài hơn và chính thức hơn; nhưng chúng diễn ra theo một mô hình mà ở đó ĐCSTQ sẽ chiếm đoạt trước vùng lãnh thổ đang tranh chấp, bảo vệ nó trước sự phản công, và thực hiện đàm phán trong khi vẫn giữ được lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ.

Đã có quá nhiều lời nói dối từ Đảng Cộng sản Trung Quốc
Lính Trung Quốc đứng gác trên lãnh thổ Trung Quốc ở khu vực Nathu La nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, ngày 10/7/2008. (Ảnh: Dipendu Dutta / AFP qua Getty Images)

'Không bao giờ tham gia chiến tranh ủy nhiệm'

Đây là một lời nói dối trắng trợn. Trung Quốc đã hỗ trợ lực lượng cộng sản Việt Nam chống lại Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

ĐCSTQ cũng đã cố gắng từ chối trách nhiệm về Chiến tranh Triều Tiên bằng cách khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc bại trận dẫn đầu cuộc tấn công và gán cho họ là “những người tình nguyện”. Đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war).

'Không bao giờ tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng'

Điều này về mặt kỹ thuật có thể đúng nhưng chủ yếu là trò chơi chữ. Một nghiên cứu sơ lược về lịch sử cho thấy các triều đại như nhà Hán, nhà Đường và nhà Tống đã luôn cố gắng khẳng định sức mạnh tại một số khu vực như Hàn Quốc, Việt Nam và các dân tộc trên thảo nguyên.

Không có gì đáng ngạc nhiên, khi ĐCSTQ giành được quyền lực vào năm 1949, đảng này đã tái khẳng định quyền lực của họ đối với các vùng lãnh thổ đó. Bắc Kinh làm như vậy dưới chiêu bài điều chỉnh các hiệp ước bất bình đẳng của các cường quốc thực dân phương Tây.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Morgan Deane là cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, một nhà sử học quân sự và một cây viết tự do. Ông học tại Đại học Kings’ College London và Đại học Norwich; hiện là Giáo sư lịch sử quân sự tại Đại học Công lập Mỹ. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm, trong đó có "Các trận đánh quyết định trong lịch sử Trung Quốc" (Decisive Battles in Chinese History). Các bài phân tích quân sự của ông được xuất bản trên nhiều ấn phẩm.

Xuân Hoa



BÀI CHỌN LỌC

Đã có quá nhiều lời nói dối từ Bắc Kinh